Những dòng lịch sử, âm thầm chảy trong lòng đất Việt

qua tiểu thuyết  “Đất và Máu” của tác giả Đặng Huỳnh Thái                                                 

                                                     Nhà văn Vũ Thảo Ngọc

Ngay ngoài bìa cuốn sách, tác giả đã đưa ra thông điệp: “Mỗi thửa đất của tổ tiên để lại, nuôi một gia đình muôn triệu năm. Trên thửa đất này, trồng lúa ra cơm ra rượu, trồng rau quả làm thực phẩm, trồng cây lấy gỗ làm nhà, trồng bông dệt vải mà mặc, chăm nuôi súc vật làm sức kéo, lấy thịt thuộc da…Cứ đời này truyền qua đời khác, vĩnh viễn không bao giờ dứt…Thế mà bao nhiêu cuộc tranh giành diễn ra triền miên…”

Đó là một cuốn tiểu thuyết dày dặn cả về chữ nghĩa và tư liệu. Một thời đoạn lịch sử tại làng quê Thái Bình được tác giả Đặng Huỳnh Thái khắc họa rất dữ dội. Một thời khắc tranh tối tranh sáng – khoảnh khắc lịch sử đặc biệt của dân tộc- là  chế độ xã hội phong kiến và hai kẻ xâm lăng là đế quốc Pháp và phát xít Nhật đã đặt bước chân kẻ xâm lược vào giữa trái tim làng quê nghèo khó. Những chân dung của đám chức dịch trong làng, chân dung những kẻ bần cùng, một khoảnh khắc của  lịch sử làng được tác giả tái hiện khá chi tiết và bề bộn phận người rẻ rúng, oan khuất, đau thương và cô độc. Là những cuộc chạy trốn của đám dân đen vì không sống nổi với đám chức dịch trong làng hà hiếp. Là cuộc trốn chạy không có đích đến và chết đói, cảnh chết đói tác giả đã khắc họa một góc hình ảnh nạn đói năm 1945 tại Thái Bình, cái chết tức tưởi của những người dân nghèo khổ, chết vì đói! Đọc đến đoạn này mà xa xót cho những cảnh đời, cho dân tộc khi bị  xâm lăng.

Cuốn tiểu thuyết bộn bề tư liệu sống, lại kéo dài thời gian có đến trên dưới cả thế kỷ. Thật sự đọc được cuốn sách này không hề dễ, vì phải hệ thống được tinh thần mà nhà văn gửi gắm. Là bạn đọc, bạn viết, tôi chỉ xin điểm đến những cống hiến của ông cho văn học nước nhà thông qua  cuốn tiểu thuyết mang nặng số phận lịch sử dân tộc, của một tác giả – nhà văn –  với cuốn tiểu thuyết  có cái tên đã rất dữ dội “Đất và máu!”

Đó là ghi nhận sự lao động chữ nghĩa nghiêm cẩn của ông. Sự lao động bằng trí lực của ông – một trí tuệ ở tuổi 80 mà quá giỏi với tài xử lý tư liệu để cho ra ngần ấy trang sách, ông còn dùng cả tiếng Pháp khi nhân vật là người Pháp, tôi thấy vô cùng ngạc nhiên vì ông có một hàm lượng kiến văn khá rộng và sâu sắc. Và tôi nghĩ, nếu bạn đọc ít kiên nhẫn sẽ không thể đọc mà thẩm thấu hết được pho tiểu thuyết 800 trang này…. Cùng với tiểu thuyết này, năm 2017 ông đã hoàn thành việc chuyển đổi bộ phim tư liệu “Vùng mỏ, con người và lịch sử” từ phim nhựa sang kỹ thuất số. Bộ phim được tặng cho Tỉnh Ủy Quảng Ninh và Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam lưu giữ và làm tài liệu học tập cho thế hệ trẻ