Đúng hẹn, chiều Sen và Na sang đón Bà Tiên. Bốn chị em, Hạnh, Sen, Na và Đào rì rầm trò chuyện dưới nhà ngang. Bọn trẻ vẫn mê mải ô ăn quan. Hạnh thân mật nói :

– Chị thì ở xa, các em ở gần, năng sang giúp chị cơm nước cho thầy và các em nhé.

– Vâng. Sen nói. ngày chúng còn nhỏ, chị đị trực chiến, em đảm đang tất, hai tay hai đứa chui hầm tránh đạn. Khổ ơi là khổ.

– Chị biết. Cám ơn các em. Bây giờ hết bom, hết đạn các cụ lại già, không người chăm sóc.

Na cắt ngang:

– Hay là…

– Gì vậy? Hạnh hỏi nhanh.

– Dạ, các dì các chị đừng cười – nhìn trước nhìn sau, Na mạnh dạn – Để các cụ ở chung với nhau đi, cho vui.

Sen tiếp lời:

– Em thấy được đấy chị ạ. Những ngày Bà Tiên mệt, Thầy luôn gần bà, cho uống thuốc, xoa bóp, an ủi. Lúc ấy bà vui lắm, có lần ăn được hai lưng cơm đấy.

Đào, rụt rè nói:

– Cháu không được gần nhiều, nhưng hôm nay thấy bà vui, quý ông lắm, toàn gắp thức ăn cho ông.

Hạnh:

– Các cụ ngày xưa đã dạy. Con chăm cha, không bằng bà chăm ông. Để chị lựa lời xem sao nhé.

Thấy tiếng Bỗng ngoài sân, Thầy gọi:

– Anh Bỗng đâu, cả cái Đào nữa, lên đây tôi hỏi.

Bỗng hoảng, lại có chuyện gì đây, rụt rè bước vào. Đào theo sau, nhưng vững tâm hơn vì có các chị đi cùng. Thầy nhẹ nhàng:

– Hôm nay có mặt cả nhà, Thầy hỏi thật, các cháu Bỗng và Đào, hai đứa có thương nhau không?

Hai người lúng túng, mặt Đào đỏ ửng, khắp người nhột nhột như kiến bò. Bỗng nhanh nhảu thưa:

– Thưa Thầy, thưa Bà, con… chả biết nói như thế nào ạ.

Thầy cười:

– Bên ngoài thì thao thao bất tuyệt, việc của mình mà không biết là thế nào? Mày như bị phải lòng mặt, vắng nó một tý là bồn chồn, làm việc gì cũng hỏng.

– Vậy, con thương lắm ạ, đêm nào cũng quạt đuổi muỗi cho em ấy ngủ.

Cả nhà cười ầm, Đào đấm lưng Bỗng thùm thụp.              

Bà Tiên khuyên giải:

– Đào ạ, cháu là con gái, áo rách phải giữ lấy lề. Hai đứa đều cảnh cơ hàn, nơi nước đọng bùn lầy. Hãy đùm bọc thương lấy nhau.

Thầy:

– Ý cái Đào thế nào?

– Ông, Bà dạy sao cháu xin làm vậy ạ.

– Thế thì thế này. Thầy bấm ngón tay tính ngày. Tang bố mẹ chồng mãn rồi. Tang chồng là ra giêng. Ngày mai cứ đi học, ra giêng ngày rộng tháng dài về làm lễ cưới. Hiểu chửa?

– Cháu hiểu rồi ạ.

Thầy quay sang Na và Sen nói: 

– Nhà trường có giấy gọi rồi. Cái Đào trở lại học. Phúc đức lắm. Ngày mai Na dẫn em lên chợ, may cho nó bộ quần áo, kiểu mới, không may váy, đời sống mới phải mặc quần hai ống. Chịu khó mà học “Ấu nhi vô học, lão vô văn/ Tự thán khu khu lão tử thân…” CụPhan Phù Tiên đời xưa đã dạy như vậy. Lúc nhỏ mà không học, lúc già không được ai biết đến. Hiểu không?

Bà Tiên tiếp lời :

– Hết bao nhiêu bà cho. Con Sen, xúc yến thóc, bán lấy tiền, sắm cho nó tươm tất. Người ta không cười cháu, mà cười chúng tao, đây này?

– Dạ…ạ…

Chỉ nói được thế, nước mắt Đào trào ra. Những lời yêu thương, đã chạm đến nỗi đau sâu thẳm tận đáy lòng. Đào tưởng rằng, cuộc đời non trẻ của mình sẽ chấm dứt tại đây. Giặc dã, tranh giành đất đai, không phải chỉ người lớn gánh chịu. Trẻ con còn nhận hậu quả nặng nề hơn, kỳ thị, chặn đủ đường, chặn cả tương lai. Không cho chúng được đi học, không được lấy vợ, lấy chồng, không có công ăn việc làm…

May thay, Thầy và Bà Tiên đã dang tay cứu vớt. Bà biết, bố chồng Đào đã chém đầu Ông Tiên – chồng bà. Đầu rơi máu chảy, hận thù muôn kiếp. Nhưng Bà rộng lượng, bao dung, coi Đào như con cháu, nuôi ăn học. “Lấy nhân nghĩa, thắng hung tàn”. Tất cả qua đi, tình yêu thương ở lại.

Đào quỳ xuống vái lạy:

– Cháu mồ côi từ bé, cha mẹ chết trong nạn đói. Lấy chồng, chồng chết, cha chết, cháu mồ côi một lần nữa, quấn trên đầu mấy tầng khăn trắng. Kẻ côi cút, chơi vơi, được Ông, Bà dang tay cứu vớt. Cháu xin cúi đầu, đội ơn Ông, Bà.

Thầy xua tay nói:

– Đứng dậy, cháu nghĩ thế, tốt. Ông, Bà đã cảm thông, vị tha, đó là món quà tặng quý giá nhất trên đời.   

Na ôm Đào vào lòng. Lau nước mắt cho em, nhưng hai má mình ướt đẫm. Thầy quay đi, tĩnh lặng, chỉ còn nghe thấy âm điệu, thân tình, văng vẳng:   

– Cháu thấy đấy, chị Na, chị Sen, tất cả chúng ta trên quả đất này đều đau khổ, và chỉ có thể tự mình vươn lên. Ngã ở đâu đứng lên ở đó. Nếu không vượt qua chính mình,  không ai giúp mình, làm được điều đó.

3

Mọi người về hết, hai thầy trò nán lại, bàn tiếp câu chuyện còn dang dở. Thầy ngồi bó gối trầm ngân:

– Hạnh ạ. Cái Đào lên trên đấy, con luôn để mắt, bảo ban nó.

Hạnh ngừng tay dọn dẹp, cất mấy miếng trầu vào cơi, đậy nắp lại, thưa:

– Dạ, con biết rồi ạ. Mấy tháng nữa mới cưới, con chỉ sợ…

  – Thầy có cách. Cho thằng Bỗng đi đánh bắt xa bờ với anh Thuận, dăm chuyến, mỗi chuyến hàng tháng, thừa sức, lại có thêm tiền sắm sửa.

– Công việc của nó, ai thay ạ?

– Đã có thằng Nho, cũng bẻm mép lắm, làm tuyên truyền văn hóa, cần như vậy.

– Thầy ạ, việc của anh em nhà Thuận rắc rối thế. Liệu Bà Tiên có ưng không?

– Thầy bàn thêm với Bà ấy. Chắc được.

– Vâng, có chuyện này chị em chúng con định thưa, nhưng…

– Chuyện gì?

– Bà Tiên, đã chia nhà cho mọi người. Vậy Bà ở đâu. Con định mời Bà sang bên này ở, ý Thầy thế nào ạ?

Hơi đột ngột, Thầy ngẩn ra, Hạnh nín thở chờ đợi. Một lát Thầy nhỏ nhẹ.

– Cũng được, nhưng cũng không được.

– Sao lại thế ạ?

– Để Thầy tính.

– Vâng, Con thì ở xa, các em còn nhỏ, đêm hôm Thầy lủi thủi một mình, chúng con sao yên được.

– Các con nghĩ thế là phải. Thầy biết. Nhưng cái gì đến sẽ đến. Hạnh phúc của chúng ta nằm trong tay người khác mà…

Chiều ấy, Thầy vào Hoang Điền, rẽ qua công trình xây miếu thờ Ông Voi lưng gù. Thế là đẹp, cánh thợ đã đục hết bốn chữ, theo ý Thầy. Cứ tự ý làm, đầu têu là thằng Thanh, cậy biết dăm ba chữ, không hỏi ai, Hôm nào về sẽ cho nó một trận. Vừa đi, vừa suy nghĩ, Thầy đã đến bên mộ Bà Lang. Đang thắp hương, cơn lốc mạnh từ biển tràn vào. Cát bay mù mịt vả vào mặt rát bỏng. Cái ô đen Thầy vừa dựng, lăn lông lốc từ ngôi mộ này, sang ngôi mộ khác, đuổi không kịp. Ô dừng lại ở mộ Ông Tiên. Báo mộng, hay điềm gì đây. Cuống quýt, Thầy thắp hương lên tất cả các mộ, cho đến khi trên tay không còn một nén.

Thầy khấn: “Xin tất cả các vong linh, sống khôn chết thiêng, hãy phù hộ cho chúng tôi mọi sự an lành, vạn sự như ý. Ông Tiên ơi, tôi cố gắng gìn giữ thủ cấp thiêng liêng của ông. Cõi trần ai, đang còn nhiều phiền nhiễu. Khi trời đất thanh bình, thân hình ông sẽ hoàn thiện. Ông mau về cõi vĩnh hằng.

Bà Lang ơi! Bà đã hy sinh cả đời mình, cho chồng, cho con. Xin Bà hãy tha lỗi cho tôi, nếu có điều gì sai trái. Càng nghĩ đến Bà, tôi càng mang nặng nỗi tiếc thương, dâng đầy trong tâm não. Giờ này các con đã khôn lớn. Luôn nguyện cầu. chư Phật mười phương, chư Thánh hiền từ bi gia hộ chứng minh, nhằm hồi hướng cầu siêu cho Bà được vãng sinh về cõi tịnh độ”.

Cơn lốc tan, trời hửng nắng, sóng nước rì rầm, mang lời cầu nguyện đến chân trời cuối biển.

Thầy ngồi dưới bóng cây thông, đôi mắt xa xăm, tĩnh lặng. Nghĩ sự đời, nghĩ về mình.

…Tôi bé lắm, như một cái dãi khoai. Đến phiên chợ lại lẽo đẽo theo bố mẹ đi bán hàng. Gọi là hàng chứ chỉ có hai bồ thuốc. Thôi thì đủ loại, thuốc đau mắt, đau lưng, bao tử, ghẻ lở, hắc lào, thổ tả, hen xuyễn… Tất cả bày lên hai cái mẹt. Bố ngồi đóng gói, mẹ bán, tôi chạy lăng xăng, mệt, bố cho quả ô mai, ngậm chua chua mằn mặn. Sướng. Nhà nghèo không có tiền thuê cửa hàng, người ta gọi là lang băm. Người nhà quê lại thích vậy. Tiện, vừa túi tiền. Thân tình, cởi mở đã làm cho bệnh khỏi hẳn một nửa. Vào cửa hàng, lách cách, run sợ bệnh lại tăng lên. Vậy thôi. Bố mẹ tôi được mọi người quý mến. Đối với tôi, bố khắt khe lắm. Học, lúc nào cũng phải học. Đi chăn trâu, ngồi trên mình trâu, học. Đêm, dưới ánh trăng, học. Không có đèn, đom đóm lấp lóe trong vỏ trứng, học. Tôi thuộc làu làu các sách Tứ kinh và Ngũ kinh. Đi thi đỗ hạng cao. Không ra làm quan như các bạn. Tôi theo nghề thuốc của bố mẹ, làm phúc cho thiên hạ. Làm quan dân ghét, làm thầy dân kính. Bộ “Y tông tâm lĩnh” của Hải Thượng Lãn Ông đã dẫn dắt tôi vào nghề. Cả cuộc đời tôi dành cho người nghèo khổ, người bệnh. Đói năm bốn nhăm, người ta đóng cửa, sợ vạ lây, tôi mở rộng cửa, đón vào. Đại dịch tả lây lan khắp nơi. Cầu xin Đức Phật, tôi đi vào vùng khổ bệnh, đem theo linh dược và tình thương. Những năm giặc dã, tranh giành quyền lực, đất cát, đầu rơi máu chảy, tôi đã một tay bắt mạch, một tay giải tỏa hận thù khơi suối yêu thương…

Suy nghĩ miên man, bước chân vô định trên bãi cát dài. Gió biển man mát, nâng niu biết bao cuộc đời. Thầy lạc vào rừng thông xanh ngắt, lúc nào không hay. Vô cùng ngạc nhiên và kỳ lạ, ai đã xây lên những ngôi nhà trên cát, muôn hình, muôn dạng này? Một câu chuyện cổ tích hiếm hoi. Thầy dụi mặt, tỉnh hay mê. Mê hay tỉnh. “Ừ mình tỉnh, bàn chân đau rát vừa đi trên cát”. Từ xa có tiếng gọi. Quay lại, thằng Bỗng đã đứng đằng sau. Vừa thở, vừa nói:

– Cụ đây rồi, con tìm mãi.

– Có chuyện gì vậy. Sao lại biết tao ở đây?

– Cụ đi đến đâu con cũng tìm được. Cứ theo vết chân trên cát là con biết.

– Giỏi, nói xem, chuyện gì?

– Nguy to rồi cụ ạ, anh em nhà Thuận đánh nhau.

– Ở đâu?

– Ở ngay cổng nhà bà Tiên ấy ạ.

– Về ngay. À tao hỏi đã. Mày biết những ngôi nhà trên cát này ai làm không? Thầy chỉ ra các ngôi nhà trong rừng thông.

Bỗng gãi đầu, gãi tai, ậm ừ.

– Dạ, cậu Vang nhà ta làm đấy ạ. Đẹp cụ nhỉ?

Thầy ngớ ra, hỏi lại:

– Thằng Vang à?

– Vâng, Thành phố biển tương lai của Cậu đấy ạ. Tài thật, con phục.

Thầy vội giục:

– Thôi được rồi, biết vậy, về đã.

Nhà bà Tiên, vắng tanh, thầy bước vào nhà, bà Tiên vội ôm thầy khóc:

– Ông chủ tịch ơi, anh em nhà Thuận cầm dao bầu, đánh nhau, nó nhiếc móc cả tôi nữa. Trời ơi sao tôi khổ thế này.

– Bà bình tĩnh, có tôi đây rồi không sợ – Thầy quay sang Bỗng – Mày đến gọi anh em nó ra đình ngay. Gặp tao.

Thấy hai dì con Sen và Na đứng lấp ló ngoài cửa, Thầy nói:

– Các con đưa Bà sang nhà Ông. Chị Hạnh đang ở nhà, Bà nghỉ bên đó cho đỡ sợ. Mau nhé.

Trong đình làng, ngồi trước mặt Chủ tịch là hai anh em Hòa, Thuận. Hòa mặt hầm hầm. Thuận buồn tiu ngỉu. Bỗng và hai dân quân Mộc, Tồn đứng ngoài cửa. Chủ tịch nói:

– Chuyện nhỏ vậy thôi, mà đâm chém nhau, thì còn gì là anh em nữa. Đất nuôi sống người, chứ người không chết vì đất. Anh Hòa có hai lựa chọn. Một, về đất Hương Cán làm nhà. Hai, về mảnh đất cuối làng của cụ Đội. Cần thì nói với tôi. Cấm tranh giành của người khác. Sống là phải yêu thương. Rõ chửa?

Hòa, mặt từ hầm hầm, xám xịt chuyển nhanh sang hồng hào, cười tươi, thưa:

– Đội ơn Chủ tịch, cho con xin mảnh đất cuối làng. Đất dữ, nhưng con không sợ. Gần biển, tiện cho thuyền nhà con ra vào ạ.

– Được, anh không sợ đất dữ, mà sợ người dữ chứ gì. Không có gì dữ cả, chỉ có lòng mình dữ. Thôi đi về nhận đất.

Hòa đứng dậy, cúi đầu, đáp lễ. Hai mắt ươn ướt, bá vai Thuận đẩy nhanh ra cửa.

Thì ra, lâu nay Hòa dấu cả làng, có vợ hai. Chả biết tằng tựu từ bao giờ với cô thuyền chài trên bến chợ. Có một thằng con trai lớn tướng, lại sắp đẻ đứa nữa. Ba người trên cái thuyền mủng chật chội. Đã đôi lần Hòa hở chuyện với vợ. Thôi mặc kệ, vợ tắc lưỡi, chị cũng đã có bốn mặt con. Lại cái đợt dịch bệnh thổ tả, qua khỏi, nhưng lưng gù hẳn xuống. Người ta bảo, cây lúa nặng trĩu hạt luôn oằn mình xuống. Còn chị oằn mình vì chồng con. Muốn làm gì thì làm, đàn ông đa thê đa thiếp là thường. Được thể Hòa lấn tới. Tranh nhà với Thuận, đón vợ hai về. Có thế thôi.

4

Thuận và Bỗng, dong thuyền ra khơi từ sáng sớm. Mấy hôm nay bà Tiên hoảng, không dám về. Mọi việc trong nhà, do Thầy sắp đặt. Tối qua Thuận có sang gặp Bà, quỳ xuống bên giường, xin Bà tha thứ. Bà kéo dậy, xoa đầu: “Chuyện qua rồi, yên tâm làm ăn. Chủ tịch sẽ cho đo đạc và làm văn tự nhà này cho con, không có kẻ nào dám bắt nạt nữa đâu. Của con, là của con đấy”. Thuận cảm động hỏi Bà: “Vậy Bà ở đâu, Bà sang ở với con nhé?”. “Cám ơn con, Bà ở đây rồi”.

Bà âm thầm nuốt lệ. Cả cuộc đời, ông bà đổ bao công sức, mồ hôi và nước mắt có được ngôi nhà để ở. Đùng một cái hết sạch, ra đi với bàn tay trắng. Người mất thì vui, kẻ được thì tranh giành, đâm chém nhau. Ngược đời. Thương bà, Thuận trằn trọc thâu đêm. Chị Sen, chị Na ôm con thút thít, có nên lấy nhà của bà, để bà ra đi tay trắng. Có bà mình mới có cuộc đời này. Vô ơn, hay bất hiếu. Xin Trời, Phật chứng giám. Tận sớm nay, ra bến tiễn chân xuống thuyền. Các chị vẫn còn lau nước mắt. Tung giây neo lên thuyền, Thầy nói với: “Thuận buồm xuôi gió, tôm cá đầy khoang, hân hoan trở về”. Những người đi biển thật vui, thật phấn khích, có được người cha, người em như vậy. Dòng dã những ngày dài trên biển, gió sương, lạnh lẽo, được ấm lòng.

Bỗng ít đi biển, nhà không có thuyền, chỉ khi ai cần, làm thuê vài chuyến, ít ngày. Nhưng cũng tài lắm, biết đường đi lối lại của đàn cá. Thuộc từng tên và tính nết của từng loài. Còn bơi lặn, khỏi phải nói, hồi yên bình, hàng năm làng mở hội đua thuyền, Bỗng luôn là đầu trò. Hôm nay đi với anh Thuận, thế mà hợp. Anh cẩn thận, ít nói, Bỗng gợi trước:

– Anh Thuận này, anh thấy hai cụ thế nào?

– Là sao, mày hỏi lạ nhỉ?

– Là ấy… ấy.

– Hai cụ nghe thấy thì mày chết.

– Hì, hì, thôi cụ Bà về ở với cụ Tế là vui rồi.

– Thế cũng được, nhưng tao buồn, cụ hào phóng quá. Hết rồi biết dựa vào ai?    

– Anh không biết à? Cho đi tất cả là có tất cả đấy. Cái Tôi của ai nhỏ bé, thì tâm lượng người đó mênh mông lắm.

– Mày hồi này cũng sính chữ nhẩy?

– Em học lỏm của Thầy ấy mà.

– Cả làng khen, mày làm địch vận giỏi. Chỉ nói có một câu mà bọn Mả Nàng thất thủ. Thu về bao nhiêu ruộng đất. Tài đấy.

– Thế mà vẫn côi cút anh ơi!

– Cái Đào đấy thây. Tết xong là cưới còn gì.

– Anh cũng biết à.

– Biết, nhưng liệu hồn đấy. Cấm không được tòm tem. Xẩy ra chuyện gì, xấu mặt Thầy, chứ không phải mày, nghe chưa?

– Em hiểu, Ông và Bà dạy em rồi, chuyến này đi với anh là để rèn luyện. Em hứa. Nghiêm chỉnh đấy.

Cồn Bà hiện ra trước mắt. Ngừng câu chuyện, Thuận cho thuyền mình chậm lại, Bỗng lên boong, đề phòng bất trắc có thể sẩy ra. Con thuyền nhỏ từ Cồn đi ra. Hai thuyền giáp nhau. Họ nói, đi vào lấy nước ngọt, giặc Pháp đã rút rồi, cây đèn biển tối om. Thuận và Bỗng reo lên: “Đất của ta lại về với ta”. Thuyền ghé vào bờ, hai người đổ bộ lên Cồn. Nhà cửa tan hoang, đồ đạc ngổn ngang, bừa bãi, cây đèn biển han rỉ… Duy bức tượng người Ngư dân và con thuyền, vẫn hiên ngang đứng đó. Bên cạnh dòng chữ khắc sâu vào bệ tượng “THOMAS-MAN” là chiếc hộp vỏ đạn. Tò mò Bỗng mở ra, bên trong có một lá thư, giấy còn trắng và thơm mùi mực tím. Thư viết hai ngôn ngữ Pháp và Việt:

“Chúng tôi xin trả hòn đảo này cho các bạn. Các bạn hãy đốt sáng cây đèn biển này lên. Soi đường cho chúng tôi tìm về, không phải để chiếm đất, mà làm cho nó trở thành Hòn ngọc biển đông. Chúng ta cùng chung một quả đất mà”.

Ký tên: Người đốt đèn biển

Đọc xong, Bỗng và Thuận ngẩn người, mặc dù chưa hiểu hết ý nghĩa sâu xa của nó là gì. Bốn con mắt ứa lệ.

Ánh mặt trời, tựa như một hòn lửa đỏ, khổng lồ, rực rỡ. Từ từ chìm vào đại dương, ngụp lặn dưới dòng nước mênh mông để nhường chỗ cho màn đêm buông xuống. Sóng biển cũng đã bắt đầu cài then, ánh sáng dần đóng, sau then cửa của bóng đêm.

Bỗng nói nho nhỏ:

– Anh à, ta phải quay về báo tin, cho Chủ tịch.

Thuận:

– Ừ, nhưng đêm rồi.

Bỗng:

– Ta bắt ít cá ngon để biếu các cụ, mai về sớm…

Thuyền cập bến, không đúng hẹn, không người ra đón. Bến vắng tanh, nước triều xuống bãi cát mênh mông. Trong rừng thông có bóng người, Bỗng nhận ra Vang, gọi to:

– Cậu Vang đấy phải không?

Không trả lời, Vang ù té chạy, thi thoảng quay lại, rồi tiếp tục chạy.

– Cậu giận con đấy à, đứng lại đã.

Có lẽ Vang giận thật, Bỗng đã tiết lộ khu nhà cát của Cậu cho Thầy. Cả tối qua Thầy tra hỏi, tức điên. Sáng nay ra thật sớm, xem có bị hư hỏng gì không. Lạ nhỉ, thuyền anh Thuận đi đánh bắt xa bờ lại về sớm. Chuyện khác thường, chắc có trục trặc gì. Vang vội về báo tin cho Thầy. Cả nhà tất tưởi chạy ra.

Bỗng reo ầm lên:

– Cồn Bà về ta rồi! Cồn Bà về ta rồi.

– Chuyện gì, đầu đuôi ra sao? Chủ tịch nghiêm mặt hỏi.

Thuận tả lại đầu đuôi câu chuyện, rồi lấy lá thư trong bị, đưa cho Chủ tịch. Bỗng xen vào:

– Thưa Chủ tịch, chúng con đã lấy lá cờ trên cột buồm nhà mình, kéo lên cây đèn biển, hạ cờ của chúng xuống, giữ phần đất, kẻo kẻ khác chiếm mất. 

Chủ tịch gật đầu, tán thưởng:

– Giỏi. Thông minh lắm.

Chủ tịch đọc thư.

Sen, Na, Đào ríu rít xem tôm, cá đang nhẩy tí tách bên trong các giỏ to đùng.

Chủ tịch tươi cười:

– Nhân bảo, như thần bảo. Bỗng đâu, lên chòi phát tin cho dân làng biết. Chuẩn bị ra Cồn Bà.

Chẳng mấy chốc cả làng, cả xã biết tin. Người người, nhà nhà hân hoan. Mảnh đất Cồn Bà hàng nghìn năm nay gắn liền với cuộc sống của người dân Khánh Hữu. Cồn Bà như một khúc da, khúc thịt trên thân thể con người. Thế mà hết giặc Tầu mang tượng Châu Quý Phi sang thờ cúng. Thực dân Pháp đô hộ. Đế quốc Nhật tàn sát. Vua quan triều đình, đánh chiếm, xây đồn bốt, nhà đèn. Bây giờ vĩnh viễn thuộc về mình. Hội hè lại mở, đua thuyền, đấu vật lại tưng bừng như xưa. Ai mà không vui. Bỗng lăng xăng, dẹp chỗ ngồi, luôn mồm nói: Ta sắp có “Hòn ngọc biển đông” rồi. Sân đình chật ních.

Chủ tịch hắng giọng nói:

– …Lòng yêu quê hương của bà con, rất đáng quý. Chúng ta sẽ ra nhiều lần. Lần này chỉ một ít đi trước để xem thực hư. Khi đã ổn, một số gia đình ra ở hẳn. Mùa xuân tới ta sẽ mở hội, tưng bừng và to nhất từ trước đến nay. Bà con có vui không?

Mọi người hò reo, vỗ tay rân ran.

Chuông chùa vang lên một trăm linh tám tiếng, ngân xa, vang ra tận Cồn Bà.

Chờ mọi người về ngớt, Hòa đến bên Chủ tịch, khúm núm xin gặp, Chủ tịch nói luôn:

– Còn chuyện gì nữa?

Hòa:

– Bẩm cụ, xin cụ cho con đi chuyến này ạ.

Chủ tịch ngạc nhiên:

– Ta đã nói rồi, chuyến này đi dò xét đã mà.

Hòa năn nỉ:

– Vâng, con biết, con muốn xin ra ở hẳn.

Chủ tịch:

– Hử, ta đã cho đất ở cuối làng rồi. Nhà đã làm xong chưa?

Hòa gãi đầu, gãi tai:

– Dạ, tàm tạm rồi ạ. Vợ con về ở, nhưng…

– Sao? Chủ tịch nghiêm mặt.

– Thằng con lớn của vợ cả, là cháu đích tôn. Đuổi dì nó đi, chiếm luôn, dọn ra ở. Chắc mẹ nó xui, vợ hai nhà con lại phải bồng bế nhau xuống thuyền, lênh đênh ngoài biển ạ.

– Sao nhà mày lắm chuyện thế nhỉ? Anh em tranh giành, bố con tranh giành, chỉ vì mấy thước đất. Không ra làm sao cả.

– Bây giờ con không biết ở đâu, nhà thì mẹ con nó cấm cửa, từ mặt. Thuyền thì chật chội. Chỉ còn cách ra đảo. Xin cụ thương con một lần nữa.

– Để xem đã.

Hòa lẽo đẽo theo Chủ tịch ra đến cổng đình…

Bến thuyền nhộn nhịp, người đi, người đưa tiễn. Thuyền của Thuận ra Cồn Bà, chở người đi xem xét thực hư. Chủ tịch đích thân dẫn đoàn. Ngoài ra còn có Sen, Na và một số trai tráng. Vang thích thú khi nghe Bỗng nói “Hòn ngọc biển đông” nên đòi theo, may ra tìm được ý tưởng đẹp. Thiết kế những đường phố, những ngôi nhà chọc trời, trên hòn đảo giữa biển khơi mênh mông này. Chị Sen, chị Na bảo viển vông. Bỗng vào hùa, tranh cãi suốt cả ngày hôm qua. Đi cùng chuyến này tất nhiên có Hòa. Chủ tịch nghĩ, sẽ để Hòa ở lại trông coi, đã giành được Đảo, bảo vệ Đảo càng khó. Một tấc đất của tổ tiên không được lọt vào tay kẻ khác. Mất đất là mất người.

Vui vẻ, háo hức đã làm cho thuyền đi nhanh. Cồn Bà đây rồi.

Sen lên thẳng mộ bố (ông già đánh cá). Ngày ấy THOMAS người đốt đèn biển và Mận chôn vội, trồng cây tre trúc, treo ngọn đèn dầu cổ chai, soi đường cho bạn chài tìm về. Một lần Sen đã ra đây, nhận được dấu vết và kỷ vật của Bố. Bây giờ khác hẳn, từ một cây, tre mọc thành rừng che kín quả đồi. Bỗng dẫn Sen len lỏi mãi mới tìm được. Ngọn đèn dầu đã tắt, tắt là phải, nhưng nó đã hoàn tất sứ mệnh của mình. Ngôi mộ đắp vội, giờ mối đùn nâng lên, to đẹp. Sen thưa với Thầy:

– Thầy cho phép con chuyển cốt bố con về Hoang Điền, tiện cho hương khói. Bao năm nay, hương lạnh khói tàn. Con bất hiếu quá.

– Con nghĩ thế là phải. Mộ đang phát, để đó rồi tính. Yên bình rồi, bố con gặp nhau đâu có khó.

  Na mải mê với hai chữ THOMAS-MAN khắc trên bệ tượng. Đúng là Mận em gái của Còi đây rồi. Lục tìm  đống giấy tờ bừa bãi ở trong nhà đèn, xem có gì liên quan đến Mận. Nhiều quá, lộn xộn quá. Na đành ấn vào bị mang về.

Vang leo một mạch lên đỉnh đồi. Nhìn toàn cảnh trời biển. Ôi đẹp quá. Cuộn tay trước mồm, Vang gào lên: “Oa…oa… Ơn trời đã ban cho chúng tôi”…”Hòn ngọc biển đông”…”Kẻ xâm lược nào dám đến đây”… Tiếng Vang, bay đi, đập lại, vượt trùng dương. Những kẻ xâm lược nghe được phải kinh hồn, khiếp vía.

Hai anh em Hòa, Thuận, tất bật thu dọn đồ đạc. Thuận do dự nói:

– Anh ra đây, vợ chồng, bố con lại xa cách.

– Anh đã quyết. Vả lại chúng đã từ anh, đuổi anh ra khỏi nhà. Anh cũng không thèm nhìn mặt chúng.

– Cũng chỉ tại anh thôi.

– Sao lại tại anh? Cụ lang dạy đúng, chỉ vì đất mà đâm chém nhau. Nghĩ lại anh thấy buồn và nhục quá. Cho anh xin lỗi chuyện hôm nọ nhé.

– Dì hai cũng ra đây với anh chứ?

– Dì có thuyền. Sống từ bé trên sông nước. Chỗ nào chả có mặt. Bắt cá cũng tài. Hôm nào ra khơi, rẽ qua đây chơi với anh và các cháu.

– Vâng ạ.

Công việc đã hòm hòm. Đứng dưới chân tượng đài Tướng quân ngư biển, Chủ tịch hồ hởi nói:

– Cồn Bà là máu thịt của dân ta. Thân thể ta mất da, mất thịt, sống sao đành – Chủ tịch ôm bức tượng nói tiếp – Người ngư dân, hai bắp tay cuồn cuộn, mắt hướng ra biển xa. Tay đẩy mái chèo đưa con thuyền vượt trùng khơi. Chúng ta hãy dũng cảm lướt theo. Không một kẻ xâm lược nào dám động đến biển trời thân yêu này.

Sóng biển ầm ầm xô vào. Gió rít lên từng hồi. Chiều hoàng hôn ửng đỏ. Ngày mai trời hửng nắng.

Thuyền của Thuận quay đầu, đưa đoàn người về Khánh Hữu.

Hòa vẫy tay, bóng anh trải dài trên bãi cát.

5

Lâu rồi, Thầy mới trở lại Phố phủ, thị tứ của Phủ Sóc. Nơi có cửa hiệu thuốc bắc Tế Mỹ. Phố Phủ khác xưa nhiều quá. Phiên chợ vẫn họp đều, nhưng hàng hóa nhiều hơn, đẹp hơn. Con sông Sóc thuyền bè đỗ đầy, chở hàng hóa đi xuôi về ngược. Cửa hàng Tế Mỹ nay là Mậu dịch bách hóa tổng hợp. Qua cửa nhìn vào, sân bên trong, nơi người đói, ốm bệnh nằm la liệt chờ Bà Lang cho ăn và uống thuốc. Giờ là nhà kho xếp đầy hàng hóa, lỉnh kỉnh nào là quần áo mới, quạt máy, xe đạp, sách vở… những thứ mà ngày xưa mơ cũng không có.

 Phủ đường và hành dinh của Quan tri huyện, hôm cướp chính quyền, người người, trống chiêng, giáo mác khắp nơi đổ về rầm rập. Thầy còn nhớ hai cha con, chân run run bước lên Phủ đường, Bắt mạch cho Quan tri huyện Nguyễn Quan Trường. Một là sống, hai là chết, nếu bước vào bẫy của bà vợ ba, Tuyết Hồng. Bây giờ là nhà vui chơi của Thiếu nhi, các cháu tung tăng nhẩy múa, tươi cười, bước chân hùng dũng theo nhịp trống ếch.

Thầy đến hố chôn người tập thể bên hồ. Cỏ cây um tùm, cóc nhái kêu ì ọp. Vào miếu Thần linh, một ông già đang thắp hương. Thầy đợi. Tâm hồn tĩnh lặng, nhớ về nạn đói năm bốn nhăm. Nơi đây là vũng bùn lầy lội, quan tri phủ Nguyễn Quan Trường, lệnh thu gom xác chết, kể cả chưa chết, đổ xuống đây. Lúc ấy Tráng đang ngắc ngoải, xe cút kít bốc đi, vứt vào nằm chung với những người đã chết. May mắn được Hạnh Mỹ cứu giúp, đưa về chữa trị.

Đau thương, khấn vái, Thầy cầu xin cho chúng sinh, siêu thoát về cõi vĩnh hằng.

Ông già và Thầy, hai người nhìn nhau ngờ ngợ. Nhanh nhảu, ông hỏi trước:

– Khí không phải, cho tôi hỏi:

Thầy vui vẻ bắt chuyện:

– Xin ông cứ tự nhiên.

Ông già:

– Ông có phải là thầy lang Tế Mỹ không ạ?

Thầy vui mừng:

– Vâng tôi đây ạ.

Ông già:

– Trời ơi, Thầy quên tôi rồi sao? Tôi bị bệnh thổ tả, được thầy cứu, qua khỏi đại dịch, đây – Ông già quỳ xuống – Xin Thầy nhận ở tôi một lạy.

Thầy lúng túng đỡ Ông già, nói:

– Không được thế. Cảnh già với nhau cả mà.

Ông già thút thít lau nước mắt:

– Đêm ấy, tôi thập tử nhất sinh, may mà Thầy về kịp, uống xong liều thuốc là cầm. Thầy còn cho thêm mấy chén thuốc bổ. Khi khỏi, ra tạ ơn. Thầy đã chuyển đi rồi, không biết tìm ở đâu. Áy náy quá, xin Thầy thứ lỗi tôi.

Cảm động, Thầy nhẹ nhàng nói:

– Không có gì. Ông đừng để tâm.

Ông già:

– Vẫn biết vậy, nhưng nhận ơn, phải biết trả ơn chứ Thầy. Nhân thể, xin kính mời Thầy về nhà tôi chơi, uống với tôi một chén rượu nhạt.

Suy nghĩ, đắn đo, từ chối cũng không được, Thầy vui vẻ nhận lời:

– Nhà ta ở đâu xa?

Ông già:

– Thầy đã về bắt mạch cho tôi rồi mà. Gần thôi.

Thầy cười vui:

– Cám ơn ông. Sao nhớ hết được bệnh nhân ạ.

Ông già:

– Bệnh nhân phải nhớ Thầy, mới đúng đấy ạ.

Hai người đi vào làng, qua cánh đồng sang làng bên kia. Đến đây thì Thầy nhớ ra rồi. Đêm đi chống dịch, từ làng vọng ra tiếng kèn, trống đám ma. Người chết vì bệnh thổ tả. Thầy đã dừng lại, cử Xoa mang thuốc vào cứu dân làng.

Cả nhà hồ hởi ra đón tiếp. Anh con trai lớn nhận ra Thầy ngay, lễ phép chào:

– Kính chào Thầy. Con là Tuấn, hồi nhỏ con cùng học với anh Hanh ở trên Phủ. Chị Hạnh quý lắm, vẫn cho chúng con táo tầu và khúc cam thảo. Các anh, chị nhà ta có khỏe không ạ?

Thầy vô cùng ngạc nhiên:

– Ồ ra thế, quả đất tròn. Cái duyên đấy con ạ.

Ông già, bố Tuấn, vội thêm vào:

– Thế mà con không nói cho bố biết, đoảng quá.

Tuấn tiếp lời:

– Sang bậc Thành chung, con và anh Hanh phải về Hà Nội học. Học xong, con vào kiến trúc. Từ đó đến nay mất liên lạc.

– Thầy cũng thế, không nhận được một lá thư hay tin tức gì. Chả biết sống chết ra sao!

Bố Tuấn đỡ lời:

– Vừa rồi, trên Phủ vời cháu nó về, lập quy hoạch, thiết kế lại cho đàng hoàng, to đẹp hơn. Khổ, chiến tranh đói kém tan hoang quá.

Thầy buồn buồn nói:

– Đúng thế. Tôi và ông vừa vào thắp hương cho các oan hồn chết đói, chết bệnh. Trên trần gian đã khổ chết xuống âm phủ còn khổ hơn.

Tuấn:

– Trong thiết kế, con xây dựng, đây là khu Vĩnh Hằng Viên, trang nghiêm và linh thiêng.

Câu chuyện về thiết kế, kiến trúc đã làm Thầy liên tưởng đến những ngôi nhà trên cát. Làng ven biển quê tôi. Hòn ngọc biển Đông, ước mơ của Vang. Thầy có ý gửi gắm để Vang theo học. Tuấn hồ hởi:

– Tuổi nhỏ chí lớn. Đam mê, kỳ vọng lớn lao ấy cần được nuôi dưỡng Thầy ạ.

Thầy mừng quá:

– Trăm sự nhờ con.

– Thầy không phải bận tâm ạ. Con muốn xem những ngôi nhà trên cát để biết năng khiếu của em.

– Tương lai của đất nước, trông chờ ở các con.

Câu chuyện dang dở, ngoài sân bà con làng xóm đến đông. Nghe tin thầy lang Tế về, người đấu gạo, người cân khoai, của nhà trồng được mang đến biếu Thầy. Cái đận Thổ tả ấy, không có thuốc của Thầy thì cả làng chết dịch. Xong không biết Thầy ở đâu mà tìm, mà trả ơn đáp nghĩa. Hôm nay mục kích, Thầy nhân hậu quá. Cảm động Thầy đứng giữa sân nói:

– Thưa bà con. Tâm lượng của bà con thật mênh mông. Tấm lòng của tôi thật bé nhỏ, không gì bù đắp được. Xin bà con thứ lỗi.

Bố Tuấn:

– Thầy đã mang lại cuộc sống cho chúng tôi. Có ơn thì có trả. Của ít lòng nhiều. Thầy nhận, cho chúng tôi vui – Ông quay ra nói với mọi người – Nào tất cả gồng gánh đi cùng Thầy.

Tuấn đi bên Thầy, một đoàn đi theo, gồng gánh các của ngon, vật lạ, sang biếu Thầy.

…Hai anh em đi ra khu nhà trên cát về. Tuấn, hồ hởi, thích thú nói:

– Rất tuyệt vời Thầy ạ. Con không ngờ, em Vang lại cần cù, kiên nhẫn đến thế. Một ý tưởng đẹp, nhìn xa trông rộng. Tài năng thật sự.

Thầy khẽ xua tay, (ý nói không được khoe trước mặt con trẻ). Tuấn hiểu ý:

– Thầy cứ để em lên trường. Bây giờ chưa đủ tuổi, sẽ học từ Sơ cấp lên Trung cấp rồi Đại học. Hơi lâu một chút, nhưng cơ bản và chắc chắn.

– Mọi việc giao cho con.

– Không có gì ạ. Tấm gương của Thầy, bao giờ chúng con mới theo kịp, mới được hân hoan chào đón.

Theo đúng hẹn, sáng mai Vang nhập trường. Chiều nay chị Hạnh Mỹ làm mâm cơm cúng. Băn khoăn mãi, đánh bạo chị hỏi Thầy:

– Thầy ạ. Con định mời họ hàng bên Bà Tiên sang dự. Nhân thể hai năm rõ mười. Bà cũng sang ở nhà ta lâu rồi. Nếu không người ta lại hiểu sai. Tội nghiệp.

Thầy ậm ừ:

– Con tính thế là phải, nhưng còn Bà thì sao?

Hạnh thấy xuôi xuôi, nói liền:

– Thầy cho phép là được. Con sẽ thưa với Bà sau.

– Ừ, lựa lời con nhé.

Bữa cơm thật đông vui, họ hàng nội, ngoại đến đủ. Bỏ tất cả thủ tục lệ làng. Ông, Bà sum họp bên con cháu. Vang là vui nhất, cất tiếng chào Mẹ. Kể từ ngày mẹ mất, hôm nay mấy anh chị em, mới được gọi. Mẹ. Ngày mai đi học, lại xa Mẹ. Chấm những giọt nước mắt lăn trên má, Mẹ Tiên, lần trong bao tượng lấy ra cái nhẫn vàng, đeo vào tay Vang. Mẹ nói:

– Mẹ chả có gì, cho con tý vốn. Giấc mơ của con còn xa lắm, nhưng học hành giỏi giang thì nó ngay trước mắt thôi con ạ.

Sen, Na, bê lên những mâm hoa quả, xanh tươi của dân làng ông già Tuấn biếu Thầy. Mọi người thụ lộc và mang về làm quà.

Chinh trịnh trọng biếu Mẹ Tiên tấm khăn lụa. Biếu Thầy bộ comlê, caravat. Cảm động Thầy nói:

– Cám ơn con gái. Chúc con học giỏi, Con học Văn khoa là Thầy mừng. Văn là người. Người sống với tâm hồn cao thượng, hồn nhiên thì người sẽ khỏe mạnh. yêu đời. Con nhé.

Thầy mặc bộ comlê, thắt caravat, chững chạc quá. Thời kỳ áo the, khăn xếp, chắp tay sau đít, đã qua. Bắt đầu thời kỳ mới. Văn minh, tiến bộ. Tuổi đã già, nhưng Thầy, là tấm gương cho con cháu bước theo.

Exit mobile version