Hôm sau, sẵn sàng mọi thứ, Xoa đi vào rừng luôn. Mợ A Hiêng ngầm ý, khôn khéo bảo Á Bung cho A Sinh cùng đi để hai người làm quen, biết đâu lại thành vợ thành chồng. A Sinh là cháu A Hiêng. Tên là Sinh, đúng là xinh thật. Mặt trái xoan, có hai lúm đồng tiền, răng khểnh, cười tươi, gương mặt trắng hồng với những đường nét đẹp, thân hình đầy sức sống. Xoa mà lấy được A Sinh thì đúng là “mía ngọt đánh cả cụm”. Ngày đầu  còn lạ, bỡ ngỡ, bữa trưa hai người tựa vào cây sồi to, mỗi người một phía, ăn thanh cơm lam mà A Hiêng đã nướng cho từ sáng sớm. Chiều về mỗi người cõng trên lưng bó cây thuốc che khuất cả đầu. Ngày một, ngày hai rồi ngày ba. Ngày bốn, ăn cơm không tựa vào gốc cây sồi, mà tìm đến bãi cỏ rộng, gói mèn mén được mở ra ăn chung. Thì ra, mợ A Hiêng đã nghĩ ra kế này. Cơm lam mỗi người một thanh, mỗi người một góc. Ăn mèn mén gần gũi như mâm cơm gia đình. Mợ đã phải sang tận chợ, mua của người Mông mới có. Ăn xong, lăn ra bãi cỏ quay đầu vào nhau trò chuyện: Nào là sự tích cơm lam, cách làm mèn mén, nấu rượu Sán lùng… và dạy Xoa hát soọng cô, ném còn. Một lần, gặp được nhiều cây thuốc tốt, A Sinh bó một bó thật to, cõng trên lưng như cõng một cánh rừng. Trời sập mưa, sấm chớp, đi vội A Sinh bị mắc vào cành cây, kéo lại. Xoa vội vàng chạy đến gỡ cành cây, mất đà hai người ngã úp vào nhau. Lúng túng, vụng về cả hai vẫy vùng trên đống lá. Hương lá thuốc phả ra, pha với hương người con gái mới lớn thơm thơm, dìu dịu. Xoa đè lên A Sinh, A Sinh nằm im nín thở, ngất ngây. Mưa ào ào dội nước xuống. Tất cả ngâm mình trong “chậu” lá thuốc khổng lồ. Trời cho…

Mấy ngày sau trời vẫn mưa. Mợ A Hiêng vẫn gói mèn mén. Hai người vẫn đội mưa vào rừng “ngâm lá thuốc”. Ý trời khó dò, số mệnh khó đổi là vậy…

Đất Khe Cau rộng mênh mông, trải trên ba quả đồi, cả dân bản chỉ ở hết một thung lũng đẹp dưới chân. Đêm ấy, lại một đêm Khe Cau thức trắng, mở hội vui mừng về nhà mới. Trai gái Sán Dìu nhấy múa, hát soọng cô, nhẩy lửa. Xoa và A Sinh hát hay, duyên dáng làm cả bản ngạc nhiên, nhiều chàng trai, cô gái ghen tỵ. Tất cả, tay nắm tay dang rộng, nhỏ dần, nhỏ dần xiết chặt lấy hai người, ôm nhau trong tiếng hò reo, vang khắp núi rừng.

  Giữa lúc ấy một người đàn bà lạ, dẫn Đào ngơ ngác đi tìm trưởng bản Á Bung. Từ trong đám đông Á Bung vội vã chạy đến. Nhận ra Đào vợ thằng Tuyên con dâu nhà Toái ở Khánh Hữu, Á Bung hốt hoảng. Chuyện nhà nó, cả bản ồn ào mấy ngày nay, vừa dẹp yên, giờ con nó lại lên đây. Đến chết mất thôi. Làm gì bây giờ? Á Bung hỏi nhanh:

– Sao cháu lại lên đây?

Thấy chú Bùng (tên gọi ở quê) không bình tĩnh, Đào lựa lời, thưa:

– Cháu lên thắp hương cho bố, mẹ cháu chú ạ.

– Còn đây là ai? Bùng hỏi.

Đào:

– Dạ, đây là bà ở chợ huyện quê ta, lên bán muối, bà quen đường cho cháu đi cùng.

Bùng vẫn vội vã giục:

– Thôi được, vào trong nhà đã.

Thu xếp cho hai người nghỉ tạm, Bùng nói:

– Cám ơn bà đã giúp đỡ cháu Đào. Đêm nay bản mở hội, hò hát suốt đêm. Hai người muốn xem thì ra sân, mệt thì nghỉ. Quay sang dặn Đào. Chú bảo này, không được nói gì về gia đình cháu, ai hỏi, bảo  là cháu của chú lên chợ bán muối, thế nhé. À thằng Xoa cũng đang ở đây. Còn nhớ không?

Đào ngạc nhiên:

– Thế ạ. Anh ấy đâu hở chú?

Bùng đi nhanh. Đào hớt hải tìm Xoa trong đám đông. Cô gái miền biển phất phơ hai giải yến đào, váy ngắn diềm bâu nhấn bùn, lạc giữa các cô gái Sán dìu, váy áo, hoa văn sặc sỡ. Tưởng người buôn muối, dân bản xúm đến, hỏi han, chèo kéo. Từ xa, Xoa nhận ra Đào. Đào thật rồi. Bỏ cuộc vui, buông bàn tay ấm áp của A Sinh chạy đến, Xoa gọi to:

– Đào, Đào phải không?

Phản xạ tự nhiên, hay những cái ôm dang dở từ bao lâu, bây giờ kết nối yêu thương. A Sinh, sững người, quay mặt đi để cho hai người thì thầm:

– Anh Xoa à, em khổ lắm. Đào nói trong nước mắt xụt xùi.

– Như anh đây, không có khổ, sao có hạnh phúc được em – Xoa nhẹ nhàng phân giải.

Nghe lời thì thầm, âu yếm ấy, ai cũng hiểu, có những ngày họ đã yêu nhau. Tình yêu, cuộc sống của muôn kiếp người, đâu có bền chặt, theo thời gian, mọi thứ đều biến hóa và thay đổi. Giặc dã, lụt lội, đói kém đã xóa đi tất cả. Xoa cũng vậy, đang yêu nhau thì phải tha phương cầu thực, ra sống vào chết, lên rừng xuống biển. Lúc bình yên trở về, Đào đã đi lấy chồng. Bây giờ đơn côi, quấn trên đầu mấy tầng khăn trắng.

Sốt ruột, A Sinh dậm chân:

– Muộn rồi, hát tiếp đi Á Xoa.

– Thế nhé, mai gặp lại.

Chia tay Đào, Xoa đuổi theo, vừa nắm bàn tay thì bị hất ra, A Sinh vùng vằng:

– Ôm chặt nhỉ. Ai vậy?

Nghĩ đến Á Bung dặn vội hồi nãy, Xoa cười:

– Hì hì, cháu của Cậu Á Bung, em họ anh đấy.

– Điêu, sao lại lên đây? A Sinh không tin.

– Đi chợ bán muối, tiện thăm cậu.

– Thật không?

– Thật

– Thề nhé.

– Thề. 

Đám bạn bè xô đến, kéo hai người ra lửa trại đang sáng rực ở giữa sân. Họ lại nắm tay nhau hát, xoay vòng tròn, tiếng vỗ tay rào rào, tiếng cười vang vang, núi rừng, chim muông mất ngủ.

Chưa tan cuộc, Xoa đã dẫn Đào và bà buôn muối lên Núi Đèo. Á Bung dặn phải đi thật sớm, không để cho dân bản nhìn thấy. Lên mộ Toái khá xa, phải qua một cánh rừng. Xoa quen rồi, Đào con gái miền biển, chân đi vòng kiềng, tay vung vẩy như hai mái chèo, chậm chạp. Con gái miền núi, tay chân gọn gàng, cõng gùi trên lưng, người đổ xiên về phía trước, leo dốc phăng phăng. Thôi, chậm tý còn chuyện trò. Đào nhanh nhảu nói trước:

– Cụ lang Tế gọi em lên, bảo: Chồng cháu đã được mồ yên mả đẹp ở Hoang Điền. Còn bố mẹ và các em cháu dân làng không lên được. Nghe nói, thằng Á Bung đã lo liệu chu đáo. Xa thì xa thật, nhưng con cái phải có hiếu nghĩa. Cháu thu xếp, ngược một chuyến, lên thắp hương, cầu cho bố mẹ siêu thoát về cõi vĩnh hằng.

Em thưa lại với cụ:

– Vâng, xin phép cụ, nhân thể cháu rước tro cốt bố mẹ cháu về Hoang Điền có được không ạ!

Cụ Lang vội nói:

– Chưa, đợi qua Đại lễ Tuần lâm Cát táng (sang cát) mãn tang rồi mới mang về được.

– Đúng đấy. Xoa kể lại tất cả công việc tổ chức đám tang. Dân bản và Á Bung ai cũng đau lòng, một tai họa khủng khiếp chưa từng có. Theo phong tục phải lập dàn hỏa thiêu và cúng ma ba ngày, ba đêm. Đào cứ phải nghe lời cụ Lang. Trên này đã có Cậu Bùng và anh đèn nhang, yên tâm chờ đợi. Bây giờ vào thắp hương đi.

– Vâng, cám ơn anh, em biết rồi ạ.

Bà buôn muối liền nói:

– Dù ở cảnh giới nào thì thần thức của người đã khuất, luôn hoan hỷ khi được con cháu tưởng nhớ, thờ phụng và ghé thăm phần mộ, đấy cháu ạ.

– Vâng!

Vật vã bên bốn nấm mồ, nghi ngút khói hương, Đào mệt nhoài, víu vai Xoa, đôi mắt ầng ậc nước, hổn hển nói:

– Anh ơi! Cho em ở lại đây nhé, em…

– Ấy chết, đâu được, cố chịu đựng, cứ mặc kệ, tất cả sẽ qua mà.

– Chị Na đã dạy em đỡ đẻ. Lên đây em trông coi trạm xá cho anh, được không?

Bà buôn muối, thương hoàn cảnh Đào, nhưng không thể làm thế được. Bà can ngăn:

Hãy lo cho cuộc sống của chính mình, đừng coi lòng người là chỗ dựa. Tất cả, ai cũng đau khổ và chỉ có thể tự mình vượt qua. Nếu cháu không vượt qua chính mình, sẽ không ai có thể giúp cháu được đâu. Vì dựa vào cây thì cây đổ, dựa vào nước thì nước cuốn đi. Ván đã đóng thuyền, chém cha cái kiếp chung chạ, nhục lắm. Số trời đã định, ở vậy mà thờ cha, thờ chồng thôi cháu ạ.

Ba người xuống núi. Bà buôn muối còn nói gì nhiều lắm, lúc thì thầm, lúc vung tay múa chân. Đào lau nước mắt, ướt đẫm vạt yếm, chưa thấy ai khóc rên rỉ như thế. Xoa ù cả tai, chẳng nhớ gì. Về đến nhà. Mợ A Hiêng vội vã chạy ra, kéo hai vạt áo nâu non của Đào, cài cúc che chỗ yếm ướt, lau nước mắt. Trước mọi người Á Bung thân mật nói:

– Thưa bà con, cháu tôi ở quê lên, tối qua được xem hội, vui lắm, bây giờ xin phép xuống chợ, rồi xuôi cho sớm, đường về còn dài. Gọi là có vài con cá khô, tý muối biếu bà con làm quà.

Ai cũng có quà, tấm tắc khen, và tặng lại nào ngô, nào khoai… đầy một gùi.

Đào gù lưng cõng, phăng phăng xuống dốc. Dáng vẻ con gái miền núi, xiên xiên về phía trước.

5

Mấy hôm nay, Còi đi, anh Tây đen đi, nhà vắng hẳn. Sửu được thế chân, cùng Thuận cày bừa, ra khơi đánh bắt xa bờ. Bà Tiên xót, không bằng lòng. Nhưng Sen thưa, cứ để con dầy dạn với nắng mưa sóng gió. Sửu cũng thích vậy. Cụ Tiên đã bấm số tử vi rồi, sinh giờ sửu, ngày sửu, tháng sửu, ắt là trâu rồi. Trâu thì phải làm, khổ trước sướng sau. Thôi mặc kệ, nghĩ vậy bà Tiên không màng gì nữa. Nghĩ cho cùng lo để làm gì, giầu để làm gì? Gương của ông Tiên đấy, bao nhiêu ruộng đất, nhà cửa, chức tước, chết có mang được gì đâu? Làm ơn, làm phúc cho người, rồi nó quay lại chém đầu mình. Nhiều lần ông Tiên hiện về, người lạnh toát, nằm bên bà nhưng chẳng nói được gì. Ừ, nói sao được, có đầu, có mắt, có mồm đâu mà nói. Bà Tiên lặng lẽ khóc.

Sức khỏe ngày càng yếu dần, Bà cho mời chủ tịch Tế đến:

– Thưa thầy, tôi muốn thưa chuyện với Chủ tịch.

Chủ tịch cười:

– Có chuyện gì mà bà lòng vòng thế? Chỗ nhà ta với tôi là một, bà lại thưa gửi khách sáo quá.

– Vâng, chỗ người nhà, tôi gọi là thầy, nhưng bây giờ là việc nước, thưa chủ tịch.

– Trịnh trọng quá. Tôi xin nghe. Chủ tịch khôi hài cho vui chuyện.

– Dạ, là thế này ạ – Vứt bã trầu vào ống nhổ, bà tiếp lời – Ông nhà tôi ngày xưa có nói: “Cái gì đến chắc chắn sẽ rời đi, không bao giờ tồn tại mãi mãi. Vật chất là ngoại thân, Tình người là vĩnh cửu…”. Vâng, chính vì lẽ đó tôi muốn…

Bà Tiên nghẹn lòng, kéo vạt áo chấm hai giọt lệ đang lăn trên đôi má nhăn nheo. Chậm rãi tiếp:

– Vâng, tôi muốn giao tất cả ruộng đất cho chủ tịch, để chia đều cho mọi nhà cùng hưởng. Bao lâu nay họ vẫn đang cày cấy, người nhiều, người ít. Tôi chẳng thu một đồng tô, đồng tức nào.

Bà Tiên quay vào gọi Sửu, lát sau Sửu khệ nệ bê cái tráp đen ra đặt trước mặt, Bà nói:

– Đây, tất tần tật văn tự đất đai, ruộng vườn. Xin chủ tịch nhận cho.

Chủ tịch xúc động:

– Ôi, thế này vượng phước cho nhà ta quá. Thay mặt dân làng Khánh Hữu tôi xin nhận và làm lễ dâng lên thành hoàng, chứng giám.

Bà Tiên vẫn bình tĩnh thưa chuyện:

– Còn ngôi nhà năm gian này, tôi để cho vợ chồng thằng Còi hai gian. Mẹ con Sửu hai gian và anh Thuận một gian lấy vợ, sau này có con rồi tính sau. Ba gian nhà dưới, ao vườn, giếng nước thì dùng chung. Xin chủ tịch cho thầy ký đến lập biên, để tôi điểm chỉ. Sức yếu rồi, không còn được bao lâu nữa. Xưa Ông nhà tôi đã nói rồi “Lấy vật chất làm của, của sẽ rời ta. Lấy phúc làm của, phúc theo ta suốt đời” đấy Thầy ạ.

 Tưởng chuyện gở, đám con cháu dưới nhà ào ào chạy lên. Thằng Kiện, thằng Cây nhẩy phốc vào lòng bà, ôm cổ hôn hít. Sen lau mặt, đút cháo, mấy hôm nay bà đã bỏ bữa rồi, chỉ uống thuốc của thầy lang cầm hơi. Xưa nay ai cũng bảo ông bà không có con, nhưng đến cuối đời lại nhiều con, nhiều cháu nhất làng.

Bà con xóm làng, cả những người ở tận xa, lâu nay cấy ruộng rẽ, nghe tin, người đồng quà, người tấm bánh, nắm rau tàng tàng nấu bát canh cua, mang đến thăm bà. Bà Tiên vui, lại càng vui khi mọi người hồ hởi nói ra những sâu lắng từ đáy lòng mình:

“Chúng cháu chịu ơn bà nhiều quá. Không có mấy sào ruộng của bà thì không biết lấy gì mà ăn.”

“Vị chi là ba năm rồi, không đóng tô cho bà. Mùa này lúa tốt, cháu sẽ đóng tất, bà nhé!”. 

“Bà là người có Tâm có Đức làm gì cũng nghĩ đến lợi ích của thiên hạ. Cả vùng này có ai được như thế đâu ạ?”.

Không nịnh hót, mà bộc bạch đơn giản, thế thôi. Bà Tiên cười tươi, nói:

– Tôi chỉ làm theo lời Phật dạy. “Cho đi không phải là mất, mà chính là tấm lòng cao thượng. Khi cho người khác, mình sẽ nhận được nhiều hơn. Cho đi là hạnh phúc, khiến tâm hồn thăng hoa”. Gieo nhân tốt, ắt nhận được quả tốt đấy các chị ạ.

Bà cũng tự nghĩ trong lòng rằng. Khi sinh ra, chỉ riêng mình là khóc, còn những người chung quanh, đều mỉm cười. Vì vậy, hãy sống hết mình cho cuộc đời này, để đến giây phút cuối cùng, mình là người duy nhất mỉm cười, còn những người ở lại đều khóc trong thương tiếc…

Nghe dân làng bọc bạch với bà Tiên, đủ thấy họ sung sướng khi có trong tay một miếng đất, dù chỉ vài ba thước, không trồng lúa thì trồng khoai, trồng ngô. Cứu đói. Thế thôi. Anh Tây đen ở bên kia bán cầu cũng chỉ muốn có củ khoai, củ sắn để nuôi mẹ, mà phải vác hàng vạn dặm mang về. Loài người có mong ước, vài thước đất cũng khó.

Nhìn vào xã ta, chủ tịch tính: Bên Kênh Đồng Bà Cả, vợ tri huyện Nguyễn Quan Trường nắm hết ruộng đất, bỏ chạy theo Tây. Làng Bái Môn, hai anh em nhà Lý Khoái, Lý Khiếu, chết. Thằng Bằng, vứt ruộng chạy lấy người. Làng Khánh Hữu, nhà Hương Cán, chết cả nhà, để lại ruộng đất và cái nghĩa trang bằng đá vô chủ. Cụ Tiên đã đổ bao công sức cho làng, xây đình, chùa, trường học, trạm xá rồi Hoang Điền… cuối đời không được hưởng gì. Bây giờ bà Tiên lại hiến tất cả ruộng, vườn, nhà cửa cho dân làng. Thật là cao thượng, xin đất trời và thánh thần chứng giám.

Chủ tịch sai Bỗng, gọi cánh thanh niên, đọc thông viết thạo lên ủy ban giao việc:

 – Việc gì cũng vậy, phải cho nó công bằng và minh bạch – Chủ tịch nói tiếp – Xưa nay, bên cạnh ruộng đất thuộc tư nhân, còn có công điền, và rất nhiều ruộng của nhà giầu, hiện vô chủ. Nhiệm vụ các cháu, đi kê biên lại, không để sót một mảnh nào. Nhân khẩu cũng vậy, từng nhà, từng người, khai cho đầy đủ không thiếu một ai. Hương ước xưa, đã cũ rồi, phải chia lại ruộng đất, kể cả công, tư. Người sống là nhờ đất, đất nuôi sống người cơ mà. Các cháu có làm được không? Làm đi.

Cánh thanh niên vui vẻ, chia làm ba tốp: Tốp Kênh Đồng, gai góc nhất, Na và Sửu phụ trách. Chủ tịch cử thêm Bỗng mang loa phóng thanh đi vận động và bảo vệ khi cần thiết. Tốp Bái Môn, Thanh và Đào cùng du kích Nho. Nhiều tiếng xì xèo, Đào là vợ Tuyên con nhà ác ôn hại dân hại nước. Chủ tịch gạt đi. Đó là chuyện quá khứ, tội ai người ấy chịu. Từ ngày Đào ngược lên Núi Đèo về, không biết Xoa nói gì, mà thay đổi tính nết, chịu khó học hỏi, đỡ được mấy ca đẻ, mẹ tròn con vuông. Người có năng lực thì sử dụng cái năng lực của họ, có gì đâu mà sợ, phép dùng người là vậy. Tốp Khánh Hữu, Chinh và hai anh Mộc, Tồn. Chinh theo chị Hạnh Mỹ lên huyện, học xong tiểu học, tham gia đội thuế nông nghiệp huyện, nên cũng vỡ ra được đôi điều.

Phải đến mười sáu ngày sau, các tốp mới hòm hòm công việc. Riêng nhà bà Cả Trường, ruộng cho cấy rẽ ở các làng bên, không kê biên được. Chủ tịch bảo thế được rồi. Ủy viên văn hóa Bỗng loan báo trên đài phóng thanh. Họp làng.

Sân đình Khánh Hữu, chật kín. Các cụ bên Kênh Đồng, xa phải chống gậy đi sớm. Dân Bái Môn, đa phần con cháu Lý Khoái, sợ mất ruộng, xem ra lừng khừng. Dân Khánh Hữu, khỏi phải bàn, chuẩn bị chè nước, trầu cau đón “khách đến chơi nhà”. Đội nhi đồng, trống ếch xập xình ngay từ cổng làng. Bà Tiên, dẫn theo một đàn con cháu, cùng những người, chân lấm tay bùn được bà cưu mang, giúp đỡ. Bà có tấm lòng cao thượng, được trời đất phù hộ, tâm hồn thăng hoa, vui vầy, da dẻ hồng hào, bước đi khoan thai. Nói trộm vía.

Trước mặt các vị bô lão và dân đinh chủ tịch dõng dạc tuyên bố:

– Xưa nay, xã ta, bên cạnh ruộng đất tư nhân, còn có công điền, và rất nhiều ruộng của nhà giầu, hiện vô chủ. Việc gì cũng vậy, phải công bằng và minh bạch. Không thể thế được. Xã đã cho người đi kê biên toàn bộ ruộng đất và nhân khẩu. Nay tuyên bố:

Một là: Hủy bỏ hương ước cũ của làng, không phù hợp với thời nay. Thực dân, Đế quốc, Phong kiến không còn, ruộng đất về tay nông dân. Phải có Hương ước mới.

Hai là: Bỏ lệ chia công điền, nhập chung vào điền thổ, quân cấp cho toàn dân. Thời hạn mười năm. Người chết, người mới sinh đều phải qua thời hạn này.

Ba là: Chúng ta vô cùng biết ơn, gia đình bà Tiên đã hiến toàn bộ ruộng đất cho làng Khánh Hữu. Chúng tôi đã làm lễ dâng lên Thành Hoàng làng chứng giám. Cách đây mấy năm, gia đình cháu Bùng và cháu Xoa đã hiến ruộng vườn, nhà cửa để làm việc công hữu.

Bốn là: Tịch biên tất cả đất đai ruộng vườn, nhà cửa của những gia đình đã bỏ đi theo giặc, gồm nhà Cả Trường, Lý Khoái, Lý Khiếu, Hương Cán. Xung vào điền thổ chung.

Năm là: Cấm ngặt kẻ nào lợi dụng chiếm đoạt đất đai, khai gian, khai lận, tranh giành thừa kế, chém giết nhau. Máu lại đổ, đất lại nhuộm máu, gây tiếng xấu đến muôn đời. Giữ lấy chữ nhân, chữ đức chứ không phải vì vài thước đất.

Nhốn nháo, hỗn độn, kẻ đứng, người ngồi, ồn ào, tranh nhau nói, kiểu này, kiểu kia: “Thế này không được. Cháu tôi mới đẻ hôm qua, phải chờ mười năm nữa à?”. “Ai chết thì phải trả đất ngay cho người khác chứ?”. “Bọn cường hào, gian ác nó đi, mai nó về thì sao. Lại trắng tay à?”. “Đánh rắn thì phải đánh dập đầu chứ”… vân vân và vân vân.

Chủ tịch Tế bình tĩnh. Hình như những câu hỏi này đã lường trước, ông dõng dạc trả lời:

– Trước hết, giữ nguyên canh, nguyên cư. Ai đang canh tác ở đâu, dù cấy rẽ của ai, đó là đất của nhà mình. Nếu so với mức quân bình, thiếu thì quân cấp thêm, thừa chuyển cho người khác.

Tất cả im lặng, ai nấy nhẩm tính xem nhà mình thừa hay thiếu. Chủ tịch nói tiếp:

– Xin nhận những lời đóng góp của bà con. Cụ thể từng khúc mắc, sẽ giải đáp riêng – Lặng đi  một lúc chủ tịch nghẹn ngào – Hãy tin rằng, trên bãi biển này, khúc sông Nê này. Máu đã nhuộm đỏ. Đầu đã rơi. Xương thịt trộn trong cát. Bây giờ ruộng đất đã về tay. Không một thế lực nào có thể cướp lại được!

“Rừng” người, nín thở, tiếng nấc bật tung, nước mắt trào ra, ngoài kia sóng biển rì rào, gió nhè nhẹ thổi, lướt trên từng khuôn mặt khô cằn, nứt nẻ, chan chát, mằn mặn. Tình người là vĩnh cửu.

Chủ tịch, nâng bàn tay thầy lang bắt mạch, từng trải, nhạy cảm, lau giọt nước mắt. Khẽ khàng nói:

– Ngày mai, ra đồng nhận ruộng. Ngày mai, trời yên biển lặng. Hửng nắng. Nhận ruộng xong, ra khơi. Tay cầm cày, tay kéo lưới. Thế thôi nhé.

6

Công việc viên mãn, tố hảo. Bọn trẻ thế mà được. Biên chép đầy đủ, chính xác. Không mắc mớ gì. Người nhận ruộng vui như “mong mẹ về chợ”. Người trả lại sẵn sàng nhường cơm, sẻ áo. Dân miền biển là vậy. Na và Sửu, thuộc như lòng bàn tay từng thửa ruộng, đâu là “Bờ xôi ruộng mật”. Na bảo không có từ ngữ nào lại hay đến thế, ngon lành đến thế, thơm tho đến thế. Nghe xong chỉ muốn ăn, ai cũng muốn nhận phần. Nhưng Na khéo léo, lựa lời phân giải họ lại nhường cho nhau. Đến những mảnh đất khô cằn, bạc mầu, ngần ngại, Na cười nói: Ngày xưa cụ Tiên đã dạy: “Người hạnh phúc, không phải là người có trong tay những điều tốt đẹp, mà là người có thể biến mọi thứ trong tay, trở thành những điều tốt đẹp. Hiện tại và tương lai, hoàn toàn tùy thuộc ở mỗi người”. Hãy “nghiêng đồng đổ nước ra sông” và “thay trời làm mưa” sẽ trở lên tốt đẹp thôi mà. Người được nhận ruộng hồ hởi, đấm vào lưng Na thùm thụp:

– Nghe con này, đổ thóc giống ra mà ăn.

Nói vậy thôi, chứ có ai đổ thóc giống ra ăn bao giờ. Chỉ thấy cây lúa xanh tốt, trĩu hạt cúi đầu.

Cả cánh đồng, rợp bóng cờ và biểu ngữ. Tên tuổi được gắn lên mảnh đất thân yêu của mình. Ngàn đời nay, như bị mất tên. Những cái tên, thằng Kèo thằng Cột, cái Cau, cái Bánh, chỉ gọi thay cho các anh tá điền và con hầu người ở. Vui lắm, sướng lắm, ôm lấy cái biển đầu bờ, có tên có họ của mình mà khóc. Dân vui một, Chủ tịch Tế vui mười. Mang lại hạnh phúc cho người khác, là mang lại hạnh phúc cho chính mình.

Bọn trẻ cũng vui, tíu tít vây quanh chủ tịch. Ngồi xuống bãi cỏ. Lấy gói táo tàu trong túi ra (Táo tầu là vị thuốc đặc biệt, quý lắm, ai dám ăn, chỉ chầu chực khi thuốc nấu xong, gạn nước, bã đổ đi là tranh nhau nhặt, vị táo tầu đã nhạt thếch) ông chia cho từng đứa:

– Đây là quà, ăn rồi ông thưởng tiếp.

Tát cả nhao nhao đòi:

– Thưởng đi ông ơi!

– Ông thưởng gì nào?

Ông điềm tĩnh nói:

– Việc chia đất cho dân, các cháu làm rất tốt, được lòng mọi người, không mắc mớ gì. Ông khen. Bây giờ ông định thế này:

Im lặng, chờ đợi. Ông đủng đỉnh từng câu:

Sau này còn nhiều việc lớn hơn. Muốn làm được, các cháu phải đi học. Làng ta, xã ta chưa có trường, phải đi xa, vất vả đấy. Chỉ có học mới nên người, mới thoát được đói nghèo. Ông ta xưa đã nói: “Ngọc bất trác, bất thành khí/ Nhân bất học bất tri lý. Nghĩa là ngọc có mài mới đẹp. Người có học mới làm được việc lớn. Các cháu hiểu không?

– Học ở đâu hở ông? Cháu học bình dân học vụ. Cụ Tiên dạy cả chữ nho nữa đấy. Văn tự cháu đọc làu làu. Thằng Sửu liếng thoắng nói một lèo vậy.

– Ăn thua gì, tao còn đọc cả tiếng Pháp nữa đây. Bây giờ, phải học quốc ngữ cơ. Tây, Tàu, Đế quốc Phong kiến lỗi thời rồi. Vứt.

Thanh hung hăng, Sửu chạm nọc, hai thằng gây gổ. Xưa nay là vậy, Thanh hiền lành, chịu thương chịu khó. Sửu hùng hổ, vênh váo, trái ý là thượng cẳng chân, hạ cẳng tay. Mấy khi hai đứa chơi được với nhau. Chỉ câu trước câu sau là sinh chuyện. Biết ý, Na kéo Sửu ngồi xuống:

– Không được hỗn.

– Nghe ông nói đây.

Thế thôi, hai đứa lại cười khục khục, ôm nhau xếp bằng tròn, nghe chủ tịch nói:

Ông tiếp tục:

– Ông đã giao cho cô Hạnh Mỹ, thu xếp cho các cháu lên huyện học. Bây giờ đổi mới rồi, không còn gọi đệ tam, đệ tứ gì nữa, mà là cấp học. Vậy là Thanh lên cấp hai. Sửu vào cấp một. Đào lên cấp hai, hơi đuối tý nhưng cố lên. Chinh tiếp tục học hết năm nay, sang năm cấp ba. Ngày mai tất cả theo Chinh lên trường, cho kịp khai giảng.

– Thế còn chị Na thì sao ạ?

Na xoa đầu Sửu cười:

– Chị lớn rồi, còn phải ở nhà trông cu Cây chứ. Thôi đi về mẹ Sen tắm giặt cho, còn chuẩn bị quần áo mai đi.

Hai chị em khoanh tay chào ông, chào các bạn rồi lon ton chạy khuất sau lũy tre làng. Đào nán thêm chút nữa để thưa chuyện:

– Cháu cám ơn ông nhiều, nhưng cháu sợ không học được.

Hiểu Đào đang suy nghĩ gì. Chủ tịch nói:

– Cố lấy cái bằng cấp hai về mà làm. Na nó sẽ chuyển sang việc khác.

– Không phải cháu sợ học, mà sợ… miệng đời…

…Từ ngày được chủ tịch ưu ái cho nhà, cho làm việc ở trạm hộ sinh. Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh kẻ chạy lại. Việc ông khai quật vùng đất nhà cụ Đội, cuối làng. Chuyển mười ba bộ hài cốt vô danh về Hoang Điền, đã làm “miệng dân sóng biển” ồn ào, người chê, người sợ động vào Long mạch. Bây giờ đất lành, chim đậu…

– Đã có ông, sợ gì. Không nhớ à. Hôm qua chia đất, mảnh đất cuối làng, bao nhiêu người tranh đó thôi. “bờ xôi ruộng mật” đấy. Nghiệp ác qua rồi, vui lên mà hái quả. Phúc bất trùng lai.

7

Bỗng ra mở cửa văn phòng Ủy ban sớm. Gọi là văn phòng, chứ thực ra chả có gì. Ngôi nhà ba gian lợp rạ, vách đất, dưới chân đê. Vốn trước đây là nhà kho chứa dụng cụ cứu đê, lỉnh kỉnh mai cuốc, sọt tre, gậy gộc, hai cái trống treo lủng lẳng trên xà nhà. Thời cũ các lý dịch, làng nào làm việc ở làng ấy. Đình làng là nơi giải quyết mọi việc. Ngoài việc tế lễ, hội hè, cỗ bàn, còn bao luôn cả thu thuế, xét xử trộm cướp… Tất tần tật, ra đình. Từ ngày có xã, không thể làm việc ở đình làng nào được. Phải có chỗ riêng. Chiến tranh, giặc dã, đói kém, lấy đâu ra tiền mà xây trụ sở to. Dân không có ăn, chết đói, ai dám bỏ ra hàng đống tiền mà xây. Chỉ cỗ bàn khánh thành cũng đủ chết. Phải mời quan trên, quan dưới, đốt pháo, giăng cờ, mới mở mày, mở mặt với thiên hạ được. Lúc ra về chả nhẽ tay không. Ngày xưa quan trên, dây tràng hạt Ngọc trai. Quan dưới cũng phải có tý tươm tươm. Giờ chí ít, cũng là đặc sản biển, nuốt “lưỡi câu vàng”. Trời, tất cả là tiền của dân, chứ của ai đâu. Nghĩ vậy, chủ tịch cho dọn qua loa, đồ đạc chuyển lên điếm canh đê. Kê tạm bộ tràng kỷ cũ, thu của nhà Hương Cán, có chỗ ngồi. Nói vậy thôi, thực ra có ai ngồi. Mọi việc, chủ tịch đều giải quyết béng ngay ngoài đồng. Mưa lụt xắn quần, lội. Nắng nôi, ngồi dưới gốc cây thông, phe phẩy nón mê. Bờ ruộng, bãi biển, bến cá, đâu cũng xong. Việc nào ra việc ấy trôi vèo vèo. Vẽ chuyện.

Thấy chủ tịch bước vào, Bỗng vội kéo ghế mời:

– Cụ đã đến ạ.

Chủ tịch thân mật:

– Bỗng đấy à, anh đến sớm thế?

Nửa như thanh minh, nửa như muốn giãi bày, Bỗng nói:

– Dạ, con sốt ruột quá, cụ ạ.

Chủ tịch:

– Chuyện gì vậy?

Bỗng vẫn chần chừ:

– Thưa cụ thế này ạ…

– Nói xem nào.

Chủ tịch giục. Bỗng ngần ngừ, rồi mạnh dạn:

– Thưa cụ, từ hôm các em đi học, người ta xì xèo nhiều quá.

Chủ tịch nóng ruột:

– Như thế nào?

Bỗng:

– Các em khác, con không nói. Riêng cái Đào…

Chủ tịch:

– Họ nói sao?

Bỗng:

– À rằng là. Vợ thằng phản động mà cũng được đi học. Ở mấy làng, bên kia sông, đang phóng tay phát động quần chúng. Con cái phú nông, địa chủ là cấm tiệt, không được ra khỏi làng. Bố mẹ chết thì phải gánh chịu, đấu tố tội ác, trả lại ruộng đất nhà, cửa cho nông dân. Ngoan cố, tử hình, tịch thu tất, chia quả thực…

Chủ tịch ngắt lời:

– Mày nghe ở đâu ra?

Bỗng vẫn thao thao, bất tuyệt:

– Con đến tận nơi xem mà? Xem một phiên đấu tố tên địa chủ Khánh. Rồi ra tận bãi bắn, xem hành quyết tên địa chủ Phóng…

Chủ tịch đứng phắt dậy, cau mày:

– Không được thế. Việc của người ta, mặc người ta. Mình Khánh Hữu, vẫn là Khánh Hữu hiểu chửa? Cả chuyện cái Đào nữa, kín mồm thôi.

– Vâng, con biết rồi ạ. Dưng mà…

Chưa nói hết, Thầy lang đã hiểu. Tài bắt mạch, đoán bệnh của Thầy ai cũng phục. Nhưng tài đoán suy nghĩ của người khác, chỉ có Bỗng biết. Đấy, cái lần hạ đồn Mả Nàng, thằng Bằng đồn trưởng giao cho Bỗng đối đáp trên loa phóng thanh với Hạnh Mỹ, Bỗng chỉ nói một câu: “Bao giờ bão táp mưa sa, thì ra đón nàng”. Có vậy thôi, dịch “ám hiệu”, Thầy hiểu, đúng đêm mưa, đã cho quân đánh đồn Mả Nàng, cứu được Na. Tài thật. Giờ Thầy bảo, kín cái mồn lại, rồi Thầy lại mỉn cười, chắc đã đoán ra. Bỗng phải lòng Đào. Cũng thật vậy. Hôm Đào chuyển từ xóm cuối làng về ở tạm nhà thằng Bằng. Vất vả, tất bật, Bỗng gồng gánh nồi niêu, bát đĩa, chăn màn, quần áo cho Đào, sưng cả hai vai. Nhà Bằng rộng. Thân con gái mười bẩy, ở một mình, Đào sợ hết vía. Sợ ma, sợ cả bọn tay chân của Bằng từ Kênh Đồng sang quấy rối. Nghiễm nhiên Bỗng trở thành cận vệ, giúp đỡ cháu. Gọi là cháu, đúng thôi. Bỗng hơn bốn mươi, gần bằng tuổi Toái, bố chồng nó. Một điều cháu, hai điều chú ngọt xớt, yêu thương. Tuy vậy, vẫn phải giữ lề thói. Đào, ngủ trong buồng. Buồng của vợ chồng Lý Khoái xưa kia, tối mù, hôi hám. Bỗng, nằm sập gụ gian giữa, gối đầu lên khẩu súng ngắn không có đạn. Hôm đi công tác đặc biệt Còi thu hết đạn, nói, thị uy thôi, còn giặc đâu mà bắn. Ừ oai thật, khẩu súng bao da mới toanh của tên quan hai Pháp. Chiến lợi phẩm trận đánh Mả Nàng. Đi đâu, làm gì cái bao da ấy luôn bám chặt thắt lưng, thò ra một tý khỏi tà áo. Ối người mê, nhất là các em đuổi theo liếc mắt nhìn. Bỗng lên đời, phen này tha hồ kén vợ. Càng nghĩ càng thấy thích, trằn trọc, muỗi sa vào như trấu, ngứa khắp người. Trong buồng, Đào cũng đập quạt phành phạch. Tự dưng Bỗng hỏi:

– Cháu chưa ngủ à?

Cứ tưởng phải hỏi vài ba câu mới trả lời, hóa ra chưa hết câu Đào đã lên tiếng:

– Nhiều muỗi quá chú ơi.

– Ừ, mẹ nó, muỗi ở đâu lắm thế.

Bỗng lấy tay vả vào mồm, bập bập – “lại nói bậy, trước mặt đàn bà con gái phải tế nhị chứ” – Tàn dư của nghề mõ, vẫn còn rơi rớt, trong lúc tán gái. Đứng trước quân thù, Bỗng mạnh mẽ lắm, nói năng bài bản, hùng hồn, câu vè, câu ví như một ám hiệu. Thế mà trước mặt đàn bà lúng ta, lúng túng như gà mắc tóc?

– Đào à. Ra ngoài này, có gió biển đỡ muỗi hơn.

– Cháu ngại lắm.

– Mày đáng tuổi con, tuổi cháu, sợ gì.

Ai còn lạ gì chú Bỗng, hồi chưa lấy chồng, Đào và lũ trẻ mỗi lần nghe triếng mõ, lại chạy theo chú, đi khắp làng, chú chiềng làng, thì ùa nhau chiềng chạ, quay lại chú đuổi, ù té chạy, ngã nhào xuống ao. Chú nhẩy xuống vớt lên, yếm váy tụt hết ra, vừa khóc vừa chửi. Ngày xưa vậy, giờ đừng cũng chẳng được, muỗi nó khênh đi mất. Đào rón rén ngồi xuống mép phản:

– Chú còn nhớ, lần nhảy xuống ao không?

– Mày nhớ lâu nhỉ? Ngượng chết đi được.

– Cháu ngượng thì có, đứng tô hô giữa đường, còn chú lại “Thượng hạ tây đông” biến mất…

Bỗng tủm tỉm cười một mình. Chủ tịch ngạc nhiên hỏi:

– Mày cười cái gì vậy? Lại chuyện cái Đào hả?  

– Ông ạ. học những ba năm con sợ…

– Phải lòng à?

– Nó có lớn mà không có khôn đâu ông ạ. Con nghĩ phải bảo ban thêm mới thả ra ngoài được.

– Nó đã biết lấy chồng, còn mày mảnh tình vắt vai cũng không. Khôn ngoan nhỉ?

– Con nói ông nghe chuyện này, xin ông bỏ ngoài tai.

– Ừ, nói xem.

– Chả là hôm ấy trăm ngày chồng nó. Là vợ nên phải cáng đáng tất tần tật. Nó nấu xôi cúng, vừa nấu, vừa phơi váy, con hỏi thì nó bảo “Đồ xôi hấp váy”. Thì ra chỉ có một cái váy, xuống ao vo gạo bị ướt tiệt, nên phải vừa thổi, vừa hấp váy, khô nhanh để còn khấn vái.

– Chỉ phịa là giỏi.

– Thật mà ông, con thề. Thương quá. Hôm sau con lên chợ mua cho mấy thước vải diềm bâu, về nhấn bùn, may thêm cái váy nữa.

– Được, được, việc này tao khen.

Ông cháu đang vui vẻ, Nho sồng sộc chạy vào:

– Bẩm cụ.

Bỗng nghiêm mặt quát:

– Lại thưa với bẩm, báo cáo chủ tịch, nói lại.

Nho vừa thở vừa nói tiếp:

– Vâng, báo cáo chủ tịch, ngoài bãi sú có con cá gì, to lắm, mắc cạn…