Phần 25
Còn thằng Sửu, khó bảo quá, quay đi quay lại, loáng cái đã biến đi đằng nào. Nhiều lần, tìm khắp làng mới thấy. Có bữa chẳng thèm ăn, đi chơi tối mịt mới về, cổng đóng thì chui bờ rào. Sửu luôn có những trò nghịch ngợm tai quái và độc ác, nó dám cầm dao rạch lên mông con trâu nhà người ta buộc ở bụi tre. Đi ngang qua đàn gà con, thuận chân đá vèo con gà con xuống ruộng, vùi bùn lên. Sen không dám đánh, không dám nói bạo, sợ bà Tiên biết lại bị đòn lây. Đành mặc.
Hồi ông Tiên còn sống, ông sắm roi mây treo trên cột nhà, hễ nghịch là bắt nằm sấp chổng mông lên ăn đòn. Bà Tiên lại chiều, được thể nó càng tinh tướng hơn. Ăn thì phải ăn ngon, bữa nào thấy thức ăn không vừa ý là hất tung cả mâm xuống đất.
Có lần, thầy Lang Tế nói: Thiếu nhi chi tại đấu/ Cập kỳ tráng giới phi bất trị. Ý nói rằng, lúc trẻ chớ cho chơi đánh nhau. Lúc lớn lên không trị nổi.
Bà Tiên hơi phật ý, chạm đến tình yêu thương của bà đã dành cho Sửu từ khi lọt lòng. Nhưng rồi bà lại nghĩ nhanh: Bao công sức dành cho thằng Sửu, bà chắc mẩm, con nên người không bao giờ phụ công cha mẹ, mà giúp nó để tự mình cảm thấy yên vui và hạnh phúc. Vậy đủ rồi.
Tối nay vừa cơm nước xong, bà Tiên từ trên nhà gọi vọng xuống:
– Thằng Sửu đâu, lên ngủ với bà.
Từ ngày bà Tiên bị thương, đau đầu khó ngủ, trằn trọc suốt đêm. Để thằng Sửu ngủ với bà, có thói là dẫy đạp lung tung, nên Sen bắt xuống nhà dưới ngủ. Nhớ cháu, hôm nay bà gọi lên ngủ cho vui, trong nhà có tiếng trẻ con, xua tan lạnh lẽo. Thấy bà gọi, Sen và Na cuống lên: “Thôi chết, làm sao bây giờ, thằng Sửu chưa về, cơm nước cũng chưa ăn”. Nhanh trí, Na ra hiệu cho Sen, rồi bế thằng Cây lên buồng bà. Na đặt Cây nằm bên bà, vội vã lấy chai rượu địa liền, thuốc xoa bóp thầy lang Tế ngâm. Xoa khắp người, Na kể chuyện trên trời dưới biển, ngoài đồng, ngoài chợ và việc nhà cho bà nghe. Ê a mấy câu, ru cho Cây ngủ và Bà cũng ngủ luôn lúc nào không hay.
Trong khi đó ở dưới bếp, chị Sen ra hiệu cho anh Tây đen đi tìm Thằng Sửu. Cũng lạ, cả nhà chỉ có anh Tây đen là thằng Sửu thích nhất, nói gì là nghe, bảo gì là làm răm rắp. Anh Tây đen cũng rất quý trẻ con, nói thì chẳng ai hiểu, nhưng ra hiệu thì trẻ con biết hết. Anh còn dạy cho chúng học tiếng Pháp. Lấy que viết đầy lên bãi cát. Viết xong, sóng biển xô vào cuốn đi mất sạch. Cũng như chữ anh dạy, chưa vào đầu đã biến mất. Anh Tây đen còn bày ra trò đá bóng, lấy quả bưởi non, nướng vội làn bóng rồi mang ra bãi biển chia quân để đá. Nửa cát, nửa nước tung tóe, đứa nào đứa ấy, ướt như chuột lột.
Nhận lời chị Sen, anh Tây đen ra ngay bãi biển chỗ làm sân bóng, không thấy. Đi tìm mấy thằng bạn của Sửu, biệt tăm, nhà họ cũng đang nháo nhào đi tìm. Chợt thấy ngoài đồn Mả Nàng có ánh lửa, kể từ ngày thằng Bằng bị bắt, đồn Mả Nàng bị tiêu diệt, không ai bước chân vào, nhà cửa tan hoang. Lô cốt biến thành “thiên đường” của rắn rết, chuột đồng. Bây giờ, tự dưng lại có ánh lửa, chuyện lạ.
Đúng vậy, Sửu và bốn thằng bạn đang ngồi bên đống lửa. Thì ra, chúng lấy rơm rạ ấm vào một lỗ châu mai, đốt khói um. Tất cả phục ở lỗ phía bên kia. Chuột bị ngạt chạy ra, gậy gộc xô vào phang, bắt được khối, con nào cũng béo múp míp. Làm sạch cho vào nướng thơm lừng rồi xé ăn ngon lành. Ở nhà thằng Sửu khảnh ăn, không vừa ý là hất tung mâm xuống đất, thế mà thịt chuột nướng chén dau dáu.
Trận giả vừa kết thúc “đồn trưởng” Sửu tuyên bố khao quân. Anh Tây đen đến từ bao giờ, bàng hoàng đứng nhìn. Nhanh ý, thay đổi thái độ, anh vỗ tay đồm độp, nói câu tiếng Pháp đã dạy cho chúng:
– Bienvenue. (Hoan nghênh)
Tất cả nhẩy lên reo hò, kéo Anh Tây đen ngồi xuống. Từ bé đến giờ chưa biết ăn thịt chuột nướng, ghê quá. Nói với nhau câu được, câu chăng, nhưng ra hiệu thì chúng thuộc vanh vách. Anh Tây đen khoa chân múa tay làm trò vui, tìm cách kéo chúng mau mau về nhà:
– Thịt chuột, tuyệt cú mèo.
“Đồn trưởng Sửu” tay cầm “súng liên thanh” dạng chân chĩa vào anh Tây đen:
– Bọn Pháp chúng mày, chê dân An Nam mọi rợ, bây giờ biết thế nào là mọi rợ chứ?
Một tràng liên thanh bằng cọng lá chuối nổ bằng bằng. Anh Tây đen vờ ngã lăn ra, cả bọn ôm bụng cười lắc lẻ. Lợi dụng lúc vui, anh hỏi:
– Chúng mày có phần thịt chuột cho bố mẹ không?
Tất cả ngớ ra, đá vào đám chuột sống lăn lóc bên đống lửa, Sửu nói:
– Còn nhiều, khao cả làng.
Anh Tây đen nói vội:
– Về đi, về sân đình mở hội.
Thế là bọn trẻ sướng, vơ vội, tay xách nách mang mỗi đứa một xâu chuột. Vừa đi vừa hát câu tiếng tây, câu tiếng ta vang cả đường làng. Để cho lũ trẻ rảnh tay nhấy múa, anh Tây đen nhận xách tất cả. Lừa lúc vui, anh vờ ngã, ném hết chuột xuống ao. Phi tang rồi lùa từng đứa, nhà nào về nhà nấy,
Đêm khuya lắc, khuya lơ.
Không thấy nhà nào có động tĩnh gì.
3
Sớm hôm sau, cả làng Khánh Hữu nhốn nháo: “Cái thằng Sửu và bọn trẻ ăn thịt chuột nướng. Táo tợn thật”. Người thì chê vậy, người lại dè dặt nói nhỏ kẻo bà Tiên nghe thấy lại đòi mất ruộng: “Thằng Sửu nó sướng chán rồi, bây giờ phải nến tý khổ. Lẽ đời là vậy mà”. Mấy ông già chống gậy, chỉ vào các bà nói oang oang: “Chỉ được cái mẽ, hồi chết đói năm bốn nhăm, chuột chết cũng không có mà ăn. Tao chưa ăn, nhưng ối kia kìa”.
Cứ vậy, người này một tiếng, người kia một tiếng. Thằng Sửu và bọn trẻ sợ hết vía, nằm im trong nhà. Người ta lại còn đổ vấy lên đầu anh Tây đen. Đầu têu. Anh vội vàng giơ tay ra hiệu: “Thịt chuột, tuyệt cú mèo mà”. Thế là nhiều người đi bắt chuột làm thử, ăn thử. Ngon thật, không kém gì thịt cầy. Dần dần cả làng đi bắt chuột, ăn không hết mang ra chợ bán. Chợ Huyện có thêm mấy dẫy thịt chuột từ đó.
Chủ tịch Tế lắc đầu, than thở: “Thế này, bệnh dịch hạch lại bùng phát mất thôi”. Nhưng không diệt, chuột phá hết, cây lúa “con gái” đang mơn mởn, chỉ một đêm, nó quần nát. Cấy lại, lấy giống đâu? Đói lại hoàn đói. Người nông dân sao khổ vậy, hết thằng Tây, thằng Nhật, rồi bọn cường hào cướp đất, cướp thóc, đến bây giờ lại giặc chuột.
Thời thế thay đổi, chỉ có người đứng đầu lo việc làng xã thay đổi. Bọn nhà giầu vẫn nắm ruộng đất trong tay. Người dân vẫn phải đi làm thuê, gặt hái xong, thóc đổ vào nhà giầu, cót thóc nhà mình trống vẫn hoàn trống. Cơ cực thật. Lũy tre làng đã nhốt bao thế hệ con người làng Khánh Hữu, nó như cái lồng sắt khổng lồ.
Ngày nào cũng vậy, chủ tịch đều dạo quanh đồng ruộng một lượt, nhìn cảnh bị chuột tàn phá mà đau lòng. Bao đời ước mơ: ruộng đất là của mình, thóc gạo làm ra là của mình, thế mà vẫn không được. Càng suy ngẫm, chủ tịch Tế càng thấy bế tắc. Rõ rành rành là vậy, dù có ba đầu, bốn tay cũng không làm nổi. Bất đắc dĩ ông phải gánh cho bạn đồng môn. Chủ tịch thì phải thượng thi pháp luật. Thầy lang phải “Lương y như từ mẫu”. Khó quá. Bên ngoài người ta cứ tưởng, làm quan là sướng, quan nhỏ thì ăn nhỏ, quan to thì ăn to. Trước đây đất đai, của cải còn nhiều, mấy thằng quan trước đã ăn đầy mồm rồi. Mà có còn chăng nữa, chủ tịch đâu có tơ hào, quanh đi quẩn lại cũng chỉ có một mẫu ruộng làng cấp cho để trồng cây thuốc. Thế thôi.
Về đến nhà, trời nóng nực, đẩy tung cánh cửa, ngoài khơi từng đợt sóng lừng dồn về, thầy lo lắng: “Ráng mỡ gà trời gió, ráng mỡ chó trời mưa”. Cả cánh đồng, chuột quần nát như tương bần, gặp mưa bão, mất mùa đến nơi rồi.
Anh Thắng và Hạnh Mỹ về lúc nào, thầy không hay. Hạnh Mỹ nhanh nhảu:
– Thưa thầy chúng con đã về.
– Ờ, tốt rồi có nhiều việc thầy cần bàn.
Nghe tiếng Hạnh Mỹ, Thanh và các em ở trong nhà chạy ra ôm chầm lấy chị. Từ ngày bà lang mất, Hạnh Mỹ phải ở lại bên nhà hộ sinh, vừa làm, vừa đào tạo thêm người. Nói là nhà hộ sinh, đâu chỉ có đỡ đẻ, mà ốm đau sổ mũi, sốt rét, rắn cắn… ai cũng chạy vào làm vài viên thuốc cho tiện. Chỉ trừ nặng mới mời thầy lang bắt mạch. Hai cha con bận rộn việc nhà, việc nước suốt ngày. Hạnh Mỹ rất ít thời gian chăm sóc các em. Tất cả giao phó cho Thanh, tuy mới hơn mười tuổi nhưng hiền lành chịu khó, tu chí làm ăn. Hanh đi chiến trường, mọi công việc đồng áng, cấy cày Thanh lo liệu hết. Tinh mơ sáng, trời rét căm căm đã xuống ruộng, ôm nhau kéo cày thay trâu. Chả thế mà Thầy đã bí mật giao cho nơi cất dấu thủ cấp của cụ Tiên.
Hôm nay, về với các em, cũng để xin phép thầy… nghĩ đến đây, nước mắt Hạnh Mỹ trào ra, Sinh ngước lên hỏi:
– Sao chị lại khóc?
Vang dứng dậy ôm lấy cổ chị:
– Anh Thắng đánh chị à, để em đánh lại cho.
– Không đâu em, hơi khoai nóng quá làm chị cay mắt thôi mà.
Từ lúc nào, Chinh đã mang lên rổ khoai luộc để ngay gần lòng chị, hơi nghi ngút bay lên. Mấy chị em quây quần bên rổ khoai, vừa ăn vừa kể chuyện quên đi giây phút bịn rịn. Chinh mang lên cho Thầy và anh Thắng một đĩa. Đỡ đĩa khoai, Thắng kéo Chinh vào lòng xoa đầu:
– Anh xin, em gái ngoan quá.
Được chiều, Chinh làm dáng õng ẹo, thầy Lang chăm chú nhìn. Nó giống mẹ nó quá, đẹp hơn cả Hạnh Mỹ. Bà ấy còn sống thì chúng nó đỡ khổ. Cái ngày đói năm bốn nhăm cả nhà vất vả, nuôi người bệnh, người đói nhưng không đến nỗi khổ như bây giờ. Chữ tâm dẫn dắt cuộc đời, nhưng thời thế mạnh hơn đã đẩy con người vào cái thế. Thế thì phải thế. Đang mạch suy nghĩ thầy nói tiếp:
– Cơ cực lắm! Tại sao bọn nhà giầu vẫn nắm ruộng đất trong tay. Người dân vẫn phải đi làm thuê, gặt hái xong, thóc đổ vào nhà giầu, cót thóc nhà mình trống vẫn hoàn trống là thế nào, anh có biết không?
– Dạ, thầy hỏi thì con xin thưa. Không phải chỉ làng ta mà đâu đâu cũng vậy. Bọn nhà giầu vẫn hoành hành. Người nghèo mới giải phóng được tư tưởng, ruộng đất nhà cửa vẫn không có. Lần này con được điều động đi làm việc đó – Do dự một lúc Thắng mạnh dạn nói tiếp – Hôm nay về xin phép Thầy cho con và Hạnh Mỹ được đi.
– Thế sao? không làm ở ngay làng mình lại phải đi đâu?
– Dạ, làng mình sẽ có người khác về ạ.
– Ừ thế cũng đúng, Hạnh Mỹ cũng làm việc ấy à?
– Dạ không, Hạnh Mỹ vẫn làm y ạ.
– Mừng cho các con.
Chinh từ nãy giờ ngồi nghe, đến đây thì ù té chạy vào trong nhà đè ngửa Hạnh Mỹ rồi giữ chặt hai tay.
– Chị không được đi đâu cả.
Thanh và các em chưa hiểu gì nhưng cũng ùa vào ôm chị gào lên, đôi mắt đã ầng ậc nước:
– Không được đi, không được đi.
Nhìn mấy chị em đang giằng co. Thầy lặng lẽ quay đi, hai dòng nước mắt lăn trên má. Anh Thắng bế Vang dỗ dành, nhưng tiếng các em vẫn ríu rít: “Không được đi, không được đi…”.
4
Bão về, tín hiệu trời vừa báo “Ráng mỡ gà trời gió, ráng mỡ chó trời mưa”, thế mà từng đợt sóng lừng đã dồn về, xô vào bờ cao ngút con sào. Nhiều thuyền đánh bắt xa bờ, đêm qua đã về kịp được lôi lên bờ, nằm lật úp trên bãi cát trắng thành một hàng dài. Hai anh em Thuận và Tây đen câu mực đêm, gặp luồng nước nóng ẩm trước cơn bão, từng đàn cá mực nổi lên. Khoang thuyền đầy ắp, Thuận căng buồm xuôi theo chiều gió về bến trú ẩn, nhanh chóng mang cá về nhà. Con đường làng ven biển chẳng còn lấy một bóng người.
Hàng ngàn đời nay, bão như sự nổi giận của mẹ Thiên Nhiên, hiện thân của sức mạnh Thượng Đế. Thật khó có thể diễn tả hết sức mạnh tàn phá của một cơn bão. Cả cánh đồng Khánh Hữu, chuột quần nát như tương bần, nước mưa đổ xuống ầm ầm. Những cây lúa hạt non, hạt lép thì đứng thẳng vươn cao. Còn những cây lúa nặng trĩu hạt, oằn mình xuống dưới thấp, ngâm trong nước. Người người ngơ ngác đứng nhìn, thằng Bỗng đội mưa trèo lên chòi thông tin, loan báo lệnh của Chủ tịch Tế: “A lô, a lô, bà con cấp tốc ra ngay ngoài đồng cứu lúa, mau mau gặt nhanh mang về phơi, tuốt lấy gạo mà ăn, nước đang dâng lên, giặc đói đến rồi. A lô, a lô”. Người gặt, người gánh những bông lúa ngậm nước mang về. Các mẹ già ngồi ôm bó lúa, nước mắt ròng ròng chảy cùng với những giọt mưa rơi.
Ngoài đê các điếm canh, trống nổi liên hồi. Tù và, cồng chiêng thúc giục. Tiếng chân người chạy huỳnh huỵch, hò hét ầm ĩ: “Vỡ đê, vỡ đê, bà con ơi…”. Tất cả trai gái trong làng ùa xuống ôm nhau, xếp thành hàng làm con đê sống chắn nước. Nhưng những bàn tay nhỏ bé không che kín mặt trời. Nước băng qua, tràn vào, ngập đến nóc nhà. Giữa lúc nhốn nháo ấy người ta thấy thằng Bằng chạy vào đồn Mả Nàng, lập tức Nho đuổi theo. Nho đã lập nhiều chiến công trong trận phá đồn, nên thông thuộc đường ra lối vào. Nước chảy xiết, cuốn thằng Bằng xuống sông. Theo dòng nước, Bằng trôi về Bái Môn rồi mắc vào chân cầu khỉ. Nho vớt lên đưa vào nhà hộ sinh. Từ hôm Hạnh Mỹ đi lên huyện nhận công tác mới, thiếu người, Na về trợ giúp cho mấy chị cứu thương. Để phòng bất trắc, chủ tịch cho thêm hai dân quân canh gác. Oái oăm, thằng Bằng lại vào đây, chân bị rắn cắn, nước cuốn, lúc chìm, lúc nổi, bụng no nước, phình như con cóc mẹ. Quên đi tất cả Na nhanh chóng cứu chữa. Thầy lang Tế bắt mạch, băng bó vết rắn cắn, hô hấp nhân tạo đẩy nước ra ngoài. Sau khi tỉnh, Bằng hốt hoảng sờ tìm hai khẩu súng, không thấy, hét toáng lên:
– Đây là đâu?. Khẩu…của…tao…súng…- Nhìn thấy Na nó nửa mừng, nửa sợ – Con Na à, mày làm gì tao?
– Nằm im, sống rồi.
– Ối giời ơi, chân tao đau quá.
Bằng ôm chân thở hồng hộc. Na trừng mắt quát, hai dân quân nhanh tay chĩa súng ra lệnh:
– Rồi sẽ rõ.
Chủ tịch Tế khẽ khàng:
– Cậu đang ở trong tay chúng tôi, phải từ tốn khai cho rõ ràng và đầy đủ nghe chửa. Nho, anh làm nhiệm vụ đi.
Nói rồi, chủ tịch vội vã đi ra cánh đồng, cứu lúa, nước ngập mênh mông. Được lệnh, Nho và hai dân quân ra oai, nghiêm giọng nói:
– Khai ra, mày đi đâu? Vào lô cốt làm gì? May mà rắn cắn chứ không đã ăn đạn.
– Đó là việc của tao.
Thằng Bằng cố nghển cổ cãi, Nho giơ tay định đấm vào mặt cho bõ tức vì đã phải bơi dọc sông đuổi bắt, hết cả hơi, suýt chết. Na ngăn lại:
– Không được đánh, nó chết thì sao?.
– Cô bênh hả? – Nho mím môi nói tiếp – Tội nó phải chém đầu. Nó đã mở cống, đê vỡ nước tràn vào ngập ruộng, ngập nhà, không giết, còn để làm gì?
Thằng Bằng nằm im, hai mắt vờ nhắm, nín thở, tim đập thình thịch. Tai ù ù, hình như có tiếng súng ùng ục, đạn xuyên vào đầu, óc vỡ toang, bung ra tất cả sự thật, tưởng rằng kín. Thế là toi rồi.
…Bằng lẩm bẩm nói không thành lời.
Lúc ấy mưa đổ xuống ầm ầm, gió rít từng hồi, hắn lấy chiếu cói buộc túm một đầu, làm áo tơi chui vào, chạy vụt ra đường, lẫn với đoàn người đi cứu đê nên không ai biết ai vào ai. Từ khi đồn Mả Nàng thất thủ, hắn bị bắt, rồi chủ tịch Tế tha bổng cho làm người tử tế. Như thế nào là tử tế? Hóa ra từ xưa đến nay mình là thằng mất dạy à. Ông ta lại còn cao giọng “Làm người, nên giữ cho mình một cái tâm chân thành”. Dở hơi, mình yêu con Na, nó lại yêu thằng Còi, mình bảo vệ nó, không phải là người tử tế sao? Đời lắm chuyện rắc rối. Người tử tế gì mà bị giam cầm, hết chui rúc ở chuồng trâu, lại quản thúc nội bất xuất, ngoại bất nhập. Quá cuồng cẳng, buồn chán. Đã nhiều lần hắn tìm cách trốn, nhưng lại nghĩ: Dứt áo đi đâu? Cha, chú bao đời đổ mồ hôi công sức mới giành giật được ruộng đất, bây giờ hai bàn tay trắng sao? Đã đến lúc đất không nuôi nổi người, người đành phụ bạc, đất trộn máu người. Trong cuộc giành giật này, con người đã trở thành súng đạn, không còn nhân văn, mà là bạo lực. Súng đạn đã cho hắn ruộng đất, nhà cửa, vợ con và chức tước. Phải tìm về với súng đạn, hắn sực nhớ trong phòng chỉ huy ở đồn Mả Nàng còn một hầm súng, khi bị bắt không kịp phá hủy. Kỳ vọng ấy đã thúc đôi chân hắn chạy nhanh đến Mả Nàng. Đi trên đê, nước dưới sông cuồn cuộn chảy, ý nghĩ mờ ám lại nẩy ra, hắn nhẩy xuống mở cánh cống, nước đổ vào, đê vỡ…
Chạy thục mạng vào đồn Mả Nàng, hắn bới hầm súng ở gầm bàn lên, lấy được hai khẩu dắt vào lưng. Nước ngập, đàn rắn ở lô cốt ngoi ra quấn chặt lấy chân, hắn giẫy giụa một hồi rồi nhẩy xuống sông, người và rắn bị nước cuốn đi, hai khẩu súng cũng trôi mất. Hắn không còn biết gì nữa…
Còi được tin thằng Bằng phá đê, nước ngập tràn đồng ruộng, làng xóm tiêu điều, vội vàng chạy thẳng đến nhà hộ sinh. Mặc cho mọi người ngăn cản, Còi quát:
– Đánh chết nó đi, thằng phá hoại.
Na nhanh tay kéo Còi ra ngoài…
5
Vợ chồng Toái phải mất ba ngày, bốn đêm mới lên đến Núi Đèo. Cũng may có hai anh Mộc, Tồn thuộc đường chứ không đã lạc trong rừng, làm mồi cho cọp. Khi đi chủ tịch Tế căn dặn “Nhiệm vụ của hai anh không chỉ là dẫn đường, mà còn là dân quân giải tù binh. Vẻ ngoài là vậy, nhưng phải lấy tình thương mà khuyên răn để nó cải tà quy chính…”. Suy nghĩ rồi Mộc nói với Tồn:
– Khó phải biết, ý chứ lỵ. Thằng này rắn lắm.
– Dám cầm dao chém đầu Cụ Tiên. – Tồn rùng mình nói tiếp – Nghe nói thôi cũng đã nổi da gà. Quá sợ.
– Địa vị tao. Mộc hùng hổ. Máu trả máu!
Tồn thở dài, ngẫm nghĩ:
– Đời xưa Nguyễn Trãi đã dạy: “Lấy nhân nghĩa thắng hung tàn” mà… Giáo dục là làm cho con người biết hướng thiện, chứ không phải là sự trừng phạt!
Cùng làng Khánh Hữu, nhưng Mộc và Tồn ở bãi ngoài, năm thì mười họa mới vào làng. Bãi ngoài như một cái đảo, lúc nước rút đi bộ được, lúc nước lớn phải đi thuyền. Sau vụ thắng kiện Bái Môn, toàn bộ đất đai ở bãi ngoài thuộc về Khánh Hữu. Để giữ đất cụ Tiên cho gọi Mộc và Tồn đến bảo: “Hai thằng mày vợ con chưa có, nhà cửa thì không, ra ngoài bãi mà ở, rủ thêm dăm người nữa cùng đi cho vui. Đất đấy, ruộng đấy làm nhà mà ở, trồng cói mà làm chiếu. Biển ngay trước mặt, đóng con thuyền kiếm cá mà ăn. Cứ làm đi, làng không lấy tô, lấy lãi của chúng mày. Khéo làm thì no, khéo co thì ấm. Nghe chửa?”. Thế là Mộc và Tồn rủ thêm năm gia đình nữa cùng ra. Dần dà làm ăn được có đồng ra đồng vào, dựng được ngôi nhà và cưới vợ sinh con. Ngoảnh đi quay lại đã hơn chục năm. Nhờ trời, nạn đói năm bốn nhăm không vào được đảo, nhà nào cũng có cái ăn. Đại dịch thổ tả cũng không dám bén mảng, nên mới có chuyện giết chó bị cụ Tiên bắt được. Được cái Mộc và Tồn vui tính nên dân làng ai cũng mến. Hễ gặp đâu là xôm chuyện, nổi đình nổi đám hẳn. Riêng cánh nhà Toái thì ít gặp, bởi vì tính nết khác nhau, không hợp gu, lại ở mãi cuối làng, ngược đường. Nói vậy thôi chứ lai lịch ba đời nhà hắn thì ai cũng biết. Người nhà quê là vậy, một đồn mười, mười đồn trăm mà.
Ông nội Toái, dân làng gọi là cụ đội Tép, thời Pháp thuộc đi lính khố đỏ đóng ở Chợ Lớn, Sài Gòn. Hồi ấy các Hội kín An Nam hoạt động mạnh, lan cả sang Cao Miên. Đội lốt thầy phù thủy và các nghi lễ thờ cúng để tuyên truyền lý tưởng đạo đức, chống lại sự cai trị của thực dân Pháp. Cụ được đưa sang tận bên Cao Miên tiêu trừ diệt phỉ. Lên đến chức đội và được thưởng công mề đay. Lúc giải ngũ về làng, cụ vẫn khoác bên người chiếc áo ba – đờ – suy dài sát đất và chùm chụp cái mũ lông tai mèo mầu cứt ngựa trên đầu, ngực đeo mề đay. Ai hỏi cụ đều nói câu tiếng pháp (tirailleurs cambodgiens). Có nghĩa là Lính khố đỏ Cao Miên. Lính khố đỏ là một lực lượng vũ trang người bản xứ trong quân đội chính quy, chiến đấu để bảo vệ chính quyền thuộc địa Pháp ở Đông Dương.
Cụ đội Tép hãnh diện được nhà cầm quyền Đông Dương cấp cho cái thị thực (Le Visa) để đi sang Cao Miên. Cụ coi như tấm thẻ bài của quan lại thời xưa. Đến thẳng nhà lý trưởng Hương Cán, cụ chìa cái thị thực ra nói:
– Cấp ngay năm sào ruộng và ngôi nhà ba gian cho tôi. Đây, nhà cầm quyền Đông Dương đã chứng nhận công lao của tôi ở Cao Miên. Ông xem đi.
Hương Cán lật xuôi, lật ngược tờ thị thực, làm sao mà đọc được, toàn tiếng Pháp. Ngay cả cụ Tép dắt trong người bấy lâu nay cũng chẳng đọc được. Cụ Tép dạng chân, khuỳnh tay ra oai nói tiếp:
– Có cấp không thì bẩu, để tôi còn lên sở nhà binh tấu trình.
– Ừ thì từ từ đã nào! Hương Cán lừ mắt nói.
– Việc nhà binh! Người ra chiến trường đổ máu xương, còn các ông ở nhà, chén chú, chén anh, chén cả ruộng đất của dân. Định chết hử?
Thế là sợ hết vía, Hương Cán bảo lão chưởng bạ vào sổ công điền, cắt một sào hai thước ở cuối làng.
– Thế là thế nào? Một sào hai thước chó ỉa cũng không đủ. Cụ Tép đạp bàn đánh rụp một cái.
– Ơ hay, đấy là đất ở, còn lại là ruộng để cấy cày, ông không ăn à? Hương Cán vặn lại.
– Thế nghe được.
Cụ điểm chỉ vào văn tự, kéo hai cái tai mèo trên mũ lông màu cứt ngựa cụp xuống, khệnh khạng ra về.
Từ đó cả nhà cụ ra cuối làng ở. Ngôi nhà làng làm cho thì vợ chồng cụ ở, còn anh Toái con trai cả, làm căn nhà bên cạnh. Nhờ có tấm thị thực ấy mà cụ làm được khối việc, cần gì cứ giơ ra là ai cũng kính nể, việc nào cũng xong. Thuế má lao dịch đều miễn. Anh Tính con trai thứ thích thú, giữ rịt bên người như bảo bối. Lần ấy có tên cai Quyến nửa tây, nửa ta, mũ phớt đội đầu, từ sở than Hòn Gai về mộ phu. Trong đình, ngoài sân đông nghịt người, Hương Cán ban bố sắc của quan huyện. Nội nhật hôm nay đứa nào chây bừa thuế đinh, thuế điền sẽ phải đi culi mỏ; muốn sống ở với vợ con thì nộp, không thì ra Hòn Gai, rừng thiêng nước độc mà ở. Tính đến trước mặt cai Quyến chìa tấm thị thực, hất hàm. Cai Quyến đã làm cho chủ mỏ than người Tây nên bọ bẹ dăm ba tiếng Pháp, cười tươi, cúi đầu kính trọng:
– Chào đội lính khố đỏ, rất may, chúng tôi đang cần. Sở than Pháp mỏ than Bắc Kỳ (Société Francaise des charbonnager du Tonkin) là khu nhượng địa có đủ lính đồn và mật thám. Cậu sẽ được xung vào đội quân bảo vệ ngài chủ nhất Anbe Luyơ.
Tính lúng túng, tưởng rằng dọa tý cho oai, ai ngờ lại thật. Nghe cũng thấy hay hay, cả làng này ai được diễm phúc gặp ngài Anbe. Cai Quyến nói tiếp:
– Cậu nhậm chức luôn, cai quản lớp dân phu này cho tôi.
Hương Cán đứng cạnh, vê vê râu mép rồi cười hềnh hệch:
– Bố lính, con lính. Thầy Cai định thế nào nào ào…, bao nhiêu đây?
Cuộc mua bán phu phen nhanh chóng kết thúc. Một phát Tính nhẩy lên làm tướng. “Cóc ngóe nhẩy lên làm người”, dân làng ồn ào vậy. Cụ Tép hãnh diện khoác áo ba đờ suy đi khắp làng. Chuyện gì cũng vậy chỉ được mấy ngày. Dần dà, Tính và đám dân phu biệt vô âm tín, không biết sống chết ra sao ở nơi rừng thiêng nước độc. Mãi sau mới có một người bị sập lò đá đè, thập thễnh bò về làng kể chuyện:
– Phu mỏ khổ lắm, làm nô lệ cho nó, cơm không đủ ăn. Một manh áo bao tải chui vào lò rét căm căm. Hàng trăm phu phải bỏ mạng vì sập lò, nước ngập, vì bệnh tật; người còn sống thì cũng tàn phế. Thằng Tính vào lính đồn, chủ mỏ sai đi bắt ba cô gái, cuốc than trên tầng, nghi là cầm đầu bọn đình công. Bắt được, Tính hung hăng nhét vào bao tải đeo thêm đá, đang đêm mang dìm xuống biển. Xong việc, chủ mỏ ra lệnh giết luôn thằng Tính để phi tang…
Được thêm mắm, dặm thêm muối khiến cả làng sửng sốt. Cụ đội Tép kéo hai cái tai mèo trên mũ lông màu cứt ngựa cụp xuống, rồi cầm hai đầu dây buộc chặt. Không thèm nghe gì nữa. Mấy ngày sau cụ từ giã cõi đời…
Đêm đầu tiên, toán người đi “xây dựng vùng kinh tế mới” dừng lại ở bìa rừng. Để chắc ăn Mộc kẹp một bên, Tồn một bên, thằng Toái ở giữa. Còn vợ con hắn tựa vào gốc cây to ngủ ngon lành. Trằn trọc một hồi Toái nói:
– Các anh cứ ngủ đi, đừng sợ, tôi không trốn đâu.
– Sao tin được. Mộc thăm dò.
Giọng buồn buồn Toái nói:
– Tất cả vui buồn, cay đắng, tử tế và độc ác tôi đã nếm đủ rồi. Bây giờ lại gồng mình gánh chịu nghiệp chướng của ông cha để lại. Sức đâu mà chống đối.
Bắt được tâm tư của hắn, Mộc nói liền:
– Sở dĩ đau khổ là do theo đuổi những thứ sai lầm, mà cậu không chịu buông bỏ.
– Đúng vậy, hết sai lầm này đến sai lầm khác chồng chất lên nhau và đè gục tôi xuống.
Toái thừa nhận vậy. Mộc khuyên:
– Chỉ khi nhận thức được mình, hàng phục chính mình, sửa đổi chính mình thì mới có thể thay đổi được mình. Mỗi vết thương đều là một sự trưởng thành.
– Vâng, chủ tịch Tế cũng nói vậy. Rất tiếc những lời nói của mọi người đến muộn. Đã một lần tôi phải căm giận thốt lên: “Thề với trời đất, tao sẽ phanh thây cái bọn chữ nghĩa bảo thủ, cho hả lòng hả dạ”. Bây giờ tôi lại quý ông ấy, không bao giờ quên những người đã từng giúp đỡ mình. Xin chuộc tội!
Từ nãy giờ Tồn chỉ ngồi nhìn và suy nghĩ: “Con người hắn đã biến đổi nhiều. Hai mắt mờ đi, không còn đầy máu sôi lên sùng sục. Bàn tay trở lại to bè, thô ráp của anh dân chài, không gân guốc như lúc chém thủ cấp của người mà hắn phải mang ơn. Bộ dạng giống như ngày xưa, gù gù, gò lưng kéo lưới. Cơn lốc thiện, ác xoay đổi kiếp người, đang quay cuồng mãnh liệt…”.
Cơn gió lạnh đêm khuya giữa rừng, Toái rùng mình, húng hắng ho, mở bị cói lấy tấm mền mỏng, đi lại chỗ vợ con đang ngủ, đắp thêm cho ấm. Mộc nhìn theo hỏi:
– Đắp hết cho vợ con, không rét à. Nằm sát vào với chúng tớ cho ấm.
– Em được hai anh sưởi hai bên, sao rét được.
Ba người lại rì rầm những câu chuyện không đầu không cuối về sự đời. Tồn hỏi:
– Tớ hỏi thật nhé, người ta đồn đại, cái dạo đói năm bốn nhăm nhà cậu không ai bị đói, kiếm đâu ra gạo vậy?
– Chuyện này kín lắm, anh hỏi thì em thú thật – Ngừng một lát Toái kể tiếp – Chẳng phải ăn cắp ăn trộm gì, chỉ may hơn khôn thôi. Thấy rục rịch hết gạo, tháng ba cả làng đói là cái chắc, em liều nhẩy xuống đò dọc về tỉnh Hà Nội.
Tồn nhổm dậy hỏi:
– Để làm gì?
– Thôi sợ lắm, em chả nói nữa.
Cả hai Mộc và Tồn tò mò, giục:
– Sợ gì. Cái thằng này, nói đi.
– Nhưng các anh không được nói với ai cơ.
– Rồi, chúng tao tuy mồm mép vậy nhưng bụng rỗng tuyếch như cái trống.
Toái chậm rãi kể:
– Chả là hồi trẻ, em thường theo cụ Vận “con cá kình siêu hạng”, lặn biển mò ngọc trai.
Rít hơi thuốc lào, điếu cày kêu sòng sọc, Tồn xen vào:
– Biết, cả làng ai chả biết cụ Vận, rồi sao nữa?.
– Cứ mò mẫm theo cụ – Toái ngập ngừng nói tiếp – gặp con trai nào cụ chê, thì mình lấy.
Mộc giơ chân múa tay ra vẻ:
– Hai thằng tớ mấy lần theo, nhưng cụ đuổi, người đầy mùi thịt chó, hãm tài. Ấy thế mà câu mực cứ dính ào ào, chả thấy hãm tài tý nào.
– Để tránh bọn Hương Cán, lý dịch đón lõng ở đầu bờ khám xét, em học tập cụ nuốt vào bụng, về nhà ị… ra, mang rửa sạch cất đi.
Mộc và Tồn cười vang:
– Thằng này khôn.
Toái buồn buồn kể tiếp:
– Thế rồi lần ấy, gặp cơn bão cụ Vận bị trôi lênh đênh trên biển, ba ngày sau mới thấy cụ trên doi cát ngoài khơi xa hàng trăm dặm. Cụ chỉ nuốt được tám viên ngọc vào bụng để quan tổng đốc dâng lên Hoàng hậu Tây Phương nhân tiết mừng thọ ngũ tuần. Không đủ dây tràng hạt một trăm linh tám viên, cụ xin cúi đầu chịu tội và từ bỏ nghề lặn biển, mò ngọc trai. Em và trai tráng trong làng sợ hết vía cũng từ bỏ luôn.
– Chuyện này chả dính gì đến cái chuyện mày đi lên tỉnh Hà Nội cả.
– Hì hì – Toái nói tiếp – Em đi bán ngọc.
– Thật không – Mộc hỏi dồn – mấy viên.
– Ngần ấy lần theo cụ Vận, em tích lũy được mười viên. Màu sắc viên nào cũng rực rỡ: có viên toàn màu đồng, màu huyết dụ, có viên màu phỉ thuý ánh đỏ, mầu vàng mỡ gà ánh bạc, có viên đơn mầu, có viên trộn pha nhiều mầu, viên nào cũng đẹp mê hồn.
– Thế thì kiếm ối tiền ra ý chứ lỵ. Tồn chép miệng chềnh chệch.
– Lên đến Hà Nội – Toái tiếp tục câu chuyện – em vội đến ngay hiệu vàng Tân Kỳ. Chủ hiệu là bà đầm Tây, nói tiếng ta trọ trẹ, nhìn những viên ngọc mắt sáng xanh. Tay run run bà Đầm lôi ra một xấp tiền ấn vào bị của em rồi vẫy tay bảo đi nhanh kẻo cướp. Trời ơi sướng quá, chả biết bao nhiêu, nào có kịp đếm. Người ta thường bảo sợ vãi đái, nhưng em sướng quá cũng vãi đái. Thế là vội vàng đứng ghẹ vào bờ tường giữa phố, đái. Một thằng culit, phang dùi cui vào đầu, bắt về boot Hàng Đậu, phạt, xung vào đội quân đi phá “Nữ thần tự do trên nóc tháp rùa”. Sợ quá, em vội rút ra một tờ Đông Dương, chả biết bao nhiêu ấn vào tay hắn, nó tha. Thế là thoát, em chạy một mạch ra bến Chương Dương, xuống đò kịp chuồn chuyến đêm…
Gà rừng gáy sớm hơn gà nhà, ba thằng chưa ngủ tý nào mà trời đã sáng. Rừng cây thức dậy từ bao giờ, gọi nhau ào ào, đung đưa, thổi gió mát rượi. Chim chóc ríu rít hát ca, gọi ông mặt trời về, đẩy ánh bình minh qua kẽ lá. Mẹ con Toái vội vã gấp chăn màn, chuẩn bị đi tiếp. Ba thằng mệt nhoài với những câu chuyện thú vị, lôi bầu rượu ra làm mỗi thằng một tợp cho khỏe, lấy sức đi đường.
…Phải mất một ngày, một đêm nữa mới lên đến đỉnh Núi Đèo. Đoàn người tới thẳng nhà Á Bung, thấy lạ dân bản kéo đến. A Hiêng mang muối, cá khô quà miền biển biếu mọi người. Á Bung nói: “Dưới xuôi đất chật người đông. Gia đình cháu Toái muốn lên đây cùng bà con ta làm nương rẫy, xây dựng kinh tế mới. Trước lạ sau quen, chúng ta là con rồng cháu tiên cả, tắt lửa tối đèn, đùm bọc lấy nhau”. Á Bung nói vậy, là Mộc và Tồn nói lại lời chủ tịch Tế dặn, không để bà con dân bản biết Toái theo giặc bị bắt và đưa lên đây cải tà quy chính. Nghe xong, dân bản làm theo lời Á Bung, nhường cơm xẻ áo, dựng cho gian nhà trên một quả đồi riêng để trồng cây, cấy lúa. Cái chất “ăn sóng nói gió”, dầm mưa giãi nắng đã ngấm sâu bao đời nay của người miền biển. Hai vợ chồng Toái chịu khó lam lũ, vườn cây xanh tốt, ngô khoai đầy bồ. Cuộc sống yên ổn. Đất là cội nguồn của cuộc sống. Con người yêu đất thì đất yêu người. Toái còn phát rừng, lấy thêm đất để đón hai thằng con lên, gia đình sum họp.
Thế rồi cái đêm định mệnh đến, hai ông Ba mươi (hai con hổ, chả là thời xưa vua Gia Long nhờ hổ mà sống sót, sau này ra lệnh ai bắt được hổ thì thưởng ba mươi quan, nhưng cũng đánh ba mươi gậy. Vì thế có tên là ông Ba mươi) tức giận vì khu rừng cửa hang, ngôi nhà êm ấm của đàn hổ bị tàn phá. Đang đêm chúng xông thẳng vào nhà vồ chết hai vợ chồng Toái, toàn thân nát bét, tay một nơi, đầu một ngả. Hai đứa con nhỏ, ông ba mươi tha vào hang ăn thịt. Nương ngô, vườn chuối bị quần nát, tan hoang, xóa sạch…
6
Tin dữ bay về làng Khánh Hữu. Bằng giật mình, hoảng sợ. Thằng Quốc bốn ngón chết thê thảm ở bãi tha ma. Bây giờ lại thằng Toái hổ vồ nát bét. Số phận mình sẽ ra sao đây? Bằng than thở nói với thằng Tuyên (hồi bé gọi là Bống, từ ngày xung vào lính gọi là Tuyên) con trai của Toái:
– Mẹ kiếp, thế mà ác, bên ngoài ra vẻ nhân đức nhưng bên trong giết người không súng đạn.
– Căm lắm!. Bố cháu đã bỏ cả cuộc đời để theo đuổi, để cố gắng giành lấy miếng đất cho con cháu, có mái nhà, thế mà tiêu tan trong nháy mắt, thân xác cũng không còn.
Từ khi bị rắn cắn chân đau, Bằng không đi lại được, dân quân cũng canh chừng lỏng lẻo hơn. Thường ngày lui tới trò truyện là thằng Tuyên con trai Toái. Nó đã bỏ chạy khỏi ngôi nhà chiếm được của vợ chồng Tráng, xung vào lính đồn Mả Nàng. Được chủ tịch Tế tha bổng cho về làm ăn. Khi vợ chồng Toái đi xây dựng kinh tế mới ở Núi Đèo, Tuyên ở lại ngôi nhà của ông nội Tép cuối làng.
Thở dài, im lặng một lúc, Tuyên nói tiếp:
– Bây giờ chú tính sao?
– Tính cái mẹ gì nữa. Chuồn.
– Đi đâu? Tuyên hỏi.
Bằng hùng hổ:
– Bắt liên lạc ngay.
– Với ai? Tuyên lại hỏi.
Bằng kéo sát Tuyên lại gần, nói nhỏ vào bên tai. Hiểu ý cả hai cùng cười, gật gù vui như tết.
Mấy tối nay, chờ làng xóm yên giấc ngủ, Tuyên đóng giả là dân đi bắt ếch, xách đèn cổ chai ra bờ đê sông Cái đón tầu chiến ở ngoài biển vào. Đánh tín hiệu, dơ lên theo chiều dọc một lần và sang ngang một lần như hình chữ thập là cứu nạn, tầu vào ngay. Tối đầu, tối thứ hai, tối thứ ba chả thấy tầu thuyền nào qua lại. Sang tối thứ tư Tuyên mừng rỡ, vừa đánh tín hiệu xong một con thuyền đã ghé vào bờ. Mấy người lính có đầy đủ vũ khí trong tay đổ bộ lên, bắt Tuyên giải về điếm canh đê. Họ xúm vào hỏi:
– Đêm hôm khuya khoắt, mày ra đây làm gì?
– Tôi đi bắt ếch. Tuyên thản nhiên trả lời.
– Lấm la, lấm lét, đích thực là Việt gian rồi.
Người này có vẻ chỉ huy ra lệnh cho người khác.
– Khám xét ngay.
Trong giỏ chỉ có một con ếch, và tay kia xách cái đèn chai. Anh ta giơ lên hỏi:
– Mày làm ám hiệu cho địch, đúng không?
– Hám hiệu gì? – Tuyên tỉnh bơ nói tiếp – Muốn bắt được ếch thì phải soi chứ.
– Đèn đánh ngang, đánh dọc, không phải tín hiệu thì là cái gì?
Càng hỏi, thằng Tuyên càng ngang bướng, đành phải giam trong điếm ba ngày, ba đêm để điều tra. Thì ra đây là dân quân ở làng bên đi tuần tra trên sông bắt được. Mộc và Tồn sang tận nơi, nhận mặt và dẫn về. Chủ tịch Tế thương tình căn dặn:
– Gia cảnh cháu như vậy rồi, cháu không làm được việc tử tế, thì phải làm người tử tế chứ!. Tử tế chính là điều tối thiểu để làm người và nó cũng bắt đầu từ việc vô cùng đơn giản thôi cháu ạ.
Nghe, nhưng thằng Tuyên đâu có để vào tai, ngựa theo đường cũ, nó vẫn thì thụp lui tới nhà thằng Bằng, bày mưu tính kế. Thua keo này bày keo khác.