Phần 24
5
Mấy ngày nay Na mệt, thầy Lang Tế bắt mạch xong, bốc ba thang thuốc đưa cho Sen, dặn:
– Con cho thêm ba lát gừng, đổ ba bát nước sắc lấy một bát thuốc rồi cho cái Na uống ngay. Nó bị ghé cảm lạnh ngấm nước mưa, chỉ hết ba thang này là khỏi thôi.
Thầy sang thăm khám và trực tiếp băng bó lại vết thương cho Nho, tuy mảnh đạn vào phần mềm nhẹ, nhưng vì bùn bẩn và nước mưa nên bị nhiễm trùng…
Đêm ấy cõng được Na ra khỏi cổng đồn Mả Nàng, anh Tây đen chạy rất nhanh, tới bờ sông trong đồn vẫn chưa có động tĩnh gì, biết chắc là bọn lính không làm được trò trống gì nữa rồi. Thuyền của Thuận được phân công chờ sẵn, anh Tây đen cõng Na xuống thuyền. Đặt nằm thì không có chỗ, để ngồi thì yếu không ngồi được, cứ thế anh ôm chặt vào lòng ngồi bệt xuống thuyền đầy nước. Thuận nhất định không cho anh Tây đen đi cùng vì khi giao nhiệm vụ Thắng chỉ nói đi đón Na, bây giờ cho kẻ địch đi cùng nếu sẩy ra chuyện gì thì sao. Hai người không biết tiếng, ra hiệu, giằng co một lúc Thuận đành phải cho đi thật nhanh rồi tính sau. Trời vẫn mưa tầm tã, tối đen như mực, thi thoảng sấm chớp lóe lên, nhìn thấy đường, chèo thuyền đi rồi lại mò mẫm chui dưới những rặng tre đổ, xỏa xuống dòng sông. Về đến bến thì phía Mả Nàng nổ súng. Anh Thắng và chị Hạnh Mỹ đã đón sẵn, mọi người nhanh chóng đưa vào nhà thầy Lang Tế, chiều nay đã dành một gian ở đây làm nhà cứu thương…
Thấy Sen chạy ra chạy vào, vừa trông con, trông cháu vất vả, Anh Tây đen xin vào bếp trông siêu thuốc cho Na. Củi ướt khó cháy, cứ phải cúi gằm xuống thổi phù phù vào ống thổi cho bếp cháy đều lửa. Thi thoảng anh ta lại rót ra bát, giơ một ngón tay làm hiệu “một bát” như thầy Lang đã dặn chị Sen.
Ngồi bên cạnh cho Na uống thuốc, cho Na ăn cháo, thành thạo như hộ lý ở nhà thương. Còi từ xa đứng nhìn, thấy lạ và hơi khó chịu, thấy thế anh Tây đen ra hiệu phân bua:
– Tôi muốn trả ơn cô ấy, hôm tôi bị ngã xuống hầm chông, cô ấy đã cứu tôi, nếu không tôi đã chết rồi.
– Tôi biết, cám ơn anh rất nhiều. Chúng ta gặp nhau không phải vì ơn huệ, mà đó là cái duyên của muôn kiếp trước. Tình yêu thương đã kéo chúng ta lại gần, mặc dù xa nhau hàng ngàn cây số. Lòng hận thù sẽ đẩy chúng ta đi xa ngàn dặm, mặc dù sớm tối bên nhau.
Anh Tây đen, chắc không hiểu ý nghĩa của câu nói này, nhưng cúi đầu gật, rồi nói như van xin:
– Cậu thưa với cấp trên cho tôi được sang bên này với các ông, tôi không dám cầm súng nữa đâu, sợ lắm rồi. Tôi mà chết, không ai nuôi mẹ tôi. Đất nhà tôi rộng mênh mông, không phải tranh cướp từng tý như các ông ở đây đâu, tôi sẽ mang giống sắn, khoai từ đây về trồng cho mẹ và dân làng ăn. Mong các ông rộng lượng.
Không phải đến bây giờ mới nghe anh Tây đen nói vậy, mà lâu rồi anh Thắng và mọi người đã hiểu và tin tưởng. Qua trận đánh này, anh ta đã hoàn thành được nhiệm vụ quan trọng, cam đảm đưa Na về an toàn, một nghĩa cử cao đẹp. Thầy Lang thì nói rằng: Kiếp người ngắn ngủi lắm, không nên cố chấp điều gì nơi quán trọ trần gian. Chúng ta phải nhìn vào tận đáy lòng của anh ta, không phải lấy công cõng Na để chuộc tội, mà lớn hơn đó là tình mẫu tử. Một con người đã biết tìm cho mình một cõi đi về để nuôi mẹ, thật đáng quý: nhân, nghĩa, lễ, hiếu, trí, vẹn toàn.
Những ngày sau đó, anh Tây đen là ngư dân làng Khánh Hữu thực thụ. Sáng sớm, theo anh Thuận kéo lưới, xuống thuyền đi biển, vác cày theo trâu ra đồng. Việc anh siêng năng nhất, là mỗi sáng, mỗi chiều trèo lên gác chuông chùa Phong Điền đánh một hồi chuông dài một trăm linh tám tiếng. Trong mỗi tiếng chuông của nhà Phật là những sứ giả Như Lai mang đến cho đại chúng những tâm nguyện từ bi, để giúp cho chính họ có thể tự mình giải tỏa những nỗi muộn phiền đau khổ, hay để tắm gội cho thân tâm thanh sạch, những buồn bực, chán nản… bụi trần. Hy vọng, mẹ anh ở bên kia nửa vòng trái đất, nghe thấy và vui mừng đón con trở về…
6
Vợ chồng Trần Hâm, lâu rồi không được tin tức gì về Mả Nàng. Y Vân, liền tâu với Borel tên quan hai Pháp xin viện trợ. Nhanh chóng, Borel cho tầu chiến chở mười hai tên lính và lương thực, súng đạn theo sông Cái vào Mả Nàng. Để nghênh tiếp, lực lượng du kích Khánh Hữu cải trang thành lính ngụy. Thắng đeo lon đại úy đóng vai đồn trưởng Bằng. Còi đồn phó. Hàng ngũ trang nghiêm, bắn ba phát súng chỉ thiên rồi oóc đơ (đi đều bước) ra tận bến cảng đón tàu tiếp viện. Thắng nói một tràng tiếng Pháp: “Chào ngài, tôi đại úy Bằng đồn trưởng đồn Mả Làng, đã đánh bại quân giặc cỏ, bây giờ lại được chi viện, thật vô cùng cảm kích tấm lòng của quan hai Borel và gửi lời chúc “thầy me” (Trần Hâm và Bà Cả) yên vui chờ ngày đoàn tụ”. Tên thuyền trưởng chỉ huy, lần đầu vào đây nên không biết ai vào ai, lịch sự đáp lễ theo phong cách nhà binh và nói rằng: “Ngài Borel hy vọng là vậy, ông là người hùng, đây là hàng hóa tiếp thêm sức cho các ông. Bà Y Vân có gửi cho ngài đồn trưởng một món quà và chúc ngài bảo trọng”. Thắng vội vã tiếp nhận và hai bên cùng nâng cốc chúc mừng: “Notre combat est grand” (cuộc chiến của chúng ta đại thắng). Khi chia tay, thuyền trưởng chỉ huy hứa hẹn: “Sau một tháng nữa, chúng tôi sẽ trở lại”. Thắng hơi cúi đầu bắt tay: “Je vous remercie” (chân thành cám ơn)…
Súng đạn, lương thực, thuốc men nhiều vô kể. Thế là Khánh Hữu lại thắng thêm một trận nữa, không tốn công sức và súng đạn. Còi định tháo tung gói quà của Y Vân ra xem, Thắng ngăn lại:
– Không cần, để nguyên, thằng Bằng sẽ hết hồn khi thấy quan thầy của nó cũng đã bị quân ta kiểm soát.
Còi do dự, nhưng theo lời anh Thắng đành đến gặp thằng Bằng. Mấy hôm nay ba thằng đã được cửi trói nhưng vẫn bị giam trong nhà kho, cạnh chuồng trâu nhà Lý Khoái. Thấy Còi đến, Toái và Quốc bốn ngón ể oải ngồi dậy. Bằng vẫn nằm yên ở góc nhà, lơ đãng nhìn lên trần. Còi quát:
– Thằng kia ngồi dậy.
– Mặc tao.
– Vợ mày gửi đây.
Thằng Bằng bật dậy luôn:
– Cái gì?
Nói rồi nó giật lấy cái xắc cốt mầu cứt ngựa trên tay Còi. Quay mặt vào tường định mở ra xem, thì thằng Toái và Quốc xô đến đòi xem chung, Bằng ôm chặt vào ngực, chân đá lung tung làm hai thằng ngã lăn xuống đất. Còi quát:
– Để hết xuống, mở tung ra xem.
Bằng hậm hực lấy từng thứ trong xắc cốt ra, Một cái mũ nồi đỏ, một tút thuốc lá bastos xanh và một cái phong bì dán chặt. Thằng Toái vớ ngay tút thuốc lá reo lên:
– Mẹ kiếp cigarette bastos đây rồi, mấy tháng nay chúng nó không tiếp cho mình, thèm gần chết.
Hai thằng tranh nhau hút, Bằng mải mê bóc phong bì, lấy ra lá thư, viết trên tờ giấy Pơ luya hồng và một đụn tóc nhỏ kẹp giữa hai trang giấy. Bằng đọc mãi không được, Còi giằng lấy:
“Mình thân yêu! Thư này có thể là lần cuối. Chiến sự, súng đạn làm sao nói trước được. Đời người ngắn lắm, đời con gái còn ngắn hơn. Máu thì đổ lênh láng, chờ đợi làm gì cho mỏi mệt. Tôi đã có con với ngài Borel rồi. Còn con mình, khỏe, đẹp trai, tôi sẽ nuôi cho nó khôn lớn, chắc chắn sau này nó sẽ cầm súng. Còn người trên quả đất này thì còn tranh chấp, máu vẫn đổ, đất vẫn nhuộm đỏ…”
Thằng Bằng gào lên:
– Quân khốn kiếp, không đọc nữa…
Thằng Bằng có biết đâu rằng, vào một đêm trăng sáng, quan hai Borel lên đài chỉ huy kiểm tra phương án tác chiến. Ánh trăng vằng vặc, đêm khuya thanh vắng, đất trời vô tư mang lại cho tất cả mọi người, mọi vật một niềm vui bất tận. Góc sân đồn lính, tiếng nước dội ào ào bên miệng giếng, từ trên cao Borel nhìn xuống, rõ mồn một, Y Vân đang tắm. Toàn thân nàng trắng nõn, trắng nà, các đường cong thân hình uốn khúc như dải lụa bay trong gió. Đôi vú rắn nẩy, phập phồng vươn lên phía trước. Người An Nam có câu ngạn ngữ thật hay “Gái một con, trông mòn con mắt”. Đã hơn ba năm sang chiến trường An Nam, Borel nhiều lần ôm ấp đàn bà An Nam trong các nhà thổ, nhưng chưa thấy người con gái nào đẹp như vậy. Trong lòng Borel sôi lên sùng sục, hắn từ trên đài chỉ huy lao xuống, đạp đổ tấm liếp mong manh che chắn, xông thẳng vào giếng nước. Y Vân giật mình kêu ré lên, nhận ra, đu lên, ôm chặt lấy cổ hắn. Mặc kệ bọn lính tráng, thằng nào nhìn thì nhìn, của quan quan hưởng.
Trong phòng giấy quan hai, Y Vân nằm trên chiếc giường nhà binh cọt kẹt. Đã nhiều lần có việc vào đây nàng ước ao được nằm ôm quan hai trên chiếc giường này, thì nay là hiện thực. Nàng ôm lưng Borel rồi nhè nhẹ hôn lên từng chỗ, từng chỗ, khắp vai, khắp lưng, khắp bụng đầy lông lá và xuống tận cùng thân thể sặc mùi ngầy ngậy, bơ sữa. Ngài Borel cảm thấy người mình nóng lên theo từng nụ hôn của nàng. Ngài xoay người quấn chặt lấy nàng, họ quay cuồng say đắm, rồi bỗng nàng trườn xuống, trườn xuống. Ngài thấy mình như ngộp thở, căng cứng toàn thân, ôi cái lưỡi, cái lưỡi ma thuật của nàng và hai bàn tay nàng xiết chặt lấy hông. Ngài rên lên rất khẽ, lần đầu tiên thấy mình được chiều chuộng, một cảm giác rất khác lạ, cái gì đó vụt ra, nhầy nhụa trong miệng nàng. Ngài thấy mình đang chơi vơi trên đỉnh cao, cung trăng ngoài kia. Con gái An Nam dưới bàn tay của người Pháp đã lột xác rồi sao, đâu còn quê mùa man rợ…
Lần ấy, lần sau, lần sau nữa qua đi, thế rồi nàng có thai, Borel không hề quan tâm, đó không phải là mục đích của kẻ xâm lược. Đi đô hộ An Nam là mở rộng đất đai cho mình, cho chính quốc. Borel đã xây hai biệt thự khang trang trên phố Tân Sài, nếu cần sẽ cho hai mẹ con Y Vân. BOrel vẫn phải theo lệnh, đi vơ vét tài nguyên và bắt người An Nam làm nô lệ. Borel đã đi qua các khu nhượng địa của người Pháp như: Đồn thủy, đồn điền cao su, khu mỏ than Hòn Gai – Cái Bầu, ở đâu cũng lên giường với các cô gái An Nam, không có tình cảm. Với Y Vân không phải là tình yêu, đó chỉ là những cuộc giao phối giữa hai người đàn ông và đàn bà. Đàn bà An Nam rất muốn ngủ với người mình có thể dựa dẫm được, sẵn sàng bỏ nhà, bỏ quê hương để theo về nơi sung sướng hơn đất An Nam này. Có nhà đất, có con chắc Y Vân toại nguyện.
Trong lúc tranh giành lá thư, đụn tóc nhỏ đã rơi xuống đất, Bằng không thèm để ý, thằng Toái nhìn thấy nhặt lên nói đổng:
– Mẹ kiếp, lại còn nhổ mấy cái lông cơ à.
Thằng Quốc bốn ngón, ngớ ra không hiểu gì:
– Sao lại cho lông. Vào đây, đưa xem? Ồ đếch phải, tóc, à tóc thề, mất vợ rồi.
Thằng Toái ra vẻ hiểu biết, nói đại:
– Nguyên đời xưa, các đôi vợ chồng, đang mặn nồng đằm thắm bỗng xa nhau. Trước khi ly biệt, họ trao cho nhau một mớ tóc để làm tin và luôn giữ trong mình như kỷ vật, hẹn có ngày gặp lại. Mớ tóc đó gọi là tóc thề. Nghe rõ chửa đồ ngu?
Bằng vùng vẫy quát tháo:
– Im đi, mất lon, mất vợ, mất con, không…Tao phải trả thù…trả thù.
Hai thằng kia hùa theo “Trả thù, trả thù”. Tất cả xô ra cửa thì Còi đã khóa chặt từ bao giờ.
Một tháng sau đúng hẹn, tối nay tàu tiếp tế lại vào, theo mật báo tên quan hai Pháp Borel sẽ xuống tận nơi để thị sát. Còi vẫn đóng vai như cũ để tiếp hắn, Thắng sẽ đến sau. Tất cả “Binh lính” diện trang phục mới, súng ống chỉnh tề xếp hai hàng dọc từ bến cảng vào tận sân đồn. Đặc biệt đoàn đồng ấu do Thanh và cu Sửu dẫn đầu, tay cầm cờ hoa, theo nhịp trống ếch đi đón quan hai Pháp. Nhìn bề ngoài không ai có thể biết được ở đây đang giăng lưới để bắt một con cá kềnh. Quan Borel và thuyền trưởng cùng vài tên lính yểm trợ bước lên thuyền, khệnh khạng đi duyệt hai hàng lính bồng súng chào. Còi dậm chân đánh rộp, giơ tay chào. Hạnh Mỹ thông ngôn, quan Borel gật gù, cười tươi. Tiếng trống ếch dồn vang sau đó nhanh chóng rút ra khỏi đồn.
Chưa đặt đít xuống ghế, quan Borel nhìn quanh hỏi bằng tiếng Pháp, Hạnh Mỹ dịch lại:
– Đồn trưởng Bằng đâu?
Còi nghiêm trang trả lời.
– Bẩm quan, Đồn trưởng đang trực tiếp chỉ huy bắt bọn Gấu biển, sẽ về ngay.
Hạnh Mỹ dịch lại và nói thêm câu tiếng Pháp:
– “En attendant, invitez-le à porter un toast” Trong lúc chờ đợi, mời ngài nâng cốc.
Sâm banh được mở ra nổ bồm bộp, bọt bắn tung tóe. Quan Borel quàng tay ôm Hạnh Mỹ, nâng cốc, cạn chén. Từ ngoài cửa, Thắng trong vai đồn trưởng bước vào:
– Salut M. Borel, je suis là
(chào ngài Borel, tôi có mặt).
Nghiêm trang chào, Thắng bắt tay, ngài Borel phân bua:
– Rất tiếc madame Y Vân không về thăm ngài đồn trưởng được.
– Điều đó tôi đã biết và tất nhiên là như vậy.
– Ông nói sao? Ông đã biết?
– Tôi và ông, mỗi người chỉ có hai con mắt, còn trên trời, có hàng nghìn con mắt đang nhìn xuống. Làm sao tránh được tội lỗi.
Thắng nghiêm mặt nhìn chằm chằm Borel nói bóng gió. Chột dạ, nghĩ đến đêm ấy trên trời đầy trăng sao, Borel cười ngặt nghẽo, tay vung mạnh, cốc rượu đổ tung tóe:
– Những vì sao có hồn, ông rất thông minh.
Thắng đặt mạnh cốc rượu xuống bàn:
– Ngã giá đi. Ngài được rồi đấy, còn tôi thì sao?
Borel giơ ba ngón tay đánh gió:
– Đơn giản thôi, mục đích của chúng ta không phải là đàn bà. Tôi đã mang về cho chính quốc một vùng đất An Nam. Đất, mới là sự sống còn của người Pháp. Còn ông…
Thắng cướp lời:
– Thì sao?
Borel chắp tay sau đít, đi đi lại lại nói gằn từng tiếng:
– Thì sao à? Trong tay ông cả một vùng châu thổ ven biển này. Mẹ con ông đã tranh giành từng tất đất, máu người An Nam đã đổ, nhuộn đỏ cả vịnh Bắc Bộ.
– Máu của người An Nam đổ là vì các ông.
Thắng chỉ mặt Borel nói to. Borel cười vang.
– Nô lệ, tri phủ Trần Hâm, ông và tất cả dân An Nam này là nô lệ.
Borel đấm mạnh hai tay xuống bàn, tên thuyền trưởng và mấy lính cận vệ, giương súng, lên đạn. Còi gạt xuống nói:
– Đây là chuyện đánh ghen của hai người đàn ông, madame Y Vân vợ đồn trưởng Bằng và đứa bé trong bụng con của ngài Borel.
Borel quát:
– Lui, tất cả lui.
Còi đẩy thuyền trưởng và tất cả lính cận vệ ra ngoài. Quân ta đã phục sẵn, lần lượt bắt trói từng tên, không một tiếng động. Trong nhà, tranh thủ lúc lộn xộn Thắng rút súng bắn ba phát, Borel không kịp chống cự, ngã gục.
Đồn Mả Nàng và quân tiếp viện thất thủ một lần nữa. Tên quan hai Borel bị bắn chết đã làm nức lòng dân.
Chương bẩy
1
Thế là từ nay trên đất Khánh Hữu không còn bóng giặc, cảnh tàn khốc tranh giành đất đai, tạm thời lắng xuống, người dân yên vui xây dựng lại cuộc sống. Phá bỏ những túp lều trên đê xiêu vẹo dựng tạm để lánh nạn, nhà nhà trở về làng xóm, quê hương của mình. Sáng sớm nay, Nho đã gánh đôi thùng cá giống đi quanh làng. Sau thời gian điều trị vết thương đùi, đã khỏi, đi lại nhanh nhẹn, vẫn cái tính cười nói vô tư. Mọi người vây quanh để nghe Nho liến thoắng đếm cá như đọc thơ. Nho vui vẻ cười: “Hôm nay có bán đâu mà đếm. Ai cần tôi biếu. Bao nhiêu ngày loạn lạc, bỏ của chạy lấy người, ao chuôm để đấy, cá đẻ dầy đặc. Hôm bom Napan ném xuống, nhiều ao ở xóm trên, cá chết sạch, đến bây giờ vẫn còn thối. Tháo nước, tẩy rửa tôi thả cá xuống cho mà nuôi nghe chửa?”. Mọi người ờ lên một tiếng rồi lao nhao chạy về nhà mang chậu, rổ rá ra xin cá giống. Để cẩn thận Nho vào từng nhà xem ao hồ sạch sẽ mới cho, kẻo cá chết lại mang tiếng. Thế là chẳng mấy chốc, ao cá giống nhà Nho đã chạy sang tung tăng bơi lội trong các ao của cả làng Khánh Hữu.
Thầy lang Tế biết chuyện cho cán bộ tuyên truyền Bỗng phát thanh biểu dương trên loa cho cả làng biết. Đã qua rồi những ngày đói khổ, rách nát, tranh nhau từng tấc đất. Bây giờ yên bình, buông bỏ hận thù, xây dựng lại làng xóm.
Từ ngày ông Tiên mất, dân làng bầu thầy lên làm Chủ tịch xã. Anh Thắng chỉ huy bộ đội sát cánh cùng Chủ tịch đánh thắng giòn giã bao nhiêu trận càn của địch. giết chết tên Borel khét tiếng vùng đồng bằng Bắc bộ. Bắt sống tên đồn trưởng Bằng tàn ác.
Thầy rất thông minh và có tầm nhìn trí huệ, sâu sắc, nhân hậu. Thầy thường nói: “Tặng người hoa hồng, bàn tay lưu lại hương thơm, lẽ nào đó, chẳng phải là một niềm vui?”. Với tấm lòng ấy, Thầy đã khoan hồng, thả tất cả tù binh bắt được ở đồn Mả Nàng cho họ trở về quê hương. Dân nghèo phải về lại với quê nghèo. Cấp thuyền và tiền gạo cho họ sinh sống.
Riêng ba tên ác ôn Bằng, Toái và Quốc bốn ngón, tất cả dân làng Khánh Hữu đều đòi “nợ máu phải trả bằng máu.”. Lẽ đời là vậy, nhưng làm vậy mình sẽ trở thành người nợ máu. Cứ như vậy người này sang người khác, đời này sang đời khác, miên man kéo dài đến bao giờ? Thầy quyết định: Thằng Bằng phải chịu sự quản thúc, nội bất xuất, ngoại bất nhập, không được ra khỏi nhà để đề phòng “chó dại cắn càn”.
Thằng Quốc bốn ngón cho về nhà, để hương khói cho bố mẹ nó.
Thằng Toái, thầy lang Tế cho gọi lên, với tư cách Chủ tịch xã thầy nói:
– Tôi biết anh rất căm ghét cụ Tiên và anh đã giết cụ rồi. Tất cả đã qua đi, bão táp cũng đã tan, mưa cũng đã tạnh, chỉ còn tình người là ở lại. Dân làng Khánh Hữu không oán thù gì anh nữa. Bây giờ anh nghĩ như thế nào?
Toái cúi gằm mặt im lặng. Chủ tịch nói tiếp:
– Chúng tôi đã đưa anh quay lại, quãng đường anh đi lạc rồi đấy, bây giờ hãy vươn lên, vùng vẫy ra biển khơi, hai bàn tay kéo lưới chai sạm, không hợp với kẻ cầm súng giết người. Tất cả đức tính của con người đều do nhân và nghĩa mà nên, cũng như vạn vật, vạn việc trên trời, dưới đất do âm dương, nhu cương tạo thành vậy. Con người bất nhân là ác, bất nghĩa là bạc, chính vì lẽ đó con người muốn được coi là “nhân” thì phải có nhân, nghĩa là phải có lương tâm. Lương tâm là kết quả của quá trình sống chứ không phải bẩm sinh. Lương tâm luôn đi với con người trong suốt quá trình hành động. Anh hiểu tôi nói chứ?
– Thưa Chủ tịch, hiểu – Toái lý nhí đáp.
– Vậy bây giờ anh tính sao, có gì khó khăn không?
– Thưa Chủ tịch, từ đời ông đến đời cha và bây giờ là tôi chỉ có nếp nhà tranh ọp ẹp ở cuối làng. Lúc mất, lúc còn, kẻ này chiếm, kẻ kia chiếm – Máu của kẻ ác ôn vẫn còn tàn dư, Toái đứng bật dậy – bây giờ bơ vơ, ông thấy không?
Chủ tịch nhẹ nhàng cười:
– Ngồi xuống, cá ở trong lưới, càng giẫy càng đau, là ngư dân, không hiểu điều đó sao? Tôi biết, anh đang rất cần nhà và có thật nhiều đất?
– Tôi đánh lại các ông cũng chỉ muốn thế, đất và nhà ai mà không muốn. Toái vẫn cái giọng hung hăng.
– Việc gì phải đổ máu. Ngày mai tôi cho anh ngược lên Núi Đèo chỗ thằng Bùng, anh muốn bao nhiêu đất cũng có.
Chủ tịch nói chưa hết câu, Toái đã cướp lời:
– Ông bảo sao? Lên rừng ở ý á, các người đầy đọa dân như vậy à?
Chủ tịch vẫn bình tĩnh nói:
– Nghe tôi nói hết. Thằng Bùng thằng Xoa có nhà cửa ruộng vườn ở đây, mang hiến hết vào ruộng công, rồi kéo nhau lên đó, cũng là đầy đọa à? Anh hãy soi mình vào tấm gương ấy. Nghĩ kỹ đi, có lợi nhiều mặt cho anh đấy.
Toái im lặng, cúi xuống di di bàn tay thô ráp lên mặt bàn. Chủ tịch đứng dậy mở toang cánh cửa sổ, một luồng gió biển thổi vào man mát. Toái cửi hết cúc áo để lộ bộ ngực vạm vỡ, ngăm ngăm đen, đã bao ngày úp mặt xuống biển, bán lưng cho trời. Hai bàn tay vò đầu, bới tung những sợi tóc cứng như rễ tre, thở dài. Bỏ biển, bỏ quê hương lên nơi rừng thiêng, nước độc sao được. Ở lại với biển, với làng xóm, ôi nhục lắm, sớm tối ra vào, biết giấu mặt vào đâu. Đi biển một mình, lênh đênh, sóng to gió lớn đâu có chừa ai. Thực tâm chỉ căm ghét cái lão Tiên thôi. Còn Thầy, con luôn luôn quý trọng, mang ơn nhiều. Đã đi suốt với thầy trong đại dịch tả, con học được nhiều điều. Thầy còn chữa cho hai mẹ con con, trong cơn thập tử nhất sinh vì bệnh thổ tả. Nghĩ vậy, Toái từ từ đứng dậy, nói lạc giọng, tưởng rằng không phải của chính mình:
– Thôi được, Thầy để con nghĩ đã.
Thầy lang Tế quay lại thân mật:
– Con cứ nghĩ và bàn với vợ con đi. Thầy biết từ cái đêm con và Nho cùng thầy đi chống dịch tả. Con rất vui và có bản lĩnh kiên cường, hết lòng với công việc, thương vợ, thương con. Chỉ có điều con không vững vàng trước cơn sốt đất cát, nhà cửa. Cả tin, lạc đường lạc lối giữa bầy sói. Tình người đang gọi, con hãy quay lại đi…
Thằng Quốc bốn ngón lên cơn sốt, chân tay co giật, mặt mày tái tím, mấy trai tráng bế về đặt giữa nhà Thầy lang Tế. Nhanh chóng bắt mạch, thầy cho uống thuốc và khuyên mọi người giãn ra để yên tĩnh cho bệnh nhân nằm. Hiếu kỳ, dân làng kéo đến ngồi kín trong nhà, ngoài sân bàn tán. Thôi thì đủ chuyện, người chửi, kẻ mắng cho hả giận. Gieo gió thì gặp bão, nhân nào quả ấy…
Thì ra, từ ngày thằng Quốc được ông Chủ tịch nhân hậu tha về để hương khói cho bố mẹ, nó uất hận, buồn chán, đóng chặt cửa ở trong nhà, cô đơn lạnh lẽo sinh ra trầm cảm. Thầy lang gọi là “bệnh tâm thần bất định, hay bị hốt hoảng, sợ hãi”. “Tâm thần là phải quá đi chứ lỵ”. Ai đó ngồi góc ở sân thêm vào. Nho sùng sục định túm cổ áo tẩn cho một trận, trả thù vì phát đạn của hắn mà suýt gẫy chân. Bỗng trong vai cán bộ tuyên truyền ngăn lại: “Không làm thế, tao cũng suýt chết như mày đây. Chủ tịch đã ra lệnh cấm trả đũa rồi mà”. Nho ngồi im, ai đó ghé tai nói nhỏ: “Mày phải nghe lời Phật dạy, nếu phạm một trong mười điều ác thì đã phải thọ khổ trong địa ngục. Đây thằng Quốc, phạm hàng trăm tội, giết người, cướp đất, lại còn gánh thêm tội mua quan bán chức, dâm dục cho thằng bố nó nữa chứ. Chết là phải”.
Đúng vậy đã mấy ngày nay cái bệnh tâm thần bất định, thằng Quốc sợ có người giết hại, nên ra nghĩa trang đào một hố sâu bên cạnh mộ mẹ rồi nằm co ro dưới đó. Bà Hương Cán, mẹ nó, phải đổ bao công sức, mồm loa mép dải với Quan Tri huyện mới xây được cái nghĩa trang ấy. Xây chưa xong, bà bị bom napan, chết cháy, thằng Quốc bới về chôn tạm.
Suốt ngày đêm nằm ở nghĩa trang hít mùi xác chết, mặc cho mưa nắng. Đói bắt con cào cào, châu chấu và ăn mấy dãi khoai sống. Quốc rì rầm cầu nguyện trời Phật che chở. Đọc kinh Quan Thế Âm Bồ Tát câu được câu chăng, chỗ nọ xọ chỗ kia, cười khằng khặc, kêu ầm lên “Làng nước ơi, tôi đã thành Phật”. Chán rồi quay sang nói chuyện luyên thuyên với cha, với mẹ. Làng Khánh Hữu, ai chả biết những tội tầy đình của vợ chồng Hương Cán, nhưng đối với Quốc đó là công lao to lớn, nó phải đền ơn, đáp nghĩa tỏ ra là đứa con có hiếu. Nói cả ngày chả thấy ai nghe, ai đáp, nó quay ra chửi. Đứng lên cả mả bố, dạng chân ra chửi như mẹ nó đứng trước cửa nhà thầy lang Tế chửi đổng: “…Bắt lấy tên, biên lấy tuổi thằng liền ông, cho chí con liền bà, mày ra tay mặt, mày lật tay trái, mày bắt thằng Quốc con tao… Cha năm đời, mười đời, đôi ba mươi đời nhà mày. Bà còn đào mồ cuốc mả, khai quật bật săng nhà mày lên, bà không tha cho mày đâu!”…
Gân cổ gào thét ba đời thằng Bằng đã cướp không hai mẫu ruộng Mả Nàng để cho nó cầm súng, bây giờ trắng tay. Đám trẻ chăn trâu cùng với thằng Sửu đi qua đứng lại xem, lấy bùn ném rồi bỏ chạy, nó cười sặc sụa thích thú. Nhận ra thằng Sửu, nó chửi ông Tiên, ông Tế đã xây nhà chắn long mạch, cắt đứt ngón tay nó, để bây giờ thành thằng Quốc bốn ngón…
Đổ được bát thuốc vào mồn thằng Quốc, phải hai người căng ra mới vào được vài giọt, nước dãi trào ra, nấc lên rồi ngoẹo đầu tắt thở. Thầy lang Tế đứng dậy lắc đầu: “Tận số rồi”. Thằng Quốc chết, thế là nhà Hương Cán xóa sổ, để lại gần hai chục mẫu ruộng rải rác khắp cánh đồng Khánh Hữu. Trên đất thổ cư, ngôi nhà gỗ năm gian cháy trong trận bom napan chưa dựng lại, chỉ có túp lều tạm. Tất cả những cái đó sau này có thể giải quyết được. Khó khăn nhất là nghĩa trang bằng đá, ai trông coi và chuyển đi đâu? Mảnh đất ấy sẽ làm gì? Hiện thời bà Hương cán và thằng Quốc chôn tạm dưới nắm đất thấp lè tè, ai mua đá mà xây bây giờ?
Sáng nay, mới gà gáy canh ba, đoàn người nhà Toái đã rục rịch lên đường. Họ đi sớm có nhiều lẽ, để cho dân làng khỏi nhìn thấy, mặt khác đường dài tranh thủ đi, mệt đâu nghỉ đấy. Gọi là đoàn cho oai chứ thực ra chỉ có vợ con nhà Toái bốn người. Trước khi đi, Chủ tịch Tế đã căn dặn và tế nhị đặt tên là đoàn đi “Xây dựng kinh tế mới”, tránh cho Toái khỏi hổ thẹn. Ông còn cử Mộc và Tồn vừa là du kích vừa là người dẫn đường vì hai anh đã quen thuộc Núi Đèo trong chuyến đi nhận vũ khí.
Những người đi “Xây dựng kinh tế mới”, gồng gánh, vội vã trong đêm, lỉnh kỉnh đủ thứ nồi niêu, bát đĩa và mấy bộ quần áo. Nhiều nhất là muối, tôm tép khô. Họ biết rằng từ muối có thể đổi ra được nhiều thứ, thậm chí cả đất cát, nhà cửa. Toái đầu đội nón mê, vai đeo bị, vai vác ró cá khô cúi gằm mặt đi sau vợ. Hôm nay là phiên chợ Huyện, người đi rầm rập nên cũng chẳng ai để ý gì.
Chủ tịch Tế không tiễn, đứng ở cửa điếm canh nhìn đoàn người đi, ngửa mặt lên trời ông ngân nga: “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”. Xa xưa cụ Phan Châu Trinh đã dạy vậy.
2
Từ ngày cụ Tiên mất, Bà Tiên cho vợ chồng Còi, Na bế con về ở, Bà bảo:
– Không về cái nhà Hộ sinh bên Bái Môn nữa. Thầy lang Tế đã nói rồi để đấy cho cái Hạnh Mỹ cai quản. Nó dạy thêm hai ba đứa cứu thương nữa là được. Gần cái nhà thằng Bằng mất dậy nó quấy phá thì khổ thân ra.
Na thì yếu, sau cái đêm được anh Tây đen cứu, đến nay vẫn phải uống thuốc. Được ở đây, có chị Sen giúp đỡ, thật quý quá. Còn Còi, đi với anh Thắng diệt tề, hết làng này đến làng kia, chả giúp được gì. Na nói trong nước mắt:
– Con cám ơn mẹ (đã lâu nay, Na gọi bà bằng mẹ như chị Sen), Mẹ đã vì chúng con mà gầy mòn, ốm yếu. Thầy (Ông Tiên) cũng chỉ vì dân làng mà đầu rơi máu chảy, chúng con biết bao giờ mới đền đáp được công ơn này.
Bà Tiên quỳ trước bàn thờ ông Tiên, kéo dải khăn trắng, chấm những giọt nước mắt đang lăn dài và lăn mãi không biết đến ngày nào. Bà thỉnh ba tiếng chuông rồi rì rầm cầu nguyện, giọng thì thầm như tiếng đập của con tim: “Cúi xin người ban ơn cho những người đi biển, những kẻ tha hương, những kẻ ốm yếu khổ đau, đói khát”.
Từ khi bà bị mảnh ngói rơi vào đầu, may mà nhẹ, xước tý da thôi, lại được thầy lang Tế mát tay cứu chữa. Bà khỏi, nhưng tuổi già, sức yếu dần. Mọi việc trong nhà bà giao cho hai chị em Sen và Na cai quản. Bà nhớ ngày trước ông Tiên đã từng dạy: “Bất cứ cái gì đưa cho phụ nữ, họ cũng sẽ tạo ra những giá trị cao hơn. Đưa cho họ một căn nhà, họ sẽ tạo ra một tổ ấm. Đưa cho họ thực phẩm, họ sẽ tạo ra một bữa ăn ngon. Phụ nữ luôn nhân lên, tạo ra những giá trị lớn hơn bất cứ thứ gì họ nhận được…”. Nghĩ vậy bà yên tâm
Còn việc thuyền bè, đồng áng đã có Thuận và anh Tây đen giúp sức. Bà cấm ngặt những nhà đã nhận ruộng cấy, không được nộp tô, nộp tức, quà cáp, tết nhất gì. “Khéo làm thì no, khéo co thì ấm”.Bao giờ thời thế thay đổi thì liệu sau. Từ xưa, mọi việc trong nhà gia phong nề nếp thì nay vẫn đâu vào đấy.
Vất vả nhất vẫn là Sen, một tay hai đứa con nhỏ. Thằng Kiện giống tính bố Tráng, nói trộm vía, đẻ giữa lúc bon đạn mà khỏe mạnh, chân tay mập mạp, chắc nịch. Nhưng từ ngày bố mất nó dở tính, dở nết, chuyên khóc về đêm. Lạ một điều, thích nằm sấp trên bụng mẹ ngậm vú. Đã cai sữa hơn một tháng rồi, còn gì đâu mà vẫn thích, hai cái răng cửa cắn vào núm vú đau điếng, không có sữa nó lại khóc. Mất ngủ Sen gầy rộc. Thương dì kế, nhiều đêm Na phải cho bú rình, nhưng nó tinh lắm, thấy hơi lạ là khóc ầm lên, đành chịu. Bà Tiên dùng mẹo, luộc trứng để dưới gầm giường, không hiệu nghiệm. Bà bôi tỏi, lá trầu không vào đầu vú, cũng chả ăn thua, khóc vẫn hoàn khóc. Tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn xa, dân làng, gặp nhau ở góc chợ, bãi biển lại xì xào: “Con ma đói nó nhập vào thằng Kiện đấy”. “Ngoài bãi tha ma Hoang Điền thì vô vàn, đêm đêm cứ là là bay lập lòe”.”Biết đâu bố nó về thì sao?”. Càng nghe Sen càng thấy đau lòng. Chả nhẽ, anh Tráng lại về nhập vào con. Cái cung cách ngậm vú thì giống Tráng thật. Lần bú lấy sữa cho thằng Sửu y hệt vậy. Nghĩ một lúc, Sen lại khẳng định, không phải, lúc đó anh có nằm trên bụng đâu. Hay cái đêm cuối cùng hai người còn dang dở, bây giờ muốn bù lại… Bao nhiêu ý nghĩ lúc tỉnh lúc mơ, Sen giật mình hét trong đêm. Na đặt thằng Cây nằm bên, quay lại ôm lấy dì kế:
– Dì Sen, tỉnh lại đi, nghe con nói đây.
Sen thở hổn hển:
– Dì đây. Con bế thằng Kiện trên bụng, xuống cho dì đi, nó cắn đau quá.
Hai người ôm Kiện, thì thầm trong bóng tối.
Na khẽ hỏi:
– Có một lần dì kể với con về đứa con đầu – Na ngập ngừng kể tiếp – Hai mẹ con bế nhau chạy loạn trên một chuyến đò dọc. Em chết đói nhưng vẫn ngậm vú nằm trên bụng mẹ. Phải không?
Sen òa khóc, Na cũng nấc lên, không nói được lời nào nữa…
Hôm sau, nghe xong chuyện bà Tiên lên chùa rất sớm. Anh Tây đen rung một hồi chuông một trăm linh tám tiếng. Bà Tiên làm lễ cầu siêu, cầu an cho các vong linh nơi chín suối, phù hộ độ trì cho con cháu. Thầy lang Tế bấm đốt ngón tay nói:
– Con của con ở trên nghĩa địa xa xôi, tuy nhỏ người, non dạ nhưng phải gánh cái nghiệp lớn từ vô lượng kiếp. Nó chết đi, thành ma nghiệp chưa trả được nợ đời…
Sen cuống quýt:
– Thưa thầy, bây giờ con phải làm gì ạ.
– Con đừng sợ, ngày mai mau lên đó làm lễ, rồi mọi việc sẽ đâu vào đấy thôi mà.
Đứng trước mười hai ngôi mộ tròn trĩnh linh thiêng, dưới gốc cây đa cành lá xum xuê che bóng mát mà ông lái đò dọc đã trồng. Sen òa khóc, thương con. Bà Tiên kính cẩn thắp hương vái lạy thần linh, cầu xin các vong linh, sống khôn chết thiêng, phù hộ dân làng. Vô cùng trân quý tấm lòng cao cả của ông lái đò dọc. Bà biết ơn dân làng đã giang rộng vòng tay cứu giúp kẻ nghèo nàn, có nơi an nghỉ bên bờ sông này.
“Mẹ nhận” của Sen gạt phắt nói:
– Úi dào, vẽ sự, bà dạy quá lời, đây là cái tâm cái lòng của cả làng. Nhất là ông chủ lái đò dọc có công nhiều nhất. Vừa rồi chúng tôi làm giỗ cho tất cả, trong đó có “cháu” – Bà quay sang mắng Sen – Tao mong mày mãi mà không thấy về? Cả một năm trời, mẹ phải cho con bát cơm, bát sữa, để nó chết đói à? Đi đâu, bận gì, phải nói với tao một tiếng để tao khấn cho chứ.
Sen ôm lấy “mẹ nhận” òa khóc:
– Mẹ ơi! Đúng hôm ấy nhà con mất được mấy ngày. Cụ Tiên “thầy” con cũng bị giết hại hôm đó. Bọn Tây nó nén bom cả làng tan hoang cháy trụi. Đau lắm mẹ ơi! Con có lỗi, xin mẹ tha tội.
Tin sét đánh, “Mẹ nhận” lặng đi, ôm chầm lấy bà Tiên, hai trái tim cùng một nhịp đập, ngồi sụp xuống bên những nấm mồ của kẻ nghèo nàn. Thì ra vậy, họ nằm đây, nhưng linh hồn vẫn còn mang nặng tình yêu thương mẫu tử, biết hờn, biết dỗi, đòi ăn, đòi bú khi đến tuần rằm, ngày giỗ…
Xong việc, Sen đưa “Mẹ nhận” cùng về để thắp hương cho cụ Tiên và Tráng. Hai mẹ ngày ngày lên chùa tụng kinh, niệm Phật. Có người bầu bạn, bà Tiên vui hẳn. Thằng Kiện được “bà nhận” chăm bẵm, ăn no cứ thế lăn ra ngủ. Thầy lang Tế xúc động nói lời cám ơn: “Đời người biết nhau bởi chữ duyên, kết giao bởi chữ tình, nhưng quý nhau bởi nhân phẩm”.