Phần 21

Từ phiên chợ tình mà A Hoa bị Sềnh Sù Dếnh bắt cóc, đến nay Á Bung và A Hiêng mới lại đi chợ. Hôm nay chợ đông lắm, mãi đến tối mới có hát soọng cô và nhẩy lửa, thế mà từ chiều đã họp. Khắp các nẻo đường chênh vênh trên núi cao, những người dân trong trang phục của dân tộc mình, đã ríu ran, rộn ràng xuống chợ. Những người ở bản xa, cách chợ tình những ba quả núi, bốn năm con suối, thì đi sớm hơn. Các chàng trai, cô gái người Mông, Dao, Giáy, Lô Lô mặc núi đá tai mèo, mặc núi cao suối sâu và những đoạn đường nguy hiểm họ háo hức, họ phấp phỏng. Xuống chợ. Đêm nay sẽ là một đêm tình yêu lãng mạn, thăng hoa. Tất cả đều hướng về chợ tình, hướng về người mình đã yêu, đang yêu và sẽ yêu, như hướng về một nghi lễ thiêng liêng, trọng đại nhất. Từ ngày có đời sống mới, chợ tình không phải là của người vùng cao mà cả người miền xuôi lên. Đông đúc. Các anh lính Giải phóng quân, các cô, các chị ở thành thị, tản cư lên. Hàng hóa có nhiều thứ lạ, ai cũng ưa thích.

Á Bung ngồi trên ngựa, A Hiêng đi trước dắt ngựa cho chồng, theo phong tục của người Sán Dìu là vậy. Đường đèo cheo leo, khấp khểnh thấy vợ vất vả, Á Bung nhẩy xuống bế thốc A Hiêng lên ngựa. Ngựa phi nước đại lúc ẩn, lúc hiện trong sương mù bao phủ quanh núi rừng, trông như đôi thiên thần đang bay lên trời cao. Khi ông mặt trời, khuất sau mỏm núi phía Tây,  những đống lửa lớn được đốt lên, những can rượu lớn được mang ra, vừa lúc vợ chồng Á Bung đến chợ. Khác với các lần trước Á Bung đi chợ để tìm A Hiêng. Bây giờ hai người tươi cười, dắt tay nhau vào chợ tràn đầy niềm vui và hạnh phúc. Bạn bè vây quanh, ríu rít trò chuyện về chuyến đi xuống miền biển quê chồng.

Từ đằng xa, một đám đông nhốn nháo, chen nhau mua hàng. Người mua một đấu muối, người mua vài ống tép khô. Thấy toàn hàng miền biển quê mình, Á Bung chen vào nhận ra đó là thằng Nho người làng Khánh Hữu. Không biết nó mò lên đây bằng cách nào, lại có muối và cá khô mang đi bán. Ngày còn thuộc Pháp ai buôn muối là bị bắt tù. Bây giờ khác rồi, muối và mọi thứ miền biển đã lên tận rừng thiêng, nước độc.

Á Bung luồn xuống phía sau, đập mạnh vào vai:

– Nho, mày lên bao giờ thế?

Nho giật mình quay lại, hai tay dính đầy muối và tôm tép, ôm chầm lấy Á Bung:

– Anh Bùng, thế là ta lại gặp nhau. A Hiêng đâu?

Mừng rỡ, ba người kéo nhau đi ăn thắng cố.

– Tao phải đãi mày món đặc biệt này. Thắng cố ở quê ta không có đâu. Á Bung nói.

– Nhưng quê mình, có canh cá ót nấu khế ngon tuyệt vời – Nho quay ra nói với mọi người – Tôi gặp anh tôi rồi, thôi không bán nữa, còn ít muối bà con nào cần tôi biếu, chuyến sau lên sẽ mang nhiều hơn.

Nho đưa tất cả cho A Hiêng mang về phân phát cho dân bản Núi Đèo, hai người vào uống rượu. Nồi thắng cố sôi sùng sục, hơi bốc lên nghi ngút.

– Sao lại gọi là thắng cố hở anh? Nho thấy lạ hỏi.

Á Bung đã nhiều lần ăn và nghe kể rằng: Thắng cố là món ăn đặc trưng, truyền thống của người vùng cao, ra đời cách đây hàng trăm năm. Thịt nấu thắng cố là tất cả nội tạng của con ngựa, đun trong một chiếc chảo lớn, mà phải là chảo cũ. Lấy “mỡ ngựa, rán thịt ngựa”, cho thêm gia vị thảo quả, địa liền, quế, lá chanh. Đun sôi sùng sục hàng tiếng đồng hồ, ăn đến đâu múc ra bát đến đó, vừa thổi vừa ăn mới sướng cái mồm…

Khề khà chén rượu, Nho kể chuyện quê nhà, người này sống, người kia chết. Thế rồi thằng Bằng rước giặc Pháp về xây đồn Mả Nàng. Lập cây đèn biển Cồn Bà. Nhà Bùng bị Lý Khiếu chiếm lại, thế là cái nhà hộ sinh, thành quả đời sống mới, ngắn ngủi của dân làng bị phá tan tành. Đau thương nhất là vợ chồng anh Cốc. Hôm đó em cũng có mặt nhưng chậm quá, bọn lính Pháp đã chiếm mất Cồn rồi. Nghe kể đến đây A Hiêng hét lên:

– Trời đất ơi, đứa con trong bụng chị Sự thì sao à?

– Hai người, ba thi thể, được đưa về chôn cất ở Hoang Điền. Nho giải thích

– Hôm cưới, chị Sự khóc, Hiêng phải cửi cái váy của Hiêng cho chị ấy mặc, để che cái bụng đấy à!

– Dân làng biết, không chê trách chị Sự mà khen A Hiêng tốt bụng nhiều à.

Nho nói thay cho mọi người, nhưng hàm ý đó là lời khen của mình.

– Sao mày không ở nhà, đánh bỏ mẹ bọn thằng Bằng Thằng Toái đi. Bung tức tối.

– Em làm sao được. Anh theo A Hiêng rồi, em cũng phải kiếm một cô như thế này chứ!. Có phải thế không A Hiêng?

A Hiêng cười hóm hỉnh:

– Được chứ, nhưng phải mang nhiều nón, nhiều muối, nhiều cá tôm lên cho dân bản cơ.

A Hiêng nói trúng, tim mình đang nghĩ.

– Ừ, mình quên, cái nón hôm nọ A Hiêng có thích không?

– Thích à. A Hiêng giơ tay như cầm vành nón che lên đầu.

Vẫn thái độ suồng sã bản năng của mình, Nho vờ say ôm chầm lấy A Hiêng. Né tránh, A Hiêng đứng phắt dậy, mất đà suýt nữa Nho ngã vào nồi thắng cố.

Đó là chuyện thường, Á Bung trầm ngâm suy nghĩ. Thương vợ chồng anh Cốc bao nhiêu, thì căm giận thằng Bằng bán nước bấy nhiêu. Nhà cửa ruộng đất của nhà Bùng đã được Thần linh, Chúa đất và Thành Hoàng làng, chứng giám. Nó chiếm đoạt chắc chắn các ngài sẽ không tha. Đặt mạnh bát rượu, Á Bung buông lời:

– Con voi còn sợ con kiến nữa là!… Uống đi.

Thắng cố lạ miệng, rượu miền núi nhẹ, thấm đậm về sau. Hai người đồng hương trên đất khách lâu ngày gặp nhau, cứ thế ừng ực hết bát này đến bát khác. Trước khi đặt bát xuống bàn, Nho còn lấy cuộng rau, vét sạch váng nước dùng, sót lại. Chợ sắp tàn, đám hát soọng cô thưa dần, từng đôi trai gái đã kéo nhau ra bìa rừng, trò chuyện riêng tư. Đám đàn ông say rượu lăn ra ngủ. A Hiêng ngồi trông ngựa và đồ đạc cho Á Bung và Nho ngủ, sáng mai về sớm. Nằm vậy thôi, chứ Nho đâu có ngủ. Lân la một hồi, hắn gối được đầu lên đùi A Hiêng. Vừa sợ, vừa nể, A Hiêng để yên cho cái đầu ngọ nguậy trên đùi mình. Tưởng rằng cá cắn câu, hắn xoay người thò hai tay vào ngực A Hiêng. Không chịu được, A Hiêng hất cái đầu hắn xuống bãi cỏ, đánh uỵch, đứng dậy. Con ngựa bênh chủ, hí ầm lên, Á Bung hốt hoảng hỏi:

– Cái gì vậy?

– Về thôi sáng rồi. A Hiêng vừa dọn đồ vừa nói.

Thằng Nho giả vờ lè nhè như người say, phả ra mùi rượu và thắng cố thum thủm, chua chua:

– Về…à, anh Bùng, thắng cố nữa đi. A Hiêng à.

Trời vừa ửng sáng, A Hiêng dắt ngựa, thồ gùi hàng, hai người lảo đảo theo sau xuống dốc về bản Núi Đèo. Tất cả im lặng, nén lòng.

Chuyện đêm qua, cho vào cổ tích.

Sáng nay Công binh xưởng tổ chức tiễn chân Xoa đi học quân y. Về đến nhà A Bung và Nho vội vàng xuống Khe Cau ngay. A Hiêng và các cô gái trong bản tíu tít đi sau. Trông thấy Nho, Xoa lại nhớ cái đêm cùng thầy Lang Tế đi chống đại dịch thổ tả, vất vả nhưng đã mang lại sự sống cho bao nhiêu sinh mạng. Đúng là dân làng ta, tay bị tay gậy, khắp nơi tung hoành.

Công binh xưởng qua mấy ngày ngập lụt, nay đã sạch đẹp, các thiết bị máy móc làm việc bình thường. Ban chỉ huy và các chiến sỹ Công xưởng có mặt đông đủ. A Pàu và dân bản Núi Đèo vây quanh Xoa, người con ra trận. Ông Tướng chỉ huy công xưởng nói:

– Cháu còn ít tuổi, nhưng thông minh và hoạt bát. Ít hay nhiều cũng là chiến sỹ công binh. Đâu cần công binh có, đâu khó có công binh. Hãy cố gắng học tập để trở thành người thầy thuốc phục vụ Công xưởng và bà con dân bản, cháu có hứa thế không nào?

– Vâng ạ.

Xoa bẽn lẽn nói. Mọi người vỗ tay tán thưởng. Á Pàu vui vẻ đỡ lời:

– Này cái đồng chí chỉ huy, tao định cho nó cái tên Á Xoa họ của nhà tao, như thằng Á Coi đấy à. Nhưng không kịp, để nó về à. Việc nhà binh là tối thượng rồi. Con đi mang về nhiều bài thuốc nhé Á Xoa.

Tất cả mọi người cùng vẫy tay, cất tiếng gọi: Á Xoa, Á Xoa…

Vợ chồng Á Bung và A Hiêng lên rẫy trồng ngô, Nho ngồi bậu cửa, bần thần nghĩ về thằng Xoa được đi học quân y. Số nó hên thật, còn mình bậc đàn anh, mà làm gì cũng hỏng. Mấy hôm nay A Hiêng giận, không thèm nói năng gì. Không hiểu Á Bung đã biết chưa? nếu biết, chỉ có con đường chuồn. Đang suy nghĩ lung tung, một tốp các cô gái trong bản líu ríu, cười nói đi qua. Chẳng hiểu họ nói gì, rủ nhau đi đâu, tò mò Nho rón rén đi theo. Qua một cánh rừng đến con suối, nước từ trên cao ào ào đổ xuống, len lỏi vượt lên những hòn đá to nhỏ, bọt bay tung tóe tạo thành một dòng sông trong vắt. Các cô gái dắt tay nhau ùa xuống. Thật là tài tình, ngay từ những bước đầu tiên lội xuống, chiếc váy xoè dần được nâng lên theo nhịp chân bước. Nước dâng lên đến đâu, chiếc váy được vén dần lên đến đó; Cho đến khi toàn bộ cơ thể, khoe làn da trắng ngần, trầm mình trong dòng nước mát, thì váy áo đã nằm trên đỉnh đầu. Ôi như những nàng tiên giáng trần. Dòng nước trong vắt, chảy nhẹ nhàng chỉ vừa đủ, để khiến mặt suối lăn tăn, gợn sóng. Như một bức màn the, mỏng dính, ngăn những ánh mắt tò mò của những chàng trai nhòm ngó. Từ lâu dân bản quan niệm rằng, người ốm đau, bệnh nặng, chỉ cần ngâm mình trong dòng nước là sẽ thuyên giảm. Bởi nước suối sạch, tinh khiết chảy từ khe núi đá, dòng lưu thông liên tục không gợn vẩn đục, hôi tanh.

Tiếng cười nói của các cô, rộn ràng vang khắp cả đại ngàn, khiến núi rừng thêm lung linh huyền ảo. Nho nấp sau gốc cây nhìn xuống, tim đập thình thịch, đôi mắt mở to, mồm há hốc, chân tay ngứa ngáy như muốn nhẩy bổ xuống. Bất thình lình một cú đánh như trời giáng vào lưng và cổ áo bị túm chặt. Nhiều tiếng nói líu ríu, Nho không hiểu họ nói gì. Ngước mắt nhìn lên thì nhận ra họ là con trai bản Núi Đèo.

Các cô gái ở dưới suối chạy ồ lên, xem mặt kẻ nhìn trộm. Nhận ra anh chàng bán muối ở dưới xuôi.

Tất cả trai gái, hò nhau ném tùm xuống suối. 

6

Trời nhá nhem tối, gà đã lên chuồng. Hai mẹ con thằng Quốc bốn ngón, trùm áo tơi đi nhanh qua cổng nhà thầy Lang Tế, vụt ra đường. Bước vội vã để người làng không ai nhìn thấy. Ra khỏi làng, đến chân cầu vào Bái Môn đã có thuyền của Lý Khiếu chờ sẵn đưa hai người đến đồn binh Mả Nàng. Từ ngày lập làng tề, cầu bị phá hỏng, đi thuyền trên sông Nê là con đường duy nhất, an toàn cho Lý Khiếu đi về. Được tin thằng Bằng con rể bà Cả Trường theo Tây, lập đồn Mả Nàng, lại cầm chức Đồn trưởng. Ông Lý Khiếu giữ chân Lý trưởng, thu về được bao nhiêu đất đai bị cánh nhà Tiên Hách làm loạn. Dân làng bỏ đi hết, thằng Toái đấy, đồ đệ bao lâu nay cũng không chịu nổi. Thằng Bằng thu nạp phong cho chức quan một. Rồi thằng Nho bỏ làng trốn biệt. Còn con trai mình, chỉ trồng cây gạo trên đất nhà nó, mà nó chặt luôn một ngón tay. Thế có điên không, chịu sao nổi với lũ người này. Nghĩ liên miên mất ăn mất ngủ, bà Quốc (Bà Hương chồng chết gọi tên con) tính kỹ, chỗ nhà mình với Lý Khiếu và bà Cả Trường dù sao cũng là thân quen. Hồi ông Hương Cán còn sống, đã cống cho Quan tri huyện Nguyễn Quan Trường năm mẫu ruộng thượng đẳng điền để giữ chân lý trưởng là gì. Mình đã “cho đi” bây giờ phải “đòi lại”. Cứ chờ thì biết bao giờ mới có lời “cám ơn”. Nhất định là vậy rồi, cho thằng Quốc vào binh đồn, không phải nói một lời, chúng nó nhận ngay. Lúc này, thằng Quốc mới có dịp trả thù bọn giả danh đời sống mới. Nghĩ vậy, tối nay hai mẹ con quyết dẫn nhau đến đồn, sớm lúc nào hay lúc ấy.

Đồn trưởng Bằng tiến sát vào thằng Quốc, ra lệnh:

– Đưa tay tao xem. 

Quốc rụt rè, bàn tay trái ôm chặt bàn tay phải bốn ngón, nhè nhẹ rê hai bàn chân. Bằng quát:

– Lính tráng gì mà nhát như cáy, lại đây.

Bà mẹ thấy vậy, đẩy Quốc lại gần, đỡ lời:

– Đấy cậu xem, từ lúc nó cắt ngón tay đến giờ là hãi hết hồn. Thế có ác không chứ?

Cầm bàn tay Quốc, Bằng hỏi:

– Có bóp cò được không?

– Được ạ, em còn ngón tay trỏ. Quốc mạnh dạn dần, trả lời.

Bằng đưa khẩu súng không có đạn, lên nòng sẵn cho Quốc và ra lệnh:

– Bắn thử tao xem.

Cầm khẩu súng, Quốc giơ lên và bóp cò tành tạch. Bằng cười vang:

– Tốt, tốt chỉ cần tay bóp cò và cái đầu lạnh là ta chiến thắng, chú em nghe rõ chưa?

Bà Quốc hân hoan ra mặt:

– Đúng là, giỏ nhà ai quai nhà ấy – Âu yếm bà nói tiếp – Cháu này, cô bảo nhé. Có được cái đồn này là công của cháu nhiều. Chắc cũng tốn kém lắm, tiền ăn, tiền tập, tiền súng đạn. Cô có một mẫu ruộng ngay cạnh đồn Mả Nàng, cháu cứ cho binh lính cày cấy lấy thóc gạo mà ăn. Gọi là có chút, cho cô góp với nhé.

– Thế là phải, binh lính có lương lậu gì đâu. Có đất là có tất cả.

Nói rồi, đồn trưởng Bằng cho nổ một tràng liên thanh lên trời, hộ tống bà Quốc xuống thuyền…

Mọi việc xong xuôi yên ổn, sáng hôm sau bà Quốc vội vàng sang nhà ông Tiên, chưa bước chân vào cửa đã cất giọng hốt hoảng:

– Bẩm ông, soi xét cho nhà tôi xem thế nào, chứ thằng Quốc nó đi mất tích rồi. Trời ơi là trời!

– Làm sao, bà nói kỹ xem nào?

– Tôi chẳng biết nữa, hơn một mẫu trồng nếp bọn tây đồn Mả Nàng chiếm, con thì nó bắt mất rồi. Khổ thân con tôi, trời ơi bây giờ con ở đâu!

– Thôi được rồi, để tôi cho du kích đi tìm.

Nói đến du kích bà Quốc sợ, vội xua tay:

– Không được, du kích bắn chết con tôi thì sao?

– Sao du kích lại bắn dân, chỉ có theo Tây mới bắn chứ. Vậy con bà theo Tây à? Ông Tiên vặn lại.

– Ông nói thế mà nghe được à? Chẳng cần.

Bà Quốc bốn ngón quay ngoắc ra cổng, chửi đổng “Ông cầm cờ xanh đứng canh đầu ngõ, ông cầm cờ đỏ đứng tỏ đầu giường, bắt lấy tên, biên lấy tuổi thằng liền ông cho chí con liền bà, mày ra tay mặt, mày lật tay trái, mày bắt thằng Quốc con tao. Nhà mày chết chìm lằm lặm, chết đắm lìm lịm, chết đêm không ai hay, chết ngày không ai biết. Nhà mày chết cho cú kêu ra, ma kêu vào. Nhà mày chết cho người ấy khiêng ra, người trong nhà nằm xuống. Nhà mày chết tan như tro, chết vò như trấu, chết ngấu như rơm, chết không ai đơm ai cúng. Cha năm đời, mười đời, đôi ba mươi đời nhà mày. Bà còn đào mồ cuốc mả, khai quật bật săng nhà mày lên, bà không tha cho mày đâu!”

7

“Tình hình khẩn cấp, không khéo nay mai thằng Bằng cầm quân tràn cả sang Khánh Hữu”. Ông Tiên nói ngay, khi gặp Thắng và Hạnh Mỹ. Nhận định ấy chắc chắn sẽ xẩy ra, cho nên hai người được lệnh về ngay Khánh Hữu. Ông Tiên cho thằng Bỗng kín đáo gọi Tráng và tất cả trai làng về đình. Anh Thắng nói:

– Công việc đầu tiên là phải ngăn chặn người chạy sang làng tề, vào đồn Mả Nàng, đi lính cho giặc. Không để ruộng đất rơi vào tay bọn nhà giầu và quyền thế. Đã mất đất thì đầu rơi máu chảy, cũng không giành lại được. Bao đời nay là thế.

Ông Tiên ra lệnh:

– Chú cháu nhà Lý Khiếu đã chiếm gần chục mẫu ruộng Mả Nàng rồi. Khánh Hữu đã có nhiều người chạy theo giặc. Phải nhanh chóng rào làng lại, chỉ để một cổng duy nhất ra vào. Ngày đêm có người canh gác cẩn mật do Còi chỉ huy. Mặt bờ biển Tráng giăng thuyền ngăn không cho thuyền lạ và người đổ bộ lên. Tất cả phải sẵn sàng đánh trả, nghe rõ chửa?

Mối thù truyền kiếp, sắp sửa có thể xẩy ra giữa hai làng. Đất liền đất, sông liền sông vừa mới được nối lại. Bây giờ Bái Môn mạnh hơn vì thêm Cao Đồng và Đồn binh Pháp có súng đạn yểm trợ. Nhưng Khánh Hữu không sợ, bộ đội cụ Hồ do anh Thắng chỉ huy đã về đóng quân ở nhà Thầy Lang Tế. Súng chọi súng. Ông Tiên thắp hương, mở cung cấm lấy con ốc tù và của người đánh cá làm hiệu lệnh. Khi có chiến sự tất cả đàn bà trẻ con phải xuống hầm trú ẩn. Chúng chỉ dám đi càn ban ngày, ban đêm rút về đồn, rượu chè phè phỡn. Quân ta ở bên này ban ngày nghỉ ngơi, ban đêm bắt đầu tiến đến gần đồn quấy rối. Chặn hết các ngả đường tiếp tế lương thực.

Từ ngày lập các làng tề theo dọc bờ sông Cái, Trần Hâm được phong làm tỉnh trưởng. Nhưng không có công sở và các quan lại, hai vợ chồng phải ăn nhờ ở đậu đồn Mả Nàng. Lý Khiếu cũng sợ, đêm đêm lại tự chèo thuyền theo Trần Hâm vào đồn. Mấy lần Còi đột nhập vào nhà đều không bắt được. Biết đường đi lối lại, lần này Còi quyết tâm tiêu diệt. Sông Nê quá quen thuộc, chỗ nào nông sâu, rẽ ngang rẽ dọc Còi thuộc như lòng bàn tay. Hơn thế nữa sông Nê gắn bó bao yêu thương và đau khổ. Nhá nhem tối Còi đã lên đầu nguồn, lặn xuống đội một mảng bèo tây lớn cho dòng nước xuôi về phía cầu Bái Môn. Đến đoạn giữa cánh đồng vắng thì dừng lại lên bờ ngồi mai phục. Dưới ánh trăng mờ đục, không gian yên tĩnh chỉ còn nghe thấy tiếng mái chèo khua nước bì bõm. Chờ cho thuyền của Lý Khiếu đi tới, từ trên bờ Còi bơi ra giữa sông, bám vào thành, nhanh chóng leo lên thuyền. Bất ngờ, Lý Khiếu chưa kịp kêu thì đã bị Còi nhét dẻ vào mồm, trói hai tay, trùm tấm lưới, gói chặt. Con thuyền chao đảo một vòng rồi nhanh chóng quay đầu chạy ra biển. Ngoài cửa biển đã có thuyền lớn đứng đợi. Thuận được phân công, chở Lý Khiếu ra khơi xa. Kết thúc cuộc đời kẻ “ăn đất”. Còi thả con thuyền của Lý Khiếu bập bềnh trôi theo.

Mấy hôm sau mới hay tin, Bằng điên lên, Trần Hâm ra lệnh mở trận càn vào Khánh Hữu, bắt sạch, giết sạch. Lục soát thu giữ toàn bộ văn tự đất đai của làng Khánh Hữu xung công, nuôi quân lính. Đoán được tình hình, Ông Tiên đã cho dân làng tản cư sang các làng lân cận từ hôm trước. Sau loạt đạn Moóc chê mở đường, bọn lính Mả Nàng tiến vào. Tráng thổi tù và liên hồi. Thằng Bỗng leo lên tháp, đánh chuông chùa báo động. Thắng, Còi nhanh chóng ra trấn giữ cổng làng. Từ trong bụi tre Thắng nhìn rõ, đi đầu có ba tên, theo sau là thằng Toái, lăm lăm tay súng hùng hổ tiến vào. Sầm, ba tên đi đầu tụt xuống hố chông la hét. Toái hoảng sợ cắm đầu chạy về. Một loạt súng liên thanh yểm trợ, mãi tận chiều vẫn không có một tên nào đến giải thoát. Thế là chúng bị dân Khánh Hữu bắt làm tù binh.

Trận đầu thắng lợi, thầy Lang Tế và ông Tiên vui mừng đón Thắng cùng anh em du kích về chật ních sân nhà. Ông Tiên chúc:

– Vạn sự khởi đầu nan, mưu mẹo của anh Thắng giỏi. Không cần súng đạn cũng làm chúng hết hồn.

8

Lý Khiếu chết, cả làng Bái Môn nhốn nháo. Đồn trưởng Bằng cho quân đi tìm, chỉ thấy con thuyền dạt vào bãi sú, còn người mất tăm. Mở trận càn vào Khánh Hữu thì thất bại, ba tên lính đã bỏ mạng. Trần Hâm và Bằng co cụm vào đồn nằm chờ viện trợ.

Thừa cơ, Thắng và Còi tiến sang chiếm lại Bái Môn, xóa làng tề giành lại đất đai. Thằng Tuyên con trai Toái ở ngôi nhà chiếm được của vợ chồng Tráng, hốt hoảng bỏ chạy theo đường biển vòng về đồn Mả Nàng. Nhà hộ sinh cho dựng biển to hơn và đẹp hơn, Hạnh Mỹ và Na được giao phụ trách. Na bế con theo, Còi sang chỉ huy đội du kích, hai vợ chồng ở tạm nhà hộ sinh cho tiện. Sau khi chiếm được, cánh nhà Lý Khiếu đã cho phá hỏng đồ nghề và các phương tiện vừa trang bị cho nhà hộ sinh. Hạnh Mỹ phải mua sắm và xây dựng lại, đồng thời cho người đi tìm bà Đỡ.

Người ta đồn rằng: hôm Lý Khiếu và lính đồn Mả Nàng đuổi ra khỏi nhà, bà Đỡ tay bế đứa bé bọc trong chăn, tay dìu sản phụ về nhà. Chăm sóc cho mẹ con đứa bé được ít ngày, cứng cáp rồi bà đi. Không ai biết bà đi đâu, ở đâu, nhưng bà đỡ đẻ cho ai, thì biết. Chỗ nào có tiếng khóc chào đời, bà ở đó, chẳng kể người giầu, người nghèo hay kẻ thù, kẻ hận. Quả không ngoa, cái lần Y Vân vợ đồn trưởng Bằng đau đẻ con so, hắn đã đưa vợ đến nhà hộ sinh, bà Đỡ và mọi người tập trung cứu, mẹ tròn con vuông. Lần này Y Vân đau đẻ, ở ngay trong đồn Mả Nàng, toàn quân lính ai làm được việc này. Bằng đã phải ngậm đắng nuốt cay, muối mặt, cho người đi tìm bà Đỡ. Hai tên lính cải trang thành ngư dân đánh cá, trà trộn vào chợ hỏi, không ai biết. Chán chường, quay về đến cánh đồng Mả Nàng, gặp bà đang mót lúa. Hai tên lính bắt về đồn, bà khảng khái nói: “Tao ăn cắp lúa, cướp nhà, cướp đất của người khác, chúng mày bắt, thì tao chịu. Đây chúng mày mời tao đi đỡ đẻ, làm việc nghĩa thì phải mang võng điều đến mà rước tao chứ. Chúng mày về bẩu với quan nhà mày, là như thế!”.Hai tên lính chịu thua, vội vàng về tâu với đồn trưởng Bằng. Hắn tức giận gầm lên, rồi đành phải ra lệnh, mang cáng điều của quan tỉnh trưởng Trần Hâm ra đón bà. Biết con gái mình lâm bồn, bà Cả Trường sum sê, đon đả phục dịch. Hồi hộp, chờ cho tiếng khóc chào đời cất lên, con thằng giặc ra đời, mẹ tròn con vuông. Hai mẹ con nhà Cả Trường bịt mắt ấn dẻ vào mồn bà Đỡ, cho lính dẫn đi. Ra giữa dòng sông Nê, chúng ném bà xuống sông. Mấy hôm sau, những người đi biển, thấy xác bà nổi ở cửa sông vớt lên khâm liệm, mặc lại quần áo cho bà, trong ruột tượng có viên mực tầu đen. Đoán già, đoán non, nhưng theo kinh nghiệm xưa, khi đứa trẻ ra đời, người ta thường đánh dấu chàm đỏ hoặc đen để biết kiếp sau nó nhập vào ai. Thì ra vậy, bà đã quệt mực tầu lên lưng thằng bé này, đánh dấu cho kiếp sau, bốn đời nội ngoại nhà nó là giặc, hãy tránh xa.

Được tin, ông Tiên cho người đi tìm và mang thi hài bà Đỡ về đặt trong nghĩa địa Hoang Điền. Làm lễ giải oan và rung lên một trăm linh tám tiếng chuông chùa, đưa bà về cõi vĩnh hằng.

Mở lại nhà Hộ sinh, bệnh nhân đầu tiên không phải bà đẻ mà là ba thằng giặc bị tụt xuống hầm chông. Một thằng Tây đen và hai thằng lính ta. Hạnh Mỹ trò chuyện với thằng Tây đen được đôi ba câu. Nó nói rằng: “Quê ở Ma Rốc. Nhà nghèo, đất khô cằn, nắng nóng không trồng được ngô, không có ăn, quanh năm đói. Thực dân Pháp bắt làm nô lệ, cho ăn bánh mỳ, đưa sang An Nam, nó bảo bắn thì bắn, có biết ai vào ai. Chúng mày đào lỗ đánh lừa, tao không biết bước vào ngã xuống, cây tre nhọn đâm vào đùi đau lắm. Cho tao ăn và bôi thuốc, hết đau rồi. Trả tao về, không có thằng đồn trưởng nó giết…”. Thấy năn nỉ, ông Tiên ra lệnh, đêm hôm đó cho người dẫn ra đường, thả nó về đồn Mả Nàng. Ông bà Lang Tế gói cho ba liều thuốc để nó bôi cho khỏi hẳn vết thương đùi. Còn hai người lính kia là người làng ven sông Cái, lần ấy bị tàu chiến tuần tra bắt được. Mất cả thuyền cả lưới, không nhà, không cửa, chúng ép cầm súng ra trận, thì phải theo. Thương tình, ông Tiên cho sửa chữa lại thuyền của Lý Khiếu, chiến lợi phẩm thu được và cấp thêm lương thực để họ tìm đường kiếm sống. Thế là thoát nạn cầm súng, hai người quỳ sụp, lạy cụ Tiên rối rít, rồi dong thuyền ra khơi xa, kiếm ăn.

9

Về đến đồn Mả Nàng, thằng Tây đen khai vống lên, làm vợ chồng Trần Hâm và đồn trưởng Bằng sợ hết hồn. Nào là: quân bên nó đông lắm, nhiều súng lắm, thóc gạo nhiều vô kể, ăn no lại có thuốc chữa bệnh, không như lính đồn ghẻ lở và đầy chấy rận. Nó còn khuyên mọi người, vứt súng đi, đánh nhau làm gì, trả tao về Ma Rốc, tao biết cách trồng cây ngô rồi, có đất là có ngô, ăn no… Đồn trưởng Bằng định rút súng cho nó một viên đạn thì Trần Hâm ngăn lại:

– Không được, hãy dùng nó làm con mồi.

Mấy hôm sau thằng Tây đen lững thững đi vào Bái Môn, Còi và Hạnh Mỹ đích thân nói chuyện, nó kể: “Tao ở trong đồn đói lắm, toàn ăn bánh mỳ khô, cho tao một bát cơm muối vừng”. Ngồi ăn ngon lành, nó tiếp tục kể: “Đêm qua thuyền từ sông Cái vào đón vợ chồng Trần Hâm và mẹ con thằng đồn trưởng Bằng. Bốn thằng lính chúng tao phải vác đồ è cổ cho nhà nó xuống thuyền. Một thằng không may ngã, làm vỡ cái tráp sơn đỏ, tưởng tiền hóa ra toàn giấy tờ cái con khỉ gì mà  nhiều lắm. Trầm Hâm đá thằng lính ấy lộn nhào, chửi “Tổ sư mày, thế là nát hết văn tự nhà đất của tao rồi”. Thằng lính ấy cũng to gan cãi “Tưởng tiền, chứ đống giấy lộn này, thèm”. Sợ lộ, không dám to tiếng Trần Hâm dúi đầu nó xuống bùn rồi vơ vội đống “giấy lộn” xuống tàu. Về sau nó thú thật, cố tình đánh vỡ để kiếm mấy quan tiền nhưng chẳng được mẹ gì. Túi tiền thì con vợ nó giữ. Thấy động cả nhà chạy trốn mang theo đủ thứ, ăn mấy đời cũng không hết.  

Nước cờ, dùng thằng Tây đen làm con mồi, hóa ra lại là con dao hai lưỡi. Chuyện thằng Tây đen kể, vợ chồng Trần Hâm thật là to gan, mang hết văn tự đất đai đi để đổi lấy cái ghế tỉnh trưởng, rồi đưa quân tiếp viện cho Mả Nàng. Tin này nếu có thật thì rất nguy hiểm, Anh Thắng cho triển khai ngay phương án chiến đấu. Còi luồn theo đường tắt ra sông Cái đánh chặn thuyền của Trần Hâm. Mẹ con Na chuyển về nhà ông bà Tiên. Hạnh Mỹ di chuyển hết trang thiết bị y tế về đình Khánh Hữu. Đóng cổng làng Bái Môn không cho chúng chiếm lại…

Máy bay “ba càng” từ ngoài biển vè vè bay vào, đen trũi lừng lững trên đầu. Thằng Bỗng gõ kẻng báo động liên hồi như vỡ đê. Khiếp hoảng cả làng nhốn nháo, lần đầu tiên mọi người nhìn thấy máy bay. Lâu nay chỉ nghe nói, có ai nhìn thấy bao giờ. Người bạo thì ngửa mặt lên trời xem. Người nhát thì chui rúc lung tung vào bụi tre, bụi chuối. Cả gầm giường, gầm chõng tiện đâu chui đấy.

Khi Còi đến bờ sông Cái thuyền của Trần Hâm được tàu chiến yểm trợ đưa vào sở chỉ huy ở bờ bên kia. Ngay lập tức nó mở cuộc tấn công Khánh Hữu bằng không quân. Máy bay “ba càng” lượn một vòng, nghiêng cánh trút xuống hai quả bom Na pan. Những khối lửa khổng lồ và khói đen bốc lên che kín cả làng, bao nhiêu người và nhà cửa nằm trong đó. Đám cháy lần này to hơn rất nhiều đám cháy nhà Tráng mà quân Nhật đốt năm nào. Ngọn lửa cháy rừng rực, nổ lép bép, lèo xèo từ nhà nọ lan sang nhà kia. Tiếng kêu thảm khốc “Cháy, cháy rồi làng nước ơi”. Nhiều người như cây đuốc sống, càng chạy càng bốc sáng, nhẩy tùm xuống ao, xuống ruộng. Bà Quốc bốn ngón, la hét giẫy đành đạch ở bên gốc cây gạo, rồi từ từ nhắm mắt. Thằng Nho vứt hai thùng cá giống tung tóe ra đường, lửa bén tóc cháy trụi, chui vào khóm chuối. Từ ngày nó bị bắt quả tang nhìn trộm đàn bà tắm suối, xấu hổ không dám lên mạn ngược buôn muối, quay sang buôn cá giống. Mồm mép như nó làm gì cũng được, cứ lem lẻm đếm: “Mười một mười hai, cá này giống tốt tám ba, tám tư” thế là ăn gian được bẩy chục con rồi. Ai cũng biết vậy, nhưng lại rất thích mua của hắn để còn nghe đếm như hát hay, sáng nay chưa bán được con nào, đến đây thì bị nạn.

Thật kinh hoàng, ngôi nhà ngang của thầy Lang Tế, bốc cháy ngùn ngụt, mọi người ra sức, múc nước ao, nước sông, gậy gộc đập tung tóe vẫn không sao cứu nổi. Khi tiếng bom ngừng nổ, máy bay đã đi xa, tất cả đổ đi tìm nhau. Thầy Lang và Thanh, ngoi lên từ dưới ao bèo, bờ tre chung quanh còn đang âm ỷ cháy. Lúc đó Bà Lang đang giã gạo ở nhà ngang, ngọn lửa bao vây tứ phía, mái nhà sập xuống, vùi bà trong đống lửa. Thanh gào thét, tìm cách cứu Mẹ, chân tay bỏng rát. Các anh Thuận, Mộc, Tồn và trai tráng trong làng vượt qua đống lửa vào khênh Mẹ ra ngoài. Hạnh Mỹ từ nhà Hộ sinh chạy về, ngất xỉu bên thi thể Mẹ. Lúc lâm nguy, Mẹ ngồi tựa vào tường hai tay chắp trước ngực cầu Trời, khấn Phật. Mười đầu ngón tay, hai hàm răng, cháy trụi, toàn thân vàng nộm, khét lẹt. Khi khâm liệm, người ta phải kéo thẳng chân tay, mới đặt được vào quan tài.

Thầy Lang Tế vô cùng đau khổ, nói với dân làng trong nước mắt: “Chiến tranh loạn lạc thế này, không ai học được chữ ngờ. Để cho mẹ cháu yên lòng nơi chín suối, xin dân làng rộng lượng cho phép cháu Thắng được nhận khăn tang và khóc lời, gọi mẹ. Như thế này không phải lẽ. Xin được tha thứ, xin đa tạ.”. Ông Lang Tế cúi lạy hai vái. Anh Thắng quấn khăn tang lên đầu cùng Hạnh Mỹ, Thanh và ba em nhỏ quỳ trước linh cữu lạy mẹ. Anh Hanh, con cả, không có mặt vì đang chiến đấu ở nơi xa. Cả dân làng Khánh Hữu tiếc thương. Dù không phải họ hàng, con cháu đều tình nguyện chịu tang, kêu khóc gọi Mẹ. Tưởng nhớ công ơn bà đã cưu mang qua nạn đói, qua đại dịch tả.

Ông Tiên buồn rầu đọc lời tiễn: “Bà đã cho chúng tôi rất nhiều, nhưng không bao giờ mong chờ đền đáp. Bà đã giúp đỡ chúng tôi rất nhiều, nhưng không bao giờ chờ nói lời cảm ơn. Giờ phút đau thương này, toàn dân Khánh Hữu, thành kính thiết lễ kỳ siêu, ngõ hầu báo đáp công ơn của Bà. Cả đời vì chồng, vì con chưa một ngày hưởng phước; tới khi mặt trời ló rạng sau mây mù, lại chẳng thấy ngày đoàn viên, thực xót xa khôn xiết. Dù biết ở đời vô thường biến đổi, chúng tôi cũng không nén nổi sự xúc cảm, bi thương. Từ đây Khánh Hữu, vĩnh viễn mất đi dáng hình của Bà với lòng thương bao la, rộng sâu như trời biển. Bà đã viết lên những trang cổ tích, bằng cả sự nhọc nhằn, sự đau đớn, bằng nước mắt, mồ hôi và bằng cả cuộc đời của Bà. Càng nghĩ đến Bà, chúng tôi càng mang nặng nỗi nhớ tiếc dâng đầy trong tâm não. Càng Thương bà chúng tôi càng cố gắng tài bồi công đức, thành tâm trù nguyện kinh văn, nguyện cầu chư Phật mười phương, chư Thánh hiền từ bi gia hộ chứng minh, nhằm hồi hướng cầu siêu cho Bà được vãng sinh về cõi tịnh độ.”.

Tiếng khóc rân ran, vang xa đến tận chân trời cuối biển…

Trong khi đó, ngoài cổng làng, tiếng kẻng báo động vang lên. Thằng Bỗng, cảnh giới phát hiện từ đằng xa quân giặc đang ồ ạt kéo đến, súng ống trong tay đằng đằng sát khí. Lực lượng Khánh Hữu quá mỏng, Còi từ sông Cái chưa về. Tráng, Bỗng và một số tay súng không chống cự nổi, tiêu diệt được thằng này, thằng khác vượt lên. Lấy thịt đè người, chúng giật tung cánh cổng làng, xô vào. Thằng Quốc bốn ngón, hung hăng về làng, tìm xác mẹ. Chúng lùng sục khắp nơi. Súng hết đạn, Tráng dùng mã tấu, giáp lá cà, hai thằng địch xông vào bắt được.

Phía nghĩa địa Hoang Điền, cánh quân do thằng Toái cầm đầu đã bao vây chặt. Mọi người đang dự tang lễ, chạy toán loạn ra bãi biển. Trong lúc nhốn nháo thằng Quốc bốn ngón cùng bọn lính xông vào đào bới các nấm mồ vừa chôn xong để tìm thi thể mẹ nó. Sáu thằng vội vàng vác chạy về nghĩa địa gia tộc chôn bên cạnh chồng – Hương Cán. Ông Tiên can ngăn, không cho làm điều bất nhân, thằng Quốc chống cự và bắt ông dẫn giải về sân đình. Chúng thay nhau đánh đập bắt phải nộp tất cả sổ đinh, sổ điền của các làng nhằm thâu tóm toàn bộ vào tay mình. Nhất mực ông không khai, không nộp. Thằng Bằng cho đập phá hậu cung để tìm, không thấy. Tức tối vì mất nhà, mất đất, mất miếng ăn, thằng Toái giơ thẳng dao, chém đầu ông Tiên. Thủ cấp văng lăn lóc, một thằng nhặt, bêu lên cây tre cắm giữa sân đình. Đầu rơi máu chảy trong tiếng la hét, ầm ỹ như vỡ chợ. Chưa ngừng bàn tay man rợ, chúng đào lỗ trên bãi cát, đẩy Tráng xuống lấp đến cổ, cho trâu kéo bừa xé nát thân thể. Một lần nữa, bãi cát lại nhuộm đỏ máu của dân làng Khánh Hữu.

Màn đêm, tang tóc buông xuống, bao trùm khắp xóm làng.