Phần 17

Trong lớp học, người đọc thông viết thạo nhất là Hạnh Mỹ. Sau buổi học hai thầy trò gặp nhau, Hạnh Mỹ kể:

– Em đang học lớp đệ nhất thì loạn lạc, đói kém em phải nghỉ để giúp thầy mẹ làm thuốc cứu người ốm đau và dịch tả. Chờ cơ sự bình yên, mới đi học tiếp.  

Thắng ngạc nhiên, reo lên:

– Trời ơi, thế thì tốt quá. Từ ngày mai em sẽ làm cô giáo đứng lớp cho anh.

Hạnh Mỹ giẫy đay đảy:

– Em đến đây để học mà, không làm cô giáo đâu.

Thắng cười, động viên:

– Nhìn là biết, em có nhiều khả năng lắm, không chối được đâu, đây là nhiệm vụ mới.

Đúng vậy, Hạnh Mỹ sinh ra trong gia đình nho giáo, từ bé thầy Lang Tế đã cho học chữ nho để biết chứ không cho học nghề thuốc. Thầy nghĩ con gái sau này lấy chồng, về nhà chồng người ta có tôn trọng hay không, lại mai một. Thầy dành tâm sức dạy cho hai người con trai là Hanh và Thanh sau này lớn lên nối nghiệp. Theo trào lưu xã hội thầy cho Hạnh Mỹ đi học chữ quốc ngữ và chữ Pháp để phù hợp với cuộc sống hiện tại. Ở vị trí nào Hạnh Mỹ cũng học giỏi. Các quan thanh tra, đốc học đều khen ngợi và cấp học bổng toàn phần. Trường Y Dược Hà Nội đã về tuyển cho sang Pháp học tân dược, nhưng Hạnh Mỹ từ chối vì muốn ở nhà giúp bố mẹ trong lúc loạn lạc. Vật lộn với ba cuộc chiến: chống giặc xâm lăng, giặc đói và dịch tả, gia đình thầy Lang Tế đã đổ bao nhiêu mồ hôi công sức, tiền của. Hôm nay cuộc chiến chống giặc dốt, Hạnh Mỹ lại đi trong đội quân tiên phong.

Lớp học sáng nay, mọi người ngạc nhiên có cô giáo mới, Hạnh Mỹ. Thầy Thắng giới thiệu xong ngồi nghe bài giảng đầu tiên của cô giáo. Hạnh Mỹ có giọng nói ngọt ngào, truyền cảm. Hôm đại lễ Mông sơn thí thực tổ chức ở làng Khánh Hữu, Hạnh Mỹ đã hát bài “Lòng mẹ”. Lòng mẹ cao cả vô cùng, cha mẹ thương con bằng cả khoảng trời, mẹ chăm sóc con từ khi thai nghén đến khi trưởng thành, cả chặng đường đời hình ảnh người mẹ theo suốt đời con, là bến bờ vững chãi cho con nương tựa. Người ngồi chật sân chùa, nấc lên tiếng khóc từng hồi. Tàn buổi lễ, Hạnh Mỹ bùi ngùi chia tay mọi người. Ôm Na vào lòng an ủi, buộc lại dải khăn tang, hai bàn tay Hạnh Mỹ nhẹ nhàng lau những giọt nước mắt đang lăn trên má.

Buổi đầu đến lớp Na nhận ra Hạnh Mỹ, hai người dắt tay nhau đi dọc bờ biển hàn huyên, tâm tình.  

Đứng trên “bục giảng” Bình dân học vụ, vẫn âm hưởng thân thương ấy, Hạnh Mỹ mang từng câu chữ gieo vào lòng người, mở đường đi tới ngày mai. Mù chữ, như người không nhìn thấy đường mà đi, quanh quẩn rồi lại quay về với đói khổ, nghèo nàn mà thôi. Cả lớp vỗ tay rào rào, thật nhẹ nhàng và thấm thía. Hạnh Mỹ dựa trên những câu ca dao cũ, thêm bớt cho vần và dễ thuộc: 

“Hôm qua anh đến chơi nhà.

Thấy mẹ dệt vải thấy cha đi bừa.

Thấy nàng mải miết xe tơ.

Thấy cháu “i – tờ” ngồi học bi bô.

Thì ra vâng lệnh Cụ Hồ.

Cả nhà yêu nước “thi đua học hành”.

Trong những ngày này, họ cùng ăn, cùng ở, cùng học. Mỗi người một hoàn cảnh nhưng tựu trung lại, ai cũng có một nỗi khổ riêng, nghèo đói và từ cõi chết trở về. Thương cảm lẫn nhau, chia sẻ nỗi buồn, niềm vui. Còi nghe câu chuyện bố Tráng được Hạnh Mỹ cứu giúp, bàng hoàng khoanh tay, quỳ xuống đội ơn. Hạnh Mỹ đỡ dậy nói:

– Em không được làm thế, lúc ấy không có cách nào khác, đó là tấm lòng chị muốn chia sẻ mà em. Nếu không thì chị em ta đâu có ngày hôm nay.

Chuyện đó đã qua rồi, nhưng tình người còn lại mãi mãi. Đêm hôm ấy, chiếc xe ba gác đi nhặt xác chết trên hè phố, để ngày mai quan tri huyện Nguyễn Quan Trường đón quan Nhật. Bất kể người chết hay còn ngắc ngoải đều bốc lên xe đổ ra hố chôn chung. Một bàn tay yếu ớt trong xe giơ lên cầu cứu. Hạnh Mỹ đuổi theo đưa cho một nắm cơm. Nhờ vậy mà người ấy sống lại, ngoi ra khỏi đống xác chết. Ông bà Lang Tế và Hạnh Mỹ đã mang về cho ăn và chữa lành những vết thương xây xát, đó là anh Tráng bố đẻ Còi.

Không kìm nổi cảm xúc, Còi ôm chặt Hạnh Mỹ:

– Chị ơi, ân nhân của bố em đây rồi, sau này em xin thờ phụng ông bà và các anh, các chị…

Lòng nhân từ, cao cả đã tụ hội được những con người không quen biết về đây. Anh Thắng, Hạnh Mỹ, Còi và Na cùng nhau đi diệt giặc dốt bằng tất cả tâm sức – “biển cả bao la không đong đầy lòng mẹ”. Lớp Bình dân học vụ kết thúc, mọi người là những thầy cô giáo trở về làng xã. Thầy Thắng và Hạnh Mỹ tiếp tục đi mở lớp cho các làng xã khác, xa hơn. Giữ lời hứa, thầy Thắng cho Còi và Na trở về Khánh Hữu gặp gỡ gia đình, rồi cùng nhau mở lớp Bình dân học vụ, xóa nạn mù chữ cho dân làng.

Từ sáng sớm ông Tiên đã cho mở toang cánh cổng, có lẽ đây là lần đâu tiên, kể từ ngày ông xây xong ngôi nhà này. Chó cũng không nuôi nữa, ông cho bán chỉ để lại con Mực khôn nhất giữ nhà. Họ mang đi đâu thịt thì thịt, chứ nuôi, nó cắn ầm lên lại mang tiếng là nhà giầu. Bây giờ đời sống mới rồi, ông làm chủ tịch xã chứ không phải lý trưởng như ngày xưa. Người làm trong nhà vẫn bọn ấy thôi, nhưng không gọi là con hầu kẻ ở, mà là người giúp việc. Anh Tráng, anh Cốc, anh Thuận ông bà coi như con nuôi.

Hôm nay ông Tiên cho liên hoan hoa quả cây trái trong vườn, chứ không mở tiệc linh đình như ngày xưa. Một công đôi việc mừng thằng Còi con nhà Tráng từ cõi chết trở về, và cô giáo Na mở lớp bình dân học vụ. Tất cả quây quần bên mâm cỗ: nào chuối, nào ổi, na và cam quýt… Ông Tiên nói: 

– Cái thằng Còi lúc chạy loạn, quần áo tả tơi, bụng chỉ có bát nước ngô luộc. Đến bây giờ lại là anh lính Giải phóng quân, thầy giáo bình dân học vụ, oai ra phết. Đó là vượng phúc lớn cho nhà anh Tráng, Làng Khánh Hữu ta cũng thật vẻ vang. Khánh Hữu vẫn là Khánh Hữu.

Chiều qua Còi và Na về đến nhà ông bà Tiên. Cả nhà ùa ra sân ôm chặt hai người. Tráng ngẹn ngào trong nước mắt: “Con ơi! bà, mẹ và em con đã mất rồi. Nhờ phúc đức của ông bà Tiên mà em Sửu còn sống. Bây giờ chỉ còn lại ba bố con thôi. Con quỳ lạy đội ơn ông bà đi”. Còi chắp tay vái hai lạy. Bà Tiên nói vội: “Đứng dậy bế em mày đi – bà kéo Sen lại gần – Bà chỉ nuôi hộ bố con mày thôi, đây mới là mẹ, nuôi nó đêm ngày, nghe chửa”. Còi quay sang Sen chắp tay: “Con chào dì”. Tráng thấy Còi gọi Sen là dì nên ngượng ngùng cuối xuống chấm những giọt nước mắt. Bà Tiên nhẹ nhàng nói: “Bây giờ tất cả đi ra chùa thắp hương và làm lễ cầu thỉnh lên Đại nguyện Địa Tạng Vương Bồ Tát, xin xóa vong linh Trần Còi vẫn còn ở trần gian để ngài phù hộ cho. Sau đó ra bãi tha ma Hoang Điền thắp hương cho bà, cho mẹ và em các con, nghe chửa. Lâu nay vẫn có bát cơm cúng và thờ vong linh con ở chùa đấy. Thế là phúc đức lắm rồi”.

Tiếng chuông chùa Phong Điền lại vang lên một trăm linh tám tiếng, ngân vang, ngân dài đến tận chân trời cuối biển.

Lớp Bình dân học vụ tổ chức ngay tại sân đình. Nơi đây, đã diễn ra bao nhiêu sự kiện: Thời Pháp đóng rồi Nhật chiếm là nơi thu thuế vơ vét thóc, gạo của dân. Những ngày đói kém là nơi phát chẩn, người về đông nghịt. Là nơi cứu chữa bệnh nhân bị dịch thổ tả. Hôm nay là lớp học xóa giặc mù chữ. Mấy tối trước ông Tiên đã cho thằng Bỗng đi phát thanh. Bây giờ nó đã  được mang cái tên mới là ủy viên văn hóa, thông tin, không gọi thằng mõ nữa. Làng cho làm cái chòi phát thanh ở trên chạng ba cây đa đầu làng. Khi làng có việc Bỗng vác cái loa tay bằng tôn, đầu to đầu nhỏ trèo lên ngồi đọc, không phải gõ mõ, chiềng làng chiềng chạ. Chữ thì chẳng biết, nhưng cụ Tiên nói gì là nhớ vanh vách, văn phong cũng mới: “A lô, a lô, đồng bào chú ý. xã ta tổ chức lớp bình dân học vụ, xóa nạn mù chữ. Tất cả già trẻ, gái trai phải mau mau ra đình mà học. Kẻo đường quang không đi, lại đi đường rậm. Muốn hết nghèo là phải đi học. A lô, a lô”.

Ông Tiên còn cho đội Nhi đồng Cứu quốc gõ trống ếch đi khắp làng vận động bà con đi học. Những ngày này làng Khánh Hữu sôi động hẳn lên.

Na lên lớp buổi đầu tiên, học viên ngồi chật sân đình. Ông Tiên xuất tiền mua cho mỗi người một quyển sách, một cái bút chì. Ủy viên thông tin Bỗng đứng đón ở đầu cổng tra dầu vào đèn cho mọi người. Lớp học sáng bừng, như bầu trời đầy sao. Na dõng dạc đọc từng con chữ: 

i, t (tờ), có móc cả hai.

i ngắn có chấm, t (tờ) dài có ngang;

Còi lại làm chân trợ giảng, đọc trước cho mọi người đọc theo, tất cả tạo nên một âm thanh đầm ấm và thân thương.

e, ê, l (lờ) cũng một loài.

ê đội nón chóp, l (lờ) dài thân hơn;

o tròn như quả trứng gà.

ô thì đội mũ, ơ là thêm râu

“o, a hai chữ khác nhau

“vì a có cái móc câu bên mình.

Ông Tiên ngồi ở tràng kỷ phía trên nhìn xuống, thi thoảng vuốt chòm râu gật gù: “Hay, thế mà hay. Nhân vô học, nhân vô dụng…”.

Sau mấy ngày học, ông Tiên quyết định cho dựng “cổng mù” ở đường vào chợ. Ai muốn vào chợ bằng cổng chính phải đọc được ba chữ đã viết sẵn bằng vôi trên tấm mẹt. Ai chưa đọc được thì phải đi qua “cổng mù” rồi về học lại. Sáng ấy phiên chợ tấp nập, những người đã học vui vẻ đọc làu làu: A, Ơ, I. Một số người chưa học phải lặng lẽ đi qua “cổng mù”. Bà Hương Cán đứng giữa đường vén váy la ầm ĩ:

– Các người không biết ta là ai à? Mẹ Hương này mà phải đọc mấy cái chữ vớ vẩn kia à. Xê ra cho bà đi chợ.

Còi nhẹ nhàng thưa lại:

– Thưa bà, đây là chữ cả nước phải học chứ không vớ vẩn đâu ạ.

– Muốn đọc thì ta đọc cho mà nghe này: “Nhân chi sơ mà sờ vú mẹ”. Đấy, xê ra.

Tất cả cười ầm lên, xấu hổ bà Hương quay ngoắt  rồi te tái đi nhanh về nhà. Chuyện này cười chưa dứt thì đằng sau có tiếng chuông xe đạp kính coong, kính coong. Thì ra là Bằng đang lao tới, trên khung xe phía trước Y Vân ngồi lon khom. Ủy viên thông tin Bỗng, đứng giữa đường dang tay chặn lại:

– Yêu cầu hai người vào đọc chữ.

– Chữ gì?. Bằng dừng xe nhẩy xuống hống hách.

Còi nhận ra Bằng, cố giữ bình tĩnh nói:

– Chữ viết trên mẹt kia?

Bằng:

– A, ra là mày và cả con Na nữa, chúng mày là người hay ma đấy, về âm phủ mà hỏi?

– Tao có quyền bắt mày phải đọc, nếu không đi sang cổng mù kia mà vào chợ, đọc đi? Còi vẫn điềm tĩnh thuyết phục.

Đội nhi đồng xếp hàng đứng bên cạnh, dưới sự chỉ huy của Nho, nổi trống ếch và đồng thanh hô: “Mù chữ, đi cổng mù, mù chữ…”. Điên tiết Bằng xông vào túm áo Na và hét toáng:

– Đây là vợ tao, tao sẽ giết nó, giữa ban ngày, ban mặt giám gian díu với nhau à?

Anh Cốc và chị Sự hai dân quân do Tráng chỉ huy bảo vệ đội chống mù, nhanh chóng xông vào gạt Bằng ra, chị Sự quát:

– Không được nói bừa, ai là vợ anh?. Một lần nữa yêu cầu anh đọc đi, không đọc được, quay về  học bình dân học vụ.

Bằng còn lạ gì chị Sự, thường ngày hầu hạ, bê cơm rót nước cho hắn. Tỏ vẻ khinh thường, hắn ngửa mặt lên trời cười đểu:

– Cóc ngóe nhẩy lên làm người.

Không để xúc phạm đến mình chị Sự cầm mã tấu xông vào, Anh Cốc ngăn lại, trừng mắt nhìn thẳng vào Bằng:

– Yêu cầu anh vào điếm gặp Chủ tịch xã, cái thời xưng hùng xưng bá qua rồi.

Từ nãy giờ, Y Vân sợ hãi đứng dúm vào một góc, bây giờ mới lẩm bẩm:

– Để tôi đọc hộ.

Na nén giận, dõng dạc nói:

– Tôi biết cô đã có bằng tiểu học, mời cô qua cổng để cho anh ta đọc.

Y Vân nổi cáu mắng Bằng:

– Ngu thì chết, sang cổng mù mà đi cho được việc, muộn rồi.

Không còn cách nào khác, Bằng cắm mặt đi sang cổng mù. Cổng mù rất thấp, bên kia lại có rãnh nước, muốn qua phải cúi đầu và lội nước mới lên được đường. Bằng cởi đôi giầy tây, treo lên cổ, vai vác xe đạp loay hoay mãi mới chui qua cổng. Lội xuống rãnh, bùn nước bắn đầy quần, lên đến đường thì mệt nhoài. Đã vậy bọn nhi đồng lại trống phách hò reo: “Mù chữ, mù chữ… đi cổng mù”. Không cần chỉnh sửa quần áo, cứ thế hai người nhẩy lên xe đèo nhau biến. Xe cũng không còn kính coong được nữa, cái nắp chuông rơi xuống ruộng lúc nào không hay. Người đi chợ thì đông, hô xe xe chẳng ai tránh, đành phải rao như người rao hàng, nước sôi đây, nước sôi đây.

Thật là nhục, con quan tri huyện, con ông lý có hàng trăm mẫu ruộng trong tay mà bây giờ chẳng ai coi ra gì. Để đấy, rồi chúng mày sẽ biết tay ông – có đất là có tất cả. 

Chương 4

1

Á Bung sốt ruột quá, bao đêm không ngủ được. Ban ngày hai vợ chồng vào rừng việc nọ, việc kia thì quên đi. Chứ đêm đến, một mình Á Bung thao thức lại suy nghĩ. Á Coi ơi, cháu ở đâu thì báo mộng cho anh? Không biết Á Coi đã về được đến nhà chưa, hay lưu lạc trong rừng như bận trước thì khốn. Bao ngày gian khó bên nhau, bây giờ anh biết nói sao với mọi người? Thấy chồng buồn, A Hiêng cũng buồn theo nhưng nén lại, nhẹ nhàng nói:

– Á Bung à, thằng Á Coi không lạc đâu à.

– Tao lo lắm, trong rừng nhiều con thú dữ à.

Á Bung thở dài nói vậy. A Hiêng nhanh nhảu:

– Mai tao đi tìm cho, đường rừng tao thuộc hết mà.

– Thôi để vài hôm nữa cùng đi, mai Á Pàu bảo tao xuống Khe Cau giao đất cho bộ đội công binh.

Lo lắng vậy, nhưng Á bung vẫn không quên việc Á Pàu giao.

Sau khi chủ đồn điền Khe Cau rút đi, dân bản Núi Đèo xuống cai quản. Các bản người Mường, người Tày quanh vùng cũng muốn chiếm để dành phần cho con cháu, vì đây là mảnh đất thung lũng mầu mỡ nhất, một năm có bốn mùa rõ rệt. Thần đất, thần nước luôn luôn phù hộ. Á Pàu tinh khôn hơn, nói luôn: “Đây là mảnh đất của Tổ tiên người Sán Dìu, người Sán Dìu ở, không ai được bước chân vào”. Thế là tất cả đều sợ. Á Pàu cho chặt hết cây thầu dầu của đồn điền, cho trồng ngô, sắn. Sắp được thu hoạch thì có lệnh trên báo xuống: “Phải giao đất Khe Cau cho bộ đội, làm công binh xưởng phục vụ cuộc trường kỳ kháng chiến”. Á Pàu buồn bỏ ăn mấy ngày, ngồi thừ ngắm những luống ngô đang lên mơn mởn. Thế là mảnh đất Khe Cau trao đi, trao lại biết bao ông chủ. Lần này làm công binh xưởng thì phải giao rồi. Chả biết họ làm gì, nhưng nói Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi, là vui. Buồn thì có mình buồn, vui thì hàng triệu người vui. Người Sán Dìu tự hào đã đóng góp một phần công sức. Nghĩ vậy Á Pàu bảo Á Bung giao cho chỉ huy Công binh xưởng tất cả văn tự về Khe Cau từ thời Vua nhà Nguyễn, đến thời Pháp, thời Nhật chiếm đóng. Bản Sán Dìu cứ vẫn làm ăn sinh sống trên đỉnh Núi Đèo.

Cuộc bàn giao hôm ấy tiến hành một cách nhanh gọn, tác phong quân sự thần tốc. Việc xây dựng công binh xưởng rất gấp, chiến trường đang kêu gọi. Á Pàu chỉ có một yêu cầu, xin công binh xưởng dành cho một chỗ trang trọng để làm Am thờ các vị thần linh, chúa đất. Bao đêm Á Pàu nghĩ: Khe Cau có thần đất, thần lửa, thần nước. Tổ tiên người Sán Dìu ở đây đời này, qua đời khác đều cúng lễ, cầu trời, cầu đất, cầu mưa. Thế rồi Pháp, Nhật vào chiếm đất, tàn phá hết nhà cửa miếu mạo làm người Sán Dìu lao đao, bọn nó cũng bao kẻ đổ máu trên mảnh đất này. Bây giờ Khe Cau có chỗ thờ, nhất định kháng chiến sẽ thành công, người Sán Dìu sẽ ấm no hạnh phúc. Nghe vậy, chỉ huy công binh xưởng bái phục Á Pàu, liền cho xây am thờ trước, rồi làm lễ động thổ xây công binh xưởng. Lễ động thổ mời Á Pàu cuốc nhát cuốc đầu tiên, tuy chỉ là những ngôi nhà tranh, vách đất.

Người của công binh xưởng thì ít, chiến trường đang cần vũ khí và đạn dược. Á Bung đã huy động tất cả dân quân trong bản xuống làm cho nhanh. Người thì lên rừng chặt gỗ, chặt tre nứa. Người thì đào móng, khuân vác vận chuyển máy móc. Chả mấy chốc, quay đi quay lại, các gian nhà trong công binh xưởng đã hoàn thành. Hôm khánh thành Á Pàu cho mang xuống mấy chục bình rượu cần và một con lợn cắp nách. Quân dân, đoàn kết nắm tay nhau nhẩy múa và uống rược cần. A Hiêng và các cô gái Sán Dìu cùng các anh bộ đội công binh hát soọng cô suốt đêm. Á Bung không tổ chức nhẩy lửa vì vắng Á Coi, người nhẩy lửa và vui nhộn nhất. Không có trò nhẩy lửa ai cũng nhắc đến Á Coi. Mẹ A Hoa cầm sừng trâu đựng rượu, tiếp thêm cho các bình rượu cần, tay run run đổ tràn cả ra ngoài mà không hay. Mẹ khóc, mẹ nhớ con gái A Hoa. Mẹ thương thằng Á Coi hiếu thảo vượt núi, trèo non tìm về quê mẹ, nơi chôn nhau cắt rốn. Trưởng bản Á Pàu không dấu được niềm sung sướng, ông nói to bằng tiếng Sán Dìu, các anh công binh xưởng không hiểu, Á Bung dịch ra nghĩa là: “Cuộc sống là quá trình trao tặng và đón nhận không ngừng”…

Sáng sớm hôm sau, Á Bung và A Hiêng đi về xuôi  thăm bố và tìm Á Coi. Thật không ngờ, may mắn, như trên trời rơi xuống, xe ô tô của công binh xưởng cũng về xuôi lấy hàng. Thế là hai người không phải leo rừng lội suối. Vui mừng quá Á Pàu nói: “Vượng phúc lớn lắm đấy các con ạ. Đêm qua ta nói vậy mọi người có hiểu không?. Việc làm hôm nay là kết quả của ngày hôm qua đấy. Đi nhanh rồi về”.

2

Cửa hiệu thuốc bắc Tế Mỹ, hôm nay vắng khách, thầy Lang Tế đang ngồi đọc sách, Hạnh Mỹ dẫn anh Thắng về. Hạnh Mỹ nhanh nhảu chào:

– Thưa thầy con đã về.

Thầy Lang Tế hạ cặp kính, hiền từ nhìn con gái:

– Ừ, con đã học xong rồi à?

– Vâng ạ, thưa thầy đây là anh Thắng giáo viên Bình dân học vụ dạy chúng con ạ.

Hạnh Mỹ vui mừng giới thiệu. Thắng khẽ cúi đầu thưa:

– Con chào bác ạ. Một lát, Thắng mạnh dạn thưa. Xin phép bác, cho con gọi là Thầy. Thầy là thầy lang, thầy giáo, chúng con phải học nhiều ạ.

– Không dám, xưng hô thế nào cũng được, cái tâm mới là cốt lõi.  

Vốn là nhà nho, nghe nói đến thầy giáo, nói đến học và đọc sách, chắc chắn anh này có tầm nhìn và vốn trí thức phong phú. Thầy Lang Tế vui hẳn, cởi mở vào chuyện.

– Xóa nạn mù chữ, mở mang dân trí là quốc sách. Thời nào cũng vậy, muốn nước mạnh thì phải biết trọng dụng người tài, muốn có người tài thì phải học. Học và học không bao giờ đủ. Tôi càng đọc càng thấy mình dốt.

– Thưa thầy, đúng thế đấy ạ.

Hạnh Mỹ lẻn vào buồng với mẹ, nghe thấy thế sợ Thắng không đối đáp nổi, đứng ở cửa, ra hiệu: “Cẩn thận nhé, thầy thâm nho lắm đấy”. Thắng cười, gật đầu ra hiệu: “yên tâm”.

Hạnh Mỹ lo xa quá. Thắng là học sinh Trường Bưởi, Hà Nội. Thời thuộc Pháp, Thắng đã tham gia Hội hướng đạo sinh do cụ Hoàng Đạo Thúy làm huynh trưởng. Đó là một tổ chức kín, dạy dỗ thanh niên xây dựng đời sống con người. Chuẩn bị cho cuộc Khởi nghĩa tháng tám, tổ chức này di chuyển ra vùng chiến khu. Một số thanh niên bổ sung cho công tác văn hóa, xã hội. Một số vào đội Tuyên truyền Giải phóng quân, trong đó có Thắng. Cách mạng Tháng tám thành công, Thắng lại lên đường đi diệt giặc dốt. Tâm huyết với công việc, tuổi trẻ đã đi qua, Thắng vẫn chưa tìm được bạn đời. Trong không khí thầy trò vui vẻ, Thắng mạnh dạn thưa chuyện:

– Hôm nay, con về đây trước hết thăm thầy, cô và gia đình. Còn việc quan trọng nữa, xin phép gia đình cho Hạnh Mỹ thoát ly, gia nhập vào đoàn cán bộ Bình dân học vụ để đi diệt dốt. Bao giờ toàn dân thoát nạn mù chữ, chúng con sẽ về.

Thắng nói chưa hết ý, thầy Lang Tế đã ngắt lời:

– Anh không phải xin phép, đó là việc nghĩa, đã là nghĩa thì phải ghé vai mà làm – Thầy quay vào nhà gọi Hạnh Mỹ – Ra đây thầy bảo. Anh Thắng nói vậy con có đi không? Việc học thì để đó tính sau, bây giờ phải hành đã, con hiểu chứ?

Chỉ cần thầy nói thế, là Hạnh Mỹ vui trong bụng:

– Dạ, được thầy mẹ cho phép, con xin nghe lời ạ.

Bà Lang bây giờ mới nói thêm vào:

– Cháu nó, có lớn mà chưa có khôn, Xưa nay chỉ biết công việc trong nhà, bây giờ gánh vác việc nước không biết có làm nổi không? Có gì nhờ anh chỉ bảo cho cháu.

Thắng vui vẻ tiếp lời:

– Mấy hôm rồi Hạnh Mỹ đã đứng lớp thay cháu, được mọi người khen lắm ạ. Thầy, cô yên tâm đã có tập thể đoàn ạ.

Thầy Lang Tế căn dặn thêm:

– Con nên để bụng, ngoài cái nghĩa, phải có cái tâm. Tâm yêu thương, là biển rộng vô bờ.

3

Nhận lời với thầy Lang Tế rồi, nên ông Tiên bận rộn suốt ngày, hết đốc thúc Bình dân học vụ, lại  đến công việc làng xã. Lúc rảnh ông mới ra xem bọn thợ làm nhà cho thầy Lang Tế đến đâu, sai một ly đi một dặm. Lắm lúc muốn giao cho thằng Tráng trông coi, nhưng ông nghĩ, nó còn trẻ, không biết làm nhà kiểu cổ, lại thôi, nên chỉ sai những việc lặt vặt. Trước khi khởi công, ông Tiên cho gọi hai tốp thợ khéo tay nhất vùng đến giao việc. Trên mảnh đất công mà làng đã trao tặng, thầy Lang Tế cho dựng nhà và trồng cây thuốc. Ngôi nhà ngói năm gian, chia hai phần: một tốp ba gian, một tốp hai gian, ông cho bốc thăm ai nhận được phần nào thì làm phần ấy. Nơi làm việc của mỗi tốp quây kín lại, không được nhìn thấy và bàn bạc với nhau. Kiểu mẫu nhà, ông ra như đầu đề một bài học, cứ thế mà làm. Đến ngày “hợp long”, dựng lên phải thật ăn khớp, hai bên y trang về mọi chi tiết, kết cấu và họa tiết. Kiểu ấy cũng khó cho thợ, nhưng phải thế mới ganh đua, mới đẹp được. Mỗi thợ cả có một cây thước Lỗ Ban để tính toán, tìm ra sáu cung tốt và bốn cung xấu để cho gia chủ làm ăn phát tài, phát lộc, êm ấm hạnh phúc. Thịnh, suy, mọi bề trai gái trong nhà.

Hôm khởi công, mặt bằng được dọn sạch, trong khóm tre trước cửa có một cây gạo cao hơn đầu người không biết ai trồng hay nó tự mọc. Thực ra đó là cây gạo, mẹ con Hương Cán trồng để chấn trạch, Quốc con trai đã bị mất ngón tay. Thầy lang Tế nói: “Dù ai trồng hay nó tự mọc cũng là cây gạo. Mà cây gạo thì quý lắm, nó là cây thuốc đấy. Sách đã dạy, vỏ gạo thường được dùng bó gẫy xương, cầm máu, chữa lậu, thông tiểu, đau răng, rối loạn tiêu hóa… Hạt gạo ép lấy dầu cho súc vật ăn để ra sữa”. Cây gạo còn có tên gọi là Mộc Miên hay Hồng Miên. Hoa gạo có màu đỏ, thường nở vào cuối tháng ba, đầu tháng tư. Những tháng này, người nông dân thiếu thóc gạo, đói kém. Bởi vậy, cái tên hoa gạo là biểu tượng cho niềm hy vọng, ước mong một mùa vàng bội thu, lúa gạo đầy bồ, đời sống ấm no, hạnh phúc của người nông dân.             

Nói rồi, thầy Lang Tế cho đổ thêm đất vào cây gạo và dịch chuyển móng nhà sang bên để tránh trùng hai tâm, thế là đẹp cả đôi đường, phong thủy và vận mệnh. Thằng Quốc bốn ngón con bà Hương được thầy lang cứu chữa ngày nào, đứng ở sân nhà nhìn sang, lắp bắp điều gì đấy. Bà Hương chạy vội ra kéo vào, nghiến răng ấn đầu nó xuống, xin xít nói: “Có im đi không, lộ ra bây giờ thì chết cả lũ”.

Quay đi, quay lại mọi việc đã đâu vào đấy. Thầy Lang Tế mời thầy phong thủy về xem ngày để làm lễ thượng lương. Thầy Lang thì không hợp tuổi, vả lại thầy nghĩ: “Nhà của bố mẹ là nhà của con”, đời mình còn bao, đời con, đời cháu mới là nhiều. Hai anh em thằng Hanh, thằng Thanh đặt đòn dông là đẹp. Hanh đích tôn phải làm, nhưng không hợp tuổi, lại ham chơi, đã nhiều lần bị đòn, vẫn không chừa. Còn Thanh thì hợp tuổi, hiền lành, học giỏi cả chữ nho và chữ quốc ngữ. Từ ngày chị Hạnh Mỹ đi thoát ly, Thanh đã thay chị gánh đỡ công việc ở cửa hiệu. Mới có tám tuổi, sợ không leo lên được, nhưng cánh thợ đã có cách. Để tiến hành làm lễ thượng lương, ông Tiên cho dỡ những tấm cót quây của hai kíp thợ. Tất cả những “bí quyết” nghề nghiệp đều lộ ra hết. Cái gì cũng đẹp, rất tinh xảo từ con rồng con phượng, hoa sen, cành trúc đều giống nhau như hệt. Năm gian nhà có ba vì kèo, mỗi vì kèo có hai cột quân và hai cột chính, tất cả bằng gỗ lim to bằng vòng tay ôm. Các vì kèo được lắp sẵn, phải dùng lực người kéo lên. Hai mươi người chia làm hai giây hai bên, mỗi giây phải có một nữ. Ông Tiên cắt đặt bà Tiên một giây và bà Lang một giây. Tục lệ như vậy là mang ý nghĩa sâu xa: thuận vợ, thuận chồng, tát cạn biển đông. Lúc đặt đòn dông ai cũng hồi hộp đến thót tim. Thanh trong bộ quần áo the mới, đầu quấn khăn đỏ, trèo lên từng bậc thang. Người ta đã làm một chỗ đứng, vững chắc gần nóc nhà, khi Thanh  đứng thẳng thì cái đầu cao hơn là được. Hai đầu cây nóc, hai thợ khỏe nâng lên, đầu cúi xuống thấp hơn nóc nhà, để Thanh bám tay vào, đặt lên hai vì kèo, thế là xong. Bên dưới hò reo và pháo nổ vang rền. Ông Tiên và thầy Lang hoan hỉ, gật đầu khen: Đẹp, đẹp, hai kíp này giỏi, rất khớp, mộng mị vào ngọt lịm, một tờ giấy bản đút cũng không qua. Trưa ấy thầy cho mổ lợn khao thưởng cả hai kíp thợ, một bữa rượu lên bờ xuống ruộng.

Người từ các thành phố tản cư về phủ lỵ ngày một đông. Họ kháo nhau, giặc Tây đã quay trở lại đánh chiếm, phá nhà, lấy đất lập đồn, lập bốt. Khi đói kém thì người nông dân nghèo, kéo nhau lên thành phố xin ăn. Loạn lạc, người thành phố lên rừng, về làng quê, xuống biển, dựa vào nông dân, tránh giặc Tây xâm lược. Một vòng tròn nhân ái, xoay tít vô định. Các nhà thương Bạch Mai, Phủ Doãn đóng cửa. Các đốc tơ cùng gia đình tản cư về các miền quê mở phòng khám và bán thuốc tân dược. Ở Phủ lỵ có đến ba cửa hàng tân dược. Cùng với việc bài bác váy áo, nâu sồng, ăn trầu nhuộn răng đen, học chữ nho, uống thuốc bắc, là tàn dư của chế độ phong kiến. Ngược lại, Con gái mặc xu chiêng, vấn tóc trần. Con trai mặc quần tây, đầu đội mũ trắng, đi giầy Khải Định cao su non. Người ta xính thuốc tây của các Đốc tờ, ống nghe trước ngực, chữ viết loằng ngoàng, rẻ tiền và nhanh khỏi. Cửa hiệu thuốc bắc Tế Mỹ dần dần vắng khách. Từ Khánh Hữu, ông Tiên vội lên gặp thầy Lang Tế bàn luận, ông nói:

– Nhà cửa xong rồi, thầy dọn về đi, người dân quê vẫn quý trọng tài năng của thầy. Thuốc nam, thuốc bắc, trồng trên đất ta, mới là của ta. Dân nghèo, ốm đau còn có chỗ dựa. Người xưa đã dạy rồi: “Những thứ mà con người đạt được trong đời này, là do phúc báo của họ mà có, tranh giành chỉ làm tổn hại đến người khác và tổn đức của bản thân mà thôi. Một khi tấm lòng rộng mở hơn, thì bạn bè phú quý cũng sẽ nhiều hơn!”. Thời thế thế, thế thời phải thế.

Thầy Lang Tế gật gù đáp lời:

– Nhân sinh thời, thời sinh kế.

Ba hôm sau, ông Tiên cho một đoàn người lên gồng gánh, khuôn vác đồ đạc, thuốc men của cửa hiệu thuốc bắc Tế Mỹ về làng Khánh Hữu.

Công việc khám bệnh, bốc thuốc lại bắt đầu.

Exit mobile version