Phần 14
Đã bao năm nay cổng làng Bái Môn đóng chặt, nay được mở toang, dân làng hai bên gặp nhau tay bắt mặt mừng. Lời nguyền muôm thuở và dòng sông Nê đi vào qúa khứ. Làng Khánh Hữu nhộn nhịp tiếp nhận người làng Bái Môn, sang chữa bệnh. Cụ Tiên cho bác rạp ở sân đình, sân chùa, kê thêm giường chiếu, mở thêm một bếp ăn dành riêng cho bệnh nhân. Không ai phải đóng góp gì, tất cả đều do Khánh Hữu gánh chịu. Thầy Lang Tế và các đệ tử tất bật, bắt mạch, phân loại, cách ly từng người để phục vụ. Cũng may Xoa và Hà do thầy để lại trên đường, đã hoàn thành công việc, cùng trở về Khánh Hữu góp sức. Bên làng Bái Môn, sau đám tang Lý Khoái, ông Khiếu đã huy động cả làng ra dọn dẹp nhà cửa, ao hồ sạch bong và quang đãng. Cụ Tiên cho lệnh mở cống sông Nê, nước cuốn đi tất cả rác rưởi tồn đọng bao lâu nay ra biển khơi. Dòng sông rửa sạch, không còn bên đục, bên trong. Mọi người qua cầu nhìn xuống dòng sông, không ai nói với ai, nhưng đều nghĩ thầm: “Thế thời thay đổi, giòng sông cũng đổi thay”.
Trên giường bệnh, ông Hoài bố của Bùng đầu tóc bạc phơ, nắm tay Xoa nói:
– Ôi cháu ngoại của ông đây à. Chỉ có một Lời nguyền của dòng sông, mà hận thù đã chia lìa ông cháu, cha con. Mẹ Tèo cháu mất, ông biết nhưng không sang được. Cổng làng Bái Môn đóng kín. Mẹ cháu sang đây lấy chồng, ông như mất người con gái và các cháu ngoại, không bao giờ được gặp. Lý Khoái ác ôn lắm cháu ạ. Cậu Bùng cháu thương anh Còi trốn đi, không biết bây giờ ở đâu, sống hay chết? Xoa ơi cháu đi tìm cậu Bùng về đây cho ông, ông nhớ lắm.
Xoa cố nói cho ông vui, chứ biết rằng ông không thể qua nổi đợt dịch này. Mất nhiều nước quá, người ông teo tóp lại chỉ còn da và xương. Từ lúc đẻ ra đến giờ, bây giờ Xoa mới biết mặt ông ngoại. Bà ngoại cũng mất từ lâu rồi. Ông bà có hai người con là mẹ Tèo và cậu Bùng. Thế là cả nhà ông ngoại mất hết:
– Ông ơi, ông uống thuốc đi, thế nào cậu Bùng mai cũng về đấy.
– Vậy hử, Ông mang ơn cụ Tiên, mang ơn thầy Lang Tế nhiều. Cháu cố theo thầy, học lấy nghề thuốc nhé – Nghĩ một lúc ông thều thào – Cháu xin cụ Tiên cho ông được nằm lại Hoang Điền với mẹ Tèo cháu, Ông không về Bái Môn đâu, đất nghịch nhiều ma lắm…
Xoa định xà xuống ôm lấy ông ngoại, thì có người kéo giật lại vì sợ lây bệnh. Xoa òa khóc, đứng nhìn ông từ từ nhắm mắt thanh thản ra đi. Nguyện vọng của ông ngoại được cụ Tiên chấp nhận. Bãi tha ma Hoang Điền đã đầy, lại đầy thêm những người mắc bệnh thổ tả.
Đã ba ngày rồi, nay sang ngày thứ tư, mà Sen vẫn không có sữa cho cu Sửu bú. Sen đã khỏi dứt bệnh, nhưng bà Tiên vẫn kiêng, tối không cho ngủ chung với Sửu, để Sen hồi phục nuôi nó lâu dài. Kiêng cho Sen, bà lại gánh cái khổ vào thân. Đêm nào cũng vậy, thèm sữa nó lại khóc. Hết ru, lại dỗ chả ăn thua gì. Cho nó mút cái vú nhăn nheo, nó lại càng cau có, hét toáng lên. Khó tính khó nết quá, không biết lúc lớn lên, cứ như thế này thì chẳng coi ai ra gì. Bà đành dấu cụ Tiên cho người cấp tốc lên làng Tõm gọi thằng Tráng về. Thầy Lang bảo phải chải vú rồi xoa bóp, ai làm cho. Vú thì to cứng, bà làm mỏi cả tay cũng trơ ra, chả có tý sữa nào. Chả lẽ nhờ thầy Lang à? Vậy chỉ có thằng Tráng là bố, cái Sen nuôi con nó, coi như là mẹ. Vợ chồng thì bảo nhau dễ. Nếu nó ưng, thì nói một câu, cụ Tiên sẽ cho lấy nhau cũng thuận. Trước mặt Tráng bà nói thẳng:
– Bạo lên, Đàn ông, đàn ang gì mà nhát. Phải nghĩ đến con mày, tao chỉ nuôi nó cho mày thôi.
– Thưa bà làm thế con ngượng lắm ạ. Tráng thẹn thùng cuối xuống trả lời.
– Vớ vẩn, ngượng là ngượng cái gì? Bà Tiên nói dứt khoát.
Ngượng là một phần thôi, Tráng nghĩ đến điều ra, tiếng vào. Người đời sẽ chê trách mình bạc bẽo, mẹ chết, vợ chết, con chết chưa mãn tang, đã đi bước nữa, thật không còn ra thể thống gì, Tráng vội nói:
– Dạ, mộ nhà con hãy còn xanh ạ.
– Tao có bảo mày lấy nó đâu. Chỉ sờ nắn hai vú, nó đang tắc tia sữa bóp mạnh cho nó thông thì mới có sữa để con mày bú chứ. Còn các chỗ khác cấm. Vào làm ngay đi, thằng Sửu đang thèm sữa kia kìa.
Bà như ra lệnh, kéo tuột Tráng đứng dậy, ẩy vào buồng.
Tráng chợt nghĩ lời anh Cốc nói hôm nào “mày lấy cái Sen làm vợ đi, nó đang nuôi con mày đấy thây”. Run run bước đến gần giường, Tráng dừng lại nhìn. Từ nãy giờ Sen đã nghe thấy hết những lời bà Tiên nói. Biết Tráng đã vào, Sen gắt:
– Chú ra đi.
– Biết làm thế nào được, bà Tiên bắt mà.
Tráng gãi đầu thanh minh. Sen trở mình quay mặt vào vách vừa nói, vừa khóc:
– Trời ơi, sao tôi khổ thế này?
Bên ngoài bà Tiên nói vọng vào:
– Thế nào được chưa? – Thằng Sửu giật mình khóc thét lên. Bà cất lời ru: “Ù ì cút kít/ Xay lúa lấy gạo ăn mai/ Có cô thợ cấy lấy anh thợ cầy/Thợ cấy mà lấy thợ cầy/ Đế cho cút kít xay ngày xay đêm.” à.. à… ơi…
Tráng ngồi ghé vào thành giường, mạnh dạn đặt tay lên trán, Sen đang lên cơn sốt, nóng như lửa. Đã ba mặt con nhưng chưa bao giờ Tráng gặp trường hợp như thế này. Lo sợ, nhưng vẫn cố làm theo lời bà Tiên.
– Cháu quay lại đây xem nào, khổ đang sốt.
Sen không chống cự, im lặng. Tráng khe khẽ nói:
– Cháu hãy nghe chú, thương lấy thằng cu Sửu nhà chú. Gà trống nuôi con chú chả biết làm gì, trăm sự trông cậy ở cháu, cháu nhé.
Sen kéo dải yếm, lau hai dòng nước mắt đang tràn xuống má, lộ hai bầu vú bị tắc sữa, căng cứng, hồng rực. Tráng nhanh tay luồn vào hai bầu vú nóng rừng rực.
– Để chú vắt sữa ra nhé. Xong là nhẹ ngay thôi mà.
Sen khẽ gật đầu, Tráng nhẹ nhàng xoa bàn tay thô ráp lên khắp ngực, bụng rồi dần dần xích vào hai bầu vú bóp nhẹ, bóp vừa, bóp mạnh. Sen đau quằn quại ôm chặt lấy Tráng, nghiến răng, chịu đựng không để tiếng kêu lọt ra ngoài. Không được, không có tia sữa nào chảy ra. Sen thở hổn hển:
– Thôi, không được đâu chú ơi, để mặc cháu.
Tiếng ru con của bà Tiên bên ngoài vẫn vang vào thôi thúc. Liều, Tráng nằm xuống giường ôm chặt Sen bú như đứa trẻ, lấy hết sức…, một tia sữa ngọt lịm phụt ra. Cái nóng rừng rực truyền sang người Tráng, bản năng của thằng đàn ông trỗi dậy. Tiếng bà Tiên lại giục:
– Được không?
Bản năng thú tính vụt tắt, Tráng vội vàng ngồi dậy thưa:
– Dạ, nhiều lắm rồi ạ
Bà Tiên vui mừng, đẩy cửa bước vào:
– Đã bảo mà, phải bạo nên mới được việc chứ.
Bà nói nựng cu Sửu vài câu, đặt nó nằm xuống bên “mẹ” Sen. Bú.
2
Chả biết đồn điền Khe Cau, rút đi từ bao giờ, không còn một bóng người, nhà cửa, đồ đạc tan hoang. Dân bản Núi Đèo chả ai biết. Việc của nó mặc, biết để làm gì, bản thì ở trên cao, rừng cây che kín. Kể từ hôm giao chiến, nó bị thua, phải vác xác về chất củi đốt khét mù, thế là sợ không giám bén mảng lên Núi Đèo. Dân bản yên vui làm rẫy và ca hát. Hôm nay, mấy người đi lùa dê, thế nào nó lại chạy tắt rừng vào đồn điền, vội vàng đuổi theo, vào đến nơi thì ngỡ ngàng, cả đồn điền vườn không nhà trống. Thế là ba chân bốn cẳng chạy về báo cho Á Pàu. Á Coi và đám trai tráng gậy gộc theo Á Pàu xông vào. Sục sạo tìm kiếm khắp nơi chỉ thấy đồ đạc, máy móc, lỉnh kỉnh ngổn ngang, không thấy một tên nào. Đến một gian buồng nhỏ, cửa khóa kín, bên trong có tiếng người kêu thều thào. Á Pàu cho lệnh phá cửa, cửa bật tung, bên trong có ba cô gái thân thể loã lồ, trên người không còn đồ trang sức. Một cô, hai tay trói vào cột nhà đầu gục xuống, mắt mở to, mồm há hốc, hai môi đập vào nhau. Cô gái đó là người Tầy ở khe bản bên kia núi. Một cô nằm sõng soài giữa nhà, dơ hai bàn tay lên bắt chuồn chuồn. Cô cũng người Tầy, vẫn thường đi chợ tình hát múa với trai bản Núi Đèo. Một cô gục xuống ôm chặt lấy cô gái người Tầy, không rõ mặt. Á Coi xông vào đỡ cô dậy và hét toáng lên: “A Hoa, sao lại ở đây?”. Á Pàu đứng giữa sân nổ một phát súng chỉ thiên, báo động cho cả bản. Ông ra lệnh: “Bế hết về bản”.
Trong cơn mê sảng, A Hoa nói lí nhí nơi cổ họng, Á Coi phải ghé sát tai mới nghe rõ: “mày uống rượu…không dẫn tao về…tao đi với bạn…bị bọn đồn điền nó bắt, lấy hết vòng bạc…Nó hãm hiếp chúng tao, đồ khốn kiếp. Á Coi ơi! tao chết mất…”
Chợ tình tối hôm ấy tan rồi. Á Coi uống rượu say mềm, không cầm nổi giây cương ngựa, đi lảo đảo rồi lăn ra vệ đường ngủ. A Hoa ngồi chờ mãi vẫn không tỉnh. Trời tối đen như mực, sấm chớp ầm ầm, cơn mưa ùn ùn kéo đến. Nhà thì xa, làm sao bây giờ, đang băn khoăn thì gặp hai cô gái người Tầy vừa múa hát trong chợ tình đi ra. Cùng cảnh ngộ chồng say, ba người rủ nhau đi bộ về. Đi hết một quả đồi, xuống dốc về bản, thình lình một toán người xông ra bắt gọn. Họ vác ba cô, tắt rừng về đồn điền. Suốt đêm hôm ấy và mấy ngày hôm sau, phu đồn điền là bọn tàn quân thua trận ở các nước trong thế chiến thứ hai dồn về đây, thi nhau hãm hiếp. Ba cô gái chết đi, sống lại. Khi được lệnh rút quân, chủ đồn điền dồn tất cả phu, tài sản và các lọ tro hài cốt, lên xe chuồn về nước. Không biết có ba cô gái, bị mấy thằng lính đốn mạt bắt về, khóa chặt cửa buồng “sống chết mặc bay”…
Được tin, dân bản người Tầy ở bên kia núi kéo sang nhận thân nhân. Một cô gái Tầy ôm chặt lấy trưởng bản gào thét: “Trưởng bản Nguậy à…thằng Dếnh…thằng Dếnh nó bắt chúng tao, đánh chết nó đi mà…”. Trưởng bản Nguậy không biết Dếnh, Dếnh nào, nó là ai. Trưởng bản Á Pàu nhớ ra rồi: “Nó là thằng Sềnh Sù Dếnh người Hoa, thông ngôn của chủ đồn điền, tao đã gặp nó trong cuộc bàn định trên núi bàn cờ à”. Ông quay sang nói với Á Bung “Mày còn nhớ mặt nó chứ? đi bắt về đây ngay”. Trưởng bản Nguậy kiên quyết “Nó là người Hoa, chủ đồn điền Nhật, không cho theo đâu à, chỉ quanh quẩn đâu đây thôi”. Á Bung và đám trai tráng chia nhau ồ ạt đi đến các ngả đường rừng, đồi, suối.
Á Coi ở lại chăm sóc A Hoa. Từ lúc về đến giờ A Hoa không ăn uống gì cả, hai hốc mắt sâu trũng, nhắm nghiền, chốc chốc lại lên cơn co giật. A Hoa là cô gái đẹp nhất bản, hát Soọng cô không ai sánh bằng. Cái hôm mất túi đựng trầu, Á Coi đã đứng ra nhận, nhưng mẹ A Hoa không tin. Một số người thêu dệt thành câu chuyện. Chủ đồn điền đã bỏ thuốc mê, bắt A Hoa mang về làm vợ. Bà căm ghét thằng chủ đồn điền một thì căm tức Á Coi mười, đã nối giáo cho giặc làm hại con bà. Mấy hôm nay bà không thèm nhìn mặt. Á Coi năn nỉ thế nào cũng không được: “Mế à con yêu A Hoa mà”. Bà khóc bù lu, bù loa, không tin: “Sao mày để nó ở giữa rừng làm mồi cho đồn điền bắt à”. “Mế ơi, mế đánh chết con đi, con có tội mà”… Bà lăn sả vào cấu xé, đấm thùm thụp lên lưng, thằng Á Coi trơ như cây gỗ giữa rừng. Mọi người im lặng nuốt những giọt nước mắt đau thương, để cho bà hả lòng, hả dạ, Vừa lúc ấy Á Bung và trai tráng bắt được Sềnh Sù Dếnh dẫn về. Cả bản ùa ra vây quanh hắn hỏi tội. Hắn khai nhận là cầm đầu vụ bắt cóc ba cô gái đem về đồn điền cho bọn phu thèm khát hãm hiếp. Mỗi lần hiếp, mỗi đứa phải nộp cho Dếnh hai quan tiền. Á Bung tức giận xông vào giật tung cái áo, đóng giả người Tầy, khoác ngoài rộng thùng thình, lòi ra một túi tiền lỉnh kỉnh. Trưởng bản Nguậy giơ thẳng cánh tay tát mạnh vào mặt hắn:
– Mày đóng giả người Tầy để trốn thoát à? Mày làm người Tầy xấu mặt, đồ chó chết.
Trưởng bản Á Pàu cầm cái bị rách, tang vật bắt được cùng với hắn trên đường chạy trốn:
– Cái bị rách này đựng gì?
– Thưa ông…
Nó đang do dự thì Á Bung lôi ra toàn là sổ sách giấy tờ đủ các loại, cái chữ Tây, cái chữ Nho, cái chữ Quốc ngữ. Tất cả đều không ai đọc được. Á Pàu giục:
– Nói đi, cái gì đây?
Dếnh vẫn im lặng. Á Bung thấy có cả điểm chỉ, con triện tròn, triện vuông đỏ chói. Đoán liều:
– Văn tự đất đai của đồn điền Khe Cau phải không?
– Thưa ông, đúng vậy ạ. Đây là khế ước của nhà vua bán đất cho quan Phonxe chủ đồn điền trồng chè, hạn chín mươi chín năm. Văn thư nữa, là chủ đồn điền Phonxe biên giao cho quan Nhật làm đồn điền trồng cây thầu dầu, không hạn định và vô giá trị tài sản.
Á Bung hỏi liền:
– Của Tây của Nhật, mày lấy làm gì?
– Thưa ông, họ thua trận bỏ về nước thì con lấy…con về bên kia đưa người sang. Đất nào có người Tàu ở, là đất của người Tàu chúng con chứ.
– Láo, thì ra tất cả lũ chúng mày túm vào xâu xé Khe Cau à ? Khe Cau là của chúng tao, của chúng tao nghe chửa?
Cả đám người đồng thanh quát vào mặt thằng Sềnh Sù Dếnh:
– Đất này là của chúng tao, cút ngay.
Bà mẹ A Hoa ôm lấy Á Coi òa khóc: “con ơi, mẹ sai rồi, mẹ đã không tin con. Con là con của mẹ à.”. Trưởng bản Á Pàu ra lệnh:
– Tất cả văn tự này thuộc về dân bản Khe Cau. Trai tráng đâu, dẫn thằng Sềnh Sù Dếnh đến bờ suối Nậm Khai, cắt gân chân rồi đuổi nó về phía bên kia, không cho trở lại đất này nữa.
Sềnh Sù Dếnh quỳ xuống, cúi đầu van lạy các trưởng bản và mọi người tha tội:
– Thưa các ông, còn…
Á Pàu quát, không để cho Dếnh nói hết ý:
– Không ai tha tội cho bọn cướp đất, giết người man rợ chúng mày. Còn ..còn cái gì, Dẫn nó đi à.
Á Bung và mấy trai bản tắt rừng đi thẳng đến bờ suối Nậm Khai, biên giới nghìn đời giữa hai nước. Thực hiện lệnh của Trưởng bản Á Pàu, tống khứ nó về phía bên kia. Lê bàn chân đứt gân, Dếnh lẩm bẩm “Thằng Lục Phình…lật lọng…giết tao à”…Không ai nghe rõ nó nói gì. Thằng điên hay nói càn. Mặc.
Lần này Khe Cau đã thuộc về mình rồi, nhất định không để mất một lần nữa. Khe Cau là giang sơn của muôn đời tổ tiên để lại. Tấc đất nào cũng là tấc lòng thiêng liêng. Tham mà chiếm, hay coi thường mà bỏ, tất cả đều là tội không thể dung tha. Trưởng bản Á Pàu cho những tay súng cừ khôi, con trai, con gái khỏe mạnh gậy gộc, giáo mác xuống tuần tra canh gác suốt ngày đêm. Á Bung được cử đi học võ, mấy bản chung một thầy người Kinh. Xưa nay mỗi dân tộc, mỗi bản có một kiểu võ riêng. Nay có chung một kiểu gọi là quân sự, khó nhất là động tác đi đều bước. Á Bung hô khan cả cổ mà chẳng ai đi đều, đi đúng bước, nhất là mấy đứa con gái như A Hiêng, A Trầm, A Lục đã không thuộc lại còn bướng. Chỉ huy hô, mốt, hai, mốt hai…thì mốt chân phải bước lên. Hai, chân trái bước theo. Thế thôi. mà nhầm tứ lung tung, suốt cả ruột. Nói nhiều quá A Hiêng giận, mặt sị xuống, ra gốc cây ngồi cấu móng tay. Lại phải dỗ, Á Bung năn nỉ:
– A Hiêng à, nói lại đi xem nào. Mốt hai mốt…
– Đếch thèm.
A Hiêng ngủng ngoẳng quay đi. Đang tức với Á Bung về chuyện tổ chức đám cưới, bây giờ lại tức thêm. Trưởng bản Á Pàu nói với dân bản rằng: “Việc gì ra việc ấy, con A Hoa chết, dân bản buồn nhưng việc tổ chức đám cưới cho thằng Á Bung vẫn phải làm. Bây giờ đã đổi mới, các tục lệ cũ của người Sán Dìu cũng phải thay, không mổ lợn ăn uống linh đình. Tổ chức theo kiểu đời sống mới”…A Hiêng không hiểu đời sống mới là làm như thế nào. Hai bên tranh luận, người làm theo tục lệ xưa, người làm theo kiểu đời sống mới. Thế là giận, mấy ngày hôm nay không ai nói với ai. Bây giờ được đà, A Hiêng làm to chuyện cho hả giận. Á Bung làm lành:
– Mọi người đi được thì mình đi được chứ – Nào mốt chân phải, hai chân trái – Á Bung cầm tay kéo A Hiêng đứng dạy.
Đám bạn gái ùa vào lôi A Hiêng xếp hàng tập tiếp. Á Bung nghĩ ra một kế hay:
– Bây giờ thế này nhé, không gọi chân trái chân phải nữa. Lấy lạt tre buộc vào chân. Tôi sẽ hô, chân có lạt, chân không có lạt. Nghĩa là chân phải và chân trái. Bắt đầu thử này: Mốt hai, mốt, chân có lạt, chân không có lạt, đi đều bước.
Tất cả loạn cả lên, chân nọ đạp chân kia, người nọ xô người kia ôm nhau cười ầm ỹ. Thằng Lục Phình bướng nhất đội, nó chỉ mong có thế để phá đám. Phình kéo Hiêng ra góc sân thì thầm:
– Không tập nữa, ra bờ suối ngắm trăng đi.
– Á Bung phạt đấy. Hiêng vừa nói vừa liếc nhìn.
– Sợ nó à – Cứ thế Phình lôi xềnh xệch Hiêng ra bờ suối.
Con suối nhỏ từ đỉnh Núi Đèo róc rách chảy quanh đồn điền. Trăng đêm nay cao vời vời, bầu trời trong vắt thăm thẳm. Hàng ngàn ngôi sao lấp lánh như dát bạc. Ánh trăng nhuộm khắp núi rừng. Cỏ cây, hoa lá như trên trời rắc xuống những hạt vàng, hương thơm nhè nhẹ. Thú rừng hoang dã cất tiếng gọi đàn như viết lên khúc nhạc đêm, say mê lòng người.
Biết được hai người đang giận nhau, Phình lợi dụng nhắc lại chuyện cũ:
– Về với tao nhé.
Hiêng ngạc nhiên cướp lời:
– Tao sắp cưới chồng mà.
Không chần chừ, Phình chê Á Bung:
– Thằng người Kinh ác lắm, nó cướp A Hiêng của tao, phá bỏ tục lệ của người Sán Dìu. Tao không ưng cái bụng nó đâu à.
Đã từ lâu Lục Phình luôn kèn cựa với Á Bung, Á Coi. Nó luôn tự cho mình là nhất bản cái gì cũng giỏi, cũng tài, nhất là trò nhẩy lửa. Ném còn trăm quả trăm trúng, thế mà trưởng bản Á Pàu cái gì cũng dành cho anh em nhà Á Bung. Người Kinh ở đâu lạc vào bản này gây rối. Hai cô gái A Hoa và A Hiêng đẹp nhất bản hai anh em nó chiếm. Nếu không có thằng Á Bung thì nó đã cưới A Hiêng từ lâu rồi. Hồi còn bé hai đứa quý mến nhau, cùng lên rừng lấy củi, chia nhau từng củ sắn nướng. Thế rồi, từ ngày Á Bung xuất hiện, cậy thế con nuôi trưởng bản, đã làm hoa mắt A Hiêng. Phiên chợ tình nào cũng cặp kè bên nhau, nhẩy múa, hẹn hò đã mấy lần Phình bắt được. Tức lắm nhưng thế yếu đành phải chịu. Phiên chợ tình hôm ấy, Phình gặp thằng Sềnh Sù Dếnh rủ đi uống rượu, nó bảo: “Đi với tao không? tao cho tiền”. Đang ngà ngà say, Phình ậm ờ: “Làm gì?”. Dếnh vừa nói vừa đưa tiền: “Chỉ cho tao đứa nào là A Hiêng, tiền đây”. Phình vớ được tiền sướng quá cho vào mồn ngậm. Nói đến A Hiêng lòng ghen tức lại trào lên, đây là cơ hội trả thù để cho chúng nó biết thế nào là tay ông. Phình đứng dậy loạng choạng rê ngón tay chỉ lung tung, rồi chỉ vào A Hoa: “Nó…nó đấy”. Vớ được mồi, thế là từ đấy Sềnh Sù Dếnh và Phình bám chặt, theo sát đến tận dốc về bản thì bắt được A Hoa cùng hai cô gái người Tầy. Bỏ khăn bịt mặt ra, Phình mới nhìn rõ, thì ra là A Hoa chứ không phải A Hiêng. Sợ quá Phình ù té chạy, Sềnh Sù Dếnh ngăn lại: “Mày mà nói tao giết, tiền công đây cầm lấy”. Phình cầm lấy cái vòng bạc mà Dếnh vừa giật trên cổ A Hoa, rồi chạy một mạch về bản…
– Tao có nhiều tiền mà, có cả vòng bạc nữa cho mày đây.
A Hiêng ngớ ra hỏi:
– Mày lấy ở đâu?
– Của tao mà. Phình tỉnh bơ nói dõng dạc.
A Hiêng cầm cái vòng bạc nhận ra ngay là của A Hoa. Lần ấy hai đứa rủ nhau đến nhà Tài Cống thợ bạc ở bản bên kéo hai cái vòng bạc giống nhau. Của A Hoa có một bông hoa trên mặt. Của A Hiêng có một con chim, chiếc vòng ấy đang đeo đây mà. A Hiêng đứng phắt dậy nghiêm mặt hỏi:
– Của A Hoa, nó chết rồi, sao mày lại có.
– Của tao chứ, không lấy thì trả tao…
– Mày bắt A Hoa à. Nói đi…
Hai người nói qua, nói lại ầm ỹ và tranh giành cái vòng bạc. Từ sân tập Á Bung bổ đi tìm, dọc theo bờ suối gọi A Hiêng. Thấy động Lục Phình kéo A Hiêng chạy nhanh vào rừng. Bị lôi xềnh xệch, cây rừng xé rách quần áo, A Hiêng vẫn cố kêu lên, như tiếng chim gọi đàn. Ánh đuốc của dân bản đuổi theo sáng rực một góc rừng. Đến bên bờ suối Nậm Khai thì Lục Phình đành bỏ A Hiêng lại chạy sang bên kia. Á Bung giơ súng bắn một phát đuổi theo. Trăng đã khuất bên kia núi, trời tối đen như mực, núi rừng yên ắng, không thấy tiếng thằng Phình khóc than, vậy là nó còn sống chạy sang bên Tàu theo thằng Sềnh Sù Dếnh.
Sau cái chết của A Hoa, bây giờ lại đến thằng Lục Phình bỏ trốn chạy theo thằng Sềnh Sù Dếnh. A Hiêng bị tai tiếng đồn thổi “Thằng Phình lôi ra bờ cuối làm nhục”. Có kẻ ác mồm đã đổ tội “A Hiêng cùng Lục Phình bắt A Hoa bán cho bọn Tàu khựa lấy cái vòng bạc đeo cổ”. Thật buồn, xấu hổ với dân bản, nhất là đội dân quân. Mấy ngày nay bỏ tập đều bước, mốt hai, một mình ngồi trong góc buồng ngắm cái vòng bạc của A Hoa. “A Hoa ơi! tao biết làm thế nào bây giờ. Mày sống khôn chết thiêng hãy phù hộ cho tao nhé”. Cả nhà A Hiêng mất vui, ông bố lên chòi canh ngô ở, không thèm ngó mặt con. Chỉ có mẹ thi thoảng chạy vào buồng mang cho bắp ngô, bát cháo, bà nói:
– Mày phải nghe tao, đến gặp mẹ A Hoa, trả cái vòng bạc cho nó à.
– Con không đi, xấu hổ lắm. A Hiêng rụt rè nói.
– Tao dẫn đi mà. Con dại cái mang.
Chờ đến nhá nhem tối, gà lên chuồng, mọi người đã về nhà nổi lửa, cơm nước, hai mẹ con A Hiêng vội vã đến nhà A Hoa. Mẹ A Hoa ngồi ở bậu cửa lơ đãng nhìn ra cánh rừng xanh bạt ngàn. Chợt thấy hai mẹ con A Hiêng bà chạy vội vào trong buồng. Mẹ A Hiêng gọi với theo:
– Mẹ A Hoa à! tao đây mà. Tao dẫn con A Hiêng đến để cho mày vui. Ra đây tao nói cho mà nghe nào.
Mẹ A Hoa từ trong buồng trả lời ra:
– Tao không nghe đâu, mẹ con mày về đi.
– Tao với mày là bạn kết giao. Hai con A Hoa, A Hiêng từ bé đã ôm nhau ngủ, đã cùng chia nhau một củ khoai, củ sắn, thế mà mày không thương nó à? – Mẹ A Hoa vẫn im lặng trong buồng, Mẹ A Hiêng nói tiếp – Mày không gặp mẹ con tao cũng được, nhưng để tao vào thắp cho con A Hoa một nén nhang.
Nghe vậy, mẹ A Hoa thổi bếp lửa, củi cháy sáng một góc nhà. Ngồi chắp tay trước ban thờ, A Hiêng òa lên khóc: “A Hoa ơi tha tội cho tao, tao lấy được cái vòng bạc về cho mày đây. Thằng Phình nó chỉ điểm cho thằng Dếnh bắt tao để trả thù, nhưng lại nhầm sang mày. Mày oan ức quá, đã chết thay tao. Tao mang ơn mày đến hết kiếp này. Kiếp sau ta lại gặp nhau nhé Hoa ơi! hu hu hu”…
Mẹ Hoa gào thét nức nở gọi A Hoa và ôm chặt lấy A Hiêng nói trong nước mắt:
– Con gái của mẹ à. Hai chị em mày sao mà khổ vậy? Mẹ thương con và A Hoa lắm à. Đêm nay ở lại đây, để mẹ bế, mẹ bồng, mẹ ru con ngủ như ngày nào nhé A Hiêng à!
Hai bà mẹ ôm chặt A Hiêng, nước mắt dàn dụa. Mẹ A Hoa cầm chiếc vòng bạc đeo lên cổ A Hiêng, hai chiếc vòng như hai đứa bạn xoắn xuýt bên nhau…
Từ đêm hôm ấy, dân bản hiểu rõ hơn sự việc, không còn những lời đồn đại, chê trách; Ai cũng thương, cũng quý. Trưởng bản Á Pàu nói oang oang trước dân bản: “Cái thằng Tây, thằng Nhật đã cút. Thằng Tàu cũng đã đuổi khỏi bản Khe Cau rồi à. Từ nay dân bản yên vui, nghe lời Việt Minh tập luyện quân sự, thực hiện đời sống mới nghe chưa nào? Tục lệ của thực dân, phong kiến thì vứt bỏ ngay. Thời thế khác rồi. Đám cưới thằng Á Bung cũng phải đời sống mới chứ. Ta là người Sán Dìu mà”…
Đời sống mới là như thế nào, ai mà biết được. Á Bung lúng túng hỏi thì Á Pàu cương quyết gạt đi:
– Cứ thế mà làm à!
– Làm như thế nào? Á Bung sợ sệt hỏi.
– Mày là thầy cúng, biết luật lệ, lại là đội trưởng dân quân, đánh Tây, đánh Nhật giỏi thì phải hiểu à. Tao già rồi, tao chỉ nói thôi à.
Thế là chịu chết, A Hiêng thì mặc kệ Á Bung muốn làm gì thì làm. Các già làng và họ hàng A Hiêng bàn đi bàn lại biết bao nhiêu lần, ai cũng cương quyết giữ tục lệ xưa của người Sán Dìu, đã bao đời nay như thế rồi. Việc cưới xin của người Sán Dìu phải tiến hành đủ các bước là lễ dạm hỏi, lễ so tuổi, lễ ăn hỏi, lễ dứt lời, lễ cưới chính thức và lễ lại mặt. Mẹ A Hiêng bảo:
– Thôi thì hai lễ đầu là lễ dạm hỏi và lễ so tuổi coi như đã xong vì hai đứa quen biết, hiểu nhau rồi. Chứ lễ ăn hỏi thì không thể bỏ được. Nhà trai phải đặt một nửa số tiền dẫn cưới. Á Pàu không nghe ông nói:
– Trước sau gì cũng là tiền của chúng nó, đưa luôn cho nó để nó lo cuộc sống sau này, chứ có đi buôn đi bán gì mà đặt cọc. Thế mới là đời sống mơí chứ.
Lễ cưới gọi là sênh ca chíu theo tục thường diễn ra trong năm ngày với rất nhiều nghi thức khác nhau.
Đến là rắc rối, khác với quê miền biển nhà mình, Á Coi chán nản bảo Á Bung:
– Bỏ quách cho xong, về quê lấy vợ.
– Sao mày lại nghĩ thế. Người ta đã cưu mang mình, nuôi mình trong lúc hoạn nạn, không có họ thì mất xác trên rừng từ lâu rồi. Á Bung chậm rãi giải thích.
Ý đã quyết, Á Bung tiến hành công việc một cách tốt đẹp.
Tối hôm đó cả dân bản tập trung đông đủ ở sân Đồn điền. Mọi thủ tục bao nhít và Sênh ca chíu vẫn tiến hành theo thứ tự như cũ. Các trò vui: Hát Soọng cô, nén còn, nhẩy múa, nhấy lửa tổ chức trọng thể hơn. Không mổ trâu, mổ lợn tổ chức tiệc ăn mừng, thay vào đó là một bữa tiệc toàn hoa quả cây trái trên rừng. Giữa sân là bàn thờ Tổ quốc treo lá cờ đỏ sao vàng năm cánh, chung quanh tết hoa rừng. Hai ghế hai bên dành cho cô dâu, chú rể. Cô dâu diện bộ váy mới, thắt 2 dây lưng xanh và săn su quả đào, chân quấn xà cạp trắng, cổ đeo hai vòng bạc. Đặc biệt là giây Nxà tích trang trí rất đẹp hay gọi là khen thu, được đeo ở eo lưng, rủ xuống dưới váy, hai đầu dây xà tích giắt vào thắt lưng, lệch về phía bên phải, theo nhịp đi nhẹ nhàng của đôi chân, xà tích va vào nhau như tiếng nhạc, A Hiêng đã đẹp, đêm nay lại lỗng lẫy thêm vẻ đẹp vốn có của mình. Á Bung mọi ngày mạnh mẽ là vậy. Đứng hô nghiêm nghỉ trước tiểu đội du kích thật oai, thế mà bây giờ ngồi trên ghế chú rể, tay run run, mặt tái mét nói mãi mới được một câu: “Kính thưa các cụ, các ông, các bà và quan viên hai họ. Chúng tôi có tâm có dạ đến với nhau thành vợ, thành chồng, chung mẹ, chung cha, chung nhà chung cửa, cùng vào một sân. Chúng tôi nguyện cùng nhau vui duyên mới không quên nhiệm vụ mới, xin hết ạ.”. Một tràng vỗ tay vang lên, tất cả mọi người già trẻ, nam nữ nắm tay nhau nhẩy múa kết thành vòng tròn, to dần, to dần vây quanh đôi bạn trẻ tràn đầy hạnh phúc. Trưởng bản Á Pàu và ông bố A Hiêng hai thông gia cùng nắm tay nhẩy. Tốp hát Soọng cô cất tiếng ca:
Quan viên hai họ cùng ca hát,
Dâng chén rượu đào kính gia tiên.
Hai nhà thông gia thành hôn lễ.
Hạnh phúc đôi trẻ mãi vững bền.
Cuộc vui kéo dài cho đến sáng hôm sau để lại một dư âm trong lòng dân bản. Nếp văn hóa đời sống mới, bắt đầu nhen nhúm, giữa nơi rừng sâu, núi thẳm.
3
Đã hai ngày rồi, Á Coi vẫn chưa tìm được lối ra, cứ loanh quanh, luẩn quẩn ở trong rừng. Trước khi đi Á Bung đã dặn, cứ theo hướng mặt trời mà tìm, biển làng ta ở phía nam. Nhớ những lần vào rừng hái nấm, A Hoa cũng đã chỉ vào một thân cây to nói: “Xem phía nửa cây hướng về phía nam thì lá cây rậm rạp, tốt tươi. Nửa cây hướng về phía bắc thì lá thưa, kém tốt tươi”. Đêm hôm trước cả đội dân quân, quây quần chia tay. Chị dâu A Hiêng xếp đầy một gùi cơm lam. Món ăn đặc biệt của người Sán Dìu khi đi rừng, vừa tiện, vừa ngon để lâu không bị thiu hỏng. Á Coi không quên mang bên người chiếc gương tròn nhỏ xíu, mua ở chợ tình tặng cho A Hoa, nhưng vì say rượu chưa kịp tặng thì A Hoa đã chết. Bây giờ nó là báu vật của mối tình chớm nở. Á Pàu còn cẩn thận sắm cho bộ quần áo Sán Dìu mới, một con dao quắm đeo bên người. Ông bảo rằng, đi trong rừng không kẻ nào dám bắt nạt người Sán Dìu. Qua con suối Á Pàu ghé lưng cõng, nghiêm nghị nói:
– Trèo lên lưng, tao cõng, xấu hổ à? lấy sức mà đi đường con dài lắm con à.
Á Coi như một đứa trẻ được bố mẹ cưng chiều, ngoan ngoãn đi theo. Thi thoảng Á Pàu dừng lại ôm chặt, xoa đầu, vỗ lưng nói nựng:
– Tao thương mày lắm, về rồi lên ngay nhé con. Dẫn cả bố mẹ lên cho tao biết mặt. Nếu ưng thì ở lại đây với tao, lên nương rẫy trồng ngô, trồng sắn. Bây giờ người Sán Dìu có đời sống mới rồi à.
Á Coi khóc không nói lên lời, quỳ xuống chắp tay cảm tạ công ơn nuôi dạy che chở của Á Pàu và dân bản bao ngày nay. Á Pàu kéo dậy, mắng:
– Thế là phong kiến, đời sống mới mà, đứng lên đi
Hai cha con đứng trên đỉnh núi cao, nhìn về nơi xa xăm trùng trùng, điệp điệp, núi cao nối tiếp núi cao. Cái nắng trên đỉnh đầu, bầu trời trong vắt không một gợn mây. Mầu xanh bao phủ khắp núi rừng, đan xen những bông hoa chuối đỏ tươi và những nhành phong lan lung linh trước gió. Xa xa là những thửa ruộng bậc thang vàng rực, thơm mùi lúa mới. Chắc chắn nơi đó có người.
Tạm biệt cha nuôi, Á Coi đi về hướng nam, tìm đến những ngôi nhà bên thưở ruộng bậc thang. Á Pàu đấm mạnh vào lưng con, quay nhanh về hướng Núi Đèo, vội vàng khuất trong bụi cây.
Tìm đúng hướng rồi, trông gần vậy mà phải hai ngày mới vượt qua mấy quả đồi, Á Coi đi thẳng vào bản. Đột nhiên hai người Mường mang súng, chắn lại:
– Đứng lại, đây là khu vực cấm.
Á Coi hoảng hốt nhưng nhanh chóng trấn tĩnh lại. Được cái lâu nay thường đi chợ tình múa hát với các cô gái Mường nên nghe, nói bập bẹ được đôi ba tiếng. Á Coi trả lời ngay:
– Tao hỏi đường xuống xuôi thôi, không vào đây đâu à!
Một người dân quân hỏi lại:
– Mày xuống xuôi làm Việt gian à?
Á Coi không hiểu từ Việt gian là người Việt nam phản động đi làm thuê cho giặc, hại lại dân tộc mình, nên thanh minh:
– Việt gian là gì? tao là Sán Dìu chứ.
– Trông mày lấm la, lấm lét, đích thực Việt gian.
Nói rồi anh này ra lệnh cho người kia:
– Khám xét ngay.
Trong cái gùi còn lại bốn thanh cơm lam, và bộ quần áo, con giao quắm vẫn đeo lủng lẳng bên người. Anh dân quân lấy trong túi áo ra một cái gương nhỏ, giơ lên hỏi:
– Cái này, mày làm ám hiệu cho địch, đúng không?
– Cái gương tao mua tặng cho Á Hoa đấy. Nó chết rồi tao giữ làm kỷ niệm. Mày trả tao đây.
Hai người đang giàng co thì một người đứng tuổi ở trong nhà ra hỏi:
– Chuyện gì thế?
– Thưa thượng cấp, tao bắt được tên Việt gian.
Người dân quân gác cổng trả lời. Thượng cấp cầm lấy cái gương, nhìn Á Coi từ đầu đến chân rồi cười, nói:
– Cậu vào trong này.
– Thượng cấp trả gương cho tao đã à?
Á Coi nhớ lại những lần mình bị chủ đồn điền người Pháp rồi người Nhật bắt mà phát hoảng. Đứa nào cũng hống hách, quát nạt, tay nhăm nhe roi cặc bò, súng ngắn, kiếm dài đi lại hùng hục. Thế mà thượng cấp này trông giống người mình, nói tiếng kinh thạo như người miền biển. Á Coi nghĩ vậy mạnh bạo ngồi xuống chõng tre, không cần thượng cấp cho phép, nói luôn một hồi:
– Trả cái gương đây cho tao, chỉ lối cho tao xuống xuôi để tao về tìm bố mẹ. Nhà tao đã bị quân Nhật đốt, cả nhà phải chạy trốn, người sống, người chết tan tác khắp nơi. Tao lên rừng được trưởng bản Á Pàu người Sán Dìu che chở nên mới sống được. Bây giờ phải về chứ, không có bố mẹ lại mong. Chỉ đường cho tao đi.
Thượng cấp chăm chú nghe và hỏi lại:
– Á Pàu tôi biết, Trưởng bản Núi Đèo phải không? Thế giờ cậu định về đâu?
– Làng Khánh Hữu à.
– Huyện nào, tỉnh nào?
– Không biết, ngay sát bờ biển thôi, đi đánh cá gần lắm. Lại có con sông Nê mang câu chuyện “Lời nguyền của một dòng sông”. Chính tao là nạn nhân của câu chuyện ấy đấy.
Thượng cấp rất vui được nghe cậu bé hồn nhiên và có năng khiếu kể chuyện. Ông cũng mở lòng mình luôn:
– Có nghĩa cậu không phải người Sán Dìu, không phải người bản Núi Đèo đúng không? Tôi cũng là người dưới xuôi, vậy ta nói chuyện theo phong tục người dưới xuôi. Tôi là Thắng nhiều tuổi hơn gọi là Anh, còn cậu gọi là em, được chưa? ta bắt đầu nào.
– Vâng ạ, em là Còi gọi tiếng Sán Dìu là Á Coi. Bây giờ anh chỉ đường cho em đi.
– Em có mối tình đẹp lắm, nhưng sao yêu sớm thế?
Còi hơi cúi mặt xuống để dấu nỗi buồn:
– Đây là thứ hai đấy anh ạ. Thứ nhất thì con nhà giầu nó cướp mất, thứ hai là thằng Tàu nó giết.
– Chia buồn với em, nhưng không sao tuổi còn dài, phải có chí vươn lên. Bây giờ anh hỏi nhé? – Thắng ngừng giây lát chờ Còi suy nghĩ rồi nói – Anh có chỉ đường, em cũng không biết đường về. Vậy bây giờ hãy đi theo các anh.
Còi hoảng hốt từ chối:
– Không đâu ạ. Em phải về với mẹ chứ.
– Đi với các anh, không những được gặp mẹ, gặp người yêu và bao nhiêu người thân thương khác.
Thắng động viên, Còi chần chừ:
– Các anh là ai cơ ạ?
– Các anh là Giải phóng quân.
– Giải phóng quân á. Em nghe trưởng bản Á Pàu nói rồi – Còi cất giọng hát: “Bao chiến sỹ anh hùng, lạnh lùng vung gươm ra sa trường.”
Giỏi lắm, hai anh em ôm nhau cười vang rồi đi ra bãi tập. Dưới chân đồi là bãi tập rộng mênh mông, nơi đây là sân mở hội hàng năm của dân bản. Ở góc kia còn nguyên cây đu, cây phan chốc và dấu vết của các trò chơi khác. Khoảng ba bốn mươi người tập hợp thành ba hàng dọc, chỉ toàn con trai không có con gái, đủ các dân tộc Mường có, Tầy có, đông nhất là người Sán Dìu. Người thì vác súng, người cầm gậy, người cầm giáo mác. Thấy Thắng đi vào, chỉ huy hô nghiêm rồi vào báo cáo: “Tôi trung đội phó báo cáo trung đội trưởng, bài tập đều bước đã xong, chờ lệnh”. Trung đội trưởng Thắng trả lời “Rõ” rồi ra lệnh: “Toàn Trung đội chú ý – Nghiêm, từ giờ phút này trung đội ta có thêm một chiến sỹ mới Trần Văn Còi, được bổ sung vào tiểu đội hai. Tất cả về vị trí, tập tiếp bài diễu hành đều bước…, nghỉ”. Phong cách quân sự quy củ ra phết, Còi thấy run run, nhưng khi nói tập bài đều bước thì reo lên:
– Anh Thắng ơi! bài này em tập nhiều rồi, em thuộc làu, một chân phải, hai chân trái bước lên. Bọn con gái Núi Đèo chẳng biết gì cả, cứ phải hô chân có lạt, chân không có lạt.
Cả đoàn quân nghe vậy ôm bụng cười ồ lên. “Nghiêm” Tất cả im lặng, trung đội trưởng Thắng ra lệnh: “Đi đều bước, mốt hai, mốt hai..mốt”. Đi được hai vòng sân, trung đội trưởng lại hô “Thôi dừng bước. Tất cả chú ý. Đêm nay chúng ta hành quân đi làm nhiệm vụ mới. Hãy chuẩn bị quân trang, quân dụng có lệnh là lên đường. Giải tán”.
Mọi người tỏa về các nhà dân trong bản, nhờ đóng quân mấy hôm nay. Còi theo tiểu đội trưởng tên là Lục Hân, cũng người Sán Dìu nên rất dễ hòa nhập. Lục Hân phát cho Còi một cái màn, một cái chăn, một cái bát đôi đũa và bi đông đựng nước, tất cả đựng vào một cái ba lô mầu cứt ngựa. Một chiếc ruột tượng đựng năm cân gạo, buộc vòng quanh ba lô. Lục Hân bắt Còi đeo ba lô, chạy thử tại chỗ, thấy gọn gàng, nhẹ nhõm, vui vẻ bắt tay chúc mừng:
– Chúc mừng đồng chí Giải phóng quân.
– Em cám ơn anh!
Còi tươi cười đáp lại, Lục Hân chỉnh đốn luôn.
– Phải gọi đồng chí chứ, không được gọi anh em.
– Đồng chí là gi hả đồng chí Hân?. Còi hỏi lại
– Dài dòng thế, gọi theo kiểu đời sống mới. Đồng chí là cùng chí hướng đánh quân thù. Lục Hân giải thích.
– Đồng chí Còi, hiểu đồng chí Hân nói rồi.
– Lại trục trặc quá. Thôi được, cứ vậy nhé.
Suốt ngày hôm ấy, cho đến lúc hành quân, Còi đi khắp nhà nọ đến nhà kia, chiếc ba lô vẫn đeo chặt trên lưng. Anh lính mới tò te đi chào đồng đội. Gặp ai cũng tay bắt mặt mừng, dăm ba câu phải trái. Kể chuyện yêu đương, căm thù bọn nhà giầu cướp đất, giết người, cướp người yêu. Bao máu xương đã đổ xuống dòng sông vô tội vì một lời nguyền không đầu không đuôi. Còi vung chân múa tay, ra oai với đồng đội: “Lính giải phóng quân sẽ giết sạch, giết hết bè lũ ác ôn, giành lại ruộng đất cho dân nghèo”…Đồng đội đồng thanh hưởng ứng, nhiều người đã rưng rưng nước mắt, chắc là gia cảnh nhà mình cũng đau thương như vậy. Trung đội trưởng Thắng quên mất vị trí của mình vỗ vai thân mật “Thằng này ít tuổi mà lý sự ra phết”.
Trước giờ hành quân đi làm nhiệm vụ mới, sân tập đông nghịt người ra tiễn, bà con dân bản hân hoan mang bao thứ đến. Người mang mâm xôi năm mầu: xanh, đỏ, trắng, tím, vàng biểu tượng cho ngũ hành tương sinh, tương khắc của dân tộc Mường. Người mang những thanh cơm lam nóng hổi thơm lừng. Riêng rượu sán nùng thì ai cũng tặng, uống rượu sán nùng để nhớ hương vị núi rừng, nhưng trung đội trưởng Thắng ra lệnh cấm uống rượu trong lúc hành quân.
Nhiệm vụ mới là gì chẳng ai biết, ở đâu cũng chẳng ai hay. Bí mật quân sự mà, ai cũng háo hức. Đoàn quân theo hàng một, leo lên đỉnh dốc dài dằng dặc như một sợi chỉ khổng lồ vắt qua núi. Vượt qua quả đồi này lại đến quả đồi khác, lúc lội suối, lúc bơi qua sông. Trung đội trưởng Thắng, dẫn quân đi đường tắt để kịp thời gian theo lệnh cấp trên. Đêm thứ ba thì về đến nơi, trời vừa kịp sáng, nhìn rõ nhà cửa, đường phố. Mọi người reo lên – Hà Nội, Còi ngơ ngác, ngẩn ngơ đứng giữa đường giơ tay dụi mắt, mơ hay thật, thật hay mơ. Cả trung đội vui sướng, tiểu đội trưởng Lục Hân nhẩy lên reo hò, ôm chặt từng người – Hà Nội – Hà Nội. Không ai biết mệt, nhanh chóng vào vị trí làm nhiệm vụ. Trung đội xếp năm hàng dọc cùng với nhiều nơi khác thành một khối các dân tộc mang nhiều mầu sắc rực rỡ. Còi vinh dự được cầm cờ đỏ sao vàng, đứng một mình trên hàng đầu tiên, sung sướng hồi hộp tay run run, mặt nghiêm nghị, mắt nhìn thẳng lên kỳ đài trông rõ từng người. Vườn hoa Ba Đình, người về dự Lễ mỗi lúc một đông có đến hàng vạn người. Trên kỳ đài, Cụ Hồ đứng chính giữa tóc bạc phơ, râu dài như ông Ké người Tầy. Cụ Hồ đọc lời Tuyên ngôn độc lập. Còi nghe rõ từng lời: “Dân ta chịu hai tầng xiềng xích: Pháp và Nhật, chúng bóc lột dân ta đến xương tủy, khiến cho dân ta nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta xơ xác, tiêu điều…Chúng cướp không ruộng đất, áp bức đồng bào ta. Từ đó dân ta càng cực khổ, nghèo nàn… hơn hai triệu đồng bào ta bị chết đói”. Ôi đúng quá, nhà cháu cũng bị chết gần hết rồi đấy ạ. Giật mình, nhớ ra đang đứng trước đám đông, Còi lấy tay bịt mồn. Trên kỳ đài, lời Hồ Chủ Tịch lại vang lên: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?“. Vội vàng Còi thưa to:“Có ạ”.
Lần này thì cả rừng người vang lên, hân hoan reo mừng. Trung đội trưởng Thắng trở thành người chỉ huy cả khối các dân tộc. Anh oai lắm, hô to mốt hai…mốt hai.., đi đều bước…diễu hành qua các phố ra tận bờ hồ Hoàn Kiếm. Hàng vạn, vạn con mắt nhìn vào đoàn quân dũng mãnh. Còi cầm cờ đỏ sao vàng năm cánh hiên ngang đi đầu. Lúc này, không biết Còi có nhớ việc về quê biển, thăm mẹ hay không?…