Trời tờ mờ sáng, không khí còn se se lạnh. Gió biển buổi sớm nhè nhẹ, thổi mát tâm hồn. Gió khẽ lay động hàng phi lao ven bờ nghe xào xạc, những giọt sương đêm vẫn còn đọng lại trên chiếc lá, long lanh như hạt ngọc. Trước mắt là một vùng trời nước rộng mênh mông xanh biếc. Từng đợt sóng bạc đầu gối nhau như những dải lụa trắng mềm mại. Tiếng sóng vỗ rì rào ngân lên như lời ru của mẹ. Mận ngồi trên mỏm đá nhìn về xa xăm. Cồn Bà nằm chơi vơi, chung quanh chỉ thấy biển là biển. Ông mặt trời như một quả bưởi khổng lồ đội biển chui lên. Thomas bảo đó là hướng đông. Phía sau lưng chỗ ông mặt trời trốn về ngủ là hướng tây. Vậy còn nam bắc ở đâu? Làng mình nằm ở hướng nào? Bắt chước bố Tráng trước khi đi biển thường bấm các đầu ngón tay tìm ngày, tìm giờ, tìm hướng. Nhất định là thế, Mận sẽ tìm được hướng trên năm đầu ngón tay nhỏ bé của mình. Nhớ lời cụ Tiên dạy, “trai tay trái, gái tay phải”. Đúng rồi, Mận giơ bàn tay phải ra bấm. Bắt đầu ngón tay út là đông rồi tây, nam, bắc. Cuối cùng ngón tay cái là đông, bấm ngược lại ngón tay út cũng là đông. Mận nhẩy lên reo ầm: “Đông rồi, nhất định là đông rồi papa ơi…papa”. Thomas chạy vội ra xem chuyện gì. Mận ôm chầm lấy cha reo lên:

– Làng con kia kìa, ở dưới chân ông mặt trời đấy.

Thomas cười hưởng ứng “phát minh kỳ diệu” của con gái:

– Ồ làng con đẹp quá, ông mặt trời ưu ái mang ánh sáng đầu tiên của nhân loại cho làng con.

– Làng con còn có con sông rất đẹp, nước trong xanh, mát mẻ. Nhưng con rất ghét, có một lời nguyền, như chuyện thần thoại hai bên trai gái không được lấy nhau, ai đời lại thế, chán chết.

 Thomas ngạc nhiên, đây là chuyện thật hay bịa. Mấy hôm nay Mận không hề biết gì về quê quán, tên cha, tên mẹ…thế mà bây giờ thuộc vanh vách. Có phải hàng triệu triệu phân tử nhỏ nhất trong tế bào cơ thể đã hồi phục. Hay năng lượng mặt trời, trong lành ban mai đã hun nóng sức sống của con người. Tuy không hiểu hết những từ ngữ của Mận nói ra, nhưng cố ghi nhớ những từ đặc biệt nhất. Thomas, vui vẻ khích lệ:

– Câu chuyện của con hay lắm papa rất thích,  con nói tiếp đi nào.

– Làng con còn có chùa Phong Điền, không biết xây từ bao giờ nhưng to lắm. Tháp chuông cao to, mỗi lần đánh, phải hai người mới nâng được cái dùi, tiếng chuông vang xa. Thầy con bảo, đi đánh cá tận đâu đâu cũng nghe thấy tiếng chuông cơ mà. Cụ Tiên giảng rằng Phong là phong lưu giầu có, Điền là đất, nghĩa là đất làng con giầu có nhất, đẹp nhất. Thế mà papa ơi, bao nhiêu người chết đói, bao nhiêu người không có nhà ở, Bà nội con bị chết cháy, con chỉ kịp đút cho bà thìa cháo ngô, mẹ con chết oan…Hu Hu..

 Mận ôm mặt khóc nức nở, nhớ bà, nhớ cha, nhớ mẹ. Thomas nhận ra rằng, do xúc động mạnh mà những điều lãng quên đã được đánh thức. Như một nhạc trưởng, Thomas giữ nhịp cho dàn nhạc đẩy lên cao trào.

– Con nhớ giỏi lắm, làng ta còn gì đẹp nữa không? Bố, mẹ có yêu con không?

– Nhiều, nhiều lắm papa ơi. Có vườn chim – Mận hoa chân, múa tay – vô vàn là chim từ đâu bay về làm tổ, đẻ con bé tý tẹo, yêu ơi là yêu! Bố Tráng và mẹ Sẹo nuôi chim, nuôi vịt ở đấy.

Thế là rõ rồi, Mận có tên làng, tên chùa Phong Điền, tên bố Tráng, tên mẹ Sẹo, Bãi tha ma Hoang Điền… Nhất định tối nay Thomas phải ghi vào nhật ký. Hăng hái Mận kể tiếp:

– Papa à! chuyện này papa phải giữ kín. Câu chuyện của ông già đánh cá, con thấy giông giống câu chuyện nhà chị Sen. Con thương ông ấy mà không dám nói ra, sợ ông buồn.

Thomas tò mò giục:

– Con cứ kể đi, papa giữ kín cho.

Mận kể tiếp:

– Chị ấy bảo, nhà cũng có thuyền. Sống trên thuyền. Đẻ trên thuyền. Lấy chồng trên thuyền. Đẻ con trên thuyền. Hay lắm cái gì cũng thuyền là thuyền. Nhưng chồng, say rượu cứ đòi mổ bụng con để lấy gan ăn. Chị sợ quá, bế con chạy trốn, đói không có gì ăn, con chết chị phải đi làm con Sen.  

– Cũng có thể như thế con ạ. Chuyện của người nghèo trên thế giới này, đều khổ như nhau. Hay là ta đi gặp, kể hết sự thật cho ông nghe. Con còn nhớ chứ?

– Vâng ạ.

Hai cha con Thomas, dắt tay nhau đi vòng từ đông, sang tây quanh Cồn Bà. Từ ngày về đốt đèn biển, Thomas cứ dăm ba ngày lại đi vòng một lần. Đường ngắn thôi, nhưng cũng phải mất vài giờ đồng hồ, vừa tập thể dục vừa ngắm biển. Đẹp nhất là hướng nam quay ra cửa biển, có bãi cát rộng mênh mông, xoai xoải chạy dài, cát vàng hạt mịn không một hạt sạn hay vỏ sò vỏ hến. Nước trong xanh, người đứng có thể nhìn thấy bàn chân mình. Ông già đánh cá kể, ngày xưa đây là bãi thuyền đông vui. Ngày hội đầu năm dân vạn chài dù ở đâu đâu cũng dong thuyền về dự lễ cầu an, cầu cho sóng yên, biển lặng, tôm cá đầy thuyền. Thomas muốn biết mầu sắc văn hóa, lễ hội, cưới xin, ma chay, giỗ chạp của người thuộc địa An Nam này mà không bắt gặp. Phía đông Cồn Bà đẹp rực rỡ. Nước Pháp bên bờ biển Địa Trung Hải nhưng chưa bao giờ Thomas nhìn thấy mặt trời mọc đẹp như ở đây. Người Phương đông có truyền thuyết rất kỳ lạ, về thần Mặt trời. Họ thờ thần Mặt trời, Thần lửa, Thần nước, Thần núi… cái gì mang lại sự sống yên bình, hạnh phúc đó là Thần. Thế giới tâm linh của người Phương đông thật vô biên, vô hạn. Phía tây Cồn Bà, biển mang hoàng hôn về những ráng đỏ, ráng vàng, trời xanh cao vời vợi. Ông Thần mặt trời báo hiệu cho dân vạn chài sắp có mưa, có nắng. Phía bắc Cồn Bà là một vụng sâu kín đáo cho thuyền bè neo đậu mỗi khi có gió bão. Đã lâu rồi ở đây chỉ có thuyền của hai ông già đánh cá. Ông già quen biết này thì vẫn lui tới uống rượu, còn ông già kia thi thoảng mới vào lấy nước ngọt rồi lại đi. Từ xa Thomas cất tiếng gọi, nhưng không thấy trả lời, hai cha con tiến lại gần, nhìn vào thuyền, hốt hoảng, ông đã chết trong khoang. Thomas lay gọi nhưng vô vọng, người ông đã cứng đờ.

Sau bữa cơm đặc biệt với bố con Thomas, ông già đánh cá say. Say nhưng sướng, sướng thật đấy, cả đời ông chưa bao giờ sướng như thế này. Sướng không phải rượu mạnh, nhắm ngon, mà ông đã trút hết nỗi lòng mình cho Mận “cháu gái” yêu quý của ông. Ông đã trao cho đời sau thứ quý giá nhất của đời người đánh cá, bẩy mươi năm lang thang trên biển – cái bị cói.  Nỗi đau lớn nhất của đời ông là – đã một lần thả vợ xuống biển, rồi mất con gái và đẩy con rể xuống biển. Thế là hết, khi chào đời có hai bàn tay trắng, khi ra đi cũng trắng hai bàn tay. Ông co ro trong thuyền ngủ một giấc dài không bao giờ dậy…

Hai cha con Thomas đẩy thuyền của ông về phía nam Cồn Bà. Gặp đúng lúc nước triều lên, thuyền vào sát chân tượng đài. Thomas lấy tấm chăn như cái túi của nhà binh lưu động, đặt ông vào rồi bó chặt. Đành vậy thôi, lấy đâu ra gỗ ván giữa biển khơi này. Thomas vác xác Ông già đánh cá leo lên đỉnh Cồn Bà, gần cây đèn biển. Đây là nơi cao nhất có thể nhìn về bốn phương Trời, mười phương Phật. Hai cha con hì hục đào một hố sâu rồi đặt ông nằm xuống, đầu quay về hướng đông có ông mặt trời rực rỡ. Thomas dựng cây cột tre cao, bên mộ làm mốc, treo cái đèn dầu. Đứng bên cây đèn biển, đêm đêm sáng đèn là ánh đèn le lói của ông, gọi thuyền về, soi đường cho dân vạn chài cùng khổ. Mận không cầm được nước mắt mơ màng rồi xỉu đi. Từ trong lòng mình, ai đó đã nói hộ:

 “Ông ơi! thế là ông đã đi rồi, Ông và cháu những cư dân trên biển, sống cuộc đời cơ cực, không đất, không nhà, không vợ, không con, không cha, không mẹ. Bẩy mươi năm ông lang thang trên biển, hai bàn tay vơ con cá, con tôm đút miệng vẫn không đầy. Trong cuộc sống người ta mong nhiều điều, nhưng đâu có được. Ông chết đi thế gian này vơi đi một thân xác, nhưng lại đầy lên những chúng sinh oan hồn, chen chúc nơi địa ngục. Những kẻ nghèo khó cam lòng chịu đựng. Cháu biết ơn ông đã để lại cho cháu muôn vàn tình thương và tài sản vô giá – cái bị cói – mang đầy báu vật. Thằng Bờm có cái quạt mo, Phú ông xin đổi ruộng vườn, bao thứ cũng không được. Cái bị cói của ông, cháu sẽ mang theo suốt đời, Cháu sẽ tìm ra cội nguồn, giải thoát cho nỗi khổ này. Ông ơi ông cứ thanh thản ra đi. Ông phù hộ cho cháu ông nhé.”

Mận nằm vật bên mộ ông, mặt đỏ gay như người say rượu. Mận không  biết mình vừa nói gì. Ai đó? Tiếng bố gọi, văng vẳng bên tai: “Cố lên con nhé, mau về với bố, bố vẫn còn sống đây mà. Em Sửu đang đợi con”. Thomas lạ lẫm không hiểu được tình huống đặc biệt này, vội vàng vỗ vào hai má, Mận dần dần tỉnh dậy, òa lên khóc…  

Hôm nay chưa đến lịch, thế mà tàu tiếp tế đã ra sớm. Lão thuyền trưởng thò đầu nói oang oang:

– Thomas, Thomas đâu, ra nhận thư đi.

Điều mong đợi bao lâu nay, bây giờ mới đến. Thomas sung sướng reo lên, nhẩy xuống tàu lấy thư. Chưa kịp đọc, thuyền trưởng đã ra lệnh:

– Sướng nhất mày rồi đấy. Chiều nay tàu  Philip nhổ neo về Marseille, mày được lệnh đi chuyến tầu này về Pháp. Quan Đại lý Cẩm Phả min cho tao đi đón mày. Chuẩn bị nhanh lên tao chờ.

Thomas hoa chân múa tay, nói líu ríu:

– Để tao chuẩn bị chứ. Sao nhanh vậy.  

Lão thuyền trưởng, hãnh diện:

– Thưởng cho tao đi, rượu đâu? Lần trước lấy thư của mày tao gửi về Pari ngay. Bây giờ Pari có lệnh, chứng tỏ bố mày có quyền lực ra phết. Nào cụng ly chúc mừng.

Bận thì bận nhưng thực ra có gì mà chuẩn bị. Tài sản của thằng lính nằm trong cái balô. Thomas mở thư ra đọc:

Pari ngày…

Thomas con yêu quý!

Papa đã nhận được thư và đơn kiện của con gửi tòa án dân sự Pari. Papa rất bất bình việc Công ty Pháp mỏ than Bắc Kỳ đã tự ý thay đổi hợp đồng, đối xứ tàn tệ với con như vậy. Việc con sang Đông Dương không phải đi đốt đèn biển, con là một kỹ sư, họ phải trả một cái giá rất đắt cho Công ty tầu biển. Tòa án dân sự Pari đã xử Công ty Pháp mỏ than Bắc kỳ phải bồi hoàn tất cả thiệt hại, trả lại danh dự cho con và chấm dứt hợp đồng.

Papa vui là con rất khỏe, sống cô đơn vất vả giữa biển khơi, nhưng không nản, con vẫn làm việc nghiêm túc, có trách nhiệm. Con đã tìm được nguồn vui riêng, có một đứa con nuôi người An Nam yêu quý. Con cũng đừng buồn Amina vợ con, đã đi lấy chồng khác và có một đứa con gái. Mọi thắc mắc của con đã được giải tỏa.      

Papa đã mua vé tàu, gửi thuyền trưởng Philip cho hai cha con cùng về. Papa rất mong con về gánh vác. Vườn nho sắp đến mùa thu hoạch, xưởng rượu vang đang không có người quản lý. Tất cả công việc của họ, con bỏ lại phía sau, về ngay. Cả nhà mong đợi.

Papa của con  Thomas Sorie

Thomas nhảy lên reo mừng:

– Je suis revenu dans ma patrie

(Ta được về với đất mẹ rồi)

Mận chưa hiểu những gì đã xẩy ra, ôm chặt Thomas sợ hãi hỏi:

– Có chuyện gì thế papa?

– Con chuẩn bị, đi với papa.

– Đi đâu hở papa?

Thomas bế Mận lên quay mấy vòng đến chóng mặt rồi nói trong hơi thở:

– Về Pháp với ông bà con ơi. Pháp có mặt trời mọc, có biển, có vườn nho, có cả em Sửu nữa, nào đi.

Nói đến em Sửu, Mận tươi cười hẳn lên, chạy một mạch vào nhà lấy chiếc bị cói của ‘‘hồi môn’’ mà ông già đánh cá trao cho. Được sự giúp sức của đoàn thủy thủ và lão thuyền trưởng, Thomas đã kê chỉnh lại con thuyền của ông già đánh cá. Hiên ngang đứng dưới chân tượng đài, mũi hướng ra biển khơi. Mận lấy tấm khăn, lau sạch vết bẩn bám trên tượng đài, để dòng chữ khắc sâu vào bệ tượng:THOMAS-MAN, nổi bật lên. Công trình của hai cha con, hì hục làm mấy hôm nay. Thomas thắp một tuần nhang trên mộ ông già đánh cá. Xong việc tất cả đoàn thủy thủ và cha con Thomas xếp hàng ngang đứng trước tượng đài, tay để lên ngực chào vĩnh biệt Cồn Bà, vĩnh biệt ông già đánh cá nghèo, nhân hậu. Hành lý trở về của Thomas, chỉ có quyển nhật ký đầy ắp đau thương, cùng cái điếu cày và Mận đứa con gái người An nam được cứu sống trên biển khơi mênh mông.

Tiếng còi tàu rú vang. Nhổ neo. 

Exit mobile version