Phần 19

Hôm nay thuận buồm xuôi gió, thuyền của Tráng và Cốc đã ra đến ngư trường. Cá nhiều vô kể, từng đàn to nhỏ bơi theo thuyền, bơi ngược, bơi xuôi nhẩy lên reo mừng. Chẳng mấy chốc hai người đã kéo về đầy khoang.

Bắt mấy con tôm tươi nhẩy đành đạch, Cốc vặt đầu, vặt râu sạch sẽ rồi ngửa cổ dốc chai rượu làm bữa nhắm. Có hơi men Cốc dốc bầu tâm sự:

– Chẳng có cái dại nào, bằng cái dại này, hôm ấy gặp lại con bé bán chiếu gom, cái Sự ấy mà. Mày còn nhớ không? Nó bị thất tình như điên, như dại đè nghiến tao xuống sàn thuyền. Thằng đàn ông chó nào chả thế, mỡ mang đến miệng mèo, không chén sao được. Ai ngờ nó có chửa.

– Mừng cho anh!

– Mừng cái nỗi gì? đang lo bỏ mẹ đây này.

Chuyện ấy ông Tiên biết, ông đã gọi hai người lên đe nẹt “Thuyền mới hạ thủy, chúng mày làm thế là xúi cả đời…”, cũng may, rồi ông quên luôn. Hôm làm lễ cưới, bụng đã nhu nhú như quả bưởi, sợ mọi người nhìn thấy Sự không dám ra dự. Cánh đàn ông mình thì không để ý, nhưng Sen, Na lại thêm A Hiêng bầy mưu với nhau. A Hiêng tặng Sự cái váy Sán Dìu, cạp nhiều nếp gấp, mặc vào rộng thùng thình không nhìn thấy bụng. Thế là Sự vui hẳn trong mấy ngày cưới. Cám ơn A Hiêng tốt cái bụng. Nhưng đến bây giờ bụng to quá rồi, váy nào cũng không che nổi. Sự đã toan bỏ trốn, hai vợ chồng mất ăn, mất ngủ vẫn không nghĩ ra.

Đặt chai rượu xuống sàn, Cốc thở dài hỏi Tráng:

– Mày có cách nào không?

Tráng băn khoăn không biết nói thế nào, im lặng hồi lâu, con thuyền bồng bềnh, lắc lư. Mặt trời ửng đỏ đang chiu dần xuống góc biển phía xa xa. Cũng từ phía ấy hiện lên một chấm đen, đó là Cồn Bà. Tráng nẩy ra ý định, hỏi Cốc:

– Anh có biết Cồn Bà không? mãi xa xa kia kìa.

– Còn lạ gì, ngày xưa hàng năm mở hội, tao thắng mấy keo vật rồi đấy.

Cốc có vẻ hãnh diện, Tráng được thể hỏi liền:

– Anh có dám ra đấy ở không? Trước đây nhiều thuyền bè và người ở đông vui lắm.

– Ý mày hay. Ta ghé thuyền vào xem thử.

Tráng xoay buồm cho thuyền tiến ngược về phía Cồn Bà, nơi có Đền Bà rồi giặc Pháp chiếm xây cây đèn biển. Chẳng mấy chốc hai người đã đổ bộ lên đảo. Giữa lúc giao thời, các thế lực còn mải tranh chấp đất đai ngon lành trong đất liền, chưa ai bước chân đến đây, ngọn đèn Hải đăng lạnh lẽo, hoang vu. Tráng còn nhớ hồi xưa, các cụ đánh nhau với giặc Phương Bắc vì chúng tuyên bố “Ở đâu có đền thờ, có xương cốt của họ đấy là đất của họ”. Điên tiết các cụ đã phá đền, thả tượng Châu Quý Phi trôi ra biển. Còn tượng Tướng quân biểu tượng cho sức mạnh chiến thắng của dân vạn chài, vẫn hiên ngang cùng tuế nguyệt. Dòng chữ khắc trên bệ tượng “Thomas-Man” đậm nét, rõ ràng ai cũng có thể nhìn thấy. Tráng không hiểu, nhưng tò mò muốn biết, đành ngồi viết từng nét xuống bãi cát cho nhớ, về nhà, nhờ Na đọc hộ. Bên cạnh tượng là con thuyền có hai mái chèo, chắc ai đó đã kéo về đây. Trong đống gỗ mục nát chỉ còn lại con ốc biển và cái sừng trâu làm tù và cho người đi biển gọi nhau mỗi khi có nguy hiểm. Tráng bèn lấy con ốc có giây, đeo vào cổ, vì thuyền nhà mình chưa có. Cốc đi xem khắp các phòng nhà đèn, tất cả đều ngổn ngang bừa bãi. Hai người trèo lên đồi, dưới chân cây đèn biển là một cây đèn dầu treo trên gốc tre già sù sì, tre non và măng mọc xung quanh tươi tốt, thành một khóm lớn. Mô đất bên cạnh cỏ mọc xanh rì. Hai người nói với nhau “Hình như đây là cái mộ”. Chả biết có phải không, cứ dừng lại, chắp tay cúi đầu khấn vái.

Đi hết một vòng từ đông sang tây, từ nam đến bắc thì trời tối hẳn, hai người lên thuyền nhổ neo xuôi vào bờ. Trên thuyền Tráng gặng hỏi:

– Anh thấy thế nào?

– Tao thì không sợ, nhưng Sự không biết có chịu nổi không? giữa biển khơi mênh mông, hoang vu, vắng vẻ này. Cốc nhẩn nha trả lời.

– Đến nước này thì phải chịu thôi. Tạm đi mấy tháng, rồi bế con về, ai mà biết được. Nếu ở nhà cái bụng to phình đập vào mắt thiên hạ, ra một câu, vào một câu còn nhục hơn nhiều. Đấy là đổi mới rồi, chứ còn cái tục gọt đầu bôi vôi thì làm mồi cho cá.

Tráng phân tích nghe thấy xuôi tai, im lặng suy nghĩ. Tráng nói tiếp:

– Xa thì xa thật nhưng cũng rất gần thôi. Từ ngày thằng Tây cút đi, thuyền ra, thuyền vào lấy nước ngọt, Cồn Bà lại đông vui. Anh cứ ở đấy mỗi lần ra khơi em ghé vào đón và tiếp tế lương thực cho anh. Ngày còn thuộc Pháp nó chỉ để trên đảo một người đốt đèn thì sao?

– Thôi được, ta về thưa chuyện với ông Tiên và xem ý cái Sự thế nào nhé.

Trời gần sáng thì thuyền cập bến, điều sung sướng nhất của người đàn bà làng chài là giờ phút này. Họ thở phào nhẹ nhõm, chồng con trở về an lành, cá tôm đầy khoang.

Bộ tam nữ chạy ùa xuống biển, không cần xem cá ra sao, họ ríu rít bên nhau đủ mọi chuyện. Cốc kéo Sự ra sau mũi thuyền thò tay sờ bụng vợ cười tít mắt, Sự khẽ gạt, hờn dỗi:

– Đang lo sốt vó lên đây này.

– Yên tâm, tớ đã có cách rồi về nhà sẽ nói.

– Thì nói đi. Xạo.

Câu chuyện đang dở dang thì Na chạy đến kéo đi:

– Chị Sự ơi, xem này anh Tráng đeo cái tù và ốc to đùng, như trong câu chuyện cổ tích “An Tiêm”, đẹp chưa?

Ào ào, vui nhộn một lúc rồi ai vào việc nấy. Người gánh, người đội chuyển hết thuyền cả về nhà ông Tiên. Chọn lọc cá to mổ, rửa, tãi ra bãi cát phơi khô. Cá nhỏ cho vào bể chượp nấu nước mắm. Bận rộn cả ngày, đến đêm nhà nào mới về nhà ấy.

Tráng bắt Na phải rẽ vào nhà mình để hỏi cho ra nhẽ cái tên kỳ quặc vừa nhớ được ở ngoài đảo. Na cũng chỉ là đoán, cái chữ Thomas là tiếng Pháp có thể là tên của người đốt đèn biển. Dấu gạch ngang là phân cách giữa hai từ. Còn chữ Man không phải là chữ Pháp, mà là chữ ta. Cá biển không có loài nào tên man. Tên người thì phải có dấu, nếu cho các dấu sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng vào thì cũng vô nghĩa. Đội mũ cho chữ a thì ra mân, mấn, mận…Tráng reo lên:

– Đúng rồi, con Mận rồi. Nhưng sao, nó lại ngoài ấy cơ chứ, bị Pháp bắt à, vô lý…

Từ nãy giờ Sen mải mân mê con ốc, bây giờ mới lên tiếng:

– Làm sao mà ra tận ngoài đảo xa tít, xa tắp ấy được – Nghĩ một lát Sen băn khoăn hỏi – Cái con ốc này mình lấy ở đâu vậy?

– À nhặt được trong thuyền trên đảo, thấy còn tốt mang về làm tù và đi biển.

Sen giật mình biến sắc, nghẹn ngào nói:

– Cái này của bố, đấy mình ơi.

Tráng và Na nín thở nghe tiếp:

– Cái dây ốc này là chính tay em xâu, đúng một trăm linh bẩy viên, cả con ốc to là một trăm linh tám viên. Bố bảo rằng con số một trăm linh tám là tượng trưng cho một trăm linh tám phiền não của con người. Dây tràng hạt cũng một trăm linh tám viên. Bố vừa đeo tù và vừa lần tràng hạt đọc kinh. Khi xâu, em đếm cứ mười con ốc Bạch ngọc có một con ốc Hương. Đây tất cả còn nguyên vẹn. Trời ơi, Bố ơi, bố đang ở đâu…

Sen gào khóc, Na dỗ dành lau nước mắt dàn dụa trên má. Tráng nịnh yêu:

– Nín đi, mai tôi đưa mình ra đảo thắp hương cho bố nhé.

Tất cả mọi chuyện, sáng hôm sau ông Tiên biết hết, trước mặt mọi người ông nói:

– Việc vợ chồng thằng Cốc ra đảo làm ăn thế là tốt. Đất đai ngoài đó mầu mỡ lắm, tôm cá thì vô vàn. Giữa biển mênh mông mà có nước ngọt, quý lắm, của trời cho đó các con ạ. Đã hàng nghìn năm nay người ta tranh cướp cũng chỉ vì miếng mồi béo bở ấy. Ra đấy chịu khó làm ăn, mai mốt về đón thêm người, làng Khánh Hữu lại có thêm đất, thêm biển kéo dài ra tận Cồn Bà.

– Vâng chúng con cũng định vậy ạ.

Cốc lễ phép trả lời. Thầy lang Tế ý tứ, đứng dậy vẫy Sự vào phòng khám.

– Cháu ngồi xuống để thầy bắt mạch cho.

– Vâng ạ, con cám ơn thầy.

Bắt mạch xong, thầy nhẹ nhàng nói:      

– Bốn tháng rồi, không phải hôm nay thầy mới biết. Chỉ cần nhìn lông mày người con gái là biết. Chúc mẹ tròn con vuông, gia đình hạnh phúc nhé. Hai vợ chồng ra đó làm ăn, giữ gìn sức khỏe. Con vào gặp bà, lấy thuốc mang đi dưỡng thai, bà đang chuẩn bị đấy.

– Thầy tốt với chúng con quá! Con xin Thầy cô.

Bà lang đã lên tiếng ở ngoài cửa:

– Cứ làm như người ở đâu đến, con cháu trong nhà cả. Mười năm thang thuốc này uống một tháng nhé, hai ngày một, không được bỏ ngày nào – Bà sờ vào bụng Sự rồi nói tiếp – Mừng rồi, con trai đấy, có thằng kéo lưới, đẩy thuyền cho bố.

Mọi người vui vẻ tiễn hai vợ chồng Cốc xuống thuyền ra Cồn Bà. Đúng hẹn thì Sen và Na đi cùng để ra đó xác minh con ốc tù và, có giây đeo một trăm linh tám con ốc nhỏ, đồng thời xem lại hai cái chữ Thomas – Man. Nhưng Sen không đi được, bà Tiên bảo ở nhà để trông thằng Sửu lên đậu mùa, sốt liên miên. Na đi họp sơ kết Bình dân học vụ.

Tráng căng buồm, đưa hai vợ chồng anh Cốc ra Cồn Bà. Sự hơi buồn, nhưng rồi thấy nhà cửa gọn gàng và mọi người quan tâm đến mình nên vui vẻ. Hai vợ chồng ổn định nơi ăn, chốn ở xong, vội vàng câu mấy con cá ngừ, cá mực ngon nổi tiếng ở Cồn Bà để Tráng mang về biếu thầy Lang Tế và ông bà Tiên.

7

   Sơ kết Bình dân học vụ xong, Hạnh Mỹ có lệnh đi tiếp thu các cơ sở y tế của Pháp để lại, từ nhà thương đến các trạm y tế, hộ sinh làng xã. Mở lớp bồi dưỡng y tá, cứu thương. Đặc biệt là vệ sinh phòng dịch, và tổ chức mạng lưới cứu thương. Ngăn chặn các bệnh dịch đang chớm phát như đậu mùa, sốt rét. Không để bùng ra như đại dịch thổ tả năm nào. Hạnh Mỹ là con thầy Lang Tế hiểu biết về y học, có kinh nghiệm trong lần chống đại dịch thổ tả, nên đã nhanh chóng làm chủ được công việc.

Được tin, ông Tiên đã gọi Hạnh Mỹ về, nói:

– May cho Khánh Hữu, có con tháo vát, con xem nhà hộ sinh còn thiếu gì thì mua cho làng. Tao không xin, lại mang tiếng “một người làm quan cả họ được nhờ”.

Hạnh Mỹ cười và lễ phép thưa lại:

– Xin ông đừng nghĩ thế. Con sẽ làm theo lời ông dạy ạ.

Thế rồi nhà Hộ sinh làng Khánh Hữu có thêm bàn đẻ, y cụ và chậu tắm cho trẻ sơ sinh… Bà Đỡ vứt luôn cái bị rách, cái liềm cắt rốn đã hen rỉ, cùng Na đi học cấp tốc. Lúc nào Bà cũng mặc bộ bờ-lu trắng và đeo cái ống nghe trước ngực, trông oai ra phết. Ông bà Tiên và thầy Lang Tế ngày nào cũng vài lần đáo qua để củ soát. Đứng trước cổng ông Tiên gật gù, mắt sáng, tấm tắc khen: “Khánh Hữu vẫn là Khánh Hữu”.

Đêm ấy khuya lắm rồi, có người gọi cửa. Bà Đỡ vùng dậy “lại có ai đẻ đây”. Nghĩ vậy Bà quay sang gọi Na, buổi tối dạy học xong, Na ngủ lại với Bà. Hai người ra mở cửa, giơ cây đèn bão lên soi, Na nhận ra đó là Bằng, dẫn Y Vân đến đẻ. Bà Đỡ cũng nhận ra, gật gù, gượng nói:

– Cậu đấy à, đưa mợ ấy vào bàn đẻ.

Tình huống thật bất ngờ, người Na nóng ran, tim đập mạnh, cổ nghẹn đắng không nói lên lời. Cây đèn trên tay Na buông thõng, sắp rơi xuống đất. Bà Đỡ đập mạnh vào lưng “mất hồn à, chuẩn bị đi”.

Nằm trên bàn đẻ, Y Vân quằn quại, kêu ầm ĩ.

Đứng bên bàn, Bà Đỡ gắt:

– Kêu khẽ thôi, lấy sức mà rặn, tất cả đàn ông ra ngoài sân hết.

Nói rồi bà khẽ hỏi Y Vân:

– Con đau lâu chưa?

– Lâu rồi. Y Vân vẫn cái giọng cụt lủn của con nhà quan.

– Từ lúc nào? Bà Đỡ nhẹ nhàng hỏi tiếp.

– Ăn cơm xong, hỏi gì mà lắm thế, có đỡ không thì bảo? – Y Vân lại kêu toáng lên – Trời ơi đau quá…

Na nghiêm mặt:

– Nằm yên, để người ta còn khám.

Bà Đỡ làm nhiệm vụ chuyên môn của mình, bắt Y Vân dạng hai chân để thăm khám cửa mình. Y Vân vặn người giẫy giụa. Na cầm hai tay giữ chặt, Y Vân quát:

– Buông ra, mày không được động vào người tao.

Na lặng thinh. Im lặng lúc này là vàng. Bà Đỡ thọc tay vào sâu một chút, hoảng hốt:

– Ngôi ngược rồi, mông ra trước.

Na và Bà Đỡ cuống cuồng chưa biết làm thế nào thì Bằng cứ đứng ở ngoài tấm liếp năn nỉ:

– Bà Đỡ ơi, cho nó đẻ nhanh lên, tôi sẽ hậu tạ.

– Đã bẩu đàn ông đi ra hết cơ mà, nhòm ngó cái gì vậy. Bà Đỡ nghiêm mặt quát.

– “Cái ấy” có gì lạ đâu bà, ngày nào tôi chả nhìn – Bằng hạ giọng – Na à, tao nhờ mày đấy, Y Vân đẻ xong tao không đòi lại nhà đất của mày nữa đâu. Biếu đấy.

– Lải nhải cái gì thế? Ra. Na cáu.

Bằng không biết rằng, văn tự nhà, ông Tiên đã giao hết cho Na từ lâu rồi. Nó không có quyền hành gì, nhưng vẫn cứ lải nhải:

– Thật mà, Na về đấy ở đi.

Bà Đỡ sốt ruột gạt phăng:

– Có để cho người ta làm không?

– Bà Đỡ ơi, mẹ Cả cháu vẫn nhớ bà đấy. Hôm Na đẻ không có Bà thì cả hai mẹ con cô ấy đã đi tong. Cô ấy đang đứng cạnh bà, phúc to bằng cái đình đấy.

Bà Đỡ không chịu nổi, phải nói to để át tiếng rên la của Y Vân:

– Hừm, lại nói đến chuyện ấy à? Còn nhớ không, mẹ cả nhà anh bẩu: “Không phải đỡ đần gì, tự khắc nó đẻ. Con chó, con gà, nào có ai đỡ, mà đẻ ra hàng đàn, hàng đống”. Đấy anh dẫn vợ về mà ôm cái đống ấy.

Nói rồi bà vùng vằng đẩy cửa phòng đi ra, Bằng chạy theo năn nỉ:

– Con xin bà, xong việc con biếu bà năm sào đất thổ cư để bà làm nhà, bà đừng đi lang thang như vầy nữa, tuổi già sức yếu rồi bà ạ.

Bà Đỡ dừng lại quắc mắt:

– Anh mang đất cát, đổi lấy tính mạng hử?        

– Vâng, có đất là có tất cả mà Bà.

Bà Đỡ và Na cười vang, tiếng cười lẫn tiếng kêu la của người đẻ hòa thành một âm thanh ghê rợn.

Được tin, ông bà Tiên, ông bà Lang Tế và Hạnh Mỹ vội vã đến. Ngôi ngược rất khó đẻ và nguy hiểm, tất cả tập trung hội chẩn. Thầy Lang bắt mạch thấy thiểu ối, cho uống thuốc trợ sức và thúc ối tăng lên. Hạnh Mỹ, mới học được phương pháp đỡ đẻ của các đốc tờ nhà thương, nhẹ nhàng từng tý, từng tý xoay thai ngoài bụng về đúng vị trí, ngôi đầu ra trước. Bà Tiên cũng đã nhiều phen đỡ đẻ có kinh nghiệm dân gian, lấy cao bạc hà xoa lên khắp bụng mẹ, kích thích cho thai xoay. Na và Bà Đỡ nén lòng chịu đựng, dỗ dành cho Y Vân tập trung lấy sức rặn. Mỗi người một việc, rục rịch suốt đêm. Gà gáy sáng thì tiếng khóc chào đời cất lên. Mọi người thở phào nhẹ nhõm. Na bế đứa bé đưa cho Bằng dõng dạc nói:

– Bế con đi, có đúng cái tông, cái giống thằng bố không? Vào cho mẹ nó xem mặt.

Ông Tiên bấm ngón tay tính giờ:

– Dần à, năm dần, giờ dần chúa sơn lâm đây. Cho nó cái tên Dần luôn.

8

Theo đúng hẹn, sáng nay Tráng dong thuyền ra Cồn Bà tiếp tế cho vợ chồng anh Cốc. Lần này Sen và Na cũng đi cùng. Con gái miền biển táo tợn lắm, sóng to gió lớn vẫn vui cười, háo hức đi tìm những điều bí mật của riêng mình.

 Đã lâu Sen không được xuống thuyền, kể từ ngày bế con chạy trốn. Cồn Bà, Sen đã được bố dong thuyền đến nhiều lần. Hồi mẹ chết bố đã chở xác lên chôn ở đây, nhưng chúa đảo không cho. Nó bảo đây là đất của nó, nhà Vua đã bán vĩnh viễn rồi, dân An nam không được bước chân đến. Đau lòng, không còn biết chôn ở đâu nữa. Quê cha đất tổ ở Rạch Phả, giặc Pháp cướp trắng từ bốn đời nay để xây cảng Hải Phòng. Sống phải lang thang trên biển, chết cũng đành phải nhờ biển thôi. Bố bó xác mẹ trong chiếu rồi thả xuống biển. Hồi ấy còn bé lắm, Sen chẳng nhớ ở khúc nào trong biển cả mênh mông này. Dọc đường đi gặp thuyền xuôi, thuyền ngược, Sen đều ngó nghiêng xem có phải thuyền của nhà mình không. Lão chồng say rượu vũ phu, còn sống hay đã chết. Lúc bế con nhảy xuống biển, chả mang được gì cả. Nào có nhiều nhặn gì ngoài cái bị cói, đựng mấy bộ quần áo và vòng ốc hương đeo cổ, đeo tay của “hồi môn” mẹ cho. Cả cái dây ốc đeo tù và một trăm linh tám viên, đều do chính tay Sen làm. Nhiều đêm thao thức ôm thằng Sửu, trong lòng cuồn cuộn nỗi thương cha, nhớ mẹ.

Sóng biển dồ cao, con thuyền dấn xuống, Tráng ghìm tay lái cho con thuyền vượt lên. Nước tung tóe khắp người, Na ướt sũng. Mường tượng về nỗi đắng cay: Nếu như hôm ấy phải nằm trên bè chuối thì sóng nước cũng tung tóe như thế này đây. Na, nhanh chóng bị nhấn chìm xuống đáy biển. Trời ơi hàng vạn vạn con cá bâu vào xâu xé. Đau quá Na hét toáng lên. Tưởng say sóng, Sen ôm chặt Na cho đến khi thuyền rẽ vào bến. Tráng neo thuyền, gọi:

– Đến Cồn Bà rồi, dậy đi nào.

Ba người chuẩn bị xuống thì trên bờ có tiếng người gọi lý nhí:

– Thuyền nào đấy, cứu tôi với?

Thấy lạ, Tráng nhanh chóng đẩy hai người vào thuyền. Chưa biết là ai, nếu bọn hải tặc thấy đàn bà là chết ngay với nó. Tráng nhẩy xuống, tiến lại gần nói:

– Tôi tìm người anh em.

Một ông già nằm trên cát, yếu ớt, hai bàn tay giơ lên trời, nói trong hơi thở:

– Tôi đói… đau lắm, có gì ăn không? Tìm vợ chồng thằng Cốc hở.

Tráng ngồi xuống nâng ông dậy rồi hỏi dồn:

– Ai đánh ông thế này? Có đau lắm không?

– Bọn Tây nó giết, vợ chồng thằng Cốc cũng chết rồi, kia kìa tất cả nằm la liệt ra đấy.

– Bọn Tây nó đâu rồi?

– Chết, chết ráo, chỉ còn có mình tao thôi.

Không chần chừ, Tráng gọi tất cả mọi người trên thuyền cùng xuống. Na và Sen nhanh chóng cho ăn và băng bó vết thương cho ông già. Tráng bước qua xác hai thằng Tây, lao vào nhà đèn thì thấy Sự nằm trên vũng máu. Cốc đứng tựa vào bức tượng, mắt mở to, đầu lưỡi lê cắm sâu vào bụng, máu vẫn chảy từng giọt xuống những bông hoa phong lan biển.

Hoảng hồn, chân tay run bần bật. Vài giây, bản lĩnh đàn ông trở lại. Tráng để Sen chăm sóc ông già, còn hai người nhanh chóng chuyển thi hài anh Cốc và chị Sự lên thuyền.

Ăn xong miếng cơm Na đút, lại sức ông già thều thào:

– Ừ nhanh lên, bọn Tây nó sắp trở lại đấy. Tao kể cho con nghe, kẻo chết đi thì kể cho ai. Sự thể là thế này các con ạ.

“Vợ chồng thằng Cốc ra đây ở, tao mừng. Vậy là tao có thêm người hàng xóm. Thuyền của tao thường đậu bên kia vụng, cùng với ông già quê ở Hải Phòng. Buồn lắm. Khi còn Tây chiếm đóng có một thằng đốt đèn tên là Thomas. Nó rất tốt, chả biết nhặt đâu được con bé tên là Mận mang ra đây nuôi. Ngày ngày quấn quýt bên nhau như hai cha con. Tao cũng thỉnh thoảng vào đây lấy nước ngọt ở cái giếng trời cho, bốn mùa đầy nước. Tao cho nó con tôm, con cá rồi uống vang trò chuyện. Nó nhiều vang lắm, từ bên Pháp chuyển sang. Có lần tao và ông già Hải Phong, nhiều hơn tao một giáp, ba thằng ngồi uống rượu thật là vui. Ông ấy cũng giống tao không nhà, không cửa, vợ con tha phương mỗi người một nơi. Hôm ông ấy chết tao không biết, cái thằng Thomas biết đã chôn ông ấy ở trên đồi kia. Con lên, thấy cây đèn biển bằng dầu đó là mộ ông ấy đấy. Còn cái thuyền thì nó kéo về để dưới chân tượng có khắc chữ Thomas-Man là tên hai bố con nó. Tốt lắm, trên đời có con người như nó thật hiếm. Con Mận số sướng, về Pháp biết đâu lại thành bà. Chúng nó đi rồi Cồn Bà bỏ không, tao về đây ở, hàng ngày hương khói cho ông già câu cá. Nhờ trời cũng kiếm ăn được. Gần đây có thêm vợ chồng thằng Cốc. Cồn Bà vui hẳn lên. Tưởng rằng, cứ thế này thì cuộc đời sẽ sướng. Không ngờ bọn Tây nó quay lại, đổ bộ lên chiếm cây đèn biển, có hai thằng thôi mà đánh không nổi. Nó có súng, bắn vung vãi cả vào cái Sự đang bụng mang, dạ chửa. Chờ hết đạn chúng tao đánh tay vo. Đập vỡ đầu một thằng, còn thằng kia đâm lưỡi lê vào bụng Cốc, chết đứng ngay bên tượng. Tao cướp được súng, đâm ngay vào sau lưng thằng này chết luôn. Xong cuộc, sờ đến chân mình thì đã gẫy từ bao giờ. Đau quá nằm đây, chả biết ngày đêm là gì. Cám ơn con đã cứu giúp”…   

Tráng và Na đã gọn gàng, chuyển thi hài anh Cốc và chị Sự lên thuyền. Sen nghe ông già kể chuyện, ngất xỉu, đây là thật hay mơ. Na cầm tay Sen kéo dậy:

– Mau lên thuyền.

Sen ghì chặt, không đi:

– Để em lên thắp hương cho bố đã. Anh Tráng ơi, Mận đấy, Mận đi Pháp rồi.

Tráng ngỡ ngàng, đứng ngây.

Ông già hiểu chuyện, cố gắng quỳ một chân chắp tay lên trời cầu lạy:

– Con xin lạy chín phương trời, mười phương Phật, xin vong linh của ông già câu cá và vô vàn chúng sinh đang nằm dưới đáy biển, hãy tha tội cho chúng con, phù hộ cho chúng con đưa hai thi hài, tên là Cốc và Sự về đất liền mai táng. Chúng con xin tạ tội – Nam mô A di đà Phật.

Tất cả cùng cúi đầu vái lạy. Ông già giục:

– Thế được rồi, đi mau kẻo bọn Tây sắp đến đấy.

Sen vừa đi vừa quay lại. Ông già lại giục:

– Ông sẽ thắp hương cho bố con sau, đi đi.

Tráng dìu ông ra tận thuyền rồi bế ông lên, nói:

– Con đưa ông về đất liền, ông không được ở đây nữa, nguy hiểm lắm.

Na tiếp lời:

– Phải chữa cho lành vết thương đã ông ạ.

– Cám ơn các anh, các chị, cho tôi ăn thế là quý rồi, thi thoảng qua đây cho tôi bát gạo. Tôi không thể bỏ đất này được, không có người ở thì giặc vào chiếm luôn, hết thằng Tàu lại thằng Tây, thằng Nhật có bao giờ chúng để yên. Đất của Tổ tiên thì con cháu phải giữ chứ, dù có chết cũng không chịu nhường. Các con về mau đi, mau đi…

Hai đuôi mắt ông đẫm lệ. Tráng dìu ông về nhưng không nghe, ông chống gậy lê một chân trên cát.

Mỗi tấc đất là một tấc lòng thiêng liêng. Để mất nơi đây là tội. Không thể dung tha.

Ông bà Tiên và ông bà Lang Tế, cùng dân làng, ra tận cầu tầu đón thuyền chở thi hài vợ chồng anh Cốc từ Cồn Bà về. Đau thương nhất là đứa con trong bụng chị Sự, chưa cất tiếng khóc chào đời đã phải ra đi. Chuông chùa Phong Điền ngân vang, rung động bao trái tim người Khánh Hữu. Nghe tiếng chuông ấy, ai cũng nhớ Cốc. Xưa nay chỉ có anh mới điều khiển được cây dùi to nặng, đánh cho tiếng chuông vang xa, ngân dài. Ông Bà Lang Tế, đặt mười thang thuốc nữa vào quan tài chị Sự, để dưỡng thai cho sinh linh mau lớn về với Tổ tiên. Bà Tiên và tổ đội cầu các già đi vòng quanh các linh cữu, cầu nguyện cho các linh hồn siêu thoát về nơi vĩnh hằng. Thế là bãi tha ma Hoang Điền lại đầy thêm. Không biết đến bao giờ, người dân mới thoát khỏi cảnh đau thương này. Đứng trước mọi người Ông Tiên nói, như một lời vĩnh biệt:

– Sự ra đi của hai vợ chồng anh Cốc. Đôi bàn chân ứa máu lê trên cát của ông già đánh cá. Thực sự không phải là khoảng thời gian đau thương, cũng không phải là lúc để phiền muộn. Cái chết, không phải là hết. Họ vẫn luôn ở bên chúng ta. Họ không phải là người anh hùng, không phải là người quyền cao, chức trọng. Bình thường thôi, nhưng có tấm lòng quả cảm, có những giọt máu đổ xuống thấm đậm trên những cánh hoa Phong lan biển. Đẹp lắm, vĩ đại lắm, xứng đáng là người dân Khánh Hữu.

Ngoài kia sóng biển dồ lên, đổ đầy nước mắt, xuống mảnh đất Tổ tiên.

Những hình ảnh ở Cồn Bà, những câu chuyện của ông già kể, đã đè nặng trong đầu Sen. Sốt ruột, bà Tiên ra tận nhà ở vườn chim. Từ ngày hai vợ chồng đi ở riêng, hôm nay bà mới ra. Gọi là nhà, nhưng chỉ là cái chòi vừa để bẫy chim vừa để chăn vịt. Lâu ngày ọp ẹp lắm rồi. Tráng muốn ra đây ở là có ý nhường đất cũ cho vợ chồng thằng Còi. Vả lại ngoài này cũng dễ làm ăn, bắt chim, nuôi vịt là cái nghề của vợ chồng từ hồi mến nhau. Bà Tiên ngó vào, tềnh toàng quá, Sen ngồi im lặng ở góc lều, đầu cúi xuống, vai thõng, mặt xanh xạm, hai mắt lờ đờ. Bà giật mình gọi to:

– Sen, Sen!

Không trả lời, Sen cười khanh khách. Bà quay ra hô hoán, Từ ngoài bãi nuôi vịt, Tráng nghe thấy chạy về, Bà mắng:

– Mày để vợ thế kia à, nó điên rồi.

– Không sao đâu bà ạ. Từ hôm ra Cồn về, đều thế, chẳng chịu ăn, chịu nói gì cả.

Tráng phân bua. Bà Tiên gạt phăng:

– Cõng nó về nhà ngay. Tao đi mời thầy Lang.

Bắt mạch xong thầy Lang Tế phân giải:

– Cháu bị rối loạn tâm thần, sinh chứng trầm cảm. Những cảnh ở ngoài Cồn đã làm cháu hoảng sợ, lại thêm tin tức về bố chết, Mận sang Pháp, thực hư thế nào chưa biết nhưng tác động đến thần kinh.

Bà Tiên coi nó như con, thương sót nói trong nước mắt:

– Khổ thân con, vui quá cũng chết, buồn quá cũng chết.

Thầy Lang tiếp lời luôn:

– Đúng thế bà ạ. Cháu Sen cầm trong tay những kỷ vật, chỉ là con ốc thôi nhưng gắn bó bao nhiêu tình cảm, bao nhiêu năng lượng của cha mình truyền sang, nên cháu Sen nhận biết được ngay. Nhất định là bố mình rồi đấy bà ạ.

Bà Tiên mừng rỡ:

– Thật thế hở thầy?

Tráng bây giờ mới thưa:

– Lúc đó Sen cứ đòi lên mộ thắp hương, nhưng ông già cứ giục đi kẻo Tây nó quay trở lại.

– Thôi được để tao lên chùa thắp hương, vái vọng ra, xin ngài tha tội.

Nói rồi bà và Tráng vội vã đi lên chùa. Ông Tiên gọi giật lại:

– Để mình bà ấy đi được rồi. Bây giờ anh đưa con Sen vào nhà Hộ sinh, nằm đó mấy hôm cho tĩnh tâm. Còn nhà cửa của vợ chồng anh tôi tính sau.

Tiếng chuông, tiếng mõ nhà chùa lại vang lên. Bao giờ cũng vậy khi đình chùa có chiêng trống là trong làng có việc. Hôm nay đột xuất, không thấy thằng Bỗng rao tin, mọi người bàn tán: Người thì nói “Con Sen bị điên”. Kẻ thì nói “ma làm, hồn nhập”. Rồi “Cái đất ấy nghịch, toàn người đột tử, đầu tiên là bố cái Na kéo xe lộn cả Tây xuống vực, đến mẹ nó. Bây giờ thì cả hai vợ chồng nhà Cốc”. Thằng Toái vội vàng đi tìm ông Tiên, gặp ở nhà thầy Lang nó xum xoe:

– Bẩm ông ở làng Sủi có người gọi rí thiêng lắm ạ.

Ông còn lạ gì cái thằng này, mồm như tép nhẩy. biết một thì nói mười. Hôm sai nó đi khiêng cáng đón Thầy Lang về chống dịch tả, không biết ba hoa thế nào mà khoe đi mò ngọc trai về đút lót cho các quan. Đúng là xạo, làm ông mang tiếng. Cái mã ấy mà mò được ngọc trai thì ông đi đầu xuống đất. Hôm nay lại đến ton hót, có ý đồ gì đây. Ông chỉ thử một tý là lòi cái đuôi ra thôi mà:

– Thế hử, dẫn ông đến tận nơi xem nào.

Tưởng thật, nó thao thao bất tuyệt:

– Họ phán đúng lắm ông à, cứ vanh vách như người trong nhà, nghe mà sướng cả tai. Ông muốn gặp ai cũng được, từ cụ tổ dăm bẩy đời đều về, thương con thương cháu lắm. Cô Sen mà gọi thì gặp bố ngay, chả phải ra Cồn Bà, cồn ông gì cả.

– Ừ hay đấy, còn gì nữa không. Ông Tiên ngắt lời.

Toái gãi đầu gãi tai, hì hì:

– Ông ạ, ông cho con cái chân kéo chuông nhà chùa thế này, con biết ơn ông lắm, Cả làng này có ai được như thế đâu. Nhà con ruộng đất thì ít, lại đông con một lũ lít nhít, thằng lớn sắp lấy vợ.

– Thì sao nữa.

Ông Tiên giục nói tiếp thì nó cứ chần chừ…

Thì ra, khi nghe tin vợ chồng anh Cốc chết, cả nhà Toái đã bàn với nhau phải nhanh chóng gặp ông Tiên để xin ba việc: Một là được đánh chuông treo trong lầu, mỗi lần có lễ là nhiều lộc ra phết. Hai là xin được chân sào đi biển với Tráng, thế nào chả kiếm được vài con mang về. Cái thứ ba, quan trọng nhất, xin được thổ đất Cốc đang ở, nghịch thì nghịch với ai, chứ đất không sợ Toái thì thôi. Thế là Toái nhăm nhăm đến thưa chuyện với ông bà Tiên. Việc thứ nhất coi như thắng lợi. Hôm lễ an táng vợ chồng Cốc, tiếng chuông của Toái đã dõng dạc vang lên.

Toái còn đang chần chừ thì thầy Lang Tế đã nói:

– Hôm ấy, Tiếng phan chuông (chuông treo) nghe thì có tiếng, nhưng không có hồn. Phải hiểu rằng: Khi âm thanh huyền diệu ngân vang, sẽ làm chuyển hóa lòng người, trở nên nhẹ nhàng, thanh thản. Chí tâm duy nhất là sống theo lời Đức Phật dạy, mang ích lợi cho mình, cho người trong từng khoảnh khắc hiện tại của cuộc đời vô thường. Người đánh, phải thổi được hồn mình vào tiếng chuông. Anh buồn, sao gieo vào lòng người niềm vui được. Kẻ bất nhân, sao tạo được những âm thanh trong sáng, bay bổng, vang xa thấm đậm tình người. Đúng không nào?

Ông Tiên nói rõ thêm:

– Tuyệt vời như vậy, chứ không như mọi người nghĩ “vào chùa là được ăn oản”.

Thầy thâm thúy quá, Toái như nuốt từng, câu chữ, nghĩ mà ngượng muối mặt, ề à mấy câu rồi ra về. Mang mối hận thù này. 

Exit mobile version