Phần 18

Hai vợ chồng Á Bung về đến đầu cầu sông Nê thì trời xế chiều. Cánh cổng vào làng Bái Môn đã phá dỡ. Thay vào đó là mấy tấm mẹt tre viết chữ O, chữ A, chữ E treo trên bụi tre. Ai đi qua cũng dừng lại đọc và khen nhau: “thế là đã biết chữ rồi”. Thấy lạ A Hiêng hỏi:

– Cái gì thế Á Bung à?

Hồi còn bé, Á Bung cũng đi học được ít ngày rồi nhà nghèo, phải đi biển cùng bố câu mực nên bỏ học, mấy chữ kia thì đọc được. Đang do dự thì một ai đó dừng lại nói:

– Xóa nạn mù chữ đấy, đi học bình dân học vụ đi.

Á Bùng hiểu ra, nói với A Hiêng:

– Ở đây học, thì trên ngược ta cũng sẽ học đấy.

A Hiêng vui vẻ hưởng ứng:

– Tao cũng đi học lấy cái chữ à.

Đi qua cầu khỉ một tay vịn, nước sông Nê xanh biếc, không còn bên lở bên bồi, bên trong bên đục. “Lời nguyền của dòng sông” đã trôi ra biển khơi. Hai người đi tuột vào làng.Đang mùa gặt sau trận đói, nhà nào cũng thóc lúa đầy sân, rơm rạ phơi rắc ngập lối đi. Mùi cơm mới thơm lừng, quyện trong khói bếp lan tỏa trên các mái nhà. Đời sống mới đã khoác cho Bái Môn một tấm áo lạ lùng. Cũng như Á Bung, núi rừng, gian khổ đã rèn luyện Á Bung, thay hình đổi dạng. Khi đi là chàng trai nhút nhát, sống với người Sán Dìu trở thành thầy mo Á Bung. Bây giờ trở về, có thêm A Hiêng và gọi lại cái tên Bùng. Không kịp hỏi ai, Bùng rảo bước về nhà cho thỏa lòng mong đợi. Vừa bước chân vào đầu ngõ, trong nhà đèn sáng trưng, mừng rỡ, thế là bố còn sống. Bùng định cất tiếng gọi “Bố ơi” thì trong nhà vang lên tiếng đọc bài, đồng thanh đều đều: “i tờ, tờ i ti”. “o tròn như quả trứng gà”… Tiến thẳng vào sân, nhìn vào trong nhà người đông đúc quá, cô giáo dạy học lại là Na. Kia nữa cả thằng Á Coi, về rồi mà cứ im hơi, lặng tiếng để tao lo. Đang suy nghĩ điểm danh trong đầu thì thằng Á Coi nhìn thấy reo lên:

– Kìa cậu Bùng đã về rồi, bà con ơi!

Cả lớp học ngơ ngác nhìn ra cửa, giây lát bàng hoàng qua nhanh. Tất cả đứng dạy ùa ra ôm chầm lấy Bùng và A Hiêng. “Mày đã về đấy Bùng ơi!”. “Cháu còn sống à, cháu ơi. Về đến nhà thì bố đã chết rồi”. Bùng không biết trả lời ai và nói như thế nào cho hết nỗi khổ, đau thương dồn nén. Nước mắt trào ra, Bùng và A Hiêng, đứng trước bàn thờ bố, bao ngày nguội lạnh khói hương. Na và Còi lấy vội hai tấm khăn trắng thay tang, quấn lên đầu Bùng và A Hiêng. Bà đỡ đứng bên, nhanh mồn, nhanh miệng đã nói trong nước mắt:

– Cái đói, cái bệnh đã mang bố con đi rồi. Hai vợ chồng khóc nữa đi, khóc to lên cho bố nghe thấy, cho trời cao, đất dầy thấu hiểu. Bao sự đời oái oăm đã đè nặng lên đôi vai gầy của người dân xứ này.

Thế rồi bà đỡ, người đỡ đẻ cho Bùng ngày nào, cũng đi học lớp này đã òa lên khóc, bà gào to như người khóc mướn, khóc thuê…

Lớp học tan, mọi người về rồi, Bùng, Còi, Na và A Hiêng đã thức đến gà gáy sáng, nhưng chẳng nói với nhau được lời nào, cổ nghẹn đắng. Đột nhiên Còi đứng dậy thổi phụt cây đèn, căn nhà tối om. Còi nói:

– Đêm hôm ấy là như thế.

Trong đầu mọi người nặng chĩu những hình ảnh cái đêm đau thương, đứng trên bờ vực thẳm mà không bao giờ quên:

“…Ở góc chuồng trâu, Còi bị trói chặt vào cọc, đầu ngọe xuống, tóc rũ rượi như người sắp chết. Con trâu mộng nằm ở bên cạnh thở phì phì, kéo nắm rơm nhai kèn kẹt. Ngoài vườn tiếng ếch nhái kêu oàm oạp báo hiệu trời sắp mưa

Na giật mình tỉnh dậy, toàn thân đau ê ẩm nhưng cố ngóc đầu lên nhìn khắp lượt. Đây là đâu?. Trời tối như mực, qua kẽ cửa nhỏ, Na đứng dậy lần sờ. Thấy động, người canh gác ở phía ngoài mở cửa xông vào. “Na em ở đâu?”. Tiếng gọi thì thầm, Na giật mình run bắn, nép vào một góc im lặng. “Anh đây, Bùng đây, anh vào cứu em đây, mau đi nào”. Phải câu thứ hai thứ ba Na mới tin và lên tiếng: “Anh Bùng ơi cứu em với”. Trong bóng tối hai người ôm chặt lấy nhau, Na khóc ầm lên. “Không được khóc, nó nghe thấy thì chết, chạy đi với anh” chần chừ giây lát Na hỏi dồn: “Anh Còi đâu rồi? “. “Nó bị nhốt trong chuồng trâu”. “Hãy cứu anh ấy trước đi, rồi về cứu em”. “Mặc kệ nó, em phải đi ngay”. “Không, anh ấy đói lắm sắp chết rồi”. “Anh có củ khoai đây”. “Mang ngay đi”. Na đẩy Bùng ra khỏi cửa rồi ngồi sụp xuống đất…”.

Phá tan không khí im lặng chìm xuống, A Hiêng nói bằng tiếng Sán Dìu, Bùng dịch lại rằng: “Ở dưới xuôi, ở trên núi, đâu đâu cũng có kẻ xấu lấy máu người đổi lấy đất. Cầu xin Thần đất che chở cho chúng con”.

Biển đông, mặt trời ửng đỏ. Bình minh đang lên.

Được tin thằng Bùng mang cả vợ về, ông Tiên mừng lắm. Cứ mỗi ngày, lại có người trở về từ cõi chết. Ông định thân hành sang nhà, xem ra sao thì chúng nó đã kéo đến. Ông cho trải chiếu ở giữa sân, gọi tất cả mọi người ra trò chuyện. Bùng mở đầu câu chuyện:

– Bẩm thưa cụ.

Ông Tiên gạt phắt:

– Không bẩm báo gì cả, đời sống mới rồi, nôm na thôi.

– Vâng ạ, sáng nay anh Tráng và cháu Xoa đã dẫn ra thắp hương cho bố cháu rồi. Cháu rất biết ơn ông đã cho bố cháu được yên nghỉ ở bãi tha ma Hoang Điền, trên quê hương đất tổ. Trong những ngày phiêu bạt một sống một chết, cháu và Còi đã được trưởng bản Á Pàu che chở và cưới vợ cho. Hôm nay về đây ra mắt, họ hàng nhà cháu chẳng còn ai. Cháu xin trình lên Ủy ban xã để được làm dâu trong làng và có nơi, có chốn đi về.

A Hiêng chắp tay cúi đầu và nói một câu tiếng Sán Dìu. Bà Tiên vẫy tay, gọi ngồi gần bên bà. Ông Tiên thân mật gật đầu nói:

– Được rồi, có đầu có đuôi thế là tốt. Các cụ nhà anh ngày xưa ở bên này tôi biết, giỏi giang tháo vắt lắm. Dù sóng to, gió lớn đến mấy cũng không làm gì nổi các cụ. Vượng phúc nhà anh lớn đấy.

– Vâng ạ, còn chuyện này cháu xin thưa với ông.

– Còn chuyện gì nữa? Ông Tiên nhẩn nha hỏi lại.

– Thưa thế này ạ. Vợ chồng cháu về thắp hương cho bố cháu rồi, vài ba hôm nữa cháu xin phép ngược lên quê vợ. Trưởng bản Á Pàu đã cho cháu được mang tên họ người Sán Dìu và được bà con coi như họ hàng dân bản. Cháu đã có nhà, có đất trên Núi Đèo, và bây giờ xin cho cháu Xoa đi nữa, nhà cháu ở đây thấy làm lớp Bình dân học vụ là rất mừng; Vì vậy chúng cháu xin dâng hiến vào đất công để làng sử dụng công ích. Xin ông chấp nhận để cho chúng cháu vui lòng.

Ông Tiên ngạc nhiên, nói như reo lên:

– Trời ơi! đáng phục, đáng phục quá. Từ ngày tôi làm lý trưởng, đến nay làm chủ tịch chưa thấy có ai như anh. Tôi chỉ xử kiện người ta tranh giành cướp đất. Cha bỏ con, vợ bỏ chồng. Anh em chém giết nhau cũng chỉ vì đất. Thế mà… Ngừng một lát ông hỏi tiếp – Tất cả là bao nhiêu? Còn giữ được văn tự không?

Xoa ngồi phía sau tiến lên, hai tay nâng cao ống quyển bằng tre mầu vàng đã cũ, thưa:

– Thưa cụ, tất cả văn tự có trong hai ống quyển này ạ.

Thì ra lúc nhắm mắt ông Hoài bố của Bùng đã dặn Xoa một điều bí mật: “Cháu ngoại của ông à, ông chết đi chẳng có gì để lại cho thằng Bùng. Ông chỉ có năm sào ruộng ngoài bãi và hai sào đất trong làng cùng ba gian nhà. Lo việc cho ông xong, mai mốt cháu sang nhà lấy các văn tự mang về bên này. Ông để trong ống quyển bằng tre. Cháu trèo lên cây kèo đầu hồi bên trái, từ nóc xuống ba thanh rui, có hai ống tre ông buộc chặt vào đấy. Trong đó một ống là ống quyển, đựng các văn tự nhà đất, còn ống kia đánh lạc hướng kẻ ăn cắp. Cháu phải dấu kỹ và không được nói cho ai, bao giờ thằng Bùng về thì cháu đưa cho anh ấy. Để lộ ra là chết, thằng Bằng con nhà Phiệt nó hung hăng lắm, táo tợn hơn cả bố. Không biết chừng nó giết thằng Bùng, cướp trắng ruộng đất để trả thù. Cháu nhớ chưa nào? Ống quyển…ống quyển, cướp trắng ruộng… ruộng đất.”…

Ông Tiên lặng lẽ viên điếu thuốc lào, hít một hơi thật dài rồi nhả khói mù mịt, che kín những giọt nước, trên mi mắt sắp tràn xuống má.

– Quý lắm! quý lắm – Ông nhẩn nha nói – Ngày mai tất cả ra đình làm lễ dâng lên Thành Hoàng làng.

Lập tức, thằng Bỗng ủy viên ban thông tin theo lệnh của ông Tiên trèo lên chòi ở cây đa phát đi tin tức đặc biệt về buổi lễ ngày mai.

Dân làng xôn xao, chuyện chưa từng có ở làng Khánh Hữu. Kẻ giết người, cướp đất thì nhiều. Người hiến đất xung công thì đâu có, hiếm thật, hiếm thật. Thằng Bùng và cháu nó là thằng Xoa không bán lấy tiền, mà lại xung công điền, hì hì oai ra phết. Ông Tiên làm lễ dâng lên Thành Hoàng làng là phải. Cái gì cũng vậy phải có đầu có đuôi, đất cát của nhà này cho nhà khác thì kệ, sang tên văn tự là xong. Đằng này xung vào công điền phải được Thành Hoàng, Thổ công, Chúa đất chứng giám. Đấy bà con thấy không, bên làng Hữu Tiến mang đất công đi bán để lấy tiền mừng đám cưới con thượng cấp. Lại còn chuyện, quan Tri huyện đem đất công ra gán bạc. Nhà Hương Cán đấy, xây mồ mả ở đất công, lại còn to mồm. Cái gì cũng mang đất ra để mà thế mạng, rồi trời phạt, làm ăn lụn bại không ngóc đầu lên được cho mà xem.

Sân đình chật cứng người, bao nhiêu sự kiện đã diễn ra ở đây rồi, hôm nay lại đông như hội. Chuyện cũng rôm rả, người khen, người tiếc ông Hoài mất sớm. Thường hay có chuyện như vậy, người tốt thì chết sớm, kẻ ác thì trời đánh cứ nhơn nhơn gây tội. Ông Hoài thật điềm đạm, sống có đức có tình. Mỗi lần đi biển, khi ai gặp khó khăn ông đều giúp. Chỗ nào có đàn cá ngon ông dành cho bạn thuyền. Một lần, bão lật chìm hàng loạt thuyền, ông đã đẩy thuyền cho người bám vào lênh đênh trên biển mấy ngày liền, mới vào được bờ. Bây giờ con trai lại mang ruộng đất xung công, thật là phúc đức. Thành Hoàng làng sẽ phù hộ, độ trì cho con cháu hạnh phúc viên mãn.   

 Một hồi trống chiêng mở hội, ông Tiên làm chủ lễ, theo sau là Bùng, A Hiêng và Xoa. Tất cả đều xúng xính trong bộ quần áo lễ, đỏ rực, đầu đội khăn đỏ. Bùng và Xoa đội mâm lễ đặt hai ống quyển trên đầu. Quỳ trước ban thờ Thành Hoàng, ông Tiên dõng dạc đọc văn tế: 

Chúng con kính cẩn cung thỉnh

Thành Hoàng làng, bản cảnh hiệu: Linh Phù hiệu Ngưng, hậu Dực Bảo Trung hưng Uy linh Chiêu Ứng, Hộ Quốc Năng Hạnh tối linh.

Nhớ đức thánh xưa

Vốn giòng hào kiệt

Dẹp giặc xong

Đắp đê lấn biển

Mở mang bờ cõi

Lập làng Khánh Hữu.

Đời đời hậu thế mai sau

Nhớ ơn mãi mãi dài lâu phụng thờ.

Trống chiêng nổi lên

Nay chúng con gia tộc Trần Hoài

Cùng với gia tộc Vũ Xoa

Xin dâng lên Thành Hoàng

Thổ công, Chúa đất

Năm sào ruộng bãi, ba sào thổ trạch

Xung hiến công điền

Xây nhà công ích.

Mặc cho con tạo xoay vần

Chữ nhân, chữ hiếu làm đầu

Quốc, Dân, Gia tộc trước sau vững bền.

Lòng thành lễ vật dâng lên

Ban cho hạnh phúc bình yên mọi nhà

Thế thế suy tôn Thần Thượng Đẳng

Nhân nhân, bái phục Thánh thiên đồng.

Chúng con kính cẩn cung thỉnh

Đồng phụng bái!

Trống chiêng nổi lên một hồi dài, tất cả dân làng đến dự cùng chắp tay vái lạy, hân hoan đón chào người con nhân, hiếu. Giữa sân đình họ vây quanh Bùng, A Hiêng và Xoa. Đặc biệt ai cũng tận mắt xem A Hiêng cô gái Sán Dìu tốt bụng, làm dâu làng mình. A Hiêng nói tiếng riêng của mình, Bùng liên tục dịch cho mọi người hiểu: “Thế này các bác ạ! Cô ấy nói rằng: Tôi rất vui, lần đầu tiên được biết người miền xuôi, rất thân thiết, nhân hậu, quý mến nhau. Ở đây có cái đình to, linh thiêng và đẹp lắm. Về nhà, tôi sẽ kể lại cho dân bản nghe. Làng này là của chồng, tôi sẽ phải về thăm luôn để gặp gỡ các ông, các bà. Vui lắm, vui lắm rất biết ơn mọi người…”.

Đáng nhẽ ngày mai, Bùng và A Hiêng ngược về Núi Đèo nhưng ông Tiên giữ lại:

– Nhân thể chúng mày về, tao sẽ tổ chức đám cưới cho mấy đứa luôn thể. Thằng Bùng cũng họ hàng con cháu cả.

Bùng chưa hiểu nên hỏi lại:

– Thưa ông đám cưới ai ạ?

– Rồi sẽ hiểu. Bây giờ đời sống mới rồi, không mâm cao cỗ đầy gì cả. Hạnh phúc sau này mới quan trọng.

Sân đình lại diễn ra một sự kiện quan trọng nữa, thật bất ngờ – Đám cưới tập thể đời sống mới cho các đôi uyên ương: Tráng và Sen, Cốc và Sự, Còi và Na. Khi ở tuổi thanh xuân, đói kém, nghèo nàn và muôn vàn trắc trở, họ không thể vượt qua để đến với chân trời hạnh phúc được. Bây giờ đã qua cái chết, cái đói và những rạn vỡ của mảnh đời, họ tìm về với nhau trong muôn vàn yêu thương. Được ông bà Tiên nhân ái lo cho tất cả, không có nhà ông sắp đặt như thế này: Tráng và Sen ra vườn bẫy chim, nhường nhà bị cháy cho con trai, Còi và Na. Cốc và Sự về nhà Na bên Bái Môn. Đời sống mới, nhưng họ vẫn không quên lệ làng. Mỗi cặp nộp treo cho làng hai nghìn viên gạch để xây đường…Ông Tiên cho người sửa sang lại nhà cửa, tuy chưa được khang trang lắm, nhưng là của chính mình không kẻ nào dám nhòm ngó, an cư thì lạc nghiệp. Tất cả đều hoan hỉ, sáu cô dâu chú rể, thường ngày ai chả biết, hôm nay trông lạ hẳn:   

Tráng và Sen cách nhau nhiều tuổi. Tuổi đời thì xa, tình đời là một. Đói nghèo, khổ đau đã xích họ lại gần. Tất cả đã cho đi, hôm nay nhận lại muôn vàn tình thương, bao la như biển cả.

Cốc anh tá điền cục mịch, Sự cô gái bán chiếu gom, đến với nhau bằng những câu hát trữ tình, lãng mạn: “Thấy em nằm đất anh thương”. Họ đã vượt lên tất cả để hôm nay “Có chiếu hoa em nằm, có chăn em đắp, có trầm em đeo”.

Còi và Na tưởng rằng, đâu có ở với nhau kiếp này, thề ước, hẹn gặp kiếp sau. “Con thuồng luồng nổi trên sông Nê vào những đêm trăng sáng, có hai núm vú xinh xinh chọc thẳng lên trời cao”. Hôm nay chú rể cài lên đó những bông hoa trắng muốt.

Hạnh phúc của những số phận không định trước.

Rất vui, Thắng và Hạnh Mỹ cũng về dự, trao tặng cho mỗi cặp một đôi áo gối thêu hai con chim bồ câu trắng.

A Hiêng thẹn thùng, tháo chiếc vòng bạc trên cổ đeo cho Na và nói bằng tiếng riêng của mình, nghĩa là: “Đây là vòng bạc của A Hoa tặng cho Còi. Câu chuyện của họ đã trở thanh huyền thoại, người Sán Dìu rất trân quý và giao cho A Hiêng giữ. Bây giờ Na đeo, tình nghĩa chúng ta thật gắn bó keo sơn”…

Không ở lại lâu được, xong đám cưới tất cả phải lên đường. Thắng, Hạnh Mỹ, Còi tiếp tục đi diệt giặc dốt. Bùng, A Hiêng và Xoa ngược lên Núi Đèo. Họ ra đi không phải để kiếm ăn, mà lần này hứa hẹn sẽ mang về những mùa bội thu. Trước đó thầy Lang Tế đã căn dặn Xoa:

– Con đi với Bùng lên đó, thế là tốt. Những gì thầy đã dạy, phải mang ra mà làm. Người dân tộc có nhiều bài thuốc hay và lạ lắm, chữa được nhiều bệnh, con cố mà học. Trên rừng cũng có nhiều loại cây thuốc quý. Thầy đã lực bất tòng tâm, tất cả trông cậy ở các con. Trông cậy ở ngày mai. Nhớ nhé, hiểu chửa?

Đã bao nhiêu ngày cắp cáp đi theo thầy, Xoa đã học được rất nhiều điều, biết được nhiều bài thuốc. Bây giờ cùng cậu mợ lên rừng lập nghiệp, xa xôi, cách trở. Nhớ công ơn thầy và gia đình nuôi dạy, Xoa cúi đầu quỳ lạy, bà Lang ôm Xoa vào lòng nói:

– Mẹ con đã mất, còn có ông bà, đây là nhà, là chốn đi về của con. Cậu cháu, anh em phải đùm bọc lấy nhau. Sống trên đất khách quê người, có muôn vàn khó khăn cố gắng vượt lên các con nhé.

Mãi đến bây giờ, Còi và Na mới vội vàng chạy về. Thì ra ngay từ sáng sớm họ đã rủ nhau ra bãi cát ven biển, nơi có cây phi lao trói Na để Lý Khoái hành hình gọt đầu bôi vôi. Còi chặt phăng cây phi lao đổ rầm xuống đất. Ông Tiên biết, Còi chắp tay thưa, ông gạt đi và bảo:

– Xử sự như thế là được, chí nam nhi phải thế. Cây này đổ. Cây khác sẽ mọc lên tươi tốt hơn. 

Bà con xóm làng vây quanh, người cho dăm ba ống muối, người tặng đầy bị cá khô làm quà. Ai cũng bịn rịn nhớ thương. Thằng Quốc bốn ngón dẫn mẹ nấp sau khóm tre, rồi cả thằng Nho, túm tụm lại bàn tán. Mẹ thằng Quốc cầm nắm muối, gói trong lá khoai, xắn váy ném tung tóe vào bụi tre, mồm lẩm bẩm “ba hồn chín vía, chúng mày xéo đi cho sạch đường, sạch chợ…”. Thằng Nho chẳng thèm để ý bà ấy nói gì, tít mắt nhìn chằm chằm vào A Hiêng thều thào: “Đẹp quá mày ạ, con vợ tao xách dép cho nó”. rồi chạy ùa ra, tay cầm cái nón mới tinh đội lên đầu A Hiêng: “Tặng em đấy, rồi anh sẽ ngược Núi Đèo tìm em”. A Hiêng liếc mắt cười, nói tiếng riêng của mình chẳng ai hiểu gì, nhưng Nho lại sướng rên, nghĩ trong bụng “Cắn câu rồi”. Thì ra mấy hôm trước, Nho đã tranh thủ ra hiệu bằng chân tay, thay cho lời nói với A Hiêng được mấy câu. Đêm về, mơ màng yêu thầm, nhớ vụng. Cái tính dại gái ấy, cả làng này ai chả biết.

Thắng dẫn đầu đoàn lên đường, khuất dần, khuất dần sau những rặng tre.

5

Làng Khánh Hữu bây giờ nổi bật hơn nhiều làng khác. Như ông Tiên thường nói “Khánh Hữu vẫn là Khánh Hữu”, nghĩa là vẫn giữ vững truyền thống từ thời khai sinh lập địa. Làng có đình, có chùa, có đường lát gạch, có sông, có biển, có chợ. Nhất cận thị nhì cận giang. Già trẻ, gái trai thì gia phong lễ giáo, đói cho sạch, rách cho thơm. Nhưng suy đi tính lại, ông Tiên vẫn thấy thiếu một cái gì đó, nghĩ mãi không ra. Ông bèn đến nhà thầy Lang Tế để bàn bạc:

– Thầy tính xem, thế này có được không nhé? Cái nhà của thằng Bùng xung công, nếu chỉ để lớp bình dân học vụ học ban đêm, còn ban ngày bỏ đấy thì phí. Tôi định cho mở thêm lớp học chữ Hán như mình ngày xưa ấy. Lúc giao thời chữ Hán và Quốc ngữ đều cần đấy thầy ạ.

Thầy Lang Tế suy nghĩ một lúc, rồi chậm rãi nói:

– Quả là thế, nhưng người theo học thì có mấy đâu. Tôi nghĩ, ta nên mở lớp đồng ấu cho các cháu. Dạy con từ thuở còn thơ mà.

Ông Tiên vỗ đùi đánh đét một cái:

– Hay, hay, thán phục thầy. Tôi sẽ đệ trình lên thượng cấp xin mở lớp Đồng ấu, đồng thời cũng là chỗ cho chúng nó chơi, tập trống tập hát. Đội trống ếch mỗi lần có công, có việc cứ tìm cuống cả lên, mỗi đứa giữ một cái mang về nhà. Đội kỳ lân cũng mang về đây hết, không để ở đình nữa.

Hai ông lại khề khà, nâng ly rượu làng Vân, tiếp tục câu chuyện:

– Còn chuyện này nữa thầy ạ.

– Vâng, ta cứ bàn kỹ đi, rồi đâu sẽ vào đấy. Thầy Lang Tế gật gù nói.

– Cái nhà thằng Xoa, tuy nhỏ nhưng nó nằm giữa làng, thuận tiện cho mọi người. Hay là ta làm nhà hộ sinh. Mấy làng, mới có một bà đỡ, cứ xách bị đồ nghề chạy lung tung, hết cô này, đến bà kia đẻ. Ngay cả bà nhà tôi, nhiều lúc bí cũng phải đỡ. Cái thằng Sửu đẻ ở bụi chuối, may mà còn sống. Có nhà hộ sinh, ai cần, cứ đến đấy mà đẻ. Có sướng không nào?

Thầy Lang Tế đặt chén rượu xuống tràng kỷ:

– Thật chí lý.

– Có nhà hộ sinh lại có hiệu thuốc bắc Tế Mỹ của Thầy, hơn cả nhà thương ấy chứ lỵ

Ông Tiên ví von như thật, mà đúng thật, sân đình một thời như nhà thương giã chiến đã cứu bao nhiêu người qua đại dịch thố tả rồi còn gì.

Không chần chừ, ông Tiên cho thằng Bỗng đi tìm bà đỡ về để giao việc luôn.

Bà đỡ chả ai biết tên là gì, làm nghề đỡ đẻ từ bao giờ. Quê quán ở đâu nào có ai hay, chỉ nghe phong thanh, hồi nhỏ bà đi ở cho nhà chánh tổng tận trên Phú Bình. Một đêm trời mưa to, gió bão thì bà chánh đau đẻ. Ông chánh cuống cuồng, cho phu cáng bà lên Phủ lỵ, không đi được vì trời mưa to quá. Tìm bà đỡ thì chẳng biết đâu mà lần. Đau quằn quại suốt chiều lại đến đêm vẫn không đẻ được. Cuối cùng bà đầy tớ, đang làm cho nhà mình, liều thay “bà đỡ ” lôi đứa bé chết lưu ở trong bụng bà chánh ra. Đứa con đích tôn của ông chánh qua đời, ông điên lên, đổ vạ và chu di tam tộc cả nhà, tịch biên toàn bộ đất đai, thổ trạch. Ông bà, bố mẹ bà ta chết hết, đất đai nhà cửa không còn, bà sợ quá bỏ làng trốn biệt. Lang thang khắp nơi đầu đường xó chợ kiếm ăn. Thế rồi một lần nữa bà lại đỡ đẻ. Chuyện thật nực cười, trên cây cầu khỉ, có một cô gái đầu đội thúng thóc đi đến giữa cầu thì đau đẻ. Một tay cô giữ thanh vịn, một tay đỡ thúng thóc, nếu buông tay ôm bụng thì ngã xuống sông, đứng giữa cầu kêu cứu. Từ đằng xa nhìn thấy, bà liều mình chạy ra, nhanh tay hất thúng thóc xuống sông và ôm chặt lấy cô gái. Lần từng bước bà dìu qua cầu, vào tới bờ để nằm xuống vệ đường. Đẻ. Đứa bé được bà cắt rốn, mẹ tròn con vuông. Vợ chồng cô gái mừng rỡ, mời bà về nhà ở và nhận là mẹ. Bà được mọi người quý mến, cái tên bà đỡ bắt đầu từ đấy.

Chưa bước chân vào nhà, bà đỡ nói như lệnh vỡ:

– Chẳng hay có việc gì mà cụ lý cho gọi con đấy ạ. “Cóc ngồi đáy giếng” mà cụ.

Thầy Lang Tế cười vang hài hước:

– Ấy vậy đấy, không ngồi đáy giếng thì sao biết được nông sâu.

Bà đỡ đối đáp luôn:

– Các cụ cứ ở trên hét, chúng con cứ ở dưới gào thế là chẳng ai nghe được của ai.

– Thế bây giờ tôi hét đây. Có nghe không? Ông Tiên ngắt lời.

– Cùng ngồi trên cả. Con nghe đây ạ. Bà đỡ lễ phép ngồi im.

– Từ ngày mai, bà không phải xách bị đi đỡ đẻ ở đâu cả.

– Dạ thưa cụ, người ta đẻ mà con không đến thì tội to lắm ạ. Trời đã phái con xuống trần gian để cứu dân độ thế mà.

Lâu nay Bà đỡ vẫn đinh ninh như vậy, là con Trời con Phật, bao giờ đưa được chín trăm chín mươi chín trẻ sơ sinh ra chào đời, thì bà mới được về Trời. Ông Tiên lâu nay vẫn nghe người ta đồn đại như vậy, bây giờ có dịp ông liền hỏi:

– Đã đủ chín trăm chín mươi chín cháu ra chào đời chưa?

– Cái đó do các quan Nam tào, Bắc đẩu biên sổ, con đâu dám, bao giờ Thiên đình gọi là đi thôi cụ ạ.

– Lâu nay chúng tôi có lỗi với Trời để bà vất vả, xin trời tha tội – Ông Tiên tự nhận lỗi – Bây giờ làng có nhà hộ sinh, tôi mời bà về đây ở và làm việc luôn. Làng trên xóm dưới ai cần đẻ cứ đến, bà không phải đi lại vất vả. Khi có người bị sản giật, trẻ con bị ốm đau thì đã có Hiệu thuốc Tế Mỹ của Thầy đây hiệp lực, Bà thấy thế nào có được không?

– Thật phúc đức quá! – Bà đỡ xoa hai tay, cảm kích – Từ bé đến giờ con chưa biết cái nhà hộ sinh nó ra làm sao. Được các cụ quan tâm thế này thì chẳng mấy chốc làng Khánh Hữu bù được hàng trăm người chết đói, chết dịch.

Ông Tiên ngần ngừ giây lát rồi nói:

– Bây giờ chỗ đẻ có tên là nhà Hộ sinh, hay là…bà  cũng mang một cái họ tên gì đó cho nó hợp, chẳng hạn như Mã Thị Dậu, họ của nhà tôi đấy.

Bà đỡ bạo mồm bạo miệng thưa:

– Thưa cụ, con đâu dám, thân con đã khổ rồi, bây giờ mang họ nhà cụ toàn ngựa với gà, chẳng may sẩy ra chuyện gì lại mang tiếng cụ. Xin hai cụ để ngoài tai, thân hình người con gái, chỗ đẹp nhất, sướng nhất là cái lồn, thế mà cứ gọi tránh là số ta, là cửa mình, mất cả sướng rồi còn gì nữa. Con cũng vậy, các cụ cứ gọi bà đỡ cho sướng, chứ gọi cái đỡ, con đỡ thì còn gì là nhân đức nữa đâu.

Hai cụ nâng chén nước che miệng cười khục khục.

Ngay ngày hôm sau Bà đỡ dọn về. Gọi là dọn chứ đâu có gì, bà chỉ có hai cái bị, một đựng quần áo và một đựng đồ hành nghề. Ông Tiên cho đóng hai cái giường để cho bà và cho bệnh nhân. Có tấm phên ngăn kín không cho ai nhòm người đang rặn đẻ. Na được ông Tiên giao, kẻ vôi lên tấm cót ba chữ “Nhà hộ sinh” căng ngang cổng, oai ra phết.

6

Hôm nay, đúng con nước thủy triều, thuận cho việc đánh bắt xa bờ. Ông Tiên bảo, phải ra khơi kiếm mẻ cá ngừ, ăn bao nhiêu thì ăn còn phơi khô, tích đấy cho những ngày mưa bão. Tráng và Cốc dậy rất sớm cho thuyền ra khơi đúng giờ hoàng đạo. Sen và Sự đứng dưới gốc cây phi lao tiễn chồng, cho đến khi những con sóng bạc đầu che khuất.

Kể từ đám cưới tập thể đời sống mới do ông Tiên đứng lên tổ chức thì họ mới lấy được nhau. Chứ như xưa, nghèo đói không đất đai, nhà cửa họ đành làm bà cô ông mãnh, chờ lễ Vu lan mới kiếm được bát cháo củ khoai chúng sinh. Các gia đình đều có cuộc sống yên vui, hạnh phúc. Vợ chồng Cốc và Sự không còn bị Bằng quấy nhiễu, đòi nhà đòi đất. Tráng và Sen vất vả một chút, sửa lại lều chăn vịt của chị Sẹo ngày xưa hãy còn tềnh toàng, nhưng suốt ngày vui với đàn vịt, đàn chim trời. Thi thoảng vào thăm ông bà Tiên và mang cho con Sửu rổ trứng vịt.

Còi chỉ ở nhà được mấy hôm rồi lên đường về đơn vị anh Thắng, Na ở nhà một mình trên mảnh đất hãy còn mùi cỏ cháy. Vong linh Bà và mẹ Còi luôn luôn bên cạnh phù hộ cho Na đứa con gái hiếu thảo và dũng cảm. Cánh tay phải của ông Tiên, mỗi khi có công to, việc lớn đều gọi đến Na. Hết dạy bình dân học vụ đến đọc các trát, biểu ở trên gửi về cho ông nghe. Chữ nho, thì ông giỏi cả vùng này không ai sánh kịp, còn chữ quốc ngữ ông đâu có học. Thế đấy!

Na có việc phải rẽ vào nhà Hộ sinh nên ra muộn, vội vã sà vào chỗ hai chị đang ngồi dưới gốc cây phi lao. Bộ nữ tam này, lâu nay gắn bó với nhau như một, chia sẻ con chấy cắn đôi. Người ta bảo “một người thì kín, hai người thì hở”, nhưng chuyện của ba người này thì kín như bưng. Na nhẹ nhàng nói:

– Chị Sự ạ, không thể giữ mãi được đâu. Cái mồm thì ngậm được, chứ cái bụng ngày càng to thì dấu vào đâu. Em đã bị một trận gọt đầu bôi vôi rồi, sợ hết hồn.

Sự vẫn mạnh mẽ như tính nết của mình:

– Tao không sợ, ngày mai tao sẽ đi khỏi nơi này, đẻ xong bế con về.

Sen an ủi:

– Làm thế không được đâu chị ơi. Anh Cốc sẽ bẽ mặt với ông bà Tiên. Chúng em cũng bị coi là vô ơn. Dân làng sẽ nhìn ông bà Tiên ra sao?

Na thêm vào:

– Bao nhiêu công sức ông bà Tiên nuôi nấng chúng mình, cho nhà cửa, đất cát và tổ chức đám cưới, hóa ra đổ xuống sông, xuống biển hết hở chị?

– Vậy làm thế nào bây giờ?

Sự vò đầu vò tai rồi đập thình thịch vào bụng. Nếu nói nữa, chị lại lên cơn điên như ngày nào thì chết, Na và Sen ôm chặt lấy Sự, tất cả cùng khóc. Sóng biển rì rầm, than thở…       

Exit mobile version