Thế là hai bàn tay trắng, đi nhanh, mãi đến gà gáy canh ba Tráng mới về tới làng Khánh Hữu. Đi dọc đường làng không gặp một ai. Vào lúc này trước đây, trong nhà ngoài ngõ đã tíu ta, tíu tít. Người chuẩn bị ra đồng cấy hái, cánh đàn ông khênh lưới, vác chèo xuống bến, đẩy buồm ra khơi. Chợ cá, người buôn, kẻ bán ra vào tấp nập. Vậy mà giờ này im ắng quá, chó cũng không còn mà sủa. Đúng là thiên tai, địch họa. Năm ngoái vỡ đê, nước ngập đến tận nóc nhà. Năm nay giặc Pháp, giặc Nhật vơ hết lúa gạo, ngô khoai đổ vào muôi lính đánh nhau. Người làng này, vừa làm ruộng vừa đi biển mà vẫn không có ăn. Phiêu bạt khắp nơi để làng xóm đìu hiu, hoang tàn. Tráng rảo chân, bước vào ngõ nhà mình. Ôi một đống đổ nát, cổ họng như tắc lại, chân tay bủn rủn chôn chặt xuống đất như bức tượng không hồn. Tráng cố hình dung ra: đây là chỗ mẹ nằm. Buồng đầu chái bên phải là giường ngủ của hai vợ chồng. Buồng đầu chái bên trái dành riêng cho con Mận. Thằng Còi hay đi chơi khuya cho nó nằm ở gian ngoài, đêm hôm bà cần gì thì giúp, nói vậy thôi chứ con trai nó vớ đâu ngủ đấy, có khi lăn ra giữa sân ngủ. Bây giờ mọi người đâu cả rồi? Mẹ ơi, Sẹo ơi, em ở đâu? thằng Còi đâu? cái Mận đâu? về cả đây nào, về nhà đi con.
Bỗng Tráng reo lên: “Mẹ, mẹ ơi, mẹ đã về..” một bóng người lướt nhanh như chạy rồi cất tiếng hát, câu hò ví dặm mà ngày trẻ mẹ vẫn hát
“Bao giờ cho đến tháng năm,
Kiếm bát gạo trần thổi với đỗ đen.
Bao giờ cho đến tháng mười,
Bát cơm thì trắng, bát rươi thì đầy.”
Trong đầu Tráng cũng oang oang tiếng nói từ đáy lòng : “Bao giờ mẹ ơi ? Lúc mẹ chết con không có quả trứng bát cơm, dâng lên cúng mẹ. Con cũng không được đội tang trắng trên đầu. Con bất hiếu với mẹ. Mẹ nuôi con, đâu có tính tháng, tính ngày. Bây giờ con tính tháng, tính ngày để có bát cơm cúng mẹ. Điều ước nhỏ nhoi thế thôi mà không làm được. Cơ cực quá mẹ ơi !’’.
– Đứa nào đấy… ấy?
Tráng ngồi im, hai mắt nhắm nghiền. Người đàn bà nhỏ thó, lưng gù sát đất, cầm cái rổ tuột quai đập vào lưng Tráng:
– Ai như thằng Tráng, phỏng?
Tráng giật mình quay lại, nhận ra chị Tèo mẹ thằng Xoa, anh vội vàng nói:
– Chị, em Tráng đây.
Chị Tèo cố đưa bàn tay run run lên sờ đầu, sờ tai và khắp người Tráng rồi mếu máo khóc:
– Đúng thật mày rồi Tráng ơi, Cả làng ai cũng kháo là mày chết rồi. Còn thằng Xoa em mày đâu? có gặp nó không?
Tráng đỡ chị đứng thẳng dậy, nói to vào tai, vì chị điếc nặng:
– Nó còn sống và gửi tiền về cho chị đây.
– Hở, sống à. Chị lại òa lên khóc. Em về thì mẹ đã chết rồi, cả nhà cũng chẳng còn ai. Ôi trời cao đất dầy ơi, là trời!…
Chị Tèo lăn đùng xuống đất dẫy giụa, chắp hai tay lên trời vái lạy. Không thể kìm nén được, Tráng cũng òa lên khóc, bế chị đứng dậy và dìu ra khỏi chốn đau thương này.
Trên đường ra bãi tha ma Hoang Điền, chị Tèo vừa đi vừa kể câu được, câu chăng về cái chết của vợ Tráng và thằng Sửu, đang được Bà Tiên nuôi nấng. Cái ruột tượng cũ kỹ, có mấy đồng xu bên trong Tráng vừa đưa, quấn quanh người thi thoảng lại tụt xuống kêu lách cách. Chị vừa kéo lên vừa nói:
– Hử, tiền hử?…
– Chị Đong gạo mà ăn. Tráng lại ghé vào tai nói.
– Hử, để dành cưới vợ cho nó chứ, tao ăn củ khoai củ ráy cũng xong. Bãi tha ma Hoang Điền, nằm ngay trên bờ biển. Là bãi cát nên mỗi lần gió bão lại cuốn đi, san phẳng không phân biệt được đâu có mộ, đâu không có mộ. Để nhận diện người ta trồng mỗi mộ một cây vẹt, phía trên cùng là cây đa miếu Thần linh. Vụ vừa rồi làng nhiều người chết quá, Hoang Điền không còn là đất hoang nữa, mà thành một rừng vẹt. Người nhà tìm vào thì cứ từ trái sang phải, từ trong ra ngoài, chiếu theo đó mà nhận. Chị Tèo chẳng nhớ đâu vào đâu cả. Tráng đi thẳng lên miếu thờ Thần linh, thắp hương và khấn xin: “Con lạy các vị Thần linh, Chúa đất, con tên là Trần Văn Tráng người làng Khánh Hữu, vì loạn lạc đói kém phiêu bạt đi kiếm ăn, ngày mẹ con mất, con không được chịu tang, mai táng cho mẹ con. Hôm nay con về thắp hương xin các quan cai quản bãi tha ma Hoang Điền tha tội. Con xin được sám hối cho mọi lỗi lầm Adidaphat”.
Đây là kênh youtube chính thức của nhà văn Võ Thị Xuân Hà, xin mời đăng ký kênh tại đây: Cầm Kỳ Official
https://www.youtube.com/c/CầmKỳOfficial2022
để ủng hộ trang và nhận được thông báo mỗi khi có video mới.
Trên một số nền tảng số khác như:
Facebook: https://www.facebook.com/CamKyOfficial
Website: https://tonvinhvanhoadoc.net
#Võ Thị Xuân Hà
#Cầm Kỳ
#Nàng Thê
Email: [email protected]
Zalo & hotline: 0393 996 018