Mở đất, mở văn? 
Nhân ba rồi lại chia ba 
Nhìn cho kỹ trước khi ba hóa một 
Văn Bắc: những đóa hương đời 
Lời tinh diệu 
Ý thực tế 
Vì sao? 
Văn Trung: chiêm bao thấy núi 
Một ranh giới lạ 
Một thứ văn chương lạ 
Của người, của đất? 
Văn Nam: thoải mái như nước lên 
Ý: gần Bắc hơn Trung 
Lời: không biết tới bờ! 
Nam hóa Bắc, Trung 
Chỉ một loài hoa

Mở đất, mở văn?

Bàn về quá trình mở nước, thì người Tàu đi trước người Việt rất xa. Cách nay hơn hai nghìn năm, họ đã mở xong Hoa Nam, rồi mở tiếp luôn ba quận Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam, tức Bắc bộ và một phần Trung bộ nước ta bây giờ. Từ khi giành lại được độc lập năm 939, người Việt cũng ráo riết Nam tiến, thôn tính hết Chiêm Thành đến Chân Lạp. Sau hơn tám trăm năm liên tục bành trướng, đến khoảng giữa thế kỷ 18, nước Việt Nam chính thức trải dài từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau.

Cùng trong một nước, văn hóa ở mỗi địa phương vẫn hay có sắc thái riêng. Trung Quốc chẳng hạn, giữa thơ văn Hoa Bắc với thơ văn Hoa Nam có những chỗ khác nhau rất đáng kể, như Lâm Ngữ Đường đã trình bày trong danh phẩm My country and my people.(1)

Nước ta, về văn học, giữa miền nọ với miền kia có sự phân biệt rõ ràng như bên Tàu chăng?

Nhân ba rồi lại chia ba

Nói đất nước gồm ba miền Bắc, Trung, Nam, thì bây giờ ai cũng đồng ý, nhưng thực ra cách chia ba như thế bắt đầu từ lúc nào và cụ thể ranh giới mỗi miền là ở đâu?

Nếu căn cứ vào diễn tiến hình thành, nước ta quả gồm ba khu vực.

Khu vực thứ nhất (I) là đất của người Việt cổ, tức người Lạc Việt, mà các nhà nghiên cứu đã chứng minh là chủ nhân của văn minh Đông Sơn, mà theo truyền thuyết là thần dân của các vua Hùng, cư dân của nước Văn Lang. Trong Đất nước Việt Nam qua các đời, Đào Duy Anh khẳng định “miền trung lưu và hạ lưu sông Hồng (…) miền trung lưu và hạ lưu sông Mã và sông Lam cho đến Hoành Sơn, đều là địa bàn sinh tụ của bộ lạc liên hiệp Lạc Việt”(2). Địa bàn ấy lần lượt mất vào tay Thục Phán, Triệu Đà, rồi bị nhà Hán nhập hẳn vào Trung Quốc. Đầu thời Bắc thuộc, năm -111, lưu vực sông Hồng trở thành quận Giao Chỉ, lưu vực sông Mã sông Lam trở thành quận Cửu Chân. Ranh giới Giao Chỉ – Cửu Chân ở vào khoảng đèo Tam Điệp, giữa Ninh Bình và Thanh Hóa ngày nay. Quận Cửu Chân về phía nam chấm dứt ở đèo Ngang (Hoành Sơn), tức đại khái gồm ba tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh bây giờ. Suốt một ngàn năm đô hộ, dân tộc Việt vẫn liên tục định cư tại Khu vực I.

Gần như ngay sau khi đuổi được quân Tàu, lấy lại được quyền tự chủ, người Việt bắt đầu xung đột với người Chàm. Đầu thời Tiền Lê, lúc Lê Hoàn thân chinh phương nam, thì Chiêm Thành đã bắc tiến tận Hoành Sơn, tức đến sát địa phận nước ta. Trước đấy, vào thời nhà Đinh, quân Chiêm đã âm mưu đánh úp kinh đô Hoa Lư của Đại Cồ Việt. Cuộc tử chiến Việt – Chàm kéo dài hơn bảy trăm năm, kết thúc năm 1697, khi chúa Nguyễn lấy nốt phần đất cực nam của Chiêm Thành. Khu vực thứ hai (II) là toàn bộ đất Chàm cũ, kéo dài từ Quảng Bình đến Phan Rí.

Cuộc Nam tiến của dân tộc Việt ở khúc giữa vất vả bao nhiêu thì ở đoạn cuối dễ dàng bấy nhiêu. Trước khi lấy nốt mảnh chót của Chiêm Thành, nhân nội bộ Chân Lạp chia rẽ chúa Nguyễn đã bắt đầu lấn chiếm vùng Biên Hòa-Gia Định; sau đó, nhờ hoàng tộc Miên tiếp tục lủng củng nặng nề và nhờ công Mạc Cửu, chỉ thêm sáu mươi năm nữa nước ta đã mở đến tận Cà Mau, Hà Tiên. Khu vực thứ ba (III) vốn là phần phía đông của vương quốc Chân Lạp.

Nước mở xong hơn trăm năm, thì nước chính thức chia ba miền.

Năm 1884, nhà Nguyễn ký hòa ước Patenôtre, chấp nhận để Pháp chia cắt lãnh thổ. Trần Trọng Kim ghi lại thất bại lịch sử: “Nước Việt Nam trước kia, từ Nam chí Bắc là một (…) mà nay thành ra ba xứ: Nam kỳ, Trung kỳ và Bắc kỳ”(3).

So “kỳ” với Khu vực, thấy đại khái như sau: Bắc kỳ là Khu vực I trừ Thanh-Nghệ-Tĩnh, Trung kỳ là Khu vực II cộng Thanh-Nghệ-Tĩnh, Nam kỳ là Khu vực III.

Cửu Chân vốn khắng khít với Giao Chỉ, đến đây bị tách ra mà ghép vào với Chiêm Thành.

“Sự đã rồi”. Hơn nữa, như sẽ trình bày, xem Thanh-Nghệ-Tĩnh là “Trung”, về văn hóa lại không phải hoàn toàn vô nghĩa lý.

Nhìn cho kỹ trước khi ba hóa một

Bắc, Trung, Nam là thế. Thế thì sao?

Từ đầu đến giờ, kể toàn chuyện lịch sử dằng dặc, xa xôi. Từ giờ, xin tập trung chủ yếu vào một quãng thời gian từ khi văn quốc ngữ sơ sinh cho đến mười lăm năm sau khi chiến tranh Việt Nam chấm dứt. Ðại khái, khoảng bảy thập kỷ.

Có ba lý do nên chọn cái khung ngắn ngủi vừa nêu mà ngắm nghía.

Thứ nhất, đến đầu thế kỷ 20 thì Khu vực III, tức Nam bộ, đã ra đời gần hai trăm năm, đã có đủ thời gian để phát triển một sắc thái văn hóa riêng, phân biệt với Trung với Bắc.

Thứ hai, trong phần lớn của bảy mươi năm ấy, nhờ phương tiện mới là chữ quốc ngữ, sinh hoạt văn học của dân tộc Việt Nam từ bắc chí nam đã rộn rịp tưng bừng hơn bao giờ hết; đặc biệt ở Trung bộ, tính chất tự do của nền văn học mới đã làm bộc lộ một khuynh hướng địa phương bấy lâu tiềm ẩn.

Thứ ba, sau năm 1975, do chính trị lại thống nhất, do những đợt di cư liên tục từ Bắc vào Trung vào Nam, do tiến bộ về giao thông, truyền thông, người Việt ba miền đang mỗi ngày mỗi giống nhau hơn, về mọi phương diện.

Trong khung thời gian chọn lựa, độ tương phản giữa sắc thái văn hóa ở Bắc, Trung, Nam cao hơn sau đấy. Riêng về văn học, khối lượng tư liệu có thể dùng để tìm hiểu, so sánh lại đặc biệt đồ sộ.

Nhưng còn “tình hình” từ 1954 đến 1975 trên đất nước ta, nó không đóng vai trò gì đáng kể sao? Cái Bắc, cái Nam trong hai mươi năm ấy liệu có ý nghĩa liên hệ gì ở đây chăng?

Tuy cuộc xung đột vừa qua là ác liệt nhất trong lịch sử Việt Nam, tình trạng chia đôi tương đối ngắn hạn, ở một lằn ranh “nhân tạo” như vĩ tuyến 17, khó ảnh hưởng đến những nề nếp sinh hoạt từ lâu định hình. Mặt khác, việc hai triệu người sống ở phía bắc sông Bến Hải di cư vào phía nam năm 1954 không khỏi làm văn hóa phía ấy biến chuyển lớn. Nhìn lại, cuộc xáo trộn vĩ đại đã tình cờ đóng vai trò khởi đầu diễn tiến xóa mờ ranh giới địa phương, hợp nhất văn hóa dân tộc.

Văn Bắc: những đóa hương đời

Như từng phát biểu (4), vào tiền bán thế kỷ hai mươi, ở nước ta đã xảy ra một hiện tượng văn hóa kỳ lạ. Chỉ trong trên dưới ba mươi năm, dân tộc Việt Nam đã sáng tạo và hoàn chỉnh một mô hình thẩm mỹ mới trong ba ngành nghệ thuật căn bản: văn chương, âm nhạc, và hội họa. Các văn sĩ, nhạc sĩ, họa sĩ Việt Nam đã dùng phương tiện mới tiếp thu từ phương Tây mà sáng tác nên những nghệ phẩm vừa có giá trị cao vừa không thể nhầm lẫn với cái văn, cái hát, cái vẽ của bất cứ dân tộc nào khác. Chẳng những chỉ ở Đông Nam Á yếu nghèo mà ngay khắp Đông Á với những cường quốc như Trung Quốc, Nhật, Hàn, hay ngay cả ở bất cứ khu vực nào khác trên thế giới, dường như xưa nay nhân loại vẫn hiếm khi được chứng kiến Hia Bảy Dặm.

Phép lạ thu ngắn đường, khiến vừa đi đã đến, chỉ xuất hiện khi có sự trùng hợp của một số yếu tố, mà không thể thiếu là nội lực sung mãn của văn hóa bản địa.

Giữa nước nọ với nước kia trên thế giới trình độ văn hóa có chênh lệch, thì giữa miền nọ với miền kia trong một đất nước cũng xảy ra tình trạng phát triển không đồng đều. Xây dựng văn hóa cần nhiều thời gian. Tuy cùng người Việt, nhưng mỗi lần thay đổi chỗ ở lớn, mỗi lần lìa tổ quán đi lập nghiệp nơi vùng đất mới, không khỏi là mỗi bắt đầu tổ chức lại toàn bộ nề nếp sinh hoạt, vật chất lẫn tinh thần. Cái nội lực mới so với cái cũ rồi hơn kém thế nào chưa biết, chỉ biết không thể trong phút chốc mà thành thâm hậu. Vào đầu thế kỷ hai mươi, nhờ ưu thế thời gian, nội lực văn hóa ở Bắc bộ đã đạt mức thượng thừa trong khi ở Trung (trừ vùng Thanh-Nghệ-Tĩnh) và nhất là ở Nam, tình hình sinh hoạt tinh thần đại khái là vẫn còn thuộc giai đoạn cần ráo riết bồi đắp. Hoàn toàn không ngẫu nhiên mà Bắc bộ, tức quận Giao Chỉ đời Hán, nơi cư dân từng nổi tiếng có hai bàn chân không mang được giày, lại xỏ vừa khít vào Hia bảy dặm mà lãnh đạo dân tộc trong công cuộc đổi mới văn hóa ngoạn mục nhất xưa nay.

Văn chương ngoài ấy có gì lạ?

Lời tinh diệu

Thứ nhất, văn Bắc lưu loát đến mức e không còn chỗ cải tiến. Đọc văn xuôi của các tác giả trong Tự Lực văn đoàn, của Nguyễn Tuân, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Nguyên Hồng, Tô Hoài v.v. thời tiền chiến, đọc những tác giả người Bắc di cư và những tác giả người Bắc không di cư thời chiến tranh, rồi đọc Nguyễn Ngọc Ngạn ở hải ngoại, Nguyễn Huy Thiệp, Dương Thu Hương ở trong nước sau chiến tranh, ta có cảm tưởng họ viết thật dễ dàng, chữ nghĩa của họ thật nhuần nhuyễn. Văn xuôi thế, thơ càng thế: những Nguyễn Bính, Nguyễn Nhược Pháp, Vũ Đình Liên, Phạm Thiên Thư v.v., thơ của họ khác nào nước chảy mây trôi. So sánh cụ thể hơn, văn chương Bắc bộ trôi chảy như tiếng Bắc. Có ai để ý, bà cụ hàng nước, bác phó cạo, anh phu xe kéo, cô gái “trong khung cưởi”, dân quê lam lũ mò cua bắt ốc, thậm chí trẻ chăn trâu, hễ cần đối đáp thì từ già đến trẻ nói năng rõ ràng, rành rẽ, thao thao…

Đặc điểm thứ hai của văn Bắc là nó điêu luyện, cũng đến trình độ không biết thế nào cho hơn được. Văn Nguyễn Tuân thơ Vũ Hoàng Chương, chẳng hạn, tinh tế lạ lùng. Lại không khỏi liên tưởng đến lời ăn tiếng nói của người Bắc. Họ “phát biểu” không chỉ “bất tuyệt” thôi đâu, mà còn ý tứ, tài tình quá thể.

Hai chỗ “lạ” vừa nêu, dễ thấy mà cũng dễ giải thích. Châu thổ Bắc bộ là đất “người khôn của khó”, nơi đơn vị căn bản là xóm làng đã được tổ chức hết sức chặt chẽ, tuyệt không còn chỗ cho hành vi bạo động bừa bãi. Ở làng, muốn sống tốt, muốn ăn trên ngồi trước, phải lo luyện cái ngón lưỡi cho dẻo cho tinh. “Thiệt chiến” thường xuyên đời nọ qua đời kia, bảo sao nói năng chẳng nhanh chẳng khéo!

Văn Bắc không phải chỉ khéo, chỉ nhanh.

Nhớ một ý thơ của Chế Lan Viên. Nhà thơ từng so sánh thơ ra đời với hoa nở:

“Nở rồi, trông dễ như không 
Một vùng sáng đọng, một vùng hương bay”

và nhấn mạnh để có hương có sáng, phải có… rễ: “Bắt đầu từ rễ, em ơi!”

Văn xuôi mà như rất nhiều tùy bút của Nguyễn Tuân, như Thương nhớ mười hai của Vũ Bằng, như Dưới bóng hoàng lan của Thạch Lam v.v., thơ mà như thơ Vũ Hoàng Chương, thơ Hoàng Cầm (giai đoạn Về Kinh Bắc), thơ Phạm Thiên Thư, thơ Phùng Cung v.v., thì chính là mỹ thuật ngôn từ ở cấp cao nhất, là những đóa hoa diễm lệ kết tụ từ cái rễ văn hóa Bắc bộ vốn đã tỏa rất rộng, đâm rất sâu vào mầu mỡ thời gian. Đẹp đến mức ấy, lời không chỉ chứng tỏ một năng khiếu đặc biệt về sáng tạo nghệ thuật của cá nhân, mà còn cùng lúc biểu hiện cái tinh hoa của một nền văn hóa kỳ cựu và độc đáo. Tạm gọi thứ lời như thế là mỹ văn – văn đẹp, đẹp cách đầy cá tính, của riêng từng nghệ sĩ và của chung cả một khu vực văn hóa.

Thực ra, văn hóa Việt Nam đã bắt đầu nở hoa từ hàng hai trăm năm trước, qua tài năng của Nguyễn Du, Nguyễn Gia Thiều, Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Công Trứ, Phan Huy Vịnh, Nguyễn Khuyến, Chu Mạnh Trinh, Tú Xương, Tản Đà v.v. Những Vang bóng một thời, Ta đợi em từ ba mươi năm, Về Kinh Bắc, Động hoa vàng, Xem đêm v.v. chỉ là sự kế tục hợp lý.

Ý thực tế

Văn Bắc mãn khai rực rỡ về hình thức. Xét qua nội dung, thấy có tình trạng phát triển thiếu cân đối.

Suy tưởng, chung quy chỉ có hai hướng. Hướng nhìn vào cuộc sống dẫn tới triết lý về nhân sinh, về quan hệ giữa người với người. Hướng nhìn ra bên ngoài đem lại quan niệm về vũ trụ, về hiện hữu, về liên hệ giữa “cõi tạm” với những cái lớn lao, bền bỉ hơn.

Không kể vũ trụ quan của những tác giả cổ điển, là thứ “quan” cũ kỹ, thiếu hẳn sáng tạo, dường như suy tưởng của hầu hết các nhà văn nhà thơ miền Bắc, từ Phạm Duy Tốn, Thế Lữ, Khái Hưng, Nam Cao, Nguyên Hồng, Nguyễn Bính v.v. đến Thanh Tâm Tuyền, Nhật Tiến, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Hoàng Cầm, Phùng Cung v.v. đến Nguyễn Ngọc Ngạn, Thế Giang, Nguyễn Huy Thiệp, Dương Thu Hương, Bảo Ninh v.v. đều xoáy vào cuộc sống, đều thiên vị rõ rệt cái hướng “nghĩ vào”. Viết truyện mà kín đáo, thâm trầm như Nguyễn Huy Thiệp thì hiếm có, “bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu”(5), nhưng tác phẩm của ông rút cục đâu chứa gì khác ngoài những nghiền ngẫm rất thú vị về “một cõi nhân gian bé tí”(6)!

Đã bé, lại “… lắm người nhiều ma”(7). Nhắc ma, nhớ Bốn con yêu và hai ông đồ của Nguyễn Triệu Luật, nhớ những con ma mạn ngược của Tchya, nhớ Yêu ngôn, Chùa đàncủa Nguyễn Tuân v.v. Truyện đầy ma quỷ yêu tinh có thể biểu dương trí tưởng tượng phong phú, chứ không nhất thiết chứa băn khoăn triết lý. Nhắc triết, lại hồi tưởng một số tác phẩm của Vũ Khắc Khoan, Nghiêm Xuân Hồng v.v., loại sáng tác có phảng phất mùi khói hương, hoặc có lởn vởn cảnh thần tiên diễm ảo. Tiên Phật dĩ nhiên xa cõi tục, nhưng cả cảnh lẫn hương đều quen thuộc, ổn định, không liên hệ gì với những trăn trở mới mẻ, mơ hồ. Dường như văn nhân miền Bắc thỉnh thoảng có tạm ngừng chú mục vào cuộc nhân sinh tất bật mà xoay hướng ra ngoài thì lại ưa quanh quẩn trong khuôn sáo hơn là bước ra khỏi nó. Như thể, khi họ hướng ra, là lúc họ cần thư giãn sau khi đã hướng vào quá lâu. Cùng nhìn ra, mà cái nhìn “vô tư” ở Bắc bộ tương phản mạnh mẽ với cái nhìn trầm tư nơi một miền đất khác của quê hương.

Vì sao?

Vì sao ở Bắc xảy ra tình trạng triết nhân sinh lấn triết vũ trụ?

Dường như có ba lý do.

Thứ nhất, châu thổ Bắc bộ nhìn đâu cũng thấy người, nhìn đâu cũng hừng hực hơi người. Sống trên “mảnh đất” mà việc tranh sống rất vất vả vì quanh mình ai ai cũng tích cực tranh, còn đầu óc bụng dạ nào mà nghĩ đến chuyện gì khác ngoài cái sống!

Thứ hai, đất ấy đồng thời là nơi văn hóa phát triển đã lâu đời, chuyện gì cũng đã từng có người ngẫm nghĩ hoặc đem cái ngẫm nghĩ ở đâu đấy về, kể cả chuyện siêu hình. Ở Bắc, con người thi thoảng có điều kiện để miên man ra ngoài cuộc sống thì lại rất dễ bước ngay vào một trong nhiều “lý thuyết” mà tâm thức cộng đồng đã tích lũy.

Như đã trình bày, tranh sống kịch liệt và văn hóa cao cũng chính là nguyên nhân làm văn Bắc có thể đẹp đến mức kỳ ảo.

Về hiện tượng văn Bắc gần như bỏ qua hẳn một hướng nghĩ sáng tạo, có phải còn một nguyên nhân nữa, liên quan đến địa lý?

Một mặt, Bắc bộ có núi cao nhất nước. Mặt khác, Bắc bộ lại có châu thổ tương đối rộng. Tuyệt đại đa số người Kinh sống ở châu thổ, sống xa núi cao. Hoàng Liên Sơn ở xa, mà biển Đông cũng không hẳn gần… Hà Nội, Bắc Ninh. Khi “tìm tòi và suy ngẫm” về văn hóa Việt Nam, Trần Quốc Vượng có nhắc “tư duy (…) xa rừng nhạt biển của người nông dân đồng bằng Bắc Bộ”.(8) Núi cao biển lớn là hình ảnh cụ thể nhất của tự nhiên hùng vĩ. Mắt đã xa đã nhạt, thì óc cũng thôi bận bịu. Phải vậy chăng?

Dĩ nhiên, vẫn có ngoại lệ. Như trường hợp Nhất Linh. Đọc văn Nhất Linh, hầu hết độc giả tập trung chú ý những trăn trở đầy tính xã hội trong một số tiểu thuyết luận đề nhưĐoạn tuyệt, Lạnh lùng. Dường như Võ Phiến là người đầu tiên chỉ ra những băn khoăn siêu hình nằm rất kín đáo trong Người quay tơ, Đôi bạn v.v. Có phải ngẫu nhiên mà tác phẩm Nhất Linh chứa loại băn khoăn ấy, và tình cờ mà Võ Phiến nhặt được chúng?

Văn Trung: chiêm bao thấy núi

Thỉnh thoảng sờ lại Chiếc lư đồng mắt cua, thường táy máy lật tìm cô Tâm. Cô đào nương xứ Bắc từng chung chăn với nhà tùy bút tài hoa (nguyên quán Hà Nội), khi trên chiếu giường tử tế lúc dưới ổ rơm gần nhà cầu, cô đào ấy khi chán hát ở nhà ông Thông Phu, khi nhất định trở ra Bắc có lưu bài thơ từ biệt quan viên tỉnh Thanh:

“… Châu Thang của hiếm người càng hiếm 
Chị đỉnh chung chi với lũ Hời”.

Gọi người Thanh Hóa là lũ Hời! “Láo” quá! “Du côn” quá!

Một ranh giới lạ

Mà cũng lạ quá. Tỉnh Thanh với đất Bắc bất quá chỉ bên ngoài bên trong cái đèo Ba Dội, mà ngoài là “ngoài ta”, còn trong đã thuộc về giang sơn của người Chàm!?

Thanh-Nghệ-Tĩnh (TNT), hay xứ Trại, hay Ái châu-Hoan châu-Diễn châu thời Đường, hay quận Cửu Chân thời Hán, chưa bao giờ là một phần lãnh thổ của Chiêm quốc. Trái lại, trước năm 1884, bất chấp đất nước hưng vong TNT luôn gắn bó với Bắc bộ. Trong cuộc xung đột kéo dài hơn hai trăm rưỡi năm giữa Trịnh và Nguyễn, TNT sát cánh với Bắc bộ mà cách ly với đất mới mở phía nam. Suốt trường kỳ lịch sử đầy biến cố của dân tộc, TNT liên tục đóng góp tên tuổi lớn: nào Bà Triệu, Mai Hắc Đế, Hồ Quí Ly, Lê Lợi, Nguyễn Kim, Trịnh Kiểm v.v., chưa kể bao nhiêu nhân tài xuất chúng trong những thời sau. Tha thiết, thậm chí sống chết với nhau như thế, mà sao hai phía một cái đèo nhỏ dường vẫn phân biệt? Trong Tùy bút, Nguyễn Tuân kể một lần đưa tiễn Đồ Phồn vào Nam lập nghiệp, ngẫu nhiên đưa đến tận địa giới Bắc-Trung và có cao hứng làm tặng bạn bài thơ:

“… Đến đây là đỉnh đèo Ba Dội 
Cạn chén đưa anh một chén đầy.”

Ô hay, chỉ từ Ninh Bình qua Thanh Hóa mà thơ thẩn sao nghe như có ý vị cuộc chia tay nơi biên ải!

Vẫn trong Tùy bút, có câu đối mừng bạn khác: “… trọ trẹ châu Thang câu hát bộ”. Người Việt phía nam đèo Ba Dội nói giọng trọ trẹ từ bao giờ? Có phải do từng ở gần Chiêm Thành mà trọ trẹ chăng?

Khó xác quyết. Chỉ biết quả từ TNT trở vào, trong văn học Việt Nam mới nẩy khuynh hướng thiên về cái siêu hình.

Một thứ văn chương lạ

Nhắc thứ thơ văn mà nội dung xa lìa nhân thế, người ta thường nghĩ ngay đến các tác giả trong Trường Thơ Loạn, đa số cư trú tại Bình Định, như Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử v.v. Ma Hời và ánh trăng sáng rợn dĩ nhiên thuộc về cõi văn chương khác. Cõi ấy tuy vậy không nhất thiết phải có ma có trăng chi cả. Nó trước tiên đầy ắp băn khoăn, trăn trở của những kẻ sống không quá trăm năm trên một hạt bụi mà cứ đau đáu hướng về Thời Gian Vô Chung – Không Gian Vô Tận, về Cái Không Thể Biết.

Từ Bắc đi vào, mới đến Hà Tĩnh, nghĩa là còn cách Bình Định rất xa, đã gặp ngay một kẻ như thế. Huy Cận, giữa tuổi hoa niên, đã cảm rõ chỗ khác lạ của mình:

“Nhưng cô độc đã thầm ghi trên trán, 
Lòng lạc loài ngay từ thuở sơ sinh.” (Trình bày)

Hơn nửa thế kỷ đầy dâu bể sau, ông vẫn chưa thôi thắc mắc:

“Hờn Tạo hóa đã bày chi bóng tối! 
Sao tâm linh phải mang phận hình hài?” (Người đẹp đến giờ hấp hối)

Tiếp tục xuôi Nam, trảy qua Quảng Bình, nơi sinh của Hàn Mặc Tử, rồi Quảng Trị, nguyên quán của Chế Lan Viên.

Vào đến Thừa Thiên, giữa binh lửa một thời, bỗng xuất hiện “thanh niên tóc trắng” Trịnh Công Sơn với những âu lo về Cát bụi, về “Tóc em rớt xuống đời làm sóng…” Người nhạc sĩ lớn nhất của Huế, của cả miền Trung, thời thống nhất tô đậm thêm nét siêu hình trong lời nhạc của mình với Một cõi đi về, Biết đâu nguồn cội, Tôi ơi đừng tuyệt vọng v.v. Bắc, Nam, không miền nào có thứ lời nhạc như thế.

Ngay phía bên kia của đèo Hải Vân, nói chung không phải nơi con người ưa triền miên trong suy tưởng xa xôi. Quảng Nam nổi tiếng đất học, với “ngũ phụng tề phi”, nổi tiếng về năng khiếu lý luận, với Phan Khôi, Ðặng Tiến, Nguyễn Hưng Quốc v.v. Nhưng đất “chưa mưa đã thấm” cũng là quê Bùi Giáng, nhà thơ phá cách độc đáo, tác giả nhiều thi phẩm không gắn bó chặt chẽ với hiện thực. Bùi Giáng có lần tâm sự:

“Ngày sẽ hết tôi sẽ không ở lại 
Tôi sẽ đi và chưa biết đi đâu 
Tôi sẽ tiếc thương trần gian mãi mãi 
Vì nơi đây tôi sống đủ vui sầu”.

Như trên có nhắc, những cái “chưa biết” bất thường ấy cũng từng ẩn náu trong tác phẩm của Nhất Linh. Nhất Linh gốc Quảng. Có phải cái gốc Quảng Nam đã pha vào văn chương ông những màu sắc vốn không thuộc về chốn ngụ cư là Bắc bộ?

Rời Quảng để vào Quảng, ngắm Tranh lõa thể của Bích Khê:

“Nàng là tuyết hay da nàng tuyết điểm 
Nàng là hương hay nhan sắc lên hương?”

Trừu tượng, đã đành…

Qua khỏi rừng dừa ngút ngàn Tam Quan – Bồng Sơn, bước hẳn vào non nước Bình Định, ta gặp hàng ngũ những kẻ “chuyên” sống ngoài cuộc sống, những thi sĩ mà sáng tác phản ánh một thế giới tâm linh khác thường. Thời tiền chiến, cái khác thường ấy đậm đặc trong tác phẩm của Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, loãng hơn nơi Yến Lan, Quách Tấn v.v. Bẵng đi độ đôi chục năm, nó bỗng tái hiện “nguyên chất” trong những bài thơ rất lạc loài của Võ Chân Cửu. Ai chắc mình hiểu thấu những câu như:

“Bỗng nhiên lạnh cả hồn tôi 
Khi trông thấy dáng núi ngồi co ro”.

Nội dung khó hiểu mà rõ ràng chân thành, không phải lập dị để gây chú ý, nên cũng đã có người cố hiểu. Bình Định còn ít nhất đôi tác giả nữa có khuynh hướng “tâm linh”, mà dường như chưa mấy ai xem xét. Không phải vì họ vô danh. Chính vì họ đã có danh.

Người thứ nhất là Chế Lan Viên “II”. Vừa xuất hiện, ông nổi tiếng ngay với Điêu tàn. Rồi tên tuổi ông gần như gắn liền với chỉ Điêu tàn. Thực ra, thơ Chế Lan Viên sau này phong phú hơn trước cả về hình thức lẫn nội dung, lắm bài hay hơn lạ hơn thi phẩm thời trẻ. Cùng một hướng nghĩ, cái hướng xoay lưng lại với cõi nhân sinh hiển hiện, nhưng trong giai đoạn sau loại thơ siêu hình của Chế Lan Viên vắng hẳn bóng ma Hời mà lởn vởn những trăn trở “không biên giới”:

“Trút hết tạp âm của vũ trụ đi, chỉ còn 
một dây bản ngã của anh thôi 
Cái đàn bầu ấy chẳng bao giờ có được 
Dù một dây – chả bao giờ là một 
Khi có Người đàn thì đàn đã song đôi. 
Bản ngã anh chứa những tạp âm rạn vỡ của sao trời 
Chứa những âm âm u u vũ trụ 
Bản ngã anh, anh chỉ tìm ra, hiểu rõ 
Khi chạm số phận mình cùng một vì sao lạ đổi ngôi.”

Ám ảnh thuần trí tuệ. Thơ Việt Nam xưa nay đâu có thơ thế này.

Người thứ hai là Võ Phiến. Về sáng tác của Võ Phiến, đã lắm phát biểu. Có ai để ý đến khuynh hướng siêu hình nơi ông chưa? Khuynh hướng ấy biểu lộ trong một số tùy bút như Lúc dừng nghỉ, Mười giờ v.v. Và nó lặp đi lặp lại cách khắc khoải trong thơ:

“Mải miết ra đi, đâu tính đến 
Đến nơi nào? 
Bảy tám mươi năm, rồi cũng đến 
Đến rồi sao?”

Tùy bút Nguyễn Tuân không thấy chứa thứ nội dung “kém thực tế” như thế. Nhất Linh có bị băn khoăn rốt ráo ám ảnh, nhưng ông bị “ám” nhẹ hơn và càng về già càng đỡ, trong khi Võ Phiến vừa nặng vừa gia trọng.

Rời vùng tháp Chàm này để vào vùng tháp Chàm khác, bước vào mảnh đất cuối cùng của vương quốc một thời, ta gặp đôi mảng thơ hoặc “phiêu phiêu”:

“tôi về lắng cả buổi chiều 
nghe chim ăn trái rụng đều như kinh 
còn một mình hỏi một mình 
có chăng hồn với dáng hình là hai 
từng trưa nằm nghỉ đất dài 
phiêu phiêu nhẹ cái hình hài bay lên”

hoặc “láo lếu”:

“Bậc thánh triết là những tay biếng nhác 
Sống khề khà quanh bữa tiệc nhân sinh 
Kết bạn bè cùng cây cỏ vô minh 
Rất chán ghét những trò chơi thế sự 
(…)

Và vĩ nhân là những tay láo lếu 
Như ta đây chờ sung rụng ngoài hiên”.

Thơ của thi sĩ Ninh Thuận Nguyễn Đức Sơn và thi sĩ Phan Thiết Nguyễn Bắc Sơn đấy. Xuất thế, thoát tục cách khác thường.

Của người, của đất?

Văn thi nhân miền Trung có khuynh hướng như trên thực ra khá lẻ loi. Ngay chính những nhà văn nhà thơ có băn khoăn siêu hình đa số cũng dành phần lớn thì giờ để viết về chuyện xảy ra quanh họ. Vậy mà số lượng khiêm tốn thơ văn “hướng ngoại” vẫn có giá trị tăng thêm cho nội dung văn chương Việt Nam hẳn một kích thước. Cái kích thước mới, tạm gọi là “chiều thứ hai”, gốc nó vốn ở đâu?

Lại Nguyên Ân từng có ý kiến: “tố chất vùng (…) chất người ở một vùng lãnh thổ cũng có thể (…) thêm đường nét cụ thể trên diện mạo một nhân cách sáng tạo”(9). Ông đưa ra một số nhận xét về người Việt miền Trung, về tiếng Việt miền Trung. Nhưng không thấy ông nói gì về cái xu hướng nội dung đang bàn ở đây.

“Chất người” làm nghĩ đến… máu người. Trong huyết quản người Việt miền Trung có một lượng máu Chàm đáng kể nào chăng? Nếu có, liệu nó có “thêm đường nét cụ thể” trên diện mạo văn chương Trung hay không?

Nghiên cứu lịch sử chưa trả lời dứt khoát về tình hình lai giống ở Trung bộ. Trong khi cố tìm một cách giải thích dễ dàng hơn, sực nhớ mấy đoạn văn sau đây của Võ Phiến:

“Ở Bình Định quê nhà, chiều chiều dạo với đứa em trên đường ruộng nhỏ. Em bé chợt ngắt đứt một tiếng cười giữa khoảng đồng vắng. Giật mình, nhìn lên trời cao, rồi ngó xuống: thấy đứa em bé quá. Và bốn bề núi xa lặng lẽ…”(10)

Không phải chỉ đứa em bé đâu, mà cả xóm làng đều bé. Người bé, đất to. Ðất Trung bộ tuy hẹp nhưng người ở nói chung thưa thớt. Ở nơi người ít núi nhiều, xoay hướng nào cũng đụng núi non sừng sững, dễ đâm nghĩ ngợi lung tung, đi lạc khỏi kiếp người. Phải vậy chăng?

“Những kỷ niệm hồi thơ ấu thức dậy. Tôi nhớ làng cũ, nhớ gò khô, cỏ cháy, đất cằn (…) Những tiếng kêu bò của đứa trẻ kéo dài giữa mênh mông gò rộng vang lên có vẻ như chính đó là tiếng kêu của con nghé lạc đàn (…) lại như là tiếng kêu dị thường của cuộc sống côi cút…”(11)

Cuộc sống côi cút vì vũ trụ bao la?

“Xóm tôi xóm núi. Có những chiều hè, mây phiêu lãng già nua kéo về đầy xóm. Cây dưới mây trên, chật ních xóm làng, trầm tư, im lặng. Người và vật lánh cả vào nhà vào chuồng. Duy một con chó rài sủa mãi ăng ẳng, từ xóm cao hướng về phía cánh đồng dưới xa.”(12)

Nhớ Huy Cận. Trong Hồi ký song đôi, ông kể chuyện ngày nhỏ ở quê: “Buổi chiều về, gió sông thổi mát, bóng núi Mồng Ga lan dài trên cánh đồng như một cái chăn mỏng đắp lên làng xóm. Chính cái buổi chiều về sớm ấy ở làng sơn cước đã gợi lên một nỗi buồn man mác. Ngày bị rút ngắn lại, sông núi ở ngay bên cạnh nhà mà đượm màu xa vắng.”(13)

Hà Tĩnh – Bình Định, xa mà gần. Trong Nhìn chung về lãnh thổ nước ta (14), Đào Duy Anh nhận xét do những nhánh ngang của Trường Sơn, nước Việt Nam có nhiều “khu vực địa lý hoàn chỉnh nhỏ”, mỗi khu vực gồm chủ yếu là núi, một ít trung du, một ít đồng bằng. Cái chuỗi “tiểu hình thể” kéo dài từ Thanh Hóa xuống tận Phan Rí ấy, thế mà dường như mang hẳn một màu sắc văn hóa riêng, khác hẳn hai “đại hình thể” ở hai đầu. Ngẫu nhiên, cái hiệp ước quỷ quái ký với thực dân Pháp hơn trăm năm trước đã chia nước ta theo một công thức liên hệ văn hóa với địa lý tế nhị bất ngờ!

Tất nhiên, dù có thường xuyên “chiêm bao thấy núi”(15), mà lúc nào cũng bận tâm về sinh kế, mà trình độ văn hóa quá kém cỏi, thì sẽ chẳng nghĩ được đến… hành tinh nào cả. Một số địa phương thuộc miền Trung dường như hội đủ ba điều kiện thuận lợi cho hướng nghĩ ra ngoài cuộc sống: một, là thiên nhiên hùng vĩ; hai, là tranh sống không căng lắm (nhờ dân cư thưa thớt); ba, là văn hóa tương đối cao (tuy đã mất đi một số nếp sau khi lìa gốc).

Mất nếp có gây hại. Do nội lực văn hóa giảm sút mà văn Trung thua văn Bắc về hình thức. Cho đến cuối thập kỷ 1950, văn thi phẩm của những tác giả miền Trung vẫn chưa bảo được là lưu loát, điêu luyện, là mỹ văn độc đáo. Cái văn tùy bút của Võ Phiến mà Nguyễn Hiến Lê từng so với văn Nguyễn Tuân: “nghệ thuật không kém mà lại dí dỏm hơn, nhẹ nhàng hơn”(16), văn ấy không phải Võ Phiến viết được ngay từ đầu, khi ông còn ở ngoài Trung, chưa vào Sài Gòn…

Văn Nam: thoải mái như nước lên

Sơn Nam là nhà văn Nam bộ xuất sắc, cũng là nhà Nam bộ học có danh với Tìm hiểu đất Hậu Giang, Lịch sử khẩn hoang miền Nam, Cá tính của miền Nam, Văn minh miệt Vườn, Người Sài Gòn v.v. Nói chung, ai cũng thiết tha với quê hương mình, nhưng nhớ thương đau đáu như Sơn Nam thì ít. Nội dung của văn ông không cần phải tìm, nó ngụ ngay đầu tập truyện Hương rừng Cà Mau nổi tiếng:

“Ray rứt mãi đời ta 
Nắng mưa miền cố thổ 
Phong sương mấy độ qua đường phố, 
Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê…”

Hạt bụi biết nghiêng mình, đứa con hiếu thảo của miền đất hai mùa mưa nắng, có lần phát biểu về tình hình văn học ở Nam bộ: “Về mặt văn chương, lý luận, người miền Nam ít chú trọng xây dựng tác phẩm lớn khả dĩ thỏa mãn giới trí thức.”(17) Không rõ thời kỳ văn học mà Sơn Nam xem xét chấm dứt năm nào, nhưng với Đò dọc của Bình Nguyên Lộc được giải thưởng văn chương năm 1960, với Hương rừng Cà Mau xuất bản năm 1962, chắc chắn đầu thập kỷ sáu mươi là thời điểm cái viết nơi địa bàn sinh tụ mới nhất của dân tộc chuyển mình bước vào giai đoạn mới, bắt đầu chú trọng đến nhu cầu của giới trí thức.

Ý: gần Bắc hơn Trung

Kiểm điểm tác phẩm của một số người viết miền Nam trong khoảng thời gian từ 1960 đến 1990, thấy dường như hầu hết đều lấy cuộc sống làm đối tượng sáng tác gần như duy nhất. Ưa trầm tư theo “chiều thứ hai”, về văn chương chỉ có Tô Thùy Yên, về lý luận có Hồ Hữu Tường.

Trường hợp Tô Thùy Yên, Võ Phiến bảo “không phải chỉ bắc có cái giọng. Hình như ông còn gần gũi miền Bắc tận trong tâm hồn. Dù sao, đây là lần đầu tiên chúng ta gặp những thắc mắc siêu hình trong thi ca một người sinh trưởng trong Nam.”(18) Nhận xét có chỗ chắc chắn đúng, có chỗ cần xem lại.

Như đã bàn, nội dung siêu hình có hai loại. Thơ Tô Thùy Yên thuộc loại ngoài khuôn sáo, tức tâm hồn ông gần Trung, không phải gần Bắc. Thơ Tô gần với thơ Hàn, thơ Chế, thơ Huy, thơ Võ v.v. hơn là với thơ Vũ Hoàng Chương, thơ Phạm Thiên Thư chứ. Tô Thùy Yên ít giống Ba Vì, mà giống Trường Sơn đi lạc xuống đồng bằng sông Cửu (dĩ nhiên tuy lạc nhưng không hề thấp). Đây là trường hợp “người Nam, lời Bắc, ý Trung”!

Tại sao ở Nam sống nói chung “vô tư”, sống không phải tranh giành dữ dội, mà khi sáng tác người Nam cũng xoáy vào cuộc sống như người Bắc?

Vừa bắt đầu nghĩ đến “chất người”, đến quan hệ với dân bản xứ trước kia, đụng ngay phải… bí mật lịch sử.

Lại nghĩ quẩn quanh về vai trò của núi. Nam bộ dĩ nhiên ít núi, càng không có núi cao.(19)

Phải chăng địa lý, một lần nữa, đã quyết định hướng nhìn?

Lời: không biết tới bờ!

Cùng đối phó với tình trạng nước sông hàng năm dâng cao, có thể gây lụt lội lớn, mà cư dân lưu vực sông Hồng và cư dân lưu vực sông Cửu Long giải quyết vấn đề theo hai hướng ngược nhau. Người Việt miền Bắc xây đê, cố ngăn không cho nước tràn bờ. Hệ thống đê điều ở Bắc bộ là kiến trúc lớn nhất của dân tộc ta. Không ai biết đê đầu tiên xây năm nào, nhưng có lẽ không lâu sau phát minh nông nghiệp nước, tức cách nay hàng mấy nghìn năm. Trong khi đó, theo Sơn Nam, đồng bằng Cửu Long từ thời đế quốc Phù Nam đến giờ tuyệt chưa từng xảy ra chuyện đắp cao bờ sông để cản nước. Mùa nước lớn, sông Tiền sông Hậu cứ tha hồ tràn lênh láng, làm ngập lụt diện tích mênh mông hàng mấy tháng trời. So sánh công sức, phương án Bắc tích cực tối đa, phương án Nam tiêu cực cũng… tối đa!

Đê hay không đê là chuyện thủy lợi. Nhắc lưu thủy, ở đây chẳng qua do đang lấy làm thú vị về hai lối hành văn!

Khởi đầu, trầm trồ lối viết mây trôi nước chảy của các nhà văn nhà thơ miền Bắc. Vào miền Trung, bị cái nội dung hướng ra “ngoài” của thứ văn chương nơi xứ trọ trẹ, xứ nẫu ám ảnh, suýt quên mất khái niệm động. Tiếp tục Nam tiến, qua đất Ðồng Nai của nhà văn Nai Đồng (tức Bình Nguyên Lộc), qua Sài Gòn tạp pín lù của “nhà… chơi” Vương Hồng Sển, về “miệt Vườn văn minh” bờ sông Tiền, xuống “Cần Thơ gạo trắng nước trong” bờ sông Hậu, xuống tận cõi U Minh, đâu đâu lời ăn tiếng nói nghe cũng mượt mà trôi chảy quá chừng, cũng lưu thủy hành vân “tới bến”, “sức mấy” mà nhịn “cha nội” ở bất kỳ miệt nào! Mà nói làm sao thì viết y làm vậy: tác giả Nam bộ nổi tiếng viết nhanh viết nhiều tới mức… vô địch. Cùng lưu khỏe hành mạnh, nhưng văn Nam “chảy” khác xa văn Bắc. Ở Bắc, văn chảy như nước dưới sông, chảy giữa hai bờ (đê), dù cao hứng mà phăng phăng như sông Hồng mùa lũ thì cũng vẫn ép mình theo khuôn khổ nhất định (trừ khi đê vỡ!). Ở Nam, văn “mùa nước lên” chảy tràn lan, không còn biết tới bờ cõi nào hết. Đất là sông, ruộng là sông, cơ hồ cả đồng bằng sông Cửu biến thành sông!

Nam hóa Bắc, Trung

Do tình hình chính trị, từ 1954 đến 1975 ở Sài Gòn đã diễn ra một cuộc giao lưu văn hóa ba miền qui mô và đậm nét nhất trong lịch sử dân tộc. Ðã lắm phát biểu về ảnh hưởng tốt đẹp của văn hóa Bắc đối với văn nghệ sĩ Nam bộ và Trung bộ. Tương đối ít được chú ý hơn là tác động của văn hóa Nam, đặc biệt là tiếng Nam, đối với một số văn nghệ sĩ hàng đầu của Trung của Bắc. Nổi bật là trường hợp Võ Phiến và Thanh Tâm Tuyền. Càng về sau, hai nhà văn này càng thiên về giọng Nam khi viết truyện. Riêng Võ Phiến, vốn đặc biệt đa dạng, ảnh hưởng tiếng Nam dường như không dừng lại ở lời nói của nhân vật tiểu thuyết mà nhiễm sâu vào đến tận văn phong của tác giả, bất kể ông đang bút, truyện, luận, khảo về đề tài gì. Như thể, nhờ hoàn cảnh đưa đẩy ông vào Sài Gòn sinh sống mà Võ Phiến tiếp nhận thêm được một nét độc đáo nữa của văn hóa dân tộc. Nơi ông, có phải văn Bắc hấp thu thời tiền chiến đã có tác dụng gợi hứng khơi nguồn và truyền nội lực, chất Trung luôn giữ vai trò nội dung nòng cốt, còn tiếng Việt miền Nam góp phần tạo ra đặc điểm “nhẹ nhàng” mà Nguyễn Hiến Lê để ý?

Nhắc Nguyễn Hiến Lê, dĩ nhiên học giả họ Nguyễn chính là một ví dụ khác về ảnh hưởng của tiếng Nam nơi người cầm bút sinh trưởng ngoài Nam bộ.

Chỉ một loài hoa

Đất nước một thời ba miền, văn học cũng một thời ba miền. Nhưng tuy ba mà vẫn một. Nhắc chính sách chia để trị của Pháp, Trần Trọng Kim khẳng định: “Nước Việt Nam trước kia, từ Nam chí Bắc là một, có cái tính cách duy nhất hơn cả các nước khác.”(20) Biểu tượng hùng hồn nhất của “tính cách duy nhất” là ngôn ngữ Việt. “Tiếng nước tôi”(21), nó như thể một sợi dây cực kỳ bền chắc xuyên suốt từng vùng lãnh thổ mà kết lại thành tổ quốc Việt Nam.

Văn chương là hoa của tiếng nói. Bảo đất nào văn nấy, bảo văn Bắc văn Trung văn Nam không giống nhau là bảo một cây mà nở ra ba thứ hoa chăng?

Không. Đất béo đất gầy, đất sông đất núi, sông có đê sông không đê, nước chảy tăm tắp nước chảy tèm lem, tư duy hướng ra hướng vào, hướng xuôi hướng ngược v.v., bất quá chỉ quy thành hương, sắc, chứ không định nổi hẳn một dáng hoa.

Ba mùi, ba màu, nhưng vẫn đúng một dáng, độc đáo cái văn học Việt Nam một thời!

9 – 2003

 

______________________

(1) Lâm Ngữ Đường, My country and my people, nxb. John Day, Mỹ, in lần thứ bảy, 1935, tr. 20-23.

(2) Đào Duy Anh, Đất nước Việt Nam qua các đời, nxb. Thuận Hóa, Huế, 1994, tr. 27.

(3) Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, Tân Việt, SG, 1964, tr. 541.

(4) Xem bài Hia bảy dặm trong sách Tìm tòi và suy nghĩ, TT, 2005.

(5) Tên tác phẩm của Nguyễn Xuân Hoàng.

(6) Tên tác phẩm của Nguyễn Khải.

(7) Nguyễn Khắc Trường có truyện dài tên Mảnh đất lắm người nhiều ma.

(8) Trần Quốc Vượng, Văn hóa Việt Nam – Tìm tòi và suy ngẫm, nxb. Văn Hóa Dân Tộc, Hà Nội, 2000, tr. 972.

(9) Lại Nguyên Ân, Đọc lại người trước đọc lại người xưa, nxb. Hội Nhà Văn, Việt Nam, 1998, tr. 199-203.

(10) Võ Phiến, Tùy bút II, nxb. Văn Nghệ, Mỹ, 1987, tr. 128.

(11) VP, sđd., tr. 39.

(12) VP, Thơ thẩn, nxb. An Tiêm, Paris, 1997, tr. 98.

(13) Huy Cận, Hồi ký song đôi – Tuổi nhỏ Huy Cận, Xuân Diệu, nxb. Hội Nhà Văn, Việt Nam, 2002, tr. 8-9.

(14) ĐDA, sđd., tr. 240-242.

(15) Tên một tác phẩm của Lý Lan.

(16) Nguyễn Hiến Lê, Để tôi đọc lại, nxb. Văn Học, VN, 2001, tr. 201.

(17) Sơn Nam, Cá tính của miền Nam, Xuân Thu, Mỹ, tr. 130.

(18) VP, Văn học Miền Nam – Thơ, Văn Nghệ, Mỹ, 1999, tr. 3080.

(19) Sơn Nam, Dạo chơi tuổi già, nxb. Trẻ, VN, 2002, tr. 281: “tôi, người phía đồng bằng Nam bộ, ít thấy núi, chưa bao giờ qua đèo cao, chỉ thấy sông to”. (Đây là cảm tưởng của SN khi qua đèo Hải Vân – TT.)

(20) TTK, xem chú thích 3.

(21) Lời ca của Phạm Duy.

Theo Thu Tứ

Exit mobile version