Thật ra, cái ý định tuyển chọn, xuất bản một tập văn xuôi tỉnh mình (là Thanh Hoá hay Nghệ An, Thái Bình hay Nam Định…), đã được anh em sáng tác và quản lý văn nghệ ở nhiều tỉnh đặt ra, nhưng chả mấy tỉnh làm được. Em như cây quế giữa rừng/ Thơm tho ai biết ngát lừng ai hay…
Vĩnh Phúc đã làm được, gọn ghẽ mà đầy đủ. Chúng tôi đã có nhiều dịp đọc văn thơ của anh chị em Vĩnh Phúc, Phú Thọ, nay có dịp nhìn xuyên suốt lại Văn xuôi Vĩnh Phúc, thấy niềm vui nỗi mừng của mình có lý cớ xác đáng.
Đọc các tập tạp chí Văn nghệ Vĩnh Phúc mấy năm nay và sách tuyển tập Văn xuôi Vĩnh Phúc xuất bản tháng 11-2011 mới đây, ta thấy sự tập hợp các tác giả từng sống, làm việc và sáng tác ở Vĩnh Phúc từ lâu như Xuân Mai, Nguyễn Hoàng Long, Nguyễn Cảnh Tuấn, Nguyễn Văn Chức, Lê Thuần Thảo… đến những nhà văn trưởng thành từ phong trào văn nghệ Vĩnh Phúc, nay làm việc ở các báo chí trung ương như Vũ Đình Minh, Nguyễn Uyển, Đỗ Hàn…; từ các tác giả vẫn ở nông thôn bền bỉ sáng tác, như Lê Văn Cơ, Hương Nghĩa… đến các cây bút sống nhiều ở phố thị như Đường Vĩnh Bình, Cù Tiến Tuất, Lã Thế Khanh, Thảo Dân, Đặng Quang Giới…; bên các tác giả lâu năm “tay nghề” vững vàng, là các tác giả trẻ trung như Minh Ánh, Thanh Vĩnh…
Nhiều nhà văn quê ở nơi khác, cũng có những truyện ký hay về Vĩnh Phúc như Trần Phương Trà, Phùng Kim Trọng, Nguyễn Văn Lạc… hoặc quê ở Vĩnh Phúc, từng hoạt động văn học lâu năm ở Hội Nhà văn Việt Nam cũng thường gặp gỡ, gửi tác phẩm về Vĩnh Phúc quê hương như Ngô Văn Phú, Hà Phạm Phú, Thái Vượng…
Một trong những thành quả đáng nói nhất ở đây là: Văn xuôi Vĩnh Phúc đã phản ánh chân thực cuộc sống thật phong phú, bộn bề trong trong xu thế đi lên của đất và người Vĩnh Phúc suốt nhiều năm qua.
Các trang bút ký của Nguyễn Cảnh Tuấn (Nhà máy Tây ở làng ta), Thảo Dân (Gặp lại những học trò xưa), Lê Khánh (Làng nghề thức dậy)… đã thể hiện rất rõ chủ đề ấy. Đổi mới là rừng xanh núi đỏ bao đời đang bị cạn kiệt dần vì bị chặt phá nay hồi sinh kỳ diệu, mang lại ấm no cho hàng vạn dân suốt một dải trung du và núi đồi Tam Đảo, Lập Thạch, Tam Dương, Bình Xuyên, Phúc Yên… (Đặng Quang Giới – Duyên rừng), là Lạc Trung cũng như nhiều thôn làng khác đang làm theo lời Bác ra sức trồng cây, rồi nhờ cây mà có bóng mát, có cả đường liên thôn liên xã thênh thang với bao nếp nhà ngói đỏ khang trang (Nguyễn Uyển – Lạc Trung xanh).
Truyện ngắn ở Vĩnh Phúc vài chục năm gần đây lại có sự phản ánh đa dạng đa diện, có chiều sâu hơn. Đọc truyện ngắn Vĩnh Phúc, thấy cũng có nhiều niềm vui, có thể cảm nhận được thật rõ sự chuyển mình cơ bản và nhân bản của con người nơi đây, như ở các truyện Cua Càng – Cua Cẩm (Thảo Dân), Người đến sau (Nguyễn Hoàng Long), Bất ngờ đêm Trừ Tịch (Lê Thuần Thảo), Hoá giải một tình yêu (Xuân Mai), Người được đổi tên (Nguyễn Văn Lạc)…
Nhưng đồng thời, ý vị của một nỗi buồn mang mang, một nỗi ấm ức về sự đời với thế thái nhân tình của nó cứ thấm thía dần, lan toả mãi nếu ta đọc kỹ các truyện ngắn khác như: Hoa dại (Hương Nghĩa), Chuyện viết ở làng (Cù Tiến Tuất), Năm tháng qua đi (Lã Thế Khanh), Mưa chảy tràn qua mặt (Thanh Vĩnh), Anh trai (Minh ánh), Mẹ Thảo (Thái Vượng), Gạo (Hà Phạm Phú).
Hình ảnh người phụ nữ trong văn chương, bên cạnh vẻ hiền thục, đảm đang, chịu thương chịu khó, nhường nhịn vị tha cũng thường được hiện lên với tất cả sự trìu mến nâng niu, như trong các tác phẩm của văn xuôi Vĩnh Phúc, họ còn có vẻ đẹp trung dũng, bạo liệt, kiên cường quả cảm nữa. Nhưng vẻ đẹp thứ hai này chưa được thể hiện, khắc rõ và nhiều ngay cả trong các tác phẩm có viết về chiến tranh. Cố nhiên, đây không phải là khuyết điểm, mà là một đặc điểm của hiện tình.
Cũng nói về hiện tình, chúng tôi muốn nhắc lại ở đây hai truyện ngắn khá đặc sắc về nội dung và nghệ thuật. Đó là truyện “Trên chuyến tàu đêm” của Minh Ánh và truyện “Người làng Rắn” của Đỗ Hàn. Đây cũng là hai truyện ngắn có nhân vật chính là phụ nữ, phụ nữ thời đổi mới hôm qua và ngay hôm nay. Về nghệ thuật, đây là hai truyện ngắn có tiết tấu nhanh mạnh, biến hoá, gợi ta liên tưởng đến một kịch bản phim truyện. Hai người phụ nữ trong “Trên chuyến tàu đêm” thì đa đoan, phức tạp trong tính cách, rất thực với những nỗi đau riêng và cũng rất ảo, có tính biểu trưng cho thân phận phụ nữ ở buổi có khá nhiều người đang lao theo đồng tiền, họ trở thành nạn nhân, họ là phiến cảnh nhốn nháo có thật của đổi mới. Còn người phụ nữ trong truyện “Người làng Rắn” có tên là Mai, giỏi buôn bán, có quan hệ rộng và rất biết dụ kéo chiều chuộng anh chàng đi buôn rắn là Bân. Nhờ cô, từ thất bại khánh kiệt Bân giàu lên nhanh chóng. Tôi hiểu, ở truyện này, tác giả muốn nói: Trong thời đổi mới, và trong cả bao nhiêu ngày tháng làm ăn, có được có thua, ai đắm đuối với nghề thì nghề không phụ. Nhưng ở hồi kết của truyện, Đỗ Hàn dựng cảnh như mơ mà thực, như thực mà mơ: Mai chính là rắn (thần) hiện hình. Thông điệp gì đây? Anh cứ quấn lấy mà ve vuốt ái ân đi, nhưng đột nhiên, anh biết được sự thật về cái người (cái sự) anh vừa ôm ấp ấy, thì “Ôi! Thật hú hồn!”. Đỗ Hàn viết tiếp: “Bất giác anh cười một mình”. Sao lại cười được? Cười ai thế? Một kết thúc mở, rất khác với phần nhiều những sự tròn đầy trong cấu trúc của hầu hết các truyện ngắn của Vĩnh Phúc gần đây.
Tôi có cảm giác bút ký của anh em Vĩnh Phúc viết còn thật thà, như là thấy gì viết nấy, nghĩ cảm ra sao thì kể và dựng lên như vậy. Truyện ngắn thì có mạnh dạn hư cấu hơn. Khi lao theo sự tưởng tượng, nhiều truyện đã tạo ra ấn tượng hơn, ám ảnh hơn. Thế lưỡng phân trong nghệ thuật viết truyện của các tác giả Vĩnh Phúc thể hiện khá rõ trong truyện “Quán Mãng Xà Vương” của ông giáo Thảo Dân thì phải. Truyện mà như bút ký, ký sự người thật việc thật. Giá mà với cốt truyện như vậy, tác giả viết thành truyện vừa, hay tiểu thuyết non hai trăm trang thì có thể lắm. Tôi mạnh dạn “xui” vậy, không biết có nên làm? Chứ đọc truyện này, thấy vốn liếng tác giả cũng sẵn, chẳng qua, là ông tự tiết chế, muốn chỉn chu gọn ghẽ theo kiểu nhà giáo chăng?
Không có thứ nghệ thuật văn chương nào tách rời, hay là không ra đời từ cách nhìn cuộc sống của nhà văn. Ưu ái với đời, đấy là nhà văn. Lo âu với thời cuộc, ấy là văn nhân. Viết chuyện xưa (như Nguyễn Anh Đào – Âm vang Điển Hồ), thì cũng là để khuyến nghị với hôm nay thôi. Cách nhìn của tác giả văn xuôi Vĩnh Phúc, cứ đọc qua rồi đọc kỹ lại tác phẩm của anh chị em, ta đều thấy, đó là cách nhìn sáng trong, nhân hậu. Vì thế, văn, nghệ thuật viết văn và giọng điệu văn chương của anh chị em suôn sẻ, thuận hoà hơn là riết róng chao chát. Mặc dù, như ta biết, cả hai cái chất giọng ấy đều cần có.
Có nhiều biểu hiện của quá trình trau dồi nghề viết. Chọn chữ đặt câu, cái việc tưởng như chả có gì phải bàn nhiều ấy, thế mà nhiều khi, đọc một truyện ngắn hay bút ký, người ta xem chữ là biết tác giả có vốn liếng ra sao trong nghề, xét câu, là có thể đoán định không mấy khi sai về giọng. Xin lấy truyện “Mưa chảy tràn qua mặt” của Thanh Vĩnh làm ví dụ. Trong truyện này, chúng tôi nhặt thấy một loạt từ, cụm từ được dùng rất ăn nhập, nó lột tả được trạng huống của con người: khóc nhanh nhách, con đường nhếch nhưởi, bao tải tàu tàu, phế liệu ngam nghê, tằn tiện xẻn xo, lụm cụm một mình, chần chộ (khỏi lo bà ấy chần chộ con ai)…, sẽ có người kêu lên: Toàn là những từ dân quê dân phố thị nghèo chứ có gì đâu! Vâng, có gì lớn lắm đâu, chỉ thế thôi, mà tình cảnh của Ràng và của ông đại tá mới oái oăm làm sao, làng quê ta đó, mấy mươi năm qua, và cả bây giờ, mới “khó ăn khó nói”, mới “khó xử” ra thế nào… Thiết nghĩ, trước khi thành một tác giả kỳ tài tạo ra chữ hay chí ít, là thổi được hồn người để các chữ quen dùng có thêm nét nghĩa mới, thì hãy đưa ngôn ngữ dân gian – dân quê vào tác phẩm cho tự nhiên, cho thành thục, cũng là quý lắm rồi. ở một số truyện ngắn Vĩnh Phúc, và nhất là bút ký, phóng sự ở Vĩnh Phúc, thấy có chuyện mà chưa bật ra truyện, chưa dựng nên tính cách người cho đậm nét như ta biết, có lẽ là do tác giả chưa kỳ công chọn từ ngữ, đặt câu văn cho hết ý trọn tình chăng?
Ở Vĩnh Phúc đã có được những tác giả viết đều, bút pháp vững như Nguyễn Hoàng Long (với những tập truyện ngắn như “Hạnh phúc muộn mằn”, 2004; “Bức tường ngăn”, 2010), hay Thảo Dân dẻo dai, hoạt bát và hóm hỉnh… Đặc biệt, các cây bút nữ trẻ trung: nhẹ nhàng mà ý tứ sâu xa như Hương Nghĩa, sắc sảo đa thanh như Minh Adnh, tha thiết mà gợi mở như Thanh Vĩnh… Trên hành trình cùng một cuộc sống ấy, ở thể ký đã nổi lên Nguyễn Cảnh Tuấn với sức viết và khả năng thâm nhập qua hai tập “Vệ sĩ của ruộng đồng” (1991) và “Nhà máy Tây ở làng ta” (2004) (anh cũng là tác giả của ba tập thơ và gần 10 cuốn tuyển chọn, biên soạn thơ nữa), còn Lê Văn Cơ viết chậm và kỹ, tạo ấn tượng về một người hay ký sự cổ tích người giỏi của làng, Lê Khánh như chuyên viết chuyện đời thường ta hay gặp… Đó là những tác giả viết ký đúng nghĩa của thể loại, tuy chưa biến lắm về bút pháp, nhưng bằng sự chân thực trong cảm nghĩ và cách dùng chi tiết, nhiều trang viết của các anh đã có giá trị động viên rất rõ.
Nhân đây, xin được nhắc một kỷ niệm ấm lòng, mà nay đang trở thành một món nợ của tôi với Vĩnh Phúc: Số là, năm 1978, tôi có viết về Thái Vượng với tập truyện ngắn “Bão tan”. Đó là một bài cùng các bài đầu tiên của tôi được đăng trên báo Văn nghệ, tạp chí Văn nghệ Quân đội như “Ranh giới” với Lê Lựu,… Viết mà chỉ đọc tác phẩm, không biết tác giả ở đâu, vóc dáng mặt mũi thế nào. Sau anh em gặp nhau, anh Thái Vượng hồ hởi bảo: Tôi tưởng Nguyên An là người nhiều tuổi rồi, vì đọc, thấy cậu viết ngắn mà phán đúng lắm… Từ nay ta là bạn, bạn thân nhé! Tôi cũng ở Nghệ An quê Nguyên An rồi đấy… Nhưng tôi chả viết được gì thêm về Thái Vượng, chỉ đi lại trò chuyện với nhau thôi. Tại anh viết ít hay tại tôi nhớ đến nhận xét của anh mà đâm ra dè dặt quá? Trong tuyển tập Văn xuôi Vĩnh Phúc 1975 – 2010, tôi được gặp lại Thái Vượng qua truyện “Mẹ Thảo”. Anh viết về một bà mẹ ở Vĩnh Phúc, mà như mẹ ở quê tôi. Xin cảm ơn Thái Vượng, dù chỉ những trang văn của anh là còn lại xin cảm ơn anh chị em Văn nghệ Vĩnh Phúc quê hương của anh.
(Nguồn: Văn nghệ số 48/2012)