(Toquoc)- Đã đành từ xưa xửa xừa xưa, ông bà cụ tổ ta có nói (không biết nói chơi hay nói thiệt) “không chồng mà chửa mới ngoan, có chồng mà chửa thế gian thiếu gì”. Đã đành thời buổi bây giờ, không ít chị em phụ nữ cũng thích làm mẹ đơn thân. Nhưng cái đó đâu trên thành phố với những người phụ nữ hiện đại kìa, chứ ở cái rẻo đất cheo heo khỉ ho cò gáy này cái đó vẫn còn xa lạ lắm. Bởi vậy khi hay tin chị có bầu cả cái ấp Rạch Cùn đã bị một phen té ngửa.
Chị thức dậy từ lúc bốn giờ sáng, cái thai ngày càng lớn, nó chòi đạp tứ tung làm chị khó ngủ. Chị lóng tai. Hình như trời đang trở gió, có tiếng lá động đậy. Chị bước ra sân. Hơi nước mát từ mặt sông đầy theo ngọn gió chướng lao rao phả lên làm chị thấy dễ chịu. Mới đó mà sắp tết rồi. Chị xoa tay lên bụng, cái bụng ngày mỗi căng da nổi rõ những đường chỉ máu li ti. Chị ngất ngây với niềm hạnh phúc tưởng không bao giờ có được.
Ngày má mất, chị tròn mười tuổi. Em gái vừa lẫm chẫm biết đi. Chị mười hai tuổi, ba theo người đàn bà khác. Chị nách em bên hông đứng nhìn theo, nước mắt tuôn đằm đìa ướt mặt em, nó thấy vậy khóc theo thắt thẻo. Nước mắt nước mũi hai chị em trộn vào nhau cùng tiếng gọi thống thiết ba ơi, ba ơi… cũng không làm ba ngó lại.
Trời sáng rõ, những tia nắng đầu tiên xuyên qua kẽ lá nhảy múa rộn ràng dưới mặt đất. Chị xách giỏ ra chợ định bụng sẽ mua thịt dồn một nồi khổ qua hầm đãi vợ chồng em gái. Từ ngày chị mang bầu, mỗi cuối tuần chúng nó đều từ thành phố về thăm chị.
Ba bỏ đi. Chị vừa là cha, vừa là mẹ, vừa là chị, vừa là bạn của em gái. Chị gom tất thảy mọi thứ tình cảm có trên cuộc đời này dồn hết cho em. Nghe tin em đậu đại học, chị đang vác lúa trên Kinh, một mình giật máy đuôi tôm xé nước băng ngang vàm Thới Lộc cuồn cuộn sóng, chạy về ôm em khóc ngất. Rồi tiền trường, tiền sách vở, tiền ăn, tiền nhà trọ… chị chất hết lên đôi vai mình cùng với những bao lúa nặng. Đến đỗi có lúc chị nghe cả tiếng mấy khớp xương vai kêu cót két.
Chị thong thả men dọc bờ sông. Một bên là những rặng bần mọc chen với ô rô cóc kèn. Một bên là những khóm bông mua nở tím, những bụi hoa hồng dại hoang sơ. Thi thoảng, bàn chân chị vô tình chạm phải mấy chiếc lá mắc cỡ xinh xinh làm chúng thẹn thùa khép lại. Chợ quê, đơn sơ mấy cái sạp tre bày bán mớ rau con cá nhưng nó đã gắn bó với chị cả một thời tuổi thơ nghèo khó. Bao nhiêu năm qua rồi, chị vẫn thích sáng sáng xách giỏ ra chợ. Kể cả khi còn lại có một mình, ăn uống không bao nhiêu, kể cả khi em gái cứ càm ràm “để cuối tuần em mua đồ ăn về bỏ vô tủ lạnh ăn suốt tuần. Chị chợ búa mỗi ngày chi cho mệt. Đồ siêu thị vừa sạch vừa ngon vừa không lo cân thiếu…”, thì chị vẫn cứ thích đi chợ. Bởi lẽ ở đó chị được đắm mình trong những âm thanh quen thuộc: tiếng mời chào chèo kéo dai như đỉa của mấy chị hàng tôm hàng cá, tiếng rao hàng dần lân nghe mắc cười không chịu nổi của anh bán đồ lạc son, hay chú bán thuốc sơn đông mãi võ. Lại ngửi thấy không biết bao nhiêu là mùi: mùi hành phi của gánh cháo lòng, mùi lá mơ của bánh cục, mùi lá dứa của bánh da lợn, mùi tanh tưởi của thịt cá… Và hơn hết là được gặp gỡ mọi người, nghe một câu chào, một tiếng hỏi thăm, được mặc cả kì kèo, được thêm cọng hành trái ớt, thấy hả dạ. Em gái nghe vậy phì cười “chị thiệt tình là…”. Vừa thấy mặt chị, bà chín Hàng Bông xởi lởi:
– Chừng nào sanh vậy bây?
– Dạ, ra giêng cô Chín.
Trả lời bà Chín chưa hết câu, chị đã nghe chú Chệt thịt heo giọng lơ lớ kêu giật ngược:
– Cô hai, cô hai… Bữa nay cô hai có lấy thịt của ngộ hôn. Ngộ lựa miếng ngon cho.
Chị cười nói vói qua:
– Dạ có. Mà em mua thịt heo chớ hổng lấy thịt anh.
Mấy chị bạn hàng ngồi gần đó cười rần. Bây giờ thì đã không còn ai dòm ngó hay xì xầm gì về chuyện chị không chồng mà chửa nữa. Trong vụ này nói cho cùng, người chịu đựng không phải là chị mà chính là mấy bà chị tám kia, thắc mắc chịu hổng nổi. Mà người dân quê mình nghĩ cũng lạ, muốn biết chuyện không khi nào chịu hỏi ngay khổ chủ, cứ thích tụm ba tụm bảy bàn tán rồi đoán già đoán non. Nhưng nói là nói vậy, chứ bà con ai cũng biết rõ hoàn cảnh của chị, biết rõ chị là đứa con gái nết na. Nên thắc mắc tò mò cùng lắm là cũng để cám cảnh cho chị chớ có ai chê cười rẻ rúng gì đâu. Người ta quý chị, thương chị còn không hết. Thành thử mọi chuyện rồi cũng trôi qua nhẹ nhàng như mấy giề lục bình trôi theo con nước ngoài sông cái. Thiệt ra, chuyện qua rồi nói lại nghe dễ ợt vậy chớ mới đầu chị cũng bị áp lực dữ lắm. Mỗi sáng xách giỏ ra chợ, thấy ánh mắt mọi người nhìn mình, nghe tiếng thậm thà thậm thụt sau lưng, lòng dạ chị cũng tơi bời khói lửa, muốn ở nhà luôn không thèm ra chợ nữa. Nhưng nghĩ mình đâu có tội tình gì, rồi mọi người sẽ hiểu thôi mà. “Ở hiền gặp lành” chị tin lời ông bà mình dạy. Chị làm như không có chuyện gì.
Tháng lương đầu tiên em gái để y nguyên gởi về cho chị. Chị lật qua lật lại xấp tiền cái miệng thì cười mà nước mắt chảy ròng ròng. Chị đem xấp tiền để lên bàn thờ đốt ba cây nhang sụt sùi kêu má ơi má hỡi về khoe. Má nhìn chị cười lung linh hương khói. Em gái không cho chị đi Kinh vác lúa mướn nữa. Chị ở nhà lãnh dây lục bình về đan giỏ cho đỡ trống tay trống chân. Rồi em gái theo chồng. Đã quen với việc em xa nhà đi học đi làm suốt mấy năm qua, nhưng không hiểu sao chị cứ bàng hoàng như nhà giàu bị cướp. Em rể nghe vậy vừa thương chị vừa mắc cười “ai thèm ăn cướp em gái xấu xí của chị. Thấy chị cực quá em đem về nuôi phụ. Còn hổng cám ơn em”. Em gái nguýt chồng hứ nghe cái cốc. Còn lại một mình, chị dành dụm sắm được hai công đất vườn, cất căn nhà tường nho nhỏ nhưng sạch đẹp khang trang.
Đang lui cui dưới bếp, nghe tiếng xe dừng ngoài ngỏ, tay cầm cái vá múc canh chị hơ hải chạy ra mừng em:
– Ủa em về có một mình hả?
– Dạ vợ em đi công tác đột xuất. Nó nói cho chị hay sớm chị buồn sớm. Để em về cho chị hay luôn.
Chị cười “con nhỏ thiệt tình…”
Em rể bày lên bàn lỉnh kỉnh nào xà bông, nào bánh kẹo đường sữa… cả hai cái đầm bầu xinh xắn. Cơm chiều xong, em rể lăng xăng chuẩn bị nước nóng, xà bông mang sẵn vào nhà tắm, đưa cho chị cái đầm bầu mới. Chị giãy nảy:
– Thôi đi, chị không quen bận thứ này đâu.
– Vợ em nói em bé bây giờ lớn rồi. Chị mặc cái này cho em bé thoải mái.
Chị chiều em gái. Em rể nhìn chị cười:
– Bà bầu đẹp gái dữ hen.
Bất giác, chị nghe hai bên gò má nóng ran, chị quay mặt chỗ khác, bối rối cố thoát ra khỏi cái cảm giác thật lạ lần đầu tiên chị cảm nhận được:
– Em về chơi chừng nào đi?
– Thì lần nào em không ở đến chiều Chủ nhật. Bộ chị tính đi đâu hả?
– Ờ! Đâu có.
Đã cuối tháng mười. Ngày tháng mười chưa cười đã tối. Ngôi nhà chị nằm lọt thỏm trong vườn cây khiến nó càng mau chìm vào bóng đêm. Chị ngồi trên chiếc ghế đá kê ở một góc sân. Gió chướng lao rao. Trời se se lạnh. Không gian tạnh ráo sau những cơn mưa tiếc mùa vật vã. Chị nhìn ra sông, nghe như có tiếng cá linh đang lách cách chen nhau đổ về thành luồng. Chị nghĩ đến một tô canh chua với những con cá linh óng ả, những bông so đũa trắng muốt, những cọng rau om xanh dờn, những lát ớt đỏ tươi. Nước canh sóng sánh màu nâu của me chín. Vị cay của ớt, vị chua của me, vị ngọt của cá, đăng đắng của bông so đũa, hăng hăng của rau om… Nước miếng ứa ra cứng hai bên quay hàm, chị nuốt ực một cái lẩm bẩm: đúng là đàn bà chửa. Hồi nhỏ mỗi mùa gió chướng về, hầu như ngày nào má cũng nấu món này. Ăn riết đâm ghiền, đâm nhớ, nhớ luôn cả con gió chướng nôn nao. Sau này trong nỗi nhớ gió, nhớ canh chua cá linh bông so đủa của chị còn có cả nỗi nhớ má thiết thao.
Em rể từ trong nhà bước ra, đưa cái áo khoác về phía chị:
– Chị mặc đi, cảm lạnh không tốt cho em bé.
Chị rướn người xỏ tay vào áo, làm một bên hông bị tức, chị nhăn mặt. Em rể giật mình đưa tay đặt lên chỗ bàn tay chị đang ôm bụng:
– Chị sao vậy? Con có sao không?
Chị lắc đầu. Chạm phải ánh mắt lạ lẫm của em rể, chị thoáng rùng mình.
Ý chừng đêm đã sâu lắm. Chị vẫn không ngủ được. Lúc mới vừa cảm nhận được có một sinh linh đang hình thành, cựa quậy trong cơ thể, chị vỡ òa với niềm hạnh phúc vô biên. Niềm hạnh phúc như sự tiếp nối gắn liền cuộc đời chị và em gái. Sau đó là bản năng làm mẹ trong chị trỗi dậy, chị say sưa lắng nghe con trẻ lớn lên từng ngày trong bụng. Cũng có lúc chị nghĩ tới một người đàn ông. Chỉ cần một người đàn ông nữa thì nhà chị sẽ đủ một gia đình. Người đàn ông theo chị vào trong giấc mơ, người đàn ông có gương mặt của chúa, có đôi tai của phật, có mái tóc bồng bềnh của một lữ khách sương hồ và có nụ cười của một nhà sư. Nhưng bao giờ cũng chìm lẫn trong một làn khói mỏng chỉ để chị nhìn thấy mà không bao giờ chạm tay vào được. Chị thử làm một trò chơi. Chị gắn khuôn mặt người đàn ông ấy vào em rể. Người ấy vuốt ve cái bụng căng tròn của chị, người ấy áp tai vào bụng chị mỉm cười nghe tiếng con quãy đạp… Chị thảng thốt bật ra một thứ âm thanh không rõ lời. Chị ngồi dậy. Mồ hôi rịn ra đầy trán.
Hôm ấy, không phải ngày cuối tuần, em gái về một mình. Nó ôm chị khóc. Thì nó vẫn hay làm như vậy mỗi khi nó buồn quá, vui quá hay có khi không buồn không vui chỉ muốn nhõng nhẽo với chị vậy thôi. Chị vuốt tóc nó:
– Cái gì nữa đây? – nó làm thinh – Hay hai đứa cãi lộn? – nó lắc đầu – Chị bắt đầu lo lắng. Em gái không cầm được nữa khóc òa lên. Đêm đó là một đêm thật dài, dài nhất trong cuộc đời của chị. Em gái mềm muột yếu đuối tội nghiệp của chị. Chị đã nuôi nấng em từ khi em còn nhỏ xíu. Bàn tay chị cầm dao làm cỏ đã chai cứng. Bàn chân chị lội mương bắt cá mò cua bị hà ăn ruỗng như cái ổ mối. Vai chị lệch sang một bên vì đã vác không biết bao nhiêu bao lúa nặng. Chị có sá gì đâu. Nhưng còn việc này…
Em nức nở:
– Chị ơi lỗi là tại em không phải tại ảnh. Mẹ ảnh ngoài quê ngày nào cũng gọi điện vào bóng gió đủ thứ chuyện. Bao nhiêu là áp lực em gánh không nổi đâu.
Em tức tưởi tiếng được tiếng mất rằng em không thể mang thai trong khi trứng của em và tinh trùng của chồng đều khỏe mạnh. Chị vỗ về em:
– Thôi nín đi cưng. Chị làm được mà.
Tiếng gà hiệp nhất đã gáy râm ran chuẩn bị bắt đầu một ngày mới. Bất giác chị tuột xuống giường, quơ vội mấy bộ quần áo, gói ghém tiền bạc tư trang, viết mấy chữ để lại cho em gái.
Chuyến xe sớm từ thị xã đi về hướng miền Đông khởi hành vào lúc ba giờ sáng đang chạy ngang qua cầu…
*
Tình cờ tôi gặp lại chị sau hai mươi năm trong một lần đi vãn cảnh chùa nhân chuyến du lịch. Nhìn chị thật an lạc thanh thoát trong chiếc áo cà sa đã nhuốm bạc. Gặp tôi, chị mừng lắm. Chị hỏi thăm từng người. Chị nhắc nhiều tới cái chợ quê, chị than nhớ mùa gió chướng. Chị khoe thằng con trai học hành đỗ đạt vẫn hay cùng ba mẹ nó lên cúng dường và thăm chị. Chị nói chị muốn một lần trở lại thăm quê nhưng “công chuyện lu bu quá”. Giọng chị cứ từ từ chậm rãi nhẹ nhàng, không thấy chị buồn, không thấy chị vui. Chị bảo từ lâu chị đã an nhiên trong cõi phật. Có một điều chị không kể ra và tôi cũng không dám hỏi. Nên tôi đành nợ độc giả câu trả lời. Ấy là vì sao đêm đó chị đường đột bỏ ra đi.
Ngô Thị Thu Vân