z

Nghệ sĩ cảm thấy thoải mái nhất là khi ngồi trước gương trong phòng hóa trang. Đó cũng là lúc họ bắt đầu hóa thân, chuẩn bị bước lên sân khấu để thăng hoa cùng khán giả của mình

Hiện nay, đa phần nghệ sĩ sân khấu đều tự hóa trang trước những đêm diễn. Nhiều người thường nghĩ rằng họ ngồi trước gương hằng ngày, hết năm này đến năm khác, đôi khi vẽ mặt hoài cho một nhân vật là việc quen thuộc đến mức nhàm chán. Thế nhưng, với những nghệ sĩ yêu nghề, chưa bao giờ họ thấy mất cảm xúc khi ngồi trước gương.

Đi tìm nhân vật

Nghệ sĩ Ái Như cho biết công việc quản lý ở Sân khấu Hoàng Thái Thanh chiếm hết thời gian của chị. Nhưng đêm nào có vai diễn, chị cũng tranh thủ đến sân khấu trước 1 giờ để hóa trang. Mỗi khi nhìn khuôn mặt trong gương, tay cầm hộp phấn và cây cọ bắt đầu vẽ, chị lại hình dung mình đang đi tìm nhân vật.

Nghệ sĩ Ái Như tự hóa trang cho vai diễn của mình. (Ảnh do nghệ sĩ cung cấp)
Nghệ sĩ Ái Như tự hóa trang cho vai diễn của mình. (Ảnh do nghệ sĩ cung cấp)

“Tôi rất thích nhìn vào gương xem khuôn mặt mình biến đổi. Càng lúc, tôi càng thấy nhân vật lại gần mình. Cảm giác đó rất thú vị. Khi hoàn tất cũng là lúc tôi có niềm tin mình đã là nhân vật” – Ái Như tâm sự.

Trong khi đó, nghệ sĩ Thành Lộc thừa nhận: “Hóa trang là công việc quan trọng và đầy thiêng liêng với tôi. Đến giờ, tôi vẫn cứ háo hức. Lúc ngồi trước gương hóa trang, tôi giống như đang “ngồi đồng”, chờ một linh hồn khác nhập vào mình”.

Diễn viên Tuyết Thu cho biết có một quãng thời gian ngắn, vì gia đình, chị phải tạm rời xa nghệ thuật. Lúc đó, chị nhớ nghề đến quay quắt. Những lúc rảnh rỗi ở nhà, chị lại ra ngồi trước gương, tự tay vẽ mặt cho một vai diễn nào đó bất chợt nhớ tới. Điều đó cho thấy chị yêu công việc hóa trang đến chừng nào.

“Có vai mình diễn đến mấy tháng trời, tức đêm nào cũng hóa trang nhân vật. Dù vậy, nghệ sĩ đâu phải cái máy mà lần nào cũng vẽ mặt giống nhau. Cảm xúc chi phối nhiều đến nét vẽ, có hôm vẽ đẹp, hôm vẽ xấu là vậy. Mỗi đêm mình lại phát hiện nét mới, hoàn thiện từ từ” – Tuyết Thu bày tỏ. Hằng đêm bôi phấn son, vận xiêm y xong, chị lại thích nhìn hình ảnh mình phản chiếu qua gương. Dưới ánh sáng hắt vào khuôn mặt được hóa trang, chị thấy mình như trở thành người khác.

Một nghệ sĩ sân khấu gạo cội từng cho rằng nghệ sĩ cảm thấy thoải mái nhất là khi ngồi hóa trang trước gương. Lúc đó, họ bắt đầu hóa thân vào nhân vật để chuẩn bị bước lên sân khấu, thêm một lần thăng hoa cùng khán giả của mình. “Tôi thích cảm giác khi ngồi vẽ mặt làm tuồng vì như thế là mình vẫn còn được làm nghề. Và khi còn được làm nghề thì mình phải trân trọng từng công việc dù nhỏ nhất, huống gì hóa trang không phải là công việc nhỏ” – NSƯT Hữu Châu nhận xét.

Phấn son cần cho vai diễn

Vài người quan niệm không có phấn son nào diễn tả chân thật bằng đường nét thật trên gương mặt nghệ sĩ. Thế mới có những nghệ sĩ cả đời chỉ để mặt mộc khi lên sân khấu. Song, theo quan điểm của nghệ sĩ Mai Trần, phấn son góp phần quan trọng cho sự thành công của vai diễn.

Nghệ sĩ Mai Trần cho rằng cái lợi của son phấn trong việc hóa trang chính là làm cho vai diễn sáng hơn, nhất là trên sân khấu có ánh đèn và khoảng cách giữa diễn viên với khán giả khá xa. Khi đó, một gương mặt được hóa trang kỹ lưỡng, chăm chút cùng với phần hồn diễn xuất của nghệ sĩ sẽ đẩy nhân vật đạt được hiệu quả truyền cảm xúc hơn. Theo nghệ sĩ Mai Trần, hầu hết nhân vật trên sân khấu cần phải được hóa trang, nhất là để tôn những đường nét của gương mặt hay để thay đổi vẻ mặt cho phù hợp vai diễn.

Dễ hiểu vì sao Thành Lộc là nghệ sĩ luôn hóa trang khi bước ra sân khấu. Son phấn với anh chưa bao giờ là thứ xa lạ, thậm chí còn gần gũi, thân thuộc và quan trọng như cơm ăn, nước uống hằng ngày. Vì thế, anh luôn hớp hồn khán giả ngay từ khi bước ra sân khấu, dưới ánh đèn màu. Chẳng hạn, khi xem Thành Lộc diễn vở “Hợp đồng mãnh thú”, sẽ không ai biết anh là đàn ông nếu như không có giọng nói đặc trưng. Bởi lẽ, anh hóa trang gương mặt vô cùng công phu, tỉ mỉ, trau chuốt, gợi cảm đến từng chi tiết. Đó chính là sự thuyết phục của vai diễn mà nếu không nhờ hóa trang thì dễ gì thành công như vậy.

Diễn viên Thanh Tuấn cho biết lúc mới vào nghề, anh đã được nghệ sĩ Hữu Châu chỉ dạy: “Dù có lướt qua sân khấu vài giây, con cũng phải hóa trang. Điều đó thể hiện sự nghiêm túc của nghệ sĩ với vai diễn, với nghề và với khán giả”. Ý thức được điều đó, trong bất kỳ vai diễn nào, Thanh Tuấn cũng chịu khó dành thời gian đầu tư cho phần hóa trang sau khi đã tìm hiểu cách diễn xuất. Tuy nhiên, anh cũng không dám lạm dụng son phấn vì rất dễ tạo ra sự lố bịch, phản cảm, không thật. Phấn son làm sống một nhân vật nhưng cũng có thể giết chết một nhân vật.

Theo Hạ Nguyên – Người lao động online

Giây phút chênh vênh, hụt hẫng

Nếu như khi ngồi hóa trang, nghệ sĩ cảm thấy thoải mái, hạnh phúc bao nhiêu thì phút giây rời sàn diễn lau vội lớp phấn son trên mặt, họ lại hụt hẫng, cô đơn bấy nhiêu. Thành Lộc là nghệ sĩ luôn cảm nhận rõ ràng nhất giây phút chênh vênh, xao lòng này. Vì vậy, anh là người đến sớm nhất nhưng cũng rời phòng hóa trang muộn nhất song anh biết rằng niềm vui của mình sẽ bắt đầu vào ngày mai, cũng tại phòng hóa trang này, với những nhân vật tuy giống nhau nhưng cảm xúc không bao giờ như nhau.

Việc ngồi trước gương hằng đêm cũng giúp nghệ sĩ phát hiện ra nhiều điều thú vị. Nghệ sĩ Ái Như từng thảng thốt vì những vết chân chim, những quầng thâm hiện lên ngày càng nhiều trên khóe mắt mình. Từ đó, chị biết mình phải chăm lo đến sức khỏe, nhan sắc hơn. Nghệ sĩ Thành Lộc thì tiết lộ: “Tôi không dám hút thuốc, uống bia nhiều để giữ sự thanh xuân cho nhân vật”.

Exit mobile version