Heinrich Gerlach, thượng úy trong quân đội phát xít Đức, nếm trải địa ngục giữa núi xác chết ở Leningrad rồi trở thành tù binh của Hồng quân Liên Xô. Ông tự điều trị chấn thương tâm hồn bằng ngòi bút và viết một tiểu thuyết chiến tranh, hai lần, cách nhau ngót 10 năm.

Một tù binh tỉnh dậy

… và thoạt tiên không còn nghe tiếng bom đạn triền miên như mấy tháng qua nữa, vì người ta đã đưa anh vào trạm xá và cứu anh khỏi lưỡi hái tử thần. Đó là năm 1943, khi Thế chiến II đi vào giai đoạn cuối và khốc liệt nhất. Heinrich Gerlach dù sao cũng còn may mắn vì không thuộc về 6 triệu người chết phía Đức và 20 triệu phía Liên Xô. 

1951 ông tỉnh dậy lần nữa, nhưng lần này trên chiếc sofa của bác sĩ tâm lý Karl Schmitz ở Munich. Chuyên khoa của ông là đưa binh lính hồi hương vào trạng thái thôi miên để điều trị các ảnh hưởng tâm lý bởi chiến tranh. Bệnh nhân Gerlach lại lần nữa quay về địa ngục Leningrad, tử địa của hàng trăm ngàn lính Đức thuộc Quân đoàn 6 từ tháng 8/1942 đến tháng 2/1943. Nhiều người không chết vì bom đạn mà vì lạnh và đói giữa mùa Đông Nga khắc nghiệt.


“Tất cả hiện ra như một cuốn phim quay chậm”, tác giả kể trên tờ Quick. Từ 150 trang tốc ký, Gerlach tái hiện cuốn tiểu thuyết với tên mới: “Đạo quân bị phản bội”

Khác với đa số bệnh nhân của bác sĩ Schmitz, Gerlach không xin được thôi miên để giảm nhẹ những cơn ác mộng mỗi đêm. Trị liệu hi hữu của ông là dồn tâm huyết vào 600 trang tiểu thuyết mà ông viết nhiều năm ròng trong trại giam của Hồng quân: Đột phá ở Leningrad. Khi là người tự do trở về Tây Berlin, ông không thể xuất bản cuốn sách đó. Vì lý do dễ hiểu, trại giam đã tịch thu bản thảo, cho dù tác giả sáng tác với mục đích phản chiến.

Nhiều thập kỷ tiếp theo

… cuốn tiểu thuyết tâm huyết của Gerlach nằm trong văn khố quân đội Nga ở Moskva. Mãi đến 2012 một nhà nghiên cứu văn học mới lôi nó ra ánh sáng. Và hơn 70 năm sau khi hoàn tất, cuốn tiểu thuyết được xuất bản ở dạng khởi thủy. Và tác phẩm đó tồn tại hai lần, vì với sự trợ giúp của bác sĩ Schmitz, Gerlach hồi tưởng và viết lại từng trang theo trí nhớ, để rồi 1957 ông cho xuất bản nó với đầu đề mới: “Đạo quân bị phản bội”.    


Bản chính được tìm thấy ở kho lưu trữ của quân đội Nga

Việc tái tạo một cuối sách sau 10 năm vô cùng phức tạp. Thoạt tiên Gerlach thử làm một mình. “Không thể được!”, ông viết trong một lá thư hồi 1951. “Mỗi khi tôi cố hồi tưởng thì một màn sương lại buông xuống, bao phủ tất cả”. Như một phản ứng tự vệ của cơ thể, trí óc ông cố chôn chặt các hình ảnh tang thương ngày xưa để chủ nhân của nó không bị sốc lần nữa. May mắn lớn cho ông là đã gặp được Karl Schmitz. 

Bác sĩ Schmitz là một trong vài chuyên gia hiếm hoi có khả năng tái tạo ký ức bằng biện pháp thôi miên sâu. Tuy nhiên phác đồ trị liệu này quá đắt đối với một giáo viên vừa được ra tù. Gerlach đem ý tưởng sáng tác mời một số nhà xuất bản và tạp chí. Tờ Quick là tạp chí duy nhất sẵn sàng thanh toán vụ này để được độc quyền khai thác tác giả và tác phẩm. Số tháng 8/1951 đưa lên trang đầu: “Tôi đã nhớ lại”.

Trong kỳ nghỉ Hè 1951

… giáo viên Gerlach có thì giờ đi Munich và ngày nào cũng được thôi miên. Công việc khó hơn phỏng đoán, có lẽ vì kỳ vọng quá lớn: bác sĩ và bệnh nhân đều muốn tái tạo chính xác từng câu trong bản gốc 600 trang! Nhưng sau lần thôi miên đầu tiên, Gerlach chỉ nhớ lại đúng một dòng: “Mùa Đông đã sớm cử đội tiền trạm của mình đến khu vực nằm giữa sông Volga và sông Don”. Quá ít cho phiên điều trị hai tiếng rưỡi. 


Với sự trợ giúp của chuyên gia thôi miên Karl Schmitz do tạp chí Quick tài trợ, Heinrich Gerlach khôi phục bản thảo từ trí nhớ

“Lúc đầu tôi cực kỳ nghi ngại”, nhà văn tả lại tâm trạng sau những giờ đầu tiên. Bác sĩ Schmitz chuyển hướng, ông để bệnh nhân vừa “ngủ” vừa thuật lại các trải nghiệm ngày xưa, rồi ông thức Gerlach dậy để bắt nhắc lại lần nữa. Trợ lý của ông tốc ký tại chỗ, cho đến khi dòng hồi tưởng của Gerlach đứt mạch và lại bắt đầu thôi miên lần nữa. 

Gerlach dịch chuyển giữa hai tầng ý thức: “Tôi biết là tôi đang ngồi ở chỗ bác sĩ Schmitz và nghe ông hỏi, nhưng đồng thời tôi trải nghiệm tình cảnh ngày xưa được tái hiện trong giấc thôi miên. Đôi khi tôi thấy lại từng đoạn bản thảo ngày xưa.”

Ba tuần trôi qua. Gerlach kiệt sức nhưng hài lòng khi rời Munich. 150 trang tốc ký được cứu thoát khỏi hố đen lãng quên nhờ nghệ thuật của bác sĩ Schmitz. Tuy nhiên  để “tái sáng tác” cuốn tiểu thuyết, đồng thời bổ sung nhiều chi tiết lấy từ các cuộc gặp gỡ với cựu binh Stalingrad, tác giả còn cần 5 năm nữa.

“Đạo quân bị phản bội”

… được xuất bản vào mùa Thu 1957, đưa lại một bức tranh trần trụi và bi thảm của những người lính bị quốc trưởng của mình phản bội khi họ đến Stalingrad chiến đấu và hy sinh. Vào thời điểm hậu chiến, khi người Đức cố quên đi các kỷ niệm máu lửa còn tươi rói, cuốn sách như tiếng sét giữa trời quang. Gerlach không chỉ là nhân chứng sống của đói, rét, cô đơn, ông nêu bật tình cảnh tuyệt vọng trong cuộc chiến tranh phi nghĩa và phi lý, như người Đức nào dưới thời Hitler cũng biết nhưng không thể nói ra.

Tác phẩm tái tạo gần sát với nguyên bản ra sao – tiếc thay, Gerlach không được chứng kiến nữa. Ông qua đời năm 1991, và phải hơn hai chục năm nữa trôi qua, cho đến khi giáo sư Carsten Gansel từ Đại học Giessen tìm được bản chính ở Nga. 

So sánh hai tác phẩm, dễ thấy nhiều trường đoạn giống nhau, tuy nhiên cuốn sau có nhiều chi tiết mới. Đột phá ở Leningrad nặng về miêu tả tình cảnh tuyệt vọng của quân Đức trong vòng vây, trong khi Đạo quân bị phản bội cho thấy tác giả đã có một khoảng cách nhất định tới sự kiện và dụng công đi tìm lý do của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, vạch rõ tội ác của chế độ Quốc xã. 

Đạo quân bị phản bội được coi là bản thanh toán ân oán với Hitler, người ra lệnh cấm Tập đoàn quân số 6 mở đường máu ra khỏi vòng vây của Hồng quân và do đó trực tiếp ký lệnh xử tử khoảng 100.00 lính của mình.

30.000 ấn bản bán hết trong ba tháng đầu. Và đó cũng là tin vui cuối cùng liên quan đến số phận long đong của một tác phẩm văn học chiến tranh. Điểm kết buồn: bác sĩ Schmitz đòi 10.000 Mark từ tiền bán sách và xuất trình một bản cam kết của bệnh nhân Gerlach hứa cho ông hưởng phần trăm. Gerlach sửng sốt nhận ra chữ ký của mình, song ông không thể nhớ đã ký một hợp đồng nào như vậy! Hay là ông đã ký trong giấc thôi miên?

Lê Quang
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Exit mobile version