Đạo là gì? Nhiều khi Ta tự hỏi

Hỏi nhau hoài, hỏi mãi mà chẳng ra

Cho đến ngày mở sách này ra…

Chỉ ba chữ ngắn gọn tạo thành một câu hỏi. Tưởng như đơn giản nhưng không dễ trả lời! Tâm Văn xin viết đôi lời về Đạo. Thực sự thì Tâm Văn cũng “lờ tờ mờ” về “món” này lắm, song “cũng liều nhắm mắt đưa chân”, lượm lặt trong sách vở của ba Tâm Văn, tập hợp hầu mọi người.

01. Nếu nói chung chung, thì chữ “Đạo” thật mập mờ, đa nghĩa vì nó được sử dụng trong những tình huống, với những ngữ cảnh hết sức khác nhau. Chữ Đạo ghép với một số từ khác làm ra nhiều nghĩa khác biệt, chẳng hạn: Đạo chích, Đạo tặc, Đạo văn, Đạo nhạc, Đạo đức, Đạo Phật, Đạo nho, Đạo thiên chúa, Đạo hồi, Đạo lão, Đạo tổ, Đạo nhà (“Thà đui mà giữ đạo nhà”, Nguyễn Đình Chiểu), v.v…

Lúc đầu, Đạo đơn giản chỉ là “con đường”, là “đường đi”. Nhưng về sau, chữ Đạo được dùng trong triết học để chỉ “con đường” của tự nhiên, tính quy luật của tự nhiên. Đạo còn được dùng chỉ “đường sống” của con người, với ý nghĩa này, Đạo trở thành “Đạo đức”, “đạo làm người”. Nho giáo coi Đạo như nguyên lý tiến triển của sự vật, quy luật hoạt động của vũ trụ. Trong Kinh Dịch có câu: “Một âm một dương gọi là Đạo”. Đạo cũng là hướng đi của con người, tức đạo lý làm người (Kinh Dịch: “Thánh nhân đặt ra lịch sử”, dựng đạo trời gọi là âm với dương, dựng đạo đất gọi là mềm với cứng, dựng đạo người gọi là nhân với nghĩa…).

Thật là mông lung, phải không anh chị?!!! Nhưng thôi, Tâm Văn chỉ tập trung vào chữ Đạo của Lão Tử (dù trong bài của Nguyễn Huy Thiệp, nhà văn còn dùng chữ Đạo theo tư tưởng của Đạo Phật nữa!).


Bìa sách Lão Tử Đạo đức kinh

02. Lão Đam – ông tổ của Đạo Lão, Đạo giáo là nhà tư tưởng vĩ đại của Trung Quốc sống ở thời Xuân Thu. Đến nay người ta vẫn không rõ năm sinh, năm mất của nhà tư tưởng này. Theo truyền thuyết, ông họ Lý, tên Nhĩ, tự là Bá Dương, tên thụy là Đam, người làng Khúc Nhân, huyện Khổ, nước Sở (nay thuộc Hà Nam), thường được gọi là Lão Tử. Ông từng giữ chức Thủ tàng thất (quan coi kho sách) cho nhà Chu, sau lui về ở ẩn. Có thuyết khác cho rằng, Lão Tử là Lão Lai Tử, người nước Sở, đồng thời với Khổng Tử hoặc là Thái Tử Đam, người sống sau Khổng Tử hơn một trăm năm. Ba người này có phải là một hay không thì ngay cả nhà sử học nổi tiếng của Trung Quốc – Tư Mã Thiên cũng chịu, không xác định nổi!

Sinh thời Lão Tử viết bộ sách Lão Tử, còn có tên khác là Đạo đức kinh. Tuy đây là bộ sách triết học, nhưng vẫn có giá trị về văn học nhất định. Cuốn sách được chia thành hai thiên, gồm trên năm ngàn từ. Trong sách thể hiện quan điểm của Lão Tử về triết học. Cốt lõi triết học của Lão Tử là Đạo. Theo ông, Đạo là bản nguyên của thế giới, “là thứ hình thành trong sự hỗn độn, sinh ra trước cả trời đất. Tịch mịch hư không. Nó độc lập tồn tại mà không biến đổi, vận hành khắp nơi, không nghỉ không dừng. Có thể thấy rằng, nó là mẹ của thiên hạ. Ta không biết tên nó, nên miễn cưỡng gọi nó là Đạo”. Ở đây, Đạo là thực thể khách quan sinh ra trước muôn vật, là cái hư vô ẩn hiện mà người thường không thể nhận thức bằng cảm tính hay lý tính, nhưng nó lại là chủ thể của mọi hiện tượng tự nhiên, xã hội.

Theo Lão Tử, Đạo sinh ra tất cả: “Đạo sinh một, một sinh hai, hai sinh ba, ba sinh vạn vật”. Bản chất của Đạo là “vô”, tuy nhiên Đạo là “thường vô” (cái vô hằng thường) mà cũng là “thường hữu” (cái hữu hằng thường). Đối tượng nhận thức của Lão Tử là Đạo, bản thể của vũ trụ, nhưng vì Đạo là một phạm trù rất trừu tượng chưa từng có trong triết học Trung Hoa trở về trước nên theo Lão Tử phải nhận thức Đạo dựa vào sự thể nghiệm trực quan của từng cá nhân thông thái chứ không cần và không thể thông qua thực tiễn: “Không ra khỏi nhà mà biết đại sự của thiên hạ. Không nhìn ra từ cửa sổ mà thấy được đạo trời. Thánh nhân đi càng xa thì càng biết được đạo càng ít”. Theo cách nhìn của Lão Tử, cái gọi là tri thức là điều có hại đối với Đạo, vì thế ông phản đối học tập theo thói thường, chủ trương “tuyệt học vô ưu” (dứt học không lo), nhằm đạt tới trạng thái hồn nhiên vô tri vô thức, về lại sự hồn thuần của trẻ thơ, mới là đắc Đạo.

Phần tinh hoa nhất trong triết học Lão Tử là phép biện chứng của ông. Lão Tử khẳng định, mọi sự vật đều phát triển trong sự biến hóa: “Vật có cái đang qua đi, có cái đang chạy theo chúng, có cái đang tốt tươi, có cái đang khô héo…”; “Đạo là một nguyên lý huyền diệu, không thể nói thành lời. Đạo mà nói ra được, không phải là đạo thường (tức là Đạo chân chính không biến đổi = “Đạo khả đạo, phi thường đạo”).

Ông cũng nhận thấy các sự vật do các mặt đối lập hỗ tương dựa vào nhau mà tồn tại: “Hữu vô sinh ra nhau, khó dễ làm thành nhau, dài ngắn tạo hình cho nhau, cao thấp nghiêng đổ nhau, âm thanh hợp với nhau, trước sau nương theo nhau”. Có lúc tương phản, tương thành, “cái không hoàn toàn thì hoàn toàn, vật cong thì thẳng, cái hốc sâu thì đầy, cái cũ biến thành cái mới…”. Trí ngu, tổn ích, đẹp xấu, cứng mềm, mạnh yếu… đều là những quan hệ thống nhất giữa các mặt đối lập, có thể chuyển hoá lẫn nhau: “Hoạ ấy là phúc dựa vào, phúc ấy là hoạ phục trong đó”. Từ đó ông đưa ra một loạt nguyên tắc xử thế ở đời: “Muốn làm yếu một vật, tất phải làm nó mạnh lên; muốn phế huỷ một cái gì, tất phải làm nó hưng vượng lên; muốn chiếm đoạt cái gì, thì phải biết bỏ cái của mình đi”. Những kiến giải trên và nhiều kiến giải khác của Lão Tử được Pháp gia, Binh gia và Chính trị gia rất tâm đắc, vận dụng…

03. Biện chứng pháp phong phú, sâu sắc của Lão Tử đã có những cống hiến tuyệt vời đối với tư duy triết học cổ đại Trung Hoa. Tuy nhiên nó cũng có mặt hạn chế, chẳng hạn quan niệm về sự phát triển của ông chủ yếu vẫn thiên về tuần hoàn, từ vô đến hữu lại về vô. Ông thừa nhận mâu thuẫn nhưng lại sợ đấu tranh, nên ông chỉ nhấn mạnh mặt thống nhất của sự vật… Có thể nói, Lão Tử là tác phẩm kinh điển của trường phái Đạo gia. Cùng với tư tưởng “Hữu vi” của Khổng Tử, tư tưởng “Vô vi” của Lão Tử đã trở thành một đối cực. Hai luồng tư tưởng này đã từng thay nhau ngự trị tâm hồn người Trung Hoa trên mấy mươi thế kỷ và có ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống tinh thần của nhiều nước nằm trong khu vực văn hoá Hán…

Tài liệu tham khảo

01. Từ điển Triết học, Nxb Tiến Bộ Mát-xcơ-va, (bản dịch tiếng Việt, 1986).

02. Từ điển bách khoa Việt Nam, 1, TT biên soạn Từ điển bách khoa VN, 1995.

03. Từ điển Văn học (Bộ mới), Nxb Thế giới, 2004.

Nguồn: yume.vn