Đào Bá Đoàn vừa tái bản tiểu thuyết “Mảnh vỡ” sau 15 năm tác phẩm đầu tay được in lần đầu, khi tác giả còn là một chàng trai sống “sau lũy tre làng”. Anh cũng trình làng tập truyện ngắn “Chỉ để bay qua một bình minh”.
– Điều gì khiến anh sau 15 năm lại tái bản tiểu thuyết “Mảnh vỡ”?
– Ngay từ khi cuốn sách ra đời, đọc lại, tôi đã có ý định sẽ phải in lại, chỉ bởi đơn giản, cuốn sách bị nhiều lỗi mo-rát và tôi nghĩ dứt khoát tôi phải trả lại cái kết về đúng với ban đầu (bản thảo); rồi cả cái việc ở phần ba của tác phẩm tôi chủ trương viết “mờ nhoè”, làm nhoà ranh giới ngôi kể của nhân vật (một trai và một gái) chứ không thể tách ra rõ ràng bằng dấu phân cách hay các đoạn chữ đứng xen với chữ nghiêng để dễ dàng nhận biết đâu là cô gái đâu là chàng trai. Có thể cách này có người không thích sẽ khó chịu và cho rằng tôi viết vụng; nhưng sự thực không phải – tôi cố tình viết thế; vì – cái hạnh phúc mà đôi trai gái vừa tóm được nó có gì đó mong manh không chắc chắn…
Thế mà việc ấy cũng không ngờ lại phải mất đến 15 năm mới làm được.
– “Mảnh vỡ” in lần đầu đã gây tranh cãi và còn bị “đánh” vì “đồi trụy”. Thực hư chuyện này như thế nào?
– Điều này tôi cũng chỉ nghe nói thế chứ thực sự tôi cũng chưa bao giờ được đọc những bài báo ấy. Ngày đó tôi còn ở quê không có điều kiện theo dõi báo chí và cũng chưa có internet như bây giờ. Nghe nói một tờ báo phía Nam đã có bài phê phán “Mảnh vỡ” rất kịch liệt. Nhà văn Trần Dũng và nhà văn Tạ Bảo (NXB Lao Động) – những người trực tiếp làm cho tôi cuốn sách cũng bảo vậy, nhưng họ không nói gì nhiều, động viên tôi cứ tiếp tục viết, đừng để ý đến những điều ấy. Với họ, tôi mãi biết ơn, vì tấm lòng của họ đã dành cho tôi, và cũng bởi họ là “bà đỡ” đầu tiên đúng nghĩa cho tác phẩm đầu tay của tôi.
|
|
– Ngày ấy anh đang sinh sống ở quê chứ chưa lên Hà Nội học tập hay làm việc, nhưng bối cảnh “Mảnh vỡ” lại là đô thị với những nhân vật đô thị. Điều gì khiến anh có cảm hứng với đô thị từ khi còn chưa đặt chân đến nó?
– Thực ra trước khi viết “Mảnh vỡ” tôi có viết một số cái về nông thôn nhưng có lẽ không thành công. Tôi nhớ rõ, luôn là như vậy, tôi không chọn lựa phải viết về vùng nào. Chỉ đơn giản, câu chuyện đến làm tôi thao thức, nó lớn dần và buộc tôi phải viết thôi. Với “Mảnh vỡ”, tôi không thể quên được, “gợi ý” đầu tiên chỉ là một bài báo nhỏ mà tôi được đọc, viết về cảm xúc của một anh sinh viên hội hoạ lần đầu tiên được nhìn thấy người con gái (người mẫu) trần truồng bằng xương bằng thịt… Thế mà không ngờ nó giúp cho tôi có một cuốn tiểu thuyết. Chỉ có như vậy chứ không có vấn đề “cảm hứng” với đô thị hay nông thôn. Khi cuốn sách in ra, tôi nghĩ nhà văn Trần Dũng là người sống với Hà Nội khá nhiều nhưng không thấy ông chê tôi bịa đặt về “thành phố” thì chắc là cũng ổn. Nhưng đó là tôi nghĩ chứ thực ra tôi cũng không hỏi ông và cũng không hỏi ai về điều đó.
– Nếu nói như anh thì một nhà văn thành phố cũng hoàn toàn có thể viết hay về nông thôn và nông dân. Anh nghĩ sao về điều này?
– Hoàn toàn có thể như vậy. Tôi thì cho rằng không nên đặt nặng vấn đề này, nó là tự do của nhà văn thôi. Nếu có nhà văn phải chọn đề tài mới viết được thì nhà văn đó phải cảm ơn cái gọi là “đề tài”, nhưng có nhà văn lại không bao giờ lệ thuộc vào nó thì cũng không sao, cái chính là bằng một cách nào đó mà nhà văn viết được là tốt rồi. Tất nhiên, bao giờ cũng vậy, nhà văn luôn mong muốn viết được tác phẩm lớn, còn viết được tới đâu thì do chính nhà văn đó mà thôi, bởi suy cho cùng, “viết” là một việc triệt để cá nhân, nó không bị phụ thuộc và không bị chi phối bởi bất cứ điều gì.
– Bây giờ, sau 15 năm, đọc lại “Mảnh vỡ” anh thấy thế nào?
– Tôi nhớ lại cái cảm xúc mãnh liệt của thuở ban đầu – một tác phẩm dù có ý thức về cấu trúc (cách viết) thì cũng vẫn có gì đó của “bản năng viết” – nghĩa là thiên về cảm xúc.
Còn điều này nữa, có lúc tôi vẫn thích, nhưng có lúc tôi lại rất chán – mà tôi cũng không tự hỏi hay tự cắt nghĩa vì sao…
|
|
– Theo dõi quá trình sáng tác của anh quả là khó khăn, bởi rất lâu mới lại thấy Đào Bá Đoàn ra sách, và ra cũng rất… lặng lẽ. Tại sao vậy?
– Năm 1997 tôi in “Mảnh vỡ”, 10 năm sau tôi mới in tập truyện ngắn thứ hai, rồi năm 2012 tôi mới lại in tập thứ ba. Thú thực tôi cũng không hiểu vì sao lại thế. Cái sự “lặng lẽ” nữa, tôi cũng không tự hỏi vì sao lại thế bao giờ. Có lẽ tính cách tôi nó vậy… (cười)
– Anh là người rất quyết liệt trong sáng tạo với chính bản thân mình, bằng chứng là anh đã đốt nhiều bản thảo mà không cho xuất bản. Tại sao vậy?
– Không có gì khó hiểu ở đây cả – mọi sự chỉ đơn giản là, tôi đọc lại và thấy nó tầm thường, tôi chán…
– Vậy có thể hiểu những gì được anh cho in ra là những sản phẩm rất hoàn hảo, ít nhất là trong mắt anh?
– Không, không nên quan niệm như vậy. Chỉ là những thứ đó tôi đỡ chán hơn những cái đã hủy mà thôi. Tôi bị vướng phải một điều khó hiểu, tôi hay bị những cơn chán ghét những gì mình viết ra, đúng hơn là sự không hài lòng, là sự bực mình với chính mình… Và cũng chả biết tại sao lại thế.
|
|
– Nhiều người phàn nàn đọc những truyện ngắn của anh trong tập “Chỉ để bay qua một bình minh” rất “khó vào”, anh có thể cho họ một chiếc chìa khóa để mở cánh cửa văn chương Đào Bá Đoàn?
– Thì tôi cứ viết theo cái “tạng” của tôi thôi. Viết như vậy tôi thấy rất thoải mái, chứ viết khác đi là tôi không viết được. Tôi cho rằng, viết là sự tự do đầu tiên và cuối cùng. Và cũng chỉ duy nhất khi viết là tôi có tự do nhiều đến nhường ấy – tự do tuyệt đối đấy. Tôi rất muốn “dò tìm” những bí mật của con người đời sống nhân gian và chính bản thân tôi – mà không biết có làm được không và làm được đến đâu… Có một bạn văn bảo rằng văn của tôi là loại văn cảm giác, tôi cũng không rõ… Tôi thấy, người ta quan niệm về “viết” rất khác nhau. Có nhà văn rất thích viết về những người bị điên loạn. Có nhà văn muốn trầm mình thật sâu vào tầng vô thức. Nhưng, ngôn ngữ, văn chương từ “vô thức” một cách tuyệt đối là bất khả. Có chăng chỉ ở ranh giới nào đó, những ngôn ngữ ở chỗ nhập nhoà, nó lênh loang, và thậm chí khốc liệt, mà sự khảo sát về con người và cuộc đời không bao giờ là duy nhất đúng cho muôn người và muôn thời…
– Anh còn bản thảo 3 tiểu thuyết nữa chưa in?
– Vâng! Ở thời kỳ viết “Mảnh vỡ” tôi viết rất nhiều, nhưng tôi bỏ đi vợi rồi, còn giữ lại mấy cái, ý đồ là đọc lại, sửa lại, nhưng cũng không biết có giữ lại nữa không hay bỏ đi nốt…
– Cách ứng xử với văn chương của anh trước và sau khi học viết văn có khác biệt gì?
– Không khác biệt nhiều lắm, nó vẫn ở trong “ý thức viết” như thế. Cuộc viết của cá nhân; không biết nó sẽ đi tới đâu; và tôi nghĩ tôi không thay đổi, cho dẫu có nhiều lúc mất niềm tin ở ngôn ngữ và chán văn chương của mình kinh khủng…
Đào Bá Đoàn sinh năm 1971 tại Thanh Miện, Hải Dương. Tốt nghiệp Trường Viết văn Nguyễn Du khóa VI. Đã in: Mảnh vỡ (tiểu thuyết, NXB Lao động, 1997; NXB Hội Nhà văn 2011); Rượu của thời chưa sinh (tập truyện ngắn, NXB Công an nhân dân, 2007); Chỉ để bay qua một bình minh (tập truyện ngắn, NXB Văn học, 2012). Hiện anh là biên tập viên Nhà xuất bản Hội Nhà văn. |
Nguồn: eVan