Danh sách chung khảo giải thưởng Man Booker năm 2013 vừa được công bố hôm mùng 10/9 theo giờ Anh. Hội đồng giám khảo nhận xét danh sách đề cử năm nay đa dạng và đặc biệt mang tính quốc tế cao với các tác giả đến từ khắp năm châu.

Theo như công bố trong buổi lễ ở thành phố London, danh sách chung khảo ấn tượng được sàng lọc từ 13 cuốn sách xuống còn 06 cuốn cạnh tranh cho giải thưởng trị giá 50,000 bảng Anh.

06 cuốn sách trong vòng chung khảo

Những cuốn sách trụ lại trong vòng chung khảo đến từ châu Âu, châu Á, châu Phi, Australia và Bắc Mỹ, với các tác giả sinh sống ở khắp nơi trên thế giới. Chỉ có duy nhất Crace sống ở Anh, còn Catton đang sống tại New Zealand, Ozeki ở Canada và Lahiri, Bulawayo và nhà văn gốc Ailen, Toibin hiện đang sống tại Hoa Kỳ.

Hội đồng giáo khảo tuyên bố cuộc cạnh tranh năm nay vô cùng đa dạng với những chủ đề mang tính quốc tế cao và các tác giả đến từ khắp năm châu. Trái ngược với năm 2012, khi mà Bring Up the Bodies dường như đảm bảo chiến thắng cho Hilary Mantel, các chuyên gia dự đoán năm nay không có tác giả nào được yêu thích đặc biệt khi nói rằng đây là “năm vô cùng khó khăn để gọi tên người thắng cuộc”.

Tác phẩm hiện đang được yêu thích nhất là cuốn Harvest của Jim Crace, được biết đến như là cuốn tiểu thuyết cuối cùng trong sự nghiệp của ông. The Luminaries của Eleanor Catton cũng là ứng cử viên đang dành được nhiều sự ưu ái. Nếu giành giải, Catton sẽ trở thành người trẻ nhất từng thắng Man Booker khi mới 28 tuổi.

Những tác giả khác lọt vào danh sách bao gồm cuốn We Need New Names của NoViolet Bulawayo, The Lowland của Jhumpa Lahiri, A Tale for the Time Being của Ruth Ozeki và Colm Toibin với cuốn tiểu thuyết ngắn nhất từng được đề cử tựa đề The Testament of Mary dài chỉ 101 trang.

Ông Robert Macfarlane, trưởng ban giám khảo của giải thưởng năm nay cho biết danh sách chung khảo được chọn theo tiêu chí “khả năng tồn tại lâu dài và tầm ảnh hưởng sâu rộng” đối với tiểu thuyết hiện đại. Macfarlane cũng tuyên bố đây là “năm đa dạng nhất trong lịch sử giải thưởng Man Booker”.

“Những cuốn sách được đề cử sẽ ngay lập tức gây bất ngờ vì phạm vi toàn cầu của chúng. Danh sách đề cử chung khảo năm nay đã chứng minh rằng văn học tiếng Anh đã và luôn được coi là hình thức chung của văn học thế giới. Nó trải dài trên khắp các châu lục, du nhập vào các quốc gia và trải dài hàng thế kỉ. Bằng nhiều hình thức biểu đạt, những cuốn tiểu thuyết này thể hiện những con đường kì lạ nhất khi con người đến với nhau và muôn mặt của nỗi đau khi họ chia lìa” – ông nói thêm.

Tên người chiến thắng sẽ được công bố vào ngày 15/10, sau khi hội đồng giám khảo đã giành một năm để đọc hết 152 cuốn tiểu thuyết được đề cử, mất hàng giờ để tranh luận hay chấp nhận một cảm giác sâu thẳm chẳng hạn như khi bàn về cuốn tiểu thuyết dài 800 trang của Catton.

Các nhà bán lẻ sách hiện đang tiến hành nghiên cứu kỹ lưỡng để quyết định đầu tư vào một trong số những cuốn tiểu thuyết trong danh sách. Những cuốn từng đoạt giải trước đây như Cuộc đời của Pi (đã bán được hai triệu bản), Schindler’s Ark của Thomas Keneally hay Wolf Hall Bring up the Bodies của Hilary Mantel, tất cả đều tăng đáng kể doanh số bán sau khi chiến thắng.

Từ phía trên bên trái theo chiều kim đồng hồ: Eleanor Catton, Jhumpa Lahiri, Colm Toibin, NoViolet Bulawayo, Jim Crace and Ruth Ozeki

Dưới đây là danh sách chung khảo đầy đủ của Man Booker 2013:

1. We Need New Names của NoViolet Bulawayo

Là cuốn tiểu thuyết đầu tay duy nhất trong danh sách. Tác giả 31 tuổi người Zimbabwe đã kể về câu chuyện về một nhân vật tên là Darling sống trong một túp lều được đặt tên là thiên đường.

Ban giám khảo nhận xét: “Chúng đã từng đọc vố số những cuốn sách mà người kể chuyện chỉ là một đứa trẻ nhưng chưa từng thấy một giọng kể nào đặc biệt như Darling”.

2. The Luminaries của Eleanor Catton

Nhà văn 27 tuổi người New Zealand, Catton, là tác giả trẻ tuổi nhất trụ lại đến vòng chung khảo. Trước đó, cuốn tiểu thuyết đầu tay của cô, The Rehearsal (2008) cũng từng được đề cử vòng sơ khảo của giải Orange.

Cuốn sách viết về nhân vật chính Walter Moody bị kéo vào một bí ẩn khi cố tìm kiếm gia tài trong những mỏ vàng của New Zealand.

Giám khảo Natalie Haynes, một nhà cổ điển học và phê bình gia phát biểu: “khi nhận được một cuốn sách dày 823 trang trong bưu kiện, người ta có lẽ sẽ cảm thấy chùng xuống nếu phải đọc chúng, nhưng chỉ trong 6 trang đầu của cuốn sách tôi đã thấy dễ chịu như đang ngâm mình trong bồn tắm”.

3. Harvest của Jim Crace

Crace sinh ra ở Hertfordshire, vị tác giả 67 tuổi cũng là nhân vật lão làng nhất trụ lại trong danh sách. Ông bắt đầu viết tiểu thuyết từ năm 1974. Năm 1997, một cuốn sách khác của ông là Quarantine cũng từng được đề cử cho vòng chung khảo giải Booker. Crace đã tuyên bố cuốn sách sẽ là tác phẩm tiểu thuyết cuối cùng trong sự nghiệp của ông.

Các thành viên ban giám khảo cho biết Harvest đã ám ảnh họ sau nhiều tháng sau khi đọc.

4. The Lowland của Jhumpa Lahiri

Nữ nhà văn 46 tuổi Lahiri sinh ra tại London và hiện đang sống ở Mỹ. Cô đã viết bốn tác phẩm tiểu thuyết trong đó cuốn The Namesake đã được chuyển thể thành bộ phim cùng tên. The Lowland, kể về cuộc sống của 2 cậu bé rất thân thiết lớn lên ở Calcutta.

Các giám khảo viết: “Đây là một cuốn tiểu thuyết viết về khoảng cách và chia ly, về lưu giữ những kí ức nhất định không thể quên”.

5. A Tale For The Time Being của Ruth Ozeki

Nhà văn 57 tuổi người Canada gốc Hoa Kỳ, Ozeki, đã được công nhận là một cư sĩ Phật giáo Thiền tông vào năm 2010 và là tác giả của ba cuốn tiểu thuyết.

A Tale For The Time Being, kể về nạn bắt nạt trên mạng ảo và một nữ tu sĩ theo đạo Phật đã 105 năm tuổi, xoay quanh một bí ẩn bắt đầu khi nhân vật chính, Ruth, phát hiện ra một hộp cơm trưa hình chú mèo Hello Kitty trôi dạt vào bờ biển gần nhà.

Ban giám khảo nhận xét: “Có thể gọi đây là muốn cuốn tiểu thuyết Thiền nếu như thể loại sách ấy tồn tại. Cuốn sách bàn về cuộc tranh chấp ở mọi cấp độ – Đông sang Tây, tàn ác và tử tế, lãng quên và ghi nhớ, giải phóng và ngăn cách, và được viết bằng giọng văn cực kỳ thông minh, cực kỳ ngọt ngào với sự tận tụy lớn lao”.

6. The Testament Of Mary của Colm Toibin

Nhà văn 58 tuổi người Ailen, Toibin, là tác giả của năm cuốn tiểu thuyết, trong đó 2 cuốn The Blackwater Lightship (1999) và The Master (2004) từng lọt vào vòng chung khảo giải Booker .

Trong cuốn sách kể về Đức mẹ Maria của Toibin, người phụ nữ của lịch sử được tái hiện lại như một con người hoàn chỉnh, sống lưu vong trong sợ hãi và cố gắng chắp nối các sự kiện dẫn đến cái chết tàn bạo của con trai bà.

Các giảm khảo nhận xét cuốn sách là một “câu chuyện đầy say mê, tỉ mỉ và xinh đẹp mà hầu hết mọi người cho rằng họ đã từng nghe” được tác giả “biến thành một thứ tươi mới hoàn hảo và lạ lùng” dù chỉ dài 100 trang có lẻ.

HẠ VŨ theo the Telegraph

Exit mobile version