Mất bốn năm chật vật làm quen với môi trường điện ảnh Mỹ, rồi Andrei Konchalovsky cũng được xuất hiện tại trường quay và có cơ hội cộng tác với một ngôi sao đang lên, Nastassja Kinski. Bộ phim Những người tình của Maria (1984, dựa theo truyện vừa Dòng sông Potudan của nhà văn Nga Andrei Platonov) với nữ diễn viên chính người gốc Đức chứng tỏ đạo diễn Xô Viết này cũng biết hòa nhập làng điện ảnh Mỹ, đồng thời giúp Nastassja Kinski đắt khách gấp bội.

>> Kỳ I: Danh gia vọng tộc (Kỳ 1)

Nhập làng phim Mỹ

Đến bộ phim tiếp theo Đoàn tàu trốn chạy (1985) thì ông đã đi vào Từ điển điện ảnh thế giới. Phim do đạo diễn Nhật Bản lừng danh Akira Kurosawa viết kịch bản, kể về hai con người tù túng, đến khi vượt ngục lại rơi vào guồng chạy của một đoàn tàu tự do đến nỗi không người điều khiển cầm lái thì bị mất thăng bằng hoàn toàn. Ngôn ngữ điện ảnh của phim này rất giàu hình tượng ẩn dụ mang tính triết lý! Đoàn tàu trốn chạy của đạo diễn A. Konchalovsky được đề cử liền ba giải Oscar: nam diễn viên chính, nam diễn viên phụ và hậu kỳ.

Đối với nhiều bộ phim quay tại Mỹ, A. Konchalovsky rất chú trọng đến lối suy nghĩ đa tầng.

Song tấu cho người độc tấu (1986, kể chuyện một nữ danh cầm lâm trọng bệnh trước nguy cơ nứt vỡ hôn nhân và sự giúp đỡ tận tình cảm động của những người thân: chồng, học trò và bác sĩ tâm lý) – một cuộc đấu tranh ngoan cường với cái chết để tiếp tục làm nghệ thuật và sống có ý nghĩa…

Áp phích phim Schelkunchik và Vua Chuột
Những người cả thẹn (1987, chuyện một nữ ký giả mang đứa con gái mới lớn từ New York đến một hòn đảo, nơi có người chị em cùng gia đình sinh sống tại đó, do định kiến với lối sống thành phố, nảy sinh mâu thuẫn, nhưng nhờ mâu thuẫn phát lộ mới hay: hóa ra chẳng ai bằng lòng với thực tại của mình) – vì sống trong một chế độ hà khắc, con người thu mình lại và từ chối mọi tiếp xúc với thế giới xung quanh. Homer và Eddie (1989, một người tốt bụng nhưng thiểu năng, bị bố mẹ bỏ rơi từ nhỏ, dọc đường bị trấn lột hết, tình cờ gặp một phụ nữ mắc bệnh nan y vừa trốn bệnh viện tâm thần nhưng lại có xe hơi, và hai kẻ bất cần đời bèn cùng nhau chu du thiên hạ) – phim giành Giải thưởng Lớn tại Liên hoan phim quốc tế San Sebastian.

Nói chung, phim làm ở nước ngoài của A. Konchalovsky được các đồng nghiệp cũ nhận xét là “Mỹ hóa ghê quá”, nhưng thực chất, bộ phim được Mỹ hóa đậm nhất phải là Tango & Tiền mặt (Tango & Cash, 1989) – một phim hành động hài với diễn viên cơ bắp Sylvester Stallone: hai viên cảnh sát phòng chống ma túy thuộc hai đơn vị khác nhau, mỗi người một tính cách xung khắc nhau, nhưng khi cùng săn một tên tội phạm quốc tế cỡ bự đều bị hắn đưa vào tròng “liên quan đến một án mạng” và cùng bị bắt, cho nên, việc đào ngục để lấy lại thanh danh đã khiến họ trở thành đồng minh…

Lòng tự trọng

Trong quá trình làm phim, cách tiếp cận công việc của A. Konchalovsky dẫn tới mâu thuẫn với nhà sản xuất John Peters nên chưa quay xong Tango & Tiền mặt, ông đã tự rút lui mặc dầu vẫn để lại tên mình trong phim. Trở về cố hương, ông dồn tâm huyết vào những bộ phim khắc họa tính cách những người đồng bào của mình.

Chỗ thân cận (1992, kể chuyện một cần vụ chiếu bóng cho nhà lãnh đạo gặp nhiều bi kịch (vợ bị biến thành bồ của “tay chân” lãnh đạo, có thai, trở về nhà chồng tự sát) nhưng vẫn giữ niềm tin ngây thơ với cấp trên… Đây là một dự án điện ảnh quốc tế với dàn diễn viên Nga, Anh, Mỹ, dùng kinh phí của Italy và được hãng Columbia Pictures mua đứt để phát hành ở nhiều nước.

Con gà của Riaba (1994) nối tiếp các sự kiện của người phụ nữ có yêu mà chẳng lấy chồng. Hai mươi năm sau, sống trong cảnh tồi tàn, bà uống rượu và chỉ trò chuyện với một con gà biết đẻ ra trứng vàng, trong khi bên cạnh là một ông chủ trang trại làm ăn phát đạt mà cũng để mắt tới bà. Song le, họ làm sao gặp được nhau khi mỗi người có một cách nhìn đời riêng biệt – phim bị một số nhà phê bình chỉ trích “bôi nhọ người dân Nga” (?)

Ngôi nhà điên (2002, câu chuyện một nhà thương điên cấp huyện ở gần Chechnia, khi xảy ra chiến sự, các thầy thuốc bỏ chạy đi cả, đám bệnh nhân bị bỏ rơi lúc này hóa ra là những con người bình thường duy nhất giữa cái thế giới ướt đẫm máu me. Phim mang lại cho A. Konchalovsky giải thưởng lớn của Ban Giám khảo Liên hoan phim quốc tế Venice và người vợ thứ năm: Yulia Vysotskaya, người thường được đạo diễn chọn làm diễn viên chính.

Cảnh phim Đánh bóng tên tuổi
Gần đây nhất, ông cho ra đời bộ phim Sư tử mùa đông (2003, chuyện những thành viên trong hoàng tộc Anh thế kỷ XII hằn học lẫn nhau và đểu cáng trong cuộc tranh giành ngôi báu) và Đánh bóng tên tuổi(2007, chuyện một cô gái tỉnh lẻ không của hồi môn đến thủ đô bươn chải vào chốn bếp núc của thế giới mốt). Đặc biệt, đạo diễn cao niên này sẵn sàng tiếp cận kỹ thuật điện ảnh mới – bộ phim 3DSchelkunchik và Vua Chuột (2010) làm sống lại nhân vật cổ tích phổ biến ở châu Âu.

Những sáng tạo đa dạng

Mùa xuân 1997, A. Konchalovsky cho công chiếu trên kênh NBC (Mỹ) bộ phim truyền hình chuyển thể tác phẩm văn học cùng tên Odyssey của Homer. Nhân vật huyền thoại cổ đại sau mười năm lênh đênh trở về đã khôn khéo chiếm lại thành Troy, nhưng lại tỏ ý thách thức các thần ở Athens, và nếu không nhờ sự trợ giúp của một nữ thần xinh đẹp và hùng mạnh hẳn sẽ phải sống kiếp lưu đày giữa biển cả… Chuyến trở về cố hương với vợ con kéo dài suốt mười năm, cuộc phiêu lưu nọ nối cuộc phiêu lưu kia, và Odyssey khôn ngoan giả dạng một người đàn ông tiều tụy xuất hiện tại nhà giữa lúc người vợ sắp sửa lên xe hoa lần nữa… Đây là dự án có kinh phí thuộc hạng kỷ lục trong lịch sử truyền hình: 40 triệu USD, nhưng bù lại, cuộc ra mắt ở Mỹ rất thành công, và khi chính thức phát hành ở châu Âu được đánh giá là sự kiện vang dội nhất tại Liên hoan phim quốc tế Moskva XX. Năm 1997 cũng là dịp kỷ niệm 35 năm lao động sáng tạo của đạo diễn 60 tuổi A. Konchalovsky với chương trình công chiếu tại Trung tâm Lincoln (New York, Mỹ) toàn bộ 17 phim ông đã làm.

A. Konchalovsky còn dàn dựng những tiết mục sân khấu gây tiếng vang: kịch Hải âu của A. Chekhov, ba vở opera Evgheny Oneghin và Con đầm pich của P. Chaikovsky, Chiến tranh và hòa bình của S. Prokofiev trên những sân khấu nổi tiếng ở Pháp, Italy và Nga, màn ca nhạc Thủ đô cổ kính của ta khai mạc lễ kỷ niệm Moskva tròn 850 tuổi. Ông được phong danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân Liên bang Nga, Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học và nghệ thuật Điện ảnh.

“Ai không biết kiếm bộn tiền ở Hollywood thì rút về làm nghệ thuật” – Andrei Konchalovsky đã có một đúc kết như thế, và ngày 27.8.1997, tại liên hoan phim quốc tế Hòn ngọc Baltic – ông nhận phần thưởng Cống hiến cho Điện ảnh do nữ minh tinh Italy Gina Lollobrigida tự tay chế tác và trao tặng.

Đăng Bảy

Nguồn: daibieunhandan.vn