Trong đời sống văn học nghệ thuật Nga Xô Viết, khách quan mà nói, có tồn tại một danh gia vọng tộc, mà trường hợp tiêu biểu là nhà thơ nổi tiếng Sergei Mikhalkov với hai người con trai, đều là hai nhà điện ảnh tầm cỡ – Andrei Konchalovsky và Nikita Mikhalkov.

Khi Quốc ca cất lên…

Đã tám chục năm nay, mỗi khi nghe bản quốc ca Liên Xô ngày trước và Liên bang Nga bây giờ, người ta lại nhớ đến nhà thơ Sergei Mikhalkov (1913 – 2009). Ông xuất thân từ một dòng dõi quý tộc Nga nổi danh từ thế kỷ XV, sang thế kỷ XVI – vào hàng vương giả, không ít cơ ngơi thời vàng son của dòng tộc này hiện vẫn còn thấy ở Rybinsk, tỉnh Yaroslav. Cùng với những sáng tác văn học, chủ yếu thơ thiếu nhi và thơ trào phúng, ông nổi tiếng trước hết là người ba lần soạn lời quốc ca.

Nhà thơ Sergei Mikhalkov

Năm 1943, Chính phủ Liên Xô quyết định thay vì Quốc tế ca là bài Đảng Bolshevich ca của nhạc sĩ A. V. Alexandrov làm quốc ca với phần lời mới. Qua cuộc thi sáng tác lời quốc ca, bản của Gabriel El-Registan và Sergei Mikhalkov được chọn, và lời hát chính thức vang lên mở đầu ngày mới 1.1.1944. Sau khi Stalin qua đời (1953), quốc thiều Liên Xô chỉ cử nhạc không lời, vì không muốn nhắc đến tên lãnh tụ cũ nữa, mãi đến ngày 27.5.1977, trước khi thông qua Hiến pháp mới, Đoàn Chủ tịch Xô Viết Tối cao Liên Xô phê duyệt lời quốc ca mới, mang chủ đề xây dựng chủ nghĩa cộng sản – lần này, tác giả vẫn là Sergei Mikhalkov. Năm 2000, Liên bang Nga triển khai việc xây dựng quốc ca mới cho mình và bất chấp những tranh cãi, ngày 20.12.2000, giai điệu cũ của A. V. Alexandrov với phiên bản lời mới của chính Sergei Mikhalkov được cả hai cấp nghị viện thông qua, mười ngày sau – được tổng thống Putin ký duyệt.

Ngoài sáng tác văn chương và lãnh đạo Hội Nhà văn Liên Xô, sau này là Nga, từ năm 1962, S. Mikhalkov còn là người khai sinh tạp chí điện ảnh Fitil (Ngòi nổ) – một tiếng nói phản biện hiếm hoi, trào lộng, phê phán sâu cay những mặt tiêu cực đương thời…

Trong cuộc đời, con người tài hoa này được hưởng một cuộc hôn nhân may mắn với người vợ thứ nhất – nữ nhà văn kiêm dịch giả Natalia Konchalovskaya (1903 – 1988), chính là cháu ngoại của danh họa Nga Vasili Surikov (1848 -1916), con đẻ của nghệ sĩ – họa sĩ nổi tiếng Pyotr Konchalovsky (1876 – 1956), Viện sĩ Viện Hàn lâm Nghệ thuật Liên Xô. Bà có một con gái riêng là Ekaterina Konchalovskaya và người con rể thuộc cỡ kiệt hiệt trong làng văn: Yulian Semionov (1931 – 1993) – tác giả nhiều tiểu thuyết trinh thám chính trị, trong đó có Mười bảy khoảnh khắc mùa xuân và là người sáng lập tờ báo độc đáo Tuyệt mật.

Mối lương duyên của cặp nhà văn đã sản sinh được người con trai đầu mang cả hai dòng họ nội ngoại Andrei Mikhalkov – Konchalovsky với nghệ danh Andrei Konchalovsky, người con trai thứ Nikita Mikhailkov, và cả hai đều hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh…

Rẽ đường, từ nhạc sang phim

Andrei Konchalovsky cất tiếng chào đời ngày 20.8.1937 tại Moskva, dường như được thừa hưởng nhiều gien nghệ thuật của bên ngoại – một dòng tộc liên quan tới cả hoàng tộc Romanov, Pushkin, Tolstoy… Sau khi tốt nghiệp trung cấp âm nhạc (1952) liền tiếp tục tu nghiệp tại Nhạc viện Moskva (1953 – 1957) và luyện đàn piano (1957 – 1959), đến năm 22 tuổi, chàng sinh viên năm thứ ba trường Nhạc gia nhập trường Nghệ thuật Điện ảnh VGIK, làm học trò của đạo diễn nổi tiếng Mikhail Romm. Ngay khi đang học, A. Konchalovsky đã thực hiện bộ phim ngắn Chú bé và chim bồ câu – câu chuyện cảm động về cậu bé thường ngắm chim trời hàng giờ và vẽ chim lên tường nhà nhưng không có tiền mua chim, phải liều đánh đổi tập album tem của bố lấy một con chim bồ câu, nhưng khi thả ra nó liền bay về chủ cũ, cậu chạy khắp phố tìm chim và tìm cách kiếm tiền để chuộc lại… Tác phẩm đầu tay đã mang lại cho A. Konchalovsky giải Sư tử Đồng tại Liên hoan phim thiếu nhi quốc tế Venice 1961. Thời sinh viên đó gắn kết với một người bạn học trên hai lớp, Andrei Tarkovsky (1932 – 1986): cùng viết kịch bản để bạn làm phim tốt nghiệp Xe lu và vĩ cầm(giải nhất cuộc thi phim sinh viên New York, 1961), sau đó tự viết những kịch bản Kẻ tàn bạo, Tashkent – thành phố bánh mì, Kết cuộc của một thủ lĩnh, Viên đạn thứ bảy, Người hâm mộ, Chúng tôi chờ, chàng trai ơi!, Chuyến tàu xuyên Siberia… Nhận bằng đạo diễn năm 1965 với phim Người thầy đầu tiên chuyển thể truyện vừa của nhà văn Chinghiz Aitmatov, A. Konchalovsky mang đến dự Liên hoan điện ảnh trẻ tại Hyères (Pháp), rồi dự Venice 1966 giành được cúp Volpi về nữ diễn viên chính xuất sắc (cho Natalia Arinbasarova, người kế chân một nữ nghệ sĩ ballet, thành vợ thứ hai của ông).

Vinh quang và cay đắng

Năm 1967, chỉ sử dụng những nữ diễn viên nghiệp dư là thường dân ở địa phương, ông hoàn thành một bộ phim thử nghiệm gây chấn động chưa từng thấy trong lịch sử điện ảnh Liên Xô Asia, kể chuyện một nữ nhân vật yêu hết mình nhưng không lấy chồng. Phim này bị cấm, mãi đến năm 1987 mới may mắn được phục hồi và công chiếu, được giới phê bình điện ảnh nể trọng.

Áp phích phim Tình ca về những người đang yêu

Năm 1969, theo tiểu thuyết cùng tên của văn hào E. Turgenev, phim Một ổ quý tộc của A. Konchalovsky ra đời với rất nhiều tìm tòi nghệ thuật táo bạo, song lại bị phê là “một cuộc đầu hàng, chạy trốn các vấn đề thực tại, lệch lạc về thẩm mỹ”, phải nhiều năm sau mới nhận được những hồi âm khác: tại cuộc họp báo ra mắt ở Mỹ bộ phim của ông Odyssey(1997), diễn viên Geraldine Chaplin (con gái “Vua hề Charlo”) tâm sự: “Nếu như cha tôi biết tôi đóng phim của Konchalovsky, hẳn là ông sẽ rất hạnh phúc. Chính là ông đã có lần bảo tôi: Con hãy chú ý đến người này – đó là một đạo diễn vĩ đại!”.

Bất chấp lối nhìn nhận hẹp hòi trong nước, A. Konchalovsky là đạo diễn Xô Viết liên tiếp bước lên bục vinh quang trong các liên hoan phim quốc tế: năm 1972 – giải thưởng Quốc gia Kazakhstan về kịch bản phim Kết cuộc của một thủ lĩnh viết chung với E. Tropinyn; năm 1974 – bộ phim rất trẻ trung và lãng mạn Tình ca về những người đang yêu nhận giải của Karlovy Vary; năm 1975 với bộ phim triết lý Cậu Vania theo kịch của A. Chekhov – nhận  giải Sò Vàng của LHP San Sebastian (Tây Ban Nha), năm 1979 – bộ phim sử thi bốn tập Siberiada – tác phẩm xuyên suốt các sự kiện và số phận của dân Siberia từ đầu thế kỷ đến thập niên 1960 đã mang lại giải thưởng Đặc biệt của Ban Giám khảo Cannes (Pháp). Năm 1980, ông nhận danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân Liên bang Nga và đi tới một quyết định quan trọng đặc biệt trong đời: chuyển sang phương Tây rồi sang Mỹ sinh sống. Trên thực tế, cuộc di cư này không có gì trái với luật pháp Liên Xô, bởi vì thời điểm đó, ông đã chính thức kết hôn với một nữ chuyên gia về Phương Đông học người Pháp.

Ai cũng biết, một nghệ sĩ Đông Âu đến Hollywood coi như bắt đầu từ con số không và phải nỗ lực chứng minh với nhà sản xuất là mình có tay nghề…

Đăng Bảy

Kỳ sau: Nhập làng phim Mỹ

Nguồn: daibieunhandan.vn


Exit mobile version