Ngày 19/6 đã diễn ra lễ tổng kết, trao giải cuộc thi viết tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài “Vì an ninh Tổ  quốc và bình yên cuộc sống” do Bộ Công an phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức trong 3 năm từ 2012-2015 và lễ tôn vinh các nhà văn Việt Nam đã có những đóng góp xuất sắc cho sự nghiệp bảo vệ An ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống sẽ diễn ra tại Hà Nội trong trong khuôn khổ chương trình “Những trang sách Vàng 70 năm Công an nhân dân”.

Sau 3 năm kể từ ngày phát động, cuộc thi viết tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài “Vì an ninh Tổ  quốc và bình yên cuộc sống” do Bộ Công an phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức đã thu hút sự tham gia của gần 100 tác giả là các cây bút trong và ngoài Lực lượng Công an.

NXB Công an nhân dân họp báo công bố giải thưởng cuộc thi viết tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài “Vì an ninh Tổ  quốc và bình yên cuộc sống”  2012-2015.

Từ hơn 100 bản thảo của các tác giả gửi đến Ban thường trực cuộc thi, Ban tổ chức đã lựa chọn được 82 tác phẩm đủ tiêu chuẩn để tham gia dự thi ở vòng sơ khảo. Trong số này, 28 tác phẩm đã được Ban sơ khảo lựa chọn vào vòng chung khảo. Hội đồng chung khảo kỳ này gồm các nhà văn có tên tuổi trên văn đàn như: Nguyễn Trí Huân, Nguyễn Khắc Trường, Chu Lai, Ngô Vĩnh Bình, Khổng Minh Dụ, Phạm Khải, Nguyễn Hồng Thái.

Đại tá, nhà văn Nguyễn Hồng Thái – Giám đốc, Tổng Biên tập NXB Công an nhân dân, đơn vị thường trực cuộc thi – cho biết: “Đồng hành cùng cuộc thi, NXB Công an nhân dân đã tổ chức 3 trại viết với sự tham gia của gần 100 nhà văn. Có thể nói, cuộc thi lần này đã rất thành công, đánh dấu sự “lên ngôi” của thể loại tiểu thuyết. Các tác phẩm lọt vào chung khảo lần này, thể loại tiểu thuyết chiếm ưu thế áp đảo và có tới 13/15 tác phẩm đoạt giải kỳ này là tiểu thuyết. Các tác phẩm tham gia dự thi đã bám sát vào chủ đề “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống”, sáng tạo nên những hình tượng người chiến sĩ công an hết sức chân thực, gần gũi với nhân dân, rất nhân văn, thuyết phục chứ không bị “lên gân” hay ca ngợi một chiều.

Cuộc thi còn thành công ở chỗ nó đã thu hút được nhiều nhà văn tên tuổi tham gia, ghi nhận những tình cảm trân trọng, yêu mến người chiến sĩ Công an và sự tha thiết gắn bó với đề tài hình an ninh, trật tự của nhiều nhà văn đương đại. Bên cạnh đó, cuộc thi đã phát hiện và thu hút được nhiều nhân tố mới là các cây bút trẻ về cả tuổi đời và tuổi nghề ở trong và ngoài lực lượng công an tham gia với những trang viết đa chiều, nhiều màu sắc, không ngại đi vào những đề tài khó, thậm chí đề cập đến nhiều vấn đề “nhạy cảm” như sự tha hóa, tiêu cực của một số ít cán bộ chiến sĩ trước những cám dỗ đời thường. Điều này cũng được thể hiện trong tác phẩm “Bão ngầm” của tác giả Đào Trung Hiếu – đã đoạt giải A cuộc thi. Đến nay, đã có 8 tác phẩm đoạt giải thưởng ra mắt độc giả và lần lượt các tác phẩm lọt vào chung khảo còn lại sẽ được NXB Công an nhân dân ấn hành trong thời gian tới”.

Kết thúc cuộc thi, 15 tác phẩm đã được chọn để trao giải thưởng bao gồm: 2 giải A (mỗi giải trị giá 50 triệu đồng) dành cho tác phẩm “Đơn tuyến” của nhà văn Phạm Quang Đẩu, “Bão ngầm” của tác giả Đào Trung Hiếu; 5 giải B (mỗi giải trị giá 30 triệu đồng) cho các tác phẩm: “Cô Mặc Sầu” của nhà văn Nguyễn Đình Tú, “Vực gió” của nhà văn Phong Điệp, “Mùa thu ở lại” của nhà văn Vũ Thị Hồng, “Chuyện đời tự kể” của Trung tướng Lê Ngọc Nam, “Không thể mồ côi” của tác giả Minh Vân. Ngoài ra còn có 5 giải C và 3 giải khuyến khích.

Cũng trong chương trình “Những trang sách Vàng 70 năm Công an Nhân dân”, có 18 nhà văn được Bộ Công an tri ân, tôn vinh gồm các tên tuổi như các cố nhà văn: Lê Tri Kỷ, Hữu Mai, Triệu Huấn, Nguyên Hùng, Đặng Thanh; các nhà văn đương đại gồm: Lương Sỹ Cầm, Trần Diễn, Xuân Đức, Mai Thanh Hải, Nguyễn Thị Ngọc Hải, Văn Phan, Hồ Phương, Hữu Ước, Ngôn Vĩnh, Nguyễn Quang Thiều, Phùng Thiên Tân, Nguyễn Trần Thiết. Đây thực sự là các tên tuổi đáng kính trong làng văn đã có những đóng góp thầm lặng, những cống hiến xuất sắc cho lực lượng Công an nhân dân và sự nghiệp bảo vệ An ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống trong suốt 70 năm qua.

Trung tá Đào Trung Hiếu – tác giả tiểu thuyết “Bão ngầm” đoạt giải A

“Tôi viết “Bão ngầm” trước hết dành tặng những người bạn, những đồng đội của tôi đang trực tiếp chiến đấu trên mặt trận đấu tranh phòng chống ma túy. Là người lính trinh sát ma túy, đi ra từ thực địa cuộc chiến sinh – tử với tội phạm ma túy, tôi hiểu một cách đầy đủ và sâu sắc nhất về tính chất cuộc chiến đấu, nhiệm vụ, những hiểm nguy, vất vả, sự gian khổ hy sinh, mà họ đã và đang phải đối diện, trải qua.

Viết “Bão ngầm”, tôi muốn thay họ nói lên nỗi niềm của những “người trong cuộc”, bởi vì công việc bài trừ ma túy là một trong những hoạt động nghiệp vụ đặc thù, chuyên sâu nhất của lực lượng Công an. Vì bí mật nghiệp vụ, nên người lính luôn chiến đấu và hy sinh thầm lặng. Thật không dễ để kể sâu, nói kỹ về công việc và thân phận con người phía sau những chuyên án. Văn học hóa hoạt động này là cách truyền tải thông tin an toàn và hiệu quả nhất.

Với trải nghiệm từ những năm tháng làm trinh sát viên án ma túy, được góp mặt trong những chuyên án bóc gỡ các đường dây, ổ nhóm tội phạm ma túy lớn, nên tôi không gặp khó khăn về chất liệu để sáng tác, cũng như ý tưởng hình thành câu chuyện. Bản thân cuộc chiến đấu chống tội phạm ma túy trên thực địa đã rất ly kỳ, vì ngoài tính gay cấn và dữ dội, còn mang đậm yếu tố mưu lược, thông tuệ, khi được chuyển hóa vào văn học thì sự hấp dẫn là điều có thể nhìn thấy trước. Việc còn lại phụ thuộc vào khả năng xây dựng cốt truyện, cấu tứ, ngôn từ, hình ảnh…

Tóm lại là năng lực viết của nhà văn mà thôi. Cũng may mắn là trước tiểu thuyết này, tôi đã ra hai tập sách truyện và ký về đề tài ANTT, đó là bước tập dượt quan trọng để vững tâm cầm bút trong sáng tác lần này. Khó khăn khi viết “Bão ngầm”, là tôi chưa từng làm chuyện này bao giờ! Thể tài truyện ngắn thì đã có kinh nghiệm, nhưng viết tiểu thuyết không phải chuyện giản đơn. Tôi đã phải tự mày mò, tìm đọc nhiều sách và gặp gỡ các nhà văn để trao đổi, học hỏi về phương pháp viết. Dịp đi dự trại sáng tác Cửa Lò rất quan trọng với tôi. Tại đây tôi đã học được rất nhiều từ các nhà văn chuyên nghiệp. Thành công với Bão ngầm, có ý nghĩa thúc đẩy sự tự tin trong tôi, rằng mình có thể làm được những việc trước đây chưa từng làm. Niềm tin vào nội lực rất quan trọng đối với những người lính, dù ở bất cứ hoàn cảnh hay công việc nào”.

Nhà văn Phong Điệp – tác giả tiểu thuyết “Vực gió” đoạt giải B:

“Đây là lần đầu tiên tôi tham dự cuộc thi viết tiểu thuyết và kí về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” do NXB Công an nhân dân và Hội nhà văn Việt Nam tổ chức. Thực ra tôi bắt đầu quan tâm đến cuộc thi này từ mùa giải trước, với “Sát thủ online” tác phẩm đã đoạt giải A cuộc thi của nhà văn Nguyễn Xuân Thủy. Đây là một cuốn tiểu thuyết biến ảo linh hoạt, tạo cho tôi nhiều hứng thú khi thưởng thức. Cũng mùa giải đó, các bạn bè văn chương của tôi tham gia nô nức và đoạt được những giải xứng đáng: Phiên bản của Nguyễn Đình Tú giải B, Trại Hoa đỏ của Di Li giải C… Chính những người bạn văn chương ấy đã khích lệ tôi tham gia, cũng như giới thiệu tôi với chị Thùy Liên, biên tập viên của NXB.



Khi cuộc thi lần này phát động, tôi đã được mời đến và đã tự nhủ mình cần phải viết gì đó. Tuy nhiên, phải mãi tận đến tháng 8/2014 tôi mới chính thức bắt tay vào viết “Vực gió”, sau khi đã hoàn thành một cuốn tiểu thuyết khác của mình (đó là “Ga ký ức”, đã được NXB Trẻ ấn hành), tuy nhiên nội dung cuốn sách lại không phù hợp với tiêu chí cuộc thi nên tôi không gửi tham gia. Sau gần 4 tháng làm việc cật lực, với sự khích lệ từ nhóm bạn bè văn chương thân thiết cũng như biên tập viên NXB, “Vực gió” đã hoàn thành.

Dù đã ra mắt nhiều đầu sách, nhưng với “Vực gió”, tôi vẫn phấp phỏng. Tôi không đặt để mục tiêu phải “nắn chỉnh” nội dung để tham gia cuộc thi, mà chỉ mong muốn đưa ra một cách tiếp cận về cuộc sống của giới trẻ khi gặp phải những nỗi bất hạnh, mất mát. Trong sự hoang mang, đổ vỡ và đầy mặc cảm, họ phải ứng xử thế nào? Họ đối mặt và giải quyết ra sao với cái ác?

Tôi nghĩ câu chuyện “Vì an ninh Tổ quốc, vì bình yên cuộc sống” không nhất thiết phải là vấn đề gì quá to tát, mà ngay từ mỗi thân phận con người, từ những nỗi đau rất riêng tư,  bạn sẽ thấy nhu cầu được BÌNH YÊN lớn đến thế nào…”.

Theo Nguyệt Hà (Văn nghệ công an)