Trong tiểu thuyết mới, tác giả gửi gắm thông điệp, mỗi con người sống trong cuộc đời này đều bị “giời hành” theo một kiểu khác nhau, quan trọng là ứng xử của họ trước số phận của mình.

Những kẻ giời hành của Đặng Vương Hưng đoạt giải ba cuộc thi viết tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống”, do Bộ Công an và Hội nhà văn Việt Nam tổ chức (giai đoạn 2012 – 2015).

Tác giả cho biết ban đầu anh đặt tên tác phẩm là Sống và chết, với suy nghĩ con người ta dù lúc sống giàu – nghèo, thiện – ác, xấu – tốt khác nhau đều có chung một điểm cuối cùng là cái chết. Trên hành trình giữa hai đầu sống – chết đó, mỗi con người đều đối mặt vô vàn thử thách, vận hạn. Đặng Vương Hưng chưa gọi được tên cụ thể cho những điều đó. Tới một ngày, câu nói buột miệng của vợ tình cờ gợi ý cho anh.

“Tôi thức dậy vào lúc ba giờ sáng làm việc. Vợ tôi mới bảo ông bị giời hành hay sao mà dậy vào lúc này”. Tác giả lúc đó chợt nghĩ rằng thì ra trong cuộc đời này, ít hay nhiều con người ta đều bị “giời hành” theo một cách nào đó. Có người nhận thức được, có kẻ không, có người bị “giời hành” khách quan như số phận vận vào, có kẻ tự đặt mình vào tình huống “giời hành”. Cái tên Những kẻ giời hành đến trong một tình huống ngẫu nhiên như vậy.

Nhà văn Đặng Vương Hưng chia sẻ tại buổi giới thiệu sách hôm 17/6. Ảnh: Nguyễn Dương.

Tác phẩm lấy bối cảnh nông thôn Việt Nam thập niên 1980, trước và sau khi đổi mới. Nhân vật trong tác phẩm được phân tuyến theo lối khá truyền thống: chính diện và phản diện.

Sầm là người trông bãi tha ma Vạn Điềm. Sầm là người tốt, sống hồn nhiên, khổ không biết khổ, không biết sướng, không đòi hỏi bất cứ điều gì. Sầm có công trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Cuộc đời riêng của anh không ít bi kịch. Anh trở về từ chiến tranh với gương mặt bị biến dạng. Anh từng có con với một phụ nữ dở hơi tên Hĩm Gái nhưng họ lạc nhau sau khi Sầm tham gia kháng chiến. Trở về làng, đơn độc và mất mát, Sầm gắn cuộc đời mình với những cái chết khi làm công việc ở nghĩa trang. Tác giả dành cái kết có hậu cho những người cố gắng vươn lên trong cuộc sống như Sầm, bằng một tình yêu ở tuổi xế chiều với nhân vật Xuyến.

Hoạt – một nhân vật sống cơ hội, lừa lọc, thủ đoạn, đặt đồng tiền lên trên hết – cuối đời phải chịu cuộc sống ám ảnh. Cô sinh viên mà Hoạt cưỡng đoạt cũng chính là người mà con trai hắn đem lòng yêu thương. Hoạt mang bóng dáng của nhiều nhân vật có thật trong đời sống ngày nay, theo tác giả.Đặng Vương Hưng chia sẻ thông điệp của anh qua tiểu thuyết: “Con người ta dường như đều có số phận định đoạt. Nhưng nếu làm chủ được số phận thì tất cả sẽ vượt qua hết. Điều quan trọng nhất là vượt qua chính mình”.

Do hình ảnh người chiến sĩ an ninh còn mờ nhạt so với tiêu chí cuộc thi, tác phẩm chỉ đoạt giải ba. Tuy nhiên, xét trên khía cạnh văn học, Những kẻ giời hành của Đặng Vương Hưng được đánh giá cao. Anh đi vào đề tài hậu chiến, với việc khai thác số phận, tính cách con người ở cả điểm xấu và tốt. Lối kể chuyện khá mạch lạc, gọn ghẽ, lôi cuốn với việc vận dụng nhiều thủ pháp văn học như đồng hiện, giả tưởng, xây dựng tính cách nhân vật đặc trưng… Nhiều người chia sẻ họ đã đọc một mạch không dứt khi cầm tác phẩm của Đặng Vương Hưng trên tay.

Tác phẩm của Đặng Vương Hưng được giới thiệu trong chương trình cà phê sách diễn ra ở Võ Thị Sáu, Hà Nội hôm 17/6. Trong chương trình, tác giả còn giới thiệu hai cuốn sách mà anh đã “động bút” – biên tập, chỉnh sửa – để gửi dự thi và đều đoạt giải. Đó là Chuyện đời tự kể – tác phẩm đầu tay của Trung tướng Lê Ngọc Nam (nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng CAND) – và Không thể mồ côi – là tự truyện của tác giả Minh Vân – con gái Anh hùng LLVTND, Liệt sĩ Đào Phúc Lộc.


Theo Di Ca (Vnexpress)

 

Exit mobile version