Nhà truyền giáo Ý Cristophoro Borri (1583 – 1632) đã có những ghi chép về cây ăn trái xứ Đàng Trong trong cuốn Tường trình về khu truyền giáo xứ Đàng Trong xuất bản năm 1631 bằng tiếng Ý.
Tranh minh họa một khu chợ xứ Đàng Trong
Quanh năm ở đây có rất nhiều và có đủ loại trái cây như ở Ấn Độ vì xứ Đàng Trong có khí hậu như ở Ấn. Nhưng đặc biệt là cam ở Đàng Trong, trái lớn hơn trái ở châu Âu, to và rất ngọt. Vỏ rất dễ bóc, mềm và ngon, cam có thể ăn được cả vỏ lẫn ruột và có mùi vị thơm như trái chanh ở Ý . Ở đây người ta cũng thấy một số trái khác người Bồ gọi là chuối, người khác lại gọi là vả Ấn Độ. Theo ý tôi thì không xác đáng vì ở Ấn không có cây nào được gọi là vả, và ở Đàng Trong không có cây gì giống cây vả của chúng ta, về thân cũng như trái. Về thân cây thì nó giống như cây chúng ta gọi là “lúa mì Thổ Nhĩ Kỳ” tuy cao lớn hơn, lá rất dài và rất to bản, đến độ chỉ cần hai lá cũng đủ để có thể che một người từ chân đến đỉnh đầu và bao quanh cả người. Do đó mà có người muốn gọi cây này là “cây vườn địa đàng” và Adam đã lấy lá của nó để che giấu sự trần truồng của mình (theo Kinh thánh, sau khi phạm tội ăn trái cấm, tổ tiên thấy mình trần truồng và phải lấy lá che thân – người dịch).
Cây này trổ ngay trên ngọn một buồng gồm hai mươi, ba mươi hay bốn mươi trái cột chặt với nhau, mỗi trái về hình thù, bề dài và độ lớn, đều giống trái chanh thông thường ở Ý. Khi trái chưa hoàn toàn chín thì vỏ xanh và sau đó trở nên vàng giống hệt như chanh. Mùi thì rất thơm, ruột vàng và khá cứng chắc như một trái lê bergam chín muồi của ta, dễ tan trong miệng.
Do đó không thể nói là nó giống cây vả của chúng ta được, trừ vị thơm ngon và dịu ngọt. Cũng còn một thứ trái khác thuộc loại này, người ta sấy và ngâm rượu (có thể là một thứ chuối “ngự” thơm và nhỏ, hay một thứ trái cây nào khác – người dịch).
Một loại trái có rất nhiều ở hầu hết các tỉnh Ấn Độ, nhưng ở Đàng Trong còn một thứ trái cây không thấy ở Trung Quốc cũng như ở khắp Ấn Độ. Trái nó to như trái chanh lớn nhất ở Ý và to đến nỗi chỉ ăn một trái cũng đủ no. Ruột thì trắng và có rất nhiều hạt nhỏ đen và tròn, người ta nhai lẫn với ruột. Các hạt này có vị thơm ngon và rất tốt cho dạ dày.
Họ cũng có thứ giống như trái anh đào của ta, nhưng mùi vị thì lại như trái nho, theo tiếng họ gọi là gnoo. Họ không thiếu dưa nhưng không ngon bằng dưa của ta nên phải ăn với đường hay mật. Dưa gang hay dưa nước, như nhiều người gọi, rất to và rất tuyệt.
Có một loại trái gọi là mít. Trái này cũng có ở Ấn Độ, nhưng không ngon bằng trái ở Đàng Trong. Trái mọc ở trên một cây cao như cây hồ đào và cây dẻ của ta, nhưng gai dài hơn nhiều. Trái to như trái bí ngô lớn ở Ý và chỉ cần một trái cũng đủ cho một người vác. Bề ngoài nó có hình thù của một nón thông, nhưng ruột thì dịu và mềm. Bên trong đầy những múi vàng có hột dẹp và tròn như đồng tiền ở Ý hay đồng “teston” (ở Pháp). Ở giữa mỗi múi có hạt, người ta bỏ đi không ăn. Có hai loại (mít mật và mít dai – người dịch), một loại người Bồ gọi là “giaca barca”, dóc hột, ruột cứng. Loại thứ hai không dóc hột và ruột không cứng bằng, rất mềm và nát như keo. Mùi vị của cả hai loại này rất ngon gọi là sầu riêng.
Sầu riêng là một trong những trái ngon nhất hoàn cầu
Trái “durion” (sầu riêng) là một trong những trái ngon nhất hoàn cầu, không thấy có ở đâu trừ Malacca, Bornéo và mấy đảo xung quanh. Cây sầu riêng khác cây mít chút ít. Bên ngoài, trái này cũng giống trái mít và trái thông của ta, cả về kích thước cũng như độ cứng của vỏ. Còn thịt thì bám vào hột như keo, rất trắng, còn mùi vị thì giống như món đông hạnh nhân của người Ý (món hạnh nhân tán nhỏ hòa với đường, rồi để vào tủ lạnh, món ăn rất sang của người châu Âu vào thời này – người dịch). Thịt và nước ngọt của nó được chứa trong mười hay mười hai ngăn nhỏ, mỗi ngăn có nhiều múi thịt trắng bọc quanh hột, to bằng hạt dẻ lớn nhất của ta. Khi mở ra thì xông lên mùi khó chịu như mùi hành thối, nhưng ở trong thì không có mùi và lại rất thơm ngon.
Tôi kể ở đây một câu chuyện xảy ra trước mắt tôi. Số là có một người muốn cho một giáo sĩ cao cấp mới tới Malacca thưởng thức thứ trái này và không báo trước. Ông mở một trái ngay trước mặt vị giáo chủ. Mùi khá nặng và khó chịu xông ra làm cho giáo chủ ghê sợ và nản không sao dùng được. Nhưng lúc ngồi vào bàn tiệc, trong các món ăn có một món chỉ toàn là trái cây có mùi vị thơm giống món đông hạnh nhân làm cho giáo chủ dễ lầm cũng như bất cứ ai chưa được biết trước. Ông vừa đưa tay lấy một miếng thứ nhất và nếm thì thấy rất ngon làm ông bỡ ngỡ và hỏi xem người đầu bếp nào khéo dọn món đông hạnh nhân ngon đến thế. Chủ nhà mỉm cười trả lời là chẳng có hỏa đầu quân nào ngoài Thiên Chúa cao cả đã cho xứ này một trái hiếm gọi là sầu riêng mà lúc đầu ông đã ghê sợ. Nghe tới đây vị giáo chủ sửng sốt và hết lời ca ngợi, ông dùng rất ngon miệng. Thế nhưng, trái này ngon đến độ ngay ở Malacca là nơi sản sinh, nhiều khi giá lên tới một đồng “êcu” một trái.
Cristophoro Borri
(Trích từ Xứ Đàng Trong năm 1621, NXB Tổng hợp TP.HCM)
Có thể bạn quan tâm