Khu kỷ niệm vị trí đặt cơ sở truyền giáo Nước Mặn (nay thuộc thôn An Hòa, xã Phước Quang, H.Tuy Phước, Bình Định), nơi Cristophoro Borri hoạt động từ năm 1618 – 1622
Thời gian ở Đàng Trong, giáo sĩ Cristophoro Borri đã nhiều lần di chuyển bằng voi và từng tham gia những cuộc đi săn tê giác. Ông kể về những chuyện này trong Tường trình về khu truyền giáo xứ Đàng Trong.
Khả năng đặc biệt của voi
Rừng xứ Đàng Trong có rất nhiều voi, nhưng người ta không sử dụng được vì chưa biết cách bắt và luyện chúng. Vì thế phải đưa những con voi đã thuần phục và dạy dỗ từ nước láng giềng Campuchia sang. Voi ở đây lớn gấp hai voi ở Ấn Độ. Voi sống lâu năm. Một lần tôi hỏi tuổi một con voi tôi gặp thì người quản tượng đáp là đã sáu mươi tuổi ở Campuchia và bốn mươi ở Đàng Trong
Mặc dầu quản tượng dùng một dụng cụ bằng sắt dài chừng bốn gang tay ở đầu có móc để đánh và đâm cho voi tỉnh và chú ý tới lệnh truyền, thế nhưng thường thường họ điều khiển và chỉ huy bằng lời nói, đến nỗi tưởng như voi hiểu biết ngôn ngữ và có mấy con biết tới ba hay bốn thứ tiếng rất khó tùy theo lãnh thổ và quốc gia nó đã sống. Thí dụ con voi đã đưa tôi đi thì hiểu tiếng Campuchia vì gốc nó ở đó, rồi tinh thông tiếng Đàng Trong là nơi nó tới. Ai cũng lấy làm lạ khi thấy quản tượng trò chuyện với nó, dặn dò về hành trình và đường đi lối bước, qua nơi nào, dừng lại và nghỉ ở đâu, và sau cùng kể chi tiết tất cả các việc nó phải làm trong ngày.
Voi không để cho người nào lạ leo lên cưỡi: nó mà thấy thì nó sẽ quăng bành xuống đất và dùng vòi mà sát hại người ấy. Vì thế, khi có người phải leo lên thì quản tượng lấy tai nó che mắt nó, tai nó to và xấu xí. Khi nó không chịu nghe lệnh truyền và không nhanh nhảu làm theo thì quản tượng đứng hai chân trên đầu nó, đánh và trị nó rất nặng, rất cương quyết, lấy roi quất mạnh trên trán nó. Thường thường người ta quất sáu bảy cái vào giữa trán nó, và mạnh đến nỗi làm voi rùng cả mình: phải nhận là nó rất kiên nhẫn chịu đựng. Chỉ có một trường hợp nó không vâng theo quản tượng và bất cứ ai, đó là khi nó bất thần động đực.
Khi có chiến tranh và trận mạc thì người ta nhấc mui bành đi để làm thành một thứ chòi chở lính giao chiến với nỏ, với súng và có khi với khẩu đại bác: voi không thiếu sức để chở vì là con vật rất khỏe, nếu không có gì khác. Chính tôi đã thấy một con dùng vòi chuyên chở những vật rất nặng, một con khác chuyển một khẩu súng lớn và một con nữa một mình kéo tới mười chiếc thuyền, chiếc nọ theo sau chiếc kia, giữa đôi ngà một cách rất khéo và đưa xuống biển. Tôi cũng thấy những con khác nhổ những cây to lớn mà không mấy vất vả như thể chúng ta nhổ su hào hay rau diếp. Chúng cũng dễ dàng ném xuống đất và lật đổ nhà cửa, triệt hạ từng dãy phố khi được lệnh trong trận chiến để phá hoại quân địch và trong thời bình để không cho ngọn lửa bén khi có hỏa hoạn.
Thời xưa người ta dùng voi rất có ích trong chinh chiến và đạo binh nào ra trận với những con vật như vậy thì thật là đáng sợ. Nhưng từ khi người Bồ tìm được cách ném tàn lửa và đuốc vào mũi chúng thì càng làm cho chúng gây hại hơn trước. Bởi vì chúng không thể chịu được lửa đốt làm cay mắt nên chúng đùng đùng chạy trốn và làm tan tác đạo binh, giết hại và phá phách tất cả những gì cản đường chúng. Voi nhà chỉ sợ hai con thú khác là voi rừng và tê giác, nó có thể thắng được tê giác, nhưng đối với voi rừng thì thường nó chịu thua.
Một cuộc săn tê giác
Tê giác là một thú vật có một cái gì giống bò và ngựa, nhưng lại to lớn như một con voi con. Mình nó đầy vảy như những yếm để tự che thân. Nó chỉ có một sừng ở ngay giữa trán, thẳng tắp và có hình kim tự tháp, còn chân và móng thì như bò.
Khi tôi ở Nước Mặn, một xã thuộc tỉnh Quy Nhơn, có biết một viên quan lần nọ đi săn tê giác ở trong khu rừng gần nhà chúng tôi. Ông đem theo hơn một trăm người, một phần đi bộ, một phần đi ngựa cùng với tám hay mười con voi. Con tê giác ra khỏi khu rừng và giữa một số đông địch thù, nó không những không tỏ vẻ sợ hãi mà còn thu hết sức lực giận dữ xông tới. Thế là đạo binh phân tán làm hai cánh để cho con tê giác lọt vào giữa và chạy tới hậu quân có viên quan đứng chờ để giết nó. Viên quan ngồi trên lưng voi; voi cố lấy vòi chộp lấy tê giác, nhưng không sao làm nổi vì tê giác nhảy tứ tung, cố dùng sừng để đâm voi. Viên quan biết rõ tê giác vì có vảy nên không dễ gì bị thương nếu chỉ đánh vào bên hông. Ông chờ đến lúc nó nhảy lên và phơi bụng ra, lúc đó ông nhắm, và rất thiện nghệ, ông ném ngọn đao đâm suốt từ bụng tới lưng, giữa tiếng hò hét vui mừng của cả đạo quân.
Không chờ đợi gì nữa họ lập tức quơ một đống củi lớn, châm lửa đốt, trong khi vảy con thú bị thiêu và thịt nướng chín thì họ nhảy múa chung quanh, mỗi người tiếp theo nhau xẻo thịt đang chín dần dần và ăn vui vẻ. Sau đó họ mổ lấy tim, gan và óc để dọn món mỹ vị đem hầu viên quan lúc này đã lui ra xa một chút, ở một nơi khá cao, vui mừng và thích thú nhìn xem cuộc vui…
Cristophoro Borri
(Trích từ Xứ Đàng Trong năm 1621, Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên và Nguyễn Nghị dịch, NXB Tổng hợp TP.HCM)