Với các ý tưởng mới mẻ, tập thơ “Không hay” của Đặng Thân như lời thách đố độc giả vượt qua cái “không hay” để đến với cái “hay” của ngôn từ.

 

Bản thân tên tập thơ là một sự đánh đố độc giả. Mỗi người sẽ hiểu từ này theo nghĩa mà họ cảm nhận, có thể “tập thơ không hay” hoặc “không hay biết về ý nghĩa tập thơ”, cũng có thể là “không, nó (tập thơ ấy) hay”.

Từng phần, từng bài, từng câu thơ cũng ẩn chứa trong đó nhiều sự đánh đố. Trong cuốn sách vỏn vẹn hơn một trăm trang là sự trình diễn của thơ phụ âm, thơ tân hình thức, thơ lục bát, đồng dao, thơ hình họa, thơ văn xuôi, hoặc đôi khi là sự kết hợp bất phân của các hình thức trong một bài. Trong bài Hạ Huế chen ngang những dòng thơ, tác giả đưa ra câu văn xuôi, giống như giải thích cho nghệ thuật của mình: “Mà này thế này gọi là ‘tự sự’ hay ‘độc thoại nội tâm’ hay ‘dòng ý thức’ gì đấy chứ không phải làm thơ đâu nhá”.

Tập thơ “Không hay”

Lại có những bài thơ, người đọc phải xác định được ngữ cảnh mới mong cảm nhận và hiểu được ngôn ngữ. Trong bài Không không, lúc đầu là trải nghiệm của dòng ý thức miên man suy tưởng, như một người ngồi trong phòng đóng kín cửa, tĩnh lặng nhìn ra cuộc đời ngoài kia. Nhưng rồi bỗng thấy một loạt title báo đầy ắp âm thanh ồn ào, như thể người đó vừa bất ngờ mở toang cửa sổ, toàn bộ tiếng động ầm ĩ rền rĩ rất thực của cuộc sống bên ngoài tràn vào. Rồi người đó lại đóng cửa sổ thật chặt, trở về với suy tưởng bao la.

Đặng Thân thường kết hợp tiếng Việt với tiếng Anh, tiếng Pháp trong các bài thơ. Ví dụ, trong bài Hạ lội có câu: “Chó nhà ai sủa go go suốt ngày”. Nhiều bài thơ còn được trình bày theo hình thức lạ, như bài Hội phố mộng được viết có chủ đích sao cho câu từ xuống dòng, ngắt câu vừa đủ để trình bày thành hình mũi tên.

Thơ Đặng Thân làm độc giả bật cười với những từ châm biếm, mỉa mai xuất hiện đột ngột, chen ngang những câu chữ trữ tình. Như trong bài Hạ Huế có câu: “Còn lại chăng/ Những hoàng đế mặc long bào ngự ngai vàng tay cầm điện thoại (để chụp hình)”.

Tác giả thể hiện sự phản kháng về hệ quy chiếu mà xã hội hiện thời áp đặt lẫn nhau. Điều đó thể hiện rõ ở việc nhà thơ xóa nhòa ranh giới giữa các thể loại, ngôn từ, cũng không nệ lý thuyết thơ hay mọi quy chuẩn nghệ thuật để sáng tác.

Bên cạnh tinh thần lạ, Không hay còn có những bài thơ với cảm xúc trữ tình, hình ảnh đẹp. Như trong bài Phố âm u ngày đông, quang cảnh phố được vẽ bằng những cú ngắt dòng đầy nhịp điệu: “nhợt lạnh/ ngược xuôi đời tẻ nhạt/ kìa bên hiên/ ai đó quạt than/ lửa hồng ấm nóng/ sinh sôi/ đưa đẩy/ trôi”. Trong bài Quá Nguyên tiêu, bức tranh quê mùa xuân được viết: “tháng giêng linh thiêng/ chợ viềng búa sắt/ mái chèo khoan nhặt/ trẩy hội chùa/ mơ ngày mùa gặt đủ/ vai chen lễ phủ/ mơ tiếng sấm rền”.

Không hay của Đặng Thân đọc không trôi tuột như những thể thơ vần điệu quen thuộc. Bởi ẩn đằng sau hình thức, thể loại thơ chẳng giống ai, đằng sau nhịp điệu như trúc trắc, ngôn từ như đến từ hành tinh khác ấy luôn là tinh thần hướng tới cái mới, làm nên câu chữ mới. Nếu cần phải tìm một lời nào đó để nói về Không hay, thì đó là “cái hay thường không đến dễ dàng”; giống như một câu trong bài Bức tranh minh họa của Đặng Thân: “Người xưa đã nói: Cái hoàn mỹ dường dở dang, lời hùng biện dường ấp úng, kiệt tác dường méo mó”.

 

Theo Lam Thu – Vnexpress.net