Đứng cùng thế hệ với những nhà thơ có công cách tân thơ, tạo nên những trường thơ mới tác động sâu sắc tới thi đàn Việt Nam, nhưng Đặng Đình Hưng và những tập thơ hiếm khi được công bố rộng rãi của ông, cho đến hôm nay, vẫn là một cái tên ít nhiều bí ẩn… tối 13.4, tại trung tâm Văn hóa Pháp (Hà Nội), Bến lạ, một trong những tập thơ mang tính đột phá về thi pháp của Đặng Đình Hưng sẽ được chuyển tải đến mọi người theo một cách khá độc đáo. Phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị đã trò chuyện với nhà nghiên cứu Phạm Xuân Nguyên để có thể hiểu thêm về một thi sĩ tài danh đã từng bị lãng quên.
Từ trái sang: Dương Bích Liên, Đặng Đình Hưng, Trần Dần, Nguyễn Sáng
Nhà phê bình Đỗ Lai Thuý đánh giá: Trong tứ đại gia của thi đàn Việt Nam thời hậu nhân văn giai phẩm, gồm có Hoàng Cầm, Trần Dần, Lê Đạt, Đặng Đình Hưng. Theo ông, điều gì đã làm nên vị thế riêng có đó cho thơ Đặng Đình Hưng?
Cũng như những người bạn Hoàng Cầm, Trần Dần, Lê Đạt, Đặng Đình Hưng làm thơ là để cách tân thơ. Thơ ông cũng nặng về tìm lối biểu cảm, khai thác triệt để con âm (âm thanh) và con chữ (mẫu từ). Khi hai tập thơ Bến lạ và Ô mai ra mắt, ông khiến người ta kinh ngạc trước một Đặng Đình Hưng nhà thơ và một Đặng Đình Hưng cách tân thơ, ở mức độ quyết liệt ngay từ những vần điệu đầu tiên. Nói về cách tân thơ thì Đặng Đình Hưng cũng theo bước các thi sĩ trên. Nhưng cách ông diễn đạt có phần riêng biệt hơn nên mặc dù xuất hiện sau trong nhóm ông vẫn tạo ra được một trường thơ riêng mà mạnh nhất chính là nỗi cô đơn.
Liệu có phải vì nỗi cô đơn ấy quá mạnh, quá lớn, và quá riêng tư để có thể cảm thấu, nên tầm vóc thơ của Đặng Đình Hưng đến giờ chưa được công nhận xứng đáng?
Tôi nghĩ, một thiệt thòi của Đặng Đình Hưng là xuất hiện sau Trần Dần và Lê Đạt, hai cái tên lớn, đã được khẳng định. Bởi vậy, tên ông có phần nào bị át đi. Người ta thường chỉ thấy ông chung một từ trường, một bối cảnh văn học, một hướng đi với Trần Dần và Lê Đạt, hoặc nhắc đến ông như một minh hoạ cho một trường phái, chứ không phải chủ soái, người khởi xướng. Thực ra, Đặng Đình Hưng không chỉ chia sẻ lý tưởng thơ cùng những người bạn, mà còn vận dụng nó thành “của riêng”. Tôi cho rằng, chưa chắc ông bị ảnh hưởng bởi bạn bè mà có khi ngược lại. Thực ra, nỗi cô đơn không phải là một rào cản khi đến với thơ Đặng Đình Hưng. Ai nhập vào được sẽ thu về những cảm nhận vô cùng thích thú.
Xuất phát từ thơ tự do, Đặng Đình Hưng mạnh bạo tiến đến thơ văn xuôi, và cuối cùng là văn xuôi thơ, gần như triệt tiêu vần điệu. Thế nhưng, các thể nghiệm thơ của ông, đọc lên, đều rất êm tai. Cái tài này có được nhờ dụng công, hay bởi Đặng Đình Hưng vốn là một nhạc sĩ trước khi là một thi sĩ?
Tôi nghĩ, đó là do Đặng Đình Hưng vốn có khiếu nhạc, khiếu hoạ nên dù là những ghi chép bình thường cũng đều có cấu trúc.
Cũng như Lê Đạt, Đặng Đình Hưng có một thứ “vân chữ” riêng, và còn lạ lùng, với việc sử dụng từ nước ngoài hay những tiếng đệm chỉ có trong cổ văn, với cách tạo chữ gần như “phá” tiếng Việt: d thay bằng z, ph thay bằng F, và với những từ mới, khái niệm mới như: nilông-cáctông của định mệnh, chiều zài không kilomet… Ông nghĩ gì về những phá cách đầy tự tin ấy? Nó có đơn giản chỉ là những cách tân trên bề mặt chữ?
– Đọc Lê Đạt, người ta dễ bị choáng, loá bởi sự cách tân mạnh mẽ về hình thức. Còn Đặng Đình Hưng, đó thực ra là cách tân nội dung. Ông có thể dùng những cách viết rất lạ, hoàn toàn khác người, nhưng nó tải cả một trời tâm trạng, một trời cô đơn. Thế mới nói, ông không cách tân thơ về mặt hình thức, mà chỉ thừa hưởng, rồi biến hoá. Đó là một đóng góp lớn cho thơ Việt Nam.
Hương Lan (thực hiện)
Chương trình thơ – nhạc Bến lạ: Một cách tiếp cận thơ mới
Bến lạ là sự kết hợp lạ lùng giữa thanh âm của các nhạc cụ trống, guitar, nhị, piano với ba giọng đọc – nói thuộc ba âm vực trung, cao, trầm. Tổng đạo diễn chương trình Lê Thiết Cương cùng các nghệ sĩ: Phan Nam (đạo diễn âm nhạc và bộ gõ); Nhã Uyên, Giang Trang (đọc thơ), Nguyễn Tuấn Nam (piano), Nguyễn Quốc Hùng (nhị); Nguyễn Văn Tuấn (guitar).
Đặng Đình Hưng sinh 9.3.1924 tại làng Thuỵ Dương, huyện Chương Mỹ, Hà Đông. Mất 21.12.1990 tại Hà Nội. Bắt đầu làm thơ từ cuối những năm 1950, đến khi qua đời (21.12.1990) nhà hoạt động nghệ thuật Đặng Đình Hưng để lại sáu tập thơ. Tất cả đều chưa từng công bố rộng rãi, song một vài đoạn trích được in trên các báo vào dịp ông qua đời khiến công chúng thơ sửng sốt vì một tính cách thơ, một thi pháp hết sức độc đáo. Bến lạ là bài thơ dài tác giả viết trên giường bệnh vào lúc ông vào tuổi 60. |
Nguồn: SGTT