Dân tộc Do Thái phải chịu cảnh “thiên di”, sống lưu vong trên 2.000 năm nhưng vẫn phục quốc thành công với nguyên bản sắc và tôn giáo của mình. Còn dân tộc Việt phải trải qua các cuộc chiến trong trong gần 2.000 năm, chúng ta có thể học gì từ dân tộc Do Thái?

Người Do Thái và Quốc gia Do Thái Israel là một sự khác biệt kỳ lạ trong hàng ngàn năm qua. Trên thế giới, có lẽ chưa có trường hợp nào như người Do Thái, cả một dân tộc chịu cảnh “thiên di”, sống lưu vong, phiêu bạt khăp nơi trên thế giới trên 2.000 năm nhưng vẫn phục quốc thành công với nguyên bản sắc và tôn giáo của mình. Một mảnh đất nhỏ bé và khô cằn, tài nguyên thiên nhiên ít ỏi, bao quanh bởi các nước làng giềng thù địch, cùng với những câu chuyện thành công đã khiến Israel trở thành một đất nước như huyền thoại.

 

Không chỉ có vậy, với tổng số 16 triệu người, tức chiếm khoảng 0,2% dân số thế giới, người Do Thái đã đứng ở đỉnh cao trong rất nhiều lĩnh vực và có đóng góp to lớn cho nhân loại. Điều đó thể hiện rõ nhất qua việc họ giành được khoảng 30% tổng giải thưởng Nobel trong các lĩnh vực khoa học, kinh tế và y học từ trước đến nay. Từ khi phục quốc đến nay, mặc dù không có dầu mỏ, không có tài nguyên thiên nhiên, luôn phải chịu sự o ép về tôn giáo từ phía cộng đồng Ả Rập, nhưng kinh tế của Israel đã tăng trưởng gấp 50 lần.

 

Sự thành công đáng kinh ngạc của người Do Thái trong lịch sử đã trở thành điều bí ẩn và được nghiên cứu qua nhiều thế hệ và từ nhiều góc độ. Nhiều học giả cho rằng trọng tâm của Do Thái giáo chính là đọc sách, học tập, và làm theo những lề luật và các điều răn trong Kinh Torah. Kinh Torah hé lộ những lời dạy cụ thể giúp con người kéo dài cuộc sống, tăng cường sức khỏe thể chất, mang lại sự ổn định về tinh thần, giúp xây dựng gia đình và xã hội vững mạnh, và cung cấp sự khôn ngoan trong mọi quyết định của cuộc sống…

 

Ông Hoàng Anh Tuấn – Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao, Bộ Ngoại giao đã viết rằng: Thế giới chúng ta đang sống là một thế giới đa dạng, nhiều sắc màu. Có những dân tộc bị vùi dập xuống tận bùn đen, rồi ngậm ngùi cho đó là “số phận”. Có những dân tộc luôn sẵn sàng tiến về phía trước, chấp nhận thách thức và nhờ vậy đã thành công, có những phát kiến, đóng góp vĩ đại cho nhân loại.


Nhằm giúp độc giả Việt Nam có cái nhìn thấu đáo hơn về dân tộc Do Thái và Quốc gia Israel, Thạc sĩ Đặng Hoàng Xa, một người gốc Việt Nam, đã làm việc tại Thung lũng điện tử (Silicon Valley, Mỹ) trong gần 30 năm đã viết cuốn sách “Câu chuyện Do Thái: Lịch sử thăng trầm của một dân tộc”.


“Với một cuốn khảo cứu chưa đầy 300 trang dưới tiêu đề “Câu chuyện Do Thái: Lịch sử thăng trầm của một dân tộc”, tác giả Đặng Hoàng Xa, người đã dành rất nhiều thời gian và tâm sức cho đề tài này, đã vẽ nên một bức tranh lịch sử sống động trải dài qua 4.000 năm đầy bi thương, nhưng cũng đầy quả cảm của dân tộc Do Thái.

Bìa sách “Câu chuyện Do Thái: Lịch sử thăng trầm của một dân tộc”

“Với óc quan sát tinh tế, cộng với tư duy logic của người làm khoa học, tác giả Đặng Hoàng Xa đã đưa ra cách nhìn đa chiều về các yếu tố tôn giáo, văn hóa, kinh tế, chính trị, lịch sử và có những lý giải khá thuyết phục về câu chuyện thành công của người Do Thái cũng như quá trình hình thành và xây dựng đất nước của Nhà nước Israel hiện đại ngày nay.”

 

Ông Tuấn cũng cho rằng: Tuy câu chuyện là của người Do Thái và Nhà nước Israel, nhưng qua đây chúng ta cũng thấy có nhiều nét tương đồng về tinh thuần bất khuất, không chịu lùi bước trước gian khó của người Việt và người Do Thái. Cái còn lại là câu hỏi còn bỏ ngỏ cho bạn đọc là liệu chúng ta có thể học gì để thành công trong công cuộc phát triển và bảo vệ đất nước như người Do Thái?

 

Theo tác giả Đặng Hoàng Xa, từ trước đến nay truyền thông trên thế giới thường nhắc đến Israel với trọng tâm xoay quanh của các cuộc chiến nẩy lửa, các xung đột Ả Rập-Israel không bao giờ hết và các cuộc đàm phán ngoại giao bế tắc. Trọng tâm đó rất gây hiểu lầm bởi các xung đột và thương lượng này chỉ là một phần nhỏ của câu chuyện.

Tác giả Đặng Hoàng Xa (Ảnh: N.A)

Trao đổi với PV Dân trí, tác giả Đặng Hoàng Xa nói: “Dân  tộc Do Thái và dân tộc Việt Nam có những nét tương đồng nhất định. Theo tôi, điều mà giới trẻ Việt Nam nên học ở người Do Thái là sự sáng tạo và sống có đam mê. Các bạn cần học cách chấp nhận thất bại để không bỏ cuộc mà vững vàng bước tiếp. Học không phải chỉ để kiếm tiền mà để khẳng định vị trí của mình trong xã hội.”

 

Theo Nguyên An – Dantri.com.vn