Ở các kỳ thi THPT quốc gia những năm trước, điểm trung bình môn Lịch sử cũng báo động đỏ rồi: năm 2016 là 4,49, năm 2017 là 4,6, năm 2018 là 3,79. Điểm thi năm nay có cao hơn năm 2018 nhưng nhìn chung vẫn là thấp. có điểm trung bình là 4,3 với 70% số bài thi dưới 5 điểm, “đội sổ” về kết quả thi THPT quốc gia năm nay.
Từ năm học 2016 môn Lịch sử không còn đứng độc lập mà bị tích hợp với môn “Công dân với Tổ quốc”. Trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, có gần 570.000 thí sinh dự thi môn Lịch sử. Theo thông tin điểm trung bình của môn Lịch sử năm nay là 4,30 điểm. Số thí sinh có điểm dưới trung bình là 399.016 – chiếm 70,01%. Số thí sinh có điểm liệt (<=1 điểm) là 395 thí sinh. Năm 2018, điểm trung bình toàn quốc của môn Lịch sử là 3,79; thấp hơn hẳn so với mức điểm của năm 2017 là 4,6, Ccụ thể, trong năm 2018, số thí sinh có điểm dưới trung bình là 468.628 thí sinh – chiếm 83,24%. Số thí sinh có điểm liệt (<=1 điểm) là 1.277 thí sinh, điểm số có nhiều thí sinh đạt được nhất là 3,25 điểm. Trong khi đó, năm 2017, số thí sinh có điểm dưới trung bình là 315.957 thí sinh – chiếm 61,9%. Số thí sinh có điểm liệt (<=1 điểm) là 869 thí sinh. Điểm số có nhiều thí sinh đạt được nhất là 4 điểm. [caption id="attachment_33741" align="alignnone" width="450"] Giỗ tổ Đền Hùng. Ảnh Internet[/caption]
Ngành giáo dục muốn bắn đại bác vào tương lai?
Nhắc lại câu chuyện cách đây gần 4 năm. Tháng 10/2015, sau hơn hai tháng công bố “Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể”, vào ngày 16/10/2015 trong văn bản phản hồi các ý kiến đóng góp cho Dự thảo, Bộ Giáo dục và Đào tạo tái khẳng định Lịch sử là môn “tự chọn” tại trường phổ thông.
Có phải đây là phát “súng lục” bắn vào môn lịch sử của ngành giáo dục Việt Nam?
Vào năm 1941, Bác Hồ đã viết cuốn “Sử nước ta” (theo thể lục bát). Và tháng 2/1942, Bác viết bài “Nên học sử ta” (bằng văn xuôi) nhằm động viên các tầng lớp nhân dân phát huy truyền thống yêu nước, nâng cao lòng tự hào dân tộc và tinh thần đoàn kết, để đánh thắng ngoại xâm. Bác Hồ đã chỉ rõ “Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Hơn 78 năm sau, mong muốn của Bác vẫn ở thì tương lai, không những thế e rằng tương lai có thể còn bị những phát “đại bác” của ngành giáo dục bắn vỡ nát tan hoang…
Tại sao lại là môn Lịch sử?
Nói đến Lịch sử không chỉ là tri thức khoa học thuần túy mà còn là tình cảm thiêng liêng của mỗi người dân đối với dân tộc, Tổ quốc mình. Riêng với người Việt Nam, lịch sử Việt là niềm tự hào trong từng giọt máu của tất cả những ai mang dòng máu Việt, bởi đó là những trang sử đổi bằng máu và nước mắt mắt của biết bao thế hệ đã cống hiến và hy sinh vì nền độc lập, tư do, thống nhất, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ đất nước. Động chạm tới lịch sử là động chạm tới những vấn đề không chỉ là nhạy cảm về chính trị, mà còn là động tới phần thiêng liêng của tình yêu Tổ quốc bất khả xâm phạm.
Nhiều quốc gia lớn mạnh trên thế giới luôn coi Lịch sử là môn học cơ bản và cần thiết. Không chỉ vì kiến thức lịch sử ở nước họ quan trọng hơn so với nước khác mà ở kiến thức môn học này đã tác động trực tiếp vào đời sống của nhân dân như: ý thức xã hội, tinh thần tự tôn, niềm tự hào của người dân đối với quốc gia, dân tộc…Với vị trí đặc biệt của mình, dù với thể chế chính trị và vị trí địa lý khác nhau, đa số quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các nước phát triển, đều rất coi trọng giáo dục lịch sử, trong đó bộ môn lịch sử luôn là một môn độc lập và bắt buộc trong chương trình giáo dục phổ thông
Kể từ khi ngành giáo dục Việt Nam có những cải cách giáo dục, thể nghiệm các chương trình giáo dục khác nhau với những bộ sách giáo khoa khác nhau, nội dung thay đồi liên tục… thì cũng từ đó môn lịch sử đối với học sinh phổ thông luôn trong tình trạng thấp điểm, bài thi môn lịch sử tốt nghiệp phổ thông trung học hay thi vào đại học với số điểm dưới trung bình chiếm hơn một nửa, điểm liệt chiếm tỉ lệ cao. Ngay cả với giới truyền thông tưởng chừng có hiều biết cũng mắc sai sót vì kém kiến thức lịch sử Việt, không kể những bài báo mắc sai sót, mà ngay cả một biên tập viên thuộc hàng lãnh đạo của VTV còn hồn nhiên cho rằng Trần Hưng Đạo là một trong “Thăng Long Tứ trấn” trong một chương trình văn hóa chuyên đề trên VTV (đã bị nhà LLPB Văn hóa Nghệ thuật Nguyễn Hòa, báo Nhân Dân, nêu đích danh trong một hội thảo về văn hóa).
Thay vì phải có một chiến lược cải cách cả hình thức lẫn nội dung môn học sao có hiệu quả nhất, sao cho môn Lịch sử cũng trở thành “vedette” như với Toán, Ngoại ngữ… thì trong dự thảo “Chương trình giáo dục phổ thông”, Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa môn Lịch sử tích hợp trong các môn Đạo đức – Công dân, Quốc phòng An ninh để trở thành môn “Công dân với Tổ quốc”. Nghĩa là ở chương trình học lâu nay đã là môn phụ hàng thứ, thì nay trở thành thứ yếu trong số những môn học mà có học xuất sắc cũng không thi vào được các trường đại học có các ngành thuộc “thời thượng”.
GS. Phan Huy Lê bày tỏ quan điểm không đồng tình: “Nếu Lịch sử trở thành môn tự chọn thì bản chất là thủ tiêu môn học này. Nếu xóa bỏ môn Lịch sử trong hệ thống tri thức phổ thông là cực kỳ nguy hiểm. Công dân lớn lên mà không biết, hoặc biết mơ hồ về lịch sử Việt Nam thì ai sẽ chịu trách nhiệm hệ quả đào tạo này”.
Lịch sử Việt làm run sợ bất kỳ thế lực lớn mạnh nào
Tôi còn nhớ câu chuyện về Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger khi sang thăm Việt Nam đã được mời tới thăm Bảo tàng Lịch sử và đặc biệt được nghe về chiến thắng của quân dân Đại Việt 3 lần đánh tan quan Nguyên Mông- thế lực phương Bắc hùng mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ… Và vị ngoại trưởng này đã tỏ ý, đúng là không nên xem thường ý chí và sức mạnh của nhân dân Việt Nam một khi ngoại bang có ý đồ xâm lược..
Cũng không phải ngẫu nhiên mà phòng họp chính của tòa nhà Quốc hội có tên Diên Hồng với bức phù điêu chạy dài ở bức tường sảnh chính mô tả lại quang cảnh cuộc họp mặt các bô lão khắp mọi miền đất nước được Thượng Hoàng Trần Thánh Tông mời hỏi ý kiến nên hòa hay nên đánh khi quân Nguyên Mông xâm lược lần thứ hai vào năm 1284 ở Điện Diên Hồng.
Và có lẽ tôi cũng không thể quên những bài học lịch sử được dạy từ cách đây mấy chục năm (nhưng có lẽ cần phải nghiên cứu học hỏi lại) khi hồi đó chưa có hệ thống cải cách giáo dục như hiện tại… Những bài học lịch sử sống động, không chỉ học trong sách giáo khoa với con chữ sự hiện và con số thống kê khô khan, mà là học tại Bảo tàng Lịch sử, được xem tường thuật các chiến dịch, các trận đánh trên sa bàn, được tận mắt thấy một số hiện vật lịch sử… Và điều đó đánh mạnh vào cảm xúc, vào trí nhớ, chẳng cần phải học “gạo” vô hồn như hiện tại, mà nhớ rất lâu, nhớ đến tận bây giờ để không thể sai sót từ cách phân biệt những thứ tự như: Thái Tổ, Thái Tôn, Thánh Tông, Nhân Tông…
“Dân ta phải biết sử ta, nếu mà không biết thì tra google”.
Thật đau thật buồn khi nghe câu đó ở thời điểm này, khi chúng ta đang kỷ niệm 50 năm Di chúc cũng như học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh… Kết quả của các kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông môn Lịch sử từ khi nó là môn tích hợp đã như một minh chứng về sự thất bại đề án này của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Dẫn đến không chỉ là việc học sinh thiếu hiểu biết lịch sử Việt Nam mà còn là tạo nên một quan điểm suy nghĩ sai lầm về môn Lịch sử với cả phụ huynh và các giáo viên.
Thử giải mã vì sao môn Lịch sử không được quan tâm, chú ý và yêu thích
Phụ huynh
Gần như các phụ huynh đều xem nhẹ môn học này, chỉ là một môn đối phó để thi cho đủ điểm, nên rất xem thường và không có ý thức động viên nhắc nhở con cái học tốt môn Lịch sử. Cũng không trách được phụ huynh, vì họ rất thực tế, đây là thời mà gần như mọi thứ đều trở thành “thị trường”, môn Lịch sử là môn học để biết vậy thôi chứ không ứng dụng gì trong nghề nghiệp tương lai, đặc biệt là những nghề vừa có tiền vừa có tiếng (trừ những trò nào yêu thích môn này, hoặc phụ huynh làm trong các nghề nghiên cứu Lịch sử nên truyền sự yêu thích đến con cái). Cũng không có phụ huynh nào lại bỏ tiền đầu tư để con học giỏi môn Lịch sử (và gần như không có trung tâm luyện thi nào ở tất cả các tình thành trong cả nước lại luyện thi môn Lịch sử), mà chỉ quan tâm đầu tư cho con học toán, lý, hóa, ngoại ngữ… để dễ chọn ngành nghề, trường đại học, tương lai nhiều cơ hội có việc làm thu nhập tốt.
Chương trình & sách giáo khoa
Rất nhiều thầy cô bộ môn đều cho ý kiến vì chương trình quá nặng nề và chi tiết, bắt học sinh phải nhớ quá nhiều. Nội dung sách giáo khoa Lịch sử đậm chất báo cáo, nghiêng về sự kiện với các địa danh và con số một cách khô khan … Và đánh giá kết quả vẫn là kiểm tra theo kiểu học thuộc lòng. Phải chăng ngay từ phương pháp dạy đã sai từ chương trình, dạy – học – kiểm tra- thi, và kết quả không chỉ là với học sinh tốt nghiệp phổ thông mà còn là học sinh phổ thông các bậc học nói chung.
Phương pháp giáo dục
Cho đến này, cách giáo dục vẫn là theo hướng tiếp cận nội dung, nhồi nhét một mớ kiến thức có sẵn từ sách giáo khoa vừa nặng về học thuộc ghi nhớ, vừa nặng về tuyên truyền. Ngay trong thao giảng các giờ Lịch sử, thì cũng chỉ đánh giá giáo viên có truyền thụ hết kiến thức trong sách giáo khoa hay không, dạy còn thiếu ý nọ hay ý kia, cai này là trọng tâm, cái kia là cơ bản, có liên hệ, lồng ghép, tích hợp, giáo dục kiến thức, rèn kỹ năng, giáo dục thái độ tình cảm… Để đánh giá xếp loại tiết dạy chứ không xem học sinh có hiểu bài hay không.
Bản thân thầy cô giáo dạy môn Lịch sử còn chưa yêu thích môn dạy của mình, chưa có tâm huyết để gây hứng thú cho học sinh trong giờ học lịch sử, chưa cùng nhau đồng tâm tạo nên một sự thay đổi cần thiết về dạy – học – kiểm tra – thi môn Lịch sử, bởi họ cũng nghĩ môn họ chỉ là phụ không quan trọng, thậm chí có trường giáo viên dây môn Lịch sử không phải được đào tạo Sư phạm thuộc ngành Sử, mà chỉ kiêm nhiệm cho đủ môn đủ tiết học.
*
Đối với một dân tộc, việc quan trọng là phải giáo dục cho thế hệ trẻ về nguồn cội, về ý thức dân tộc, về truyền thống ngàn năm của dân tộc, như vậy một dân tộc mới có thể phát triển bền vững và trường tồn…Trách nhiệm ấy có một phần không nhỏ của nền giáo dục phổ thông, đặc biệt là bộ môn Lịch sử. Dạy học Lịch sử hiện nay ở trường phổ thông Việt Nam đang tồn tại nhiều bất cập và rất cần một sự đổi mới toàn diện, mang tính cách mạng. Nhưng đúng như các nhà khoa học đã nói, dù với bất cứ lý do nào thì việc coi nhẹ vai trò và vị trí, dẫn tới hậu quả thủ tiêu bộ môn Lịch sử ở trường phổ thông (dẫu không phải là ý chủ quan của ai đó) thì sẽ là điều cực kỳ nguy hiểm và sẽ để lại những hậu quả khó có thể lường hết.
Và mong rằng Bộ Một câu “nhại” lại lời Chủ tịch Hồ Chí Minh tsẽ có một cách ứng xử đúng đắn với môn Lịch sử, để không trở thành người “bắn đại bác vào tương lai”./.
Nguồn Văn nghệ số 34/2019