VỀ ĐÀN SẺ RI BAY NGANG RỪNG

Năm 1993, sau khi tốt nghiệp Trường Viết văn Nguyễn Du khóa 4 (Đại học Văn hóa) với tấm bằng thủ khoa cùng nhà văn Tạ Duy Anh, tôi rơi vào trạng thái vô vọng trong công ăn việc làm. Lúc đó tôi chưa xin được việc ở đâu. Có chỗ khá tốt nhưng lại vướng này vướng nọ nên cuối cùng vẫn phải loanh quanh. Tôi có hai đứa con gái nhỏ và phải lo rất nhiều cho chúng. Cũng năm này, cuộc sống gia đình tôi rạn vỡ.

Nhân vật trong truyện như ông bố chồng, anh Nẫm… có nguyên mẫu ngay trong gia đình tôi. Tôi muốn viết về họ như một sự hàn gắn tâm linh.

Diễm-nhân vật Tôi trong truyện là một người đàn bà lý tưởng của tôi. Trong khi xã hội hiện đại ở Việt Nam hiện nay vẫn thèm khát hình ảnh Công-Dung-Ngôn-Hạnh của người phụ nữ theo lối Khổng Tử, thì tôi thích sự “phá phách” nhân bản của Diễm hơn. Nàng chịu đựng những bi kịch gia đình, thân phận làm dâu một cách bướng bỉnh.

Lớn hơn là bi kịch của cả một dân tộc vừa trái qua đau thương mất mát do chiến tranh. Ngay trên đất mình mà bao nhiêu hài cốt của cả một thế hệ cầm súng lên đường bảo vệ Tổ quốc vĩnh viễn không tìm thấy.

Còn nữa, ngay trên mảnh đất vừa thoát khỏi bom đạn, người ta – đáng sợ thay – đã trở nên chai lì:

“Bắn sẻ, lòng thanh thản hơn triệt những loài khác”

“Tại sao?”

“Vì chúng bạt ngàn”.

Đàn sẻ ri bay ngang rừng là một thực tế mà tôi viết ra để cho mình đỡ đau đớn hơn thực tế!

Tiếc thay khi gửi dự thi truyện ngắn Văn nghệ quân đội, truyện này bị loại ngay khi mới vào vòng đầu Chung khảo. Thời gian đó viết về vấn đề không tìm được mộ liệt sĩ, hay sự “phá phách”… có lẽ bạn đọc thế hệ sau này không thể hình dung nổi là sự đột phá “đáng sợ” như thế nào. Nhưmg nhờ được đăng ở Văn nghệ quân đội mà Đàn sẻ ri bay ngang rừng lập tức được bạn đọc trong và ngoài nước đón nhận. Sau đó được dịch ra mấy thứ tiếng: Anh, Pháp, Đức, Trung, Hàn… Khi tôi sang Mỹ năm 2002, có những cuộc điện thoại gọi từ Pháp sang Mỹ báo tin: trong đoàn nhà văn Việt Nam (được Chính phủ Mỹ mời sang thăm chính thức) có tác giả Đàn sẻ ri bay ngang rừng.

Võ Thị Xuân Hà

ĐÀN SẺ RI BAY NGANG RỪNG

Truyện ngắn

Tôi về làm dâu nhà Thản được một tuần thì xảy mâu thuẫn. Mặt Thản tai tái, cặp môi bợn trông đến ghét. Khi hôn thì dữ dội thế, khi đáng phải hoạt thì lại lắp bắp.

– Nó láo thì phải dạy.

Ông bố chồng tôi gầm lên như tên đồ tể. Tôi ngồi đung đưa cặp đùi trần trong buồng, bĩu môi thách thức.

– Thôi, bố mẹ bỏ quá – Tiếng Thản thảm hại.

Bà mẹ đần độn của Thản cắp rổ rau vào bếp, vừa đi vừa lảu nhảu:

– Nó cãi lần nữa thì tao trả. Con đầu dâu trưởng thế, trông cậy vào ai?

Tôi muốn nhảy xổ ra, xỉa xói vào cái chức dâu trưởng mà khi yêu tôi không thể lựa chọn. Tuy thế, đêm chúng tôi vẫn quấn lấy nhau như cặp rắn. Căn buồng năm mét vuông đậm đặc mùi mồ hôi nồng nồng của Thản, hương tóc tôi… hơi thở của hai kẻ say tình, và thỉnh thoảng, một cơn gió nhẹ mang theo hương đêm ngai ngái của đầm sen, dòng sông lân tinh, cá, tôm và thành phố ngủ… vào căn buồng chật chội. Sau cơn say, chúng tôi rời nhau nằm rã rượi bên mép giường, ngó mông lung những vì sao mờ tỏ vô tình lọt qua ô cửa sổ.

– Em đừng cãi mẹ, mẹ già rồi.

Thản nhắc nhở trong bóng tối. Tôi trần truồng đếm sao trời. Tiếng Thản rì rầm như lời ru dỗ tôi vào giấc ngủ.

“Mùa bão năm nào anh cũng phải đòn vì để mất vài con vịt trong đàn. Tháng mưa Ngâu, lũ vịt chổng mông lên trời chúc mặt xuống nước đớp lân tinh, trứng tuột ra rơi xuống đáy sông, anh phải lặn xuống mò, có khi được cả rổ. Môi thâm tím, quần đùi có khi bở bục thòi ra hai quả cà…”.

Tôi phì cười, tỉnh ngủ. Thản đẹp, dáng đậm, da săn chắc, vồng ngực nở rộng. Mái tóc xám nâu phủ trên vầng trán thông minh. Thản có thể quơ một lúc hàng chục thiếu nữ. Nhưng Thản lại say tôi, lúc nào cũng sợ tôi bỏ đi theo người khác. Thản ngu mới tưởng thế, chỉ vì Thản quá yêu nên không nhận ra tôi cũng ghen tàn bạo. Vì thế mà tôi đâm thù ghét nhà chồng.

Chỉ có một người tôi không hề thù ghét, thậm chí luôn ước ao giá anh có mặt, chắc tôi cũng đỡ bị đòn nhà chồng, vì sẽ không phải làm dâu trưởng. Anh ngồi trên cao, mắt cười u buồn ngó mông lung ra cửa, ra vườn. Ngoài vườn chỉ có mấy cây na, mấy cây bưởi. Tôi bươi đất lên bằng những đầu ngón tay bé nhỏ, đất cào xước tay tôi, rướm máu. Dưới lòng đất lúc nhúc những giun. Tôi hoảng sợ bỏ chạy vào nhà. Anh vẫn cười cười ngó mông lung ra cửa. Tôi gọi Thản, chỉ ra vườn:

– Đất nhà mình toàn giun.

Bố chồng tôi rít sòng sọc ống điếu, phả khói mù mịt nhà rồi lẩm bẩm:

– Dâu nhà này khùng.

Chỉ có Nẫm là có thể bênh vực được tôi.

*

 Vào ngày nghỉ, Thản thường rủ tôi lên rừng bắn sẻ. Lũ sẻ rừng đậu chiu chít trên những cành săng lẻ thẳng đuột chọc chĩa lên trời. Thản giương khẩu súng săn và giải thích:

– Bắn sẻ, lòng thanh thản hơn triệt những loài khác.

Khẩu súng trên tay Thản rung lên. Tôi hỏi:

– Tại sao?

Đàn sẻ táo tác dợm bay đặc trời. Một con rơi dúi xuống bụi cây xa xa, máu loang đỏ lòm lòm trên những bông hoa gai màu trắng sữa. Thản lao tới vồ lấy chú sẻ ri nâu đang quằn quại dưới đất. Tôi túm tay áo Thản, khẽ giật:

– Tại sao?

Thản cười, nhìn vết máu đỏ tươi rỏ trên cỏ rồi chỉ lên trời bảo:

– Vì chúng bạt ngàn.

Tôi vơ lá khô, nhóm lửa. Lửa bén lá cháy rừng rực. Con sẻ ri chảy mỡ xèo xèo trên lửa, bàn tay thô nhám của Thản cầm xiên sắt lật qua lật lại con thịt.

Mùi thịt chim nướng ngầy ngậy. Tôi nuốt nước miếng, thò mũi dao xẻo một phần thịt chín đút vào miệng. Thản cười cợt nhìn tôi.

– Em đúng là loài chồn cáo. Em là nàng cáo Ecmơlin(*)

Chúng tôi lăn ra cỏ, miệng vẫn còn giây mỡ sẻ nướng, ôm choàng lấy nhau, ngấu nghiến. Chẳng làm thế nào mà biết được cái bên trong, trong cuối, tận cùng của nhau. Tôi thèm khát được nhìn thấy, sờ thấy từng tế bào máu li ti chảy rần rật trong từng mao mạch, tưới khắp cơ thể người đàn ông đang nằm cùng tôi. Tôi thèm khát nhìn thấy tận mắt sức mạnh bí ẩn lôi cuốn người đàn ông và người đàn bà ràng buộc với nhau.

Thản bắn từng con sẻ một, nướng ăn xong, lại bắn. Trời dần ngả sang chiều, chúng tôi duỗi mình trên cỏ ngắm từng bầy chim kéo về tổ. Mặt trời ngả màu đỏ bầm, màu máu chúng tôi trộn lẫn máu sẻ.

Đôi khi chúng tôi gặp những cơn mưa rừng. Đổ xuống tơi bời. Cành lá man dại rách mướp. Những giọt mưa quất vào da thịt lạnh buốt làm dịu cơn khát bừng bừng trong ruột. Tôi cởi áo quần cùng Thản hứng mưa, cười hú hét. Thân mình tôi đẫm nước, trắng ngần. Da thịt được mưa tưới tắm săn lại nõn nà, làm dịu vết thương vĩnh viễn của kiếp đàn bà.

Sau cơn mưa, rừng xanh mỡ. Những đọt non bật lách khỏi vỏ cây xù xì, nhú ra đón những tia nắng muộn. Từng đàn kiến nhẫn nại du di trên lớp lá mục. Có khi chúng cõng trên lưng một cái lá mới rụng. Thản bảo:

– Kiến phải ăn lá đắng là kiến đói.

Tôi nhớ ngày chưa đi lấy chồng, mẹ tôi vẫn buông những câu rất ngộ để dạy con gái: “Kiếp kiến là kiếp đói”. Đáng lẽ mẹ phải dạy tôi cách thức cung kính cha mẹ chồng, cách ngồi đầu nồi xới cơm vun tay cho cả nhà, cách cúi đầu quần quật như loài kiến. Tôi nhìn Thản, rầu rĩ nghĩ: đã là kiến lại còn làm kiến đói!

  Ở đâu đó xa xa, tiếng một con suối chảy róc rách. Tiếng nai tác, và tiếng lá rừng thở xào xạc. Những chú cá cờ đang chổng đuôi sục mồi dưới những lớp sỏi xanh rêu. Chỉ có loài hổ là không bao giờ có thể nom thấy, trừ phi chúng lao thẳng vào ta.

– Về thôi, nàng Ecmơlin.

Thản gọi. Tôi luyến tiếc rời khỏi rừng.

*

Làm dâu được một năm thì tôi chửa. Đủ chín tháng tôi sinh hạ được một bé gái, mắt mũi miệng giống đúc nhà chồng. Bà đỡ huơ kéo cắt xoẹt cuống rốn. Tôi xoạc cẳng thiếp đi trên bàn đẻ. Một người đàn ông cao to hơn Thản ngó tôi từ trên trần nhà. Hắn nhìn gương mặt võ vàng của tôi, rồi nhìn lướt xuống bụng, nơi cái cuống rau vừa bị cắt còn lòng thòng ra khỏi chỗ sinh nở. Tôi nghe tiếng khóc ngằn ngặt của con gái. Lúc đó người đàn ông cúi xuống hôn con bé rồi đi đến bên tôi rờ rẫm cái cuống rau đỏ lòm. Ánh mắt rầu rĩ nhìn tôi cười cười. Tôi nhận ra Nẫm. Tôi tỉnh dậy khi Thản bế tôi đặt xuống giường. Tôi nhìn Thản, tự dưng thấy Thản xa lạ. Thản mới được làm cha, ngượng nghịu cười, ngượng nghịu sắp xếp. Tiếng bố chồng tôi cảu nhảu ngoài hè:

– Bao giờ cho có thằng cu.

A! Cứ đợi đấy. Tôi mệt mỏi nhắm mắt. Tôi thèm nhìn thấy người đàn ông đã rờ vào cuống rau thò ra ở chỗ sinh nở của tôi. Trong giây phút, tôi quên hết, quên Thản, quên những ngày nghỉ ở rừng. Tôi đắm đuối với hình ảnh người đàn ông kia đang mân mê cái cuống rau, như thể anh ta đã thò vào sờ nắm được hết những mạch máu li ti chảy trong cơ thể tôi mà tình yêu của Thản chỉ chạm tới chứ không nắm được.

– Bố anh muốn có con trai nữa thì cưới vợ cho ông ấy.

Tôi tỉnh dậy và bắt đầu gây sự. Thản vỗ vỗ vào vai tôi, dỗ dành:

– Thôi nào, nằm yên đi cáo Ecmơlin.

– Anh thèm con trai thì đi mà lấy vợ khác – Tôi vẫn không dịu.

Thản nhăn nhó:

– Anh biết trước mà, em có con là hê anh ra ngay.

Tôi nổi khùng:

– Đàn ông các anh cứ liệu hồn. Khéo không lại tiệt nọc. Cả thế giới mà toàn là lũ đàn bà con gái, chỉ cần uống nước sông cũng chửa được nhỉ – Tôi bật cười – Rồi anh xem, đàn bà chúng tôi dễ chịu hơn các anh nhiều, chỉ cãi vã nỏ mồm chứ không súng ống máu me…

Thản ngồi im, thộn mặt nghe tôi khùng. Tôi dịu cơn, nắm tay Thản, thì thào:

– Em vừa nhìn thấy anh Nẫm về. Anh ấy hôn con mình với xem em cởi truồng.

Thản giật nảy:

– Cô lại nói bậy.

– Thật đấy! Anh ấy làm như bé Mai là con của anh ấy chứ không phải con anh.

Thản nghĩ tôi nói sảng, không chấp, bảo:

– Hôm nọ anh đã hỏi được phiên hiệu đơn vị anh Nẫm. Bao giờ em khỏe, có lẽ anh sẽ vào đó tìm…

*

Nẫm là anh ruột của Thản, là cả trong nhà. Anh Nẫm tình nguyện vào bộ đội năm mười bảy tuổi. Cả cái làng ven phố nhà chồng tôi tới đưa tiễn, ca ngợi. Về sau này, bố chồng tôi buôn lậu đủ thứ, vẫn được tha vì có con xung phong đi lính. Chẳng ai ngờ rằng chỉ vì ông bố tàn bạo mà anh Nẫm phải tìm cách đi khỏi nhà bằng được. Tôi căm tức nghĩ, may mà hồi đó có đánh nhau, chứ cứ im ắng như bây giờ, những đứa con chán cha mẹ chỉ có nước đi lang thang. Nghe Thản kể ngày trước anh Nẫm thường bị treo lên xà ngang, rồi bị bố quật bằng roi song, vì cái tội đi rèn cả ngày tối về lại ăn không, chả góp được xu nào. Anh Nẫm đi bộ đội được hai tháng thì đơn vị cho về phép một ngày trước khi vào chiến trường. Anh gõ cửa ồi ồi lúc nửa đêm, chó sủa váng cả làng. Ông bố tưởng cướp la toáng lên, nhét vội cục tiền vào kẽ liếp. Anh Nẫm ở hết ngày, ăn hết con gà sống thiến thì chào cả nhà đi. Thản lúc đó mới mười tuổi, đứng mút kẹo ở góc hè. Anh Nẫm móc túi cho Thản một vỏ đạn đồng to bằng quả ớt mỡ. Móc túi dúi vào tay mẹ nắm tiền phụ cấp anh dành dụm được. Bà mẹ nước mắt ròng ròng ngơ ngẩn nhìn đứa con trai bước ra khỏi ngõ. Ông bố hèm giọng:

– Hừm… Bà khóc cái nỗi gì? Làm thằng đàn ông chân đạp đất đầu đội trời…

Nhưng anh Nẫm chân đạp đất mà đầu phải đội đạn. Anh đi được một năm thì có giấy báo tử. Anh chết mất xác đâu đó ở Quảng Trị. Thản lục lọi trong đống đồ chơi bẩn thỉu lôi ra cái vỏ đạn bằng đồng. Thản chùi nó thật bóng và cất vào góc kín nhất. Lúc yêu tôi, Thản đem ra khoe:

– Kỷ vật của anh Nẫm.

Tôi xăm xoi cái vỏ đạn. Bóng dáng người anh chồng lấp ló. Tình yêu của chúng tôi mới đầu đã dợm mùi thuốc súng.

*

Bé Mai được hai năm thì có một đoàn làm phim lên đường vào thành cổ Quảng Trị. Họ quay một bộ phim về chiến tranh, về câu chuyện một đôi vợ chồng phải xa nhau vì chiến tranh tàn khốc. Câu chuyện xảy ra ngay tại thành cổ, có sai lầm, nhỏ nhen và cao cả. Thản chỉ là chân sửa mo-rát của một tờ báo, nhưng thỉnh thoảng anh có viết báo. Những bài báo được in, Thản cẩn thận cất vào ngăn tủ riêng, khóa lại. Vì viết báo nên Thản quen nhiều. Ông chủ nhiệm đoàn làm phim là anh em kết nghĩa với Thản. Ông đạo diễn thì mới được Thản ca ngợi trong một bài báo. Họ tha thiết mời Thản đi cùng để viết bài quảng cáo cho bộ phim sắp ra đời. Thản đồng ý với một điều kiện:

– Phải cho em đem Diễm theo.

Ông Vĩnh chủ nhiệm đoàn phim gật gù cười:

– Mày với con Diễm đi đâu cũng rìn rịt, khéo về già lại mặt trăng mặt trời.

Tôi biết thừa Thản muốn tôi đi cùng chỉ vì sợ tôi ở nhà vắng chồng sinh hư. Thản đã bắt gặp ánh mắt thằng Tú – người yêu Phượng, em gái Thản – nhìn tôi hừng hực. Phượng đã hai mươi lăm tuổi mà ngực xẹp lép, nước da tai tái khi không dùng son phấn. Phượng thường vụng về, luống cuống mỗi khi Tú đến. Khi pha nước mời, thế nào cũng làm đổ vung vãi ra sàn nhà. Tôi được thể chạy ra lau dọn, cúi xuống làm cho bầu vú chồi ra chọc vào mắt Tú. Tôi nghe tiếng nuốt nước miếng khan nơi cổ họng Tú, tiếng máu réo sôi giận dữ trong tim Phượng. Tôi nhếch miệng cười mỉm rồi lững thững bước ra cửa.

Thản giận, làm mặt lạnh. Nếu Thản không kết tội tôi có lẽ tôi đã hối. Tôi trèo lên giường, quay mặt vào tường tưởng tượng ra cảnh thằng Tú và con Phượng làm tình với nhau. Ánh mắt thằng Tú vuốt dọc thân thể tôi. Mồ hôi vã ra đầm đìa, tôi ớn lạnh khi nghĩ đến đôi mắt u buồn của anh Nẫm nhìn tôi lạnh lẽo.

*

Đoàn làm phim làm việc nhẫn nại dưới cái nắng oi ả miền Trung. Từng cơn gió lào đổ chụp xuống thành cổ, làm đặc quánh mọi vật. Diễn viên chính khoe mình sút được hai cân, nhưng mà đen rám, sợ khi về chó không nhận ra chủ. Và chị ta bật cười. Chị là diễn viên nổi tiếng, đang thất nghiệp, chán đời bỏ đi nhảy tối ngày, thì được mời đóng vai người vợ nông dân lành hiền.

Trong bối cảnh thành cổ, những người làm phim đã dựng lại cảnh chiến trận ác liệt, những người lính ngã xuống dưới làn mưa đạn. Lẫn trong bụi đỏ có cả mùi thuốc súng khét lẹt. Tôi khiếp đảm: như thể chiến tranh đang kề bên. Ông Vĩnh hét vào tai tôi:

– Thế này mới chỉ mô tả được một phần mười.

Một phần mười hay một phần trăm? Tôi không cần biết. Trong đáy ví lủng củng son phấn của tôi có mẩu thư hoen ố của anh Nẫm:

“… Yên lặng quá. Chúng con thèm nghe tiếng gà gáy, tiếng trẻ con khóc…”.

Tôi bần thần nghĩ: Liệu có thước phim nào mô tả được hết sự khủng khiếp của những phút giây yên ắng giữa cuộc chiến?

Anh Nẫm giờ nằm đâu giữa bạt ngàn lau lách quanh thành Cổ?

Tôi cùng Thản lang thang khắp vùng. Nắng táp, chỉ có cỏ gianh, mần trầu và lau vươn lên khỏi mặt đất. Lấp lóa trắng cả một vùng là thành phố của những người chết. Thỉnh thoảng tôi vấp và vịn đứng lại. Thản buồn rầu nhìn xa hút về cuối nghĩa trang:

– Vậy là vẫn không tìm thấy…

Một mụ(*) già đi ngang qua chúng tôi, buông lửng khửng một câu:

– Không khi hết người tìm.

Tôi hỏi liều:

– Dạ thưa, cho con hỏi…

Mụ già quay đầu lại ngó tôi.

– Hỏi người chết thì được, chứ người sống tứ tán cả rồi.

– Dạ, con hỏi người chết.

– Biết rồi mờ.

Mụ chỉ vào một ngôi nhà lợp mái tôn xiêu vẹo. Chúng tôi theo chân mụ bước vào. Trong nhà chỏng trơ chiếc chõng kết bằng lá dừa, cái bàn mộc và mấy cái chén mẻ. Trên kệ thờ, một người thanh niên mặt mờ mịt nheo nheo con mắt. Mụ già rờ tay vào đáy hai chiếc chén xem thử có cặn không rồi nghiêng bình thuỷ rót nước mời vợ chồng tôi.

– Uống đi! Chết năm nào?

Thản ngớ ra một lát rồi trả lời rành rọt như anh đã từng trả lời cho biết bao người có trách nhiệm mà chúng tôi tìm đến. Mụ già chăm chú nghe. Nghe xong mụ lắc đầu:

– Nghe vậy khó tìm cốt. Tui bày cho anh chị cách này: Kiếm cái người đàn bà đã yêu thương anh ấy, bảo chị ta khấn giùm. Con người khi chết thịt da trả cốt nhục, chỉ có tâm linh thuộc vào tiền duyên…

Tiếng mụ già đặc quánh, sền sệt.

“Con trai tui đó – mụ chỉ lên kệ thờ – nó chết không nhặt được một mảnh xương. Trận đó nó dẫn đường cho một đại đội chủ lực. Pháo dập, lẫn lộn hết vào đất cát…”.

Mụ già ho khan. Tôi và Thản chia nhau bó nhang cắm thia lia trên những bát nhang nứt nẻ.

Đêm nằm ở khách sạn, muôn vàn con đom đóm lập lòe đập cánh ngoài cửa kính. Tôi rón rén trở dậy mở tung cửa sổ. Những con đom đóm xanh lè chập choạng bay vào chỗ ngủ. Thản ngồi bó gối ngó sững những con đom đóm.

– Em nhớ anh Nẫm đeo một phù hiệu ở ve áo, đỏ nhờ, khuy áo vỡ hai cái, một cái sứt chỉ sắp tuột.

Tôi nhắc đến hình ảnh người đàn ông ngày tôi sinh nở. Thản thẫn thờ:

– Anh Nẫm khi đi mới mười bảy, chưa kịp có bạn…

Tìm không ra anh Nẫm, Thản ngồi lì trong khách sạn viết báo. Tôi nhận đóng một vai phụ thay cho một cô diễn viên có mẹ bị ốm nặng phải trở về. Một vai không phải nói một lời nào, chỉ việc đứng nhìn theo bầy chim bay ngang qua thành Cổ, và gió tơi bời.

Nghe nói đến chim, Thản buông bút, xách súng sục lên đồi lau. Trên đồi lau bạc má, một đàn chim sẻ đậu chiu chít. Thản thầm thì với đạo diễn:

– Xong cảnh là phải cho tôi bắn đấy nhé.

Tôi rón rén bò đến vị trí đạo diễn chỉ. Rồi vụt đứng dậy. Đàn chim thấy động vù bay rợp trời. Tôi ngửa mặt nhìn xa hút. Thoảng trong gió lời Thản: “Vì chúng bạt ngàn”. Tiếng máy quay xè xè. Rồi xoạch. Tiếng đóng máy. Thản giương súng lên trời. Khẩu súng rung nhẹ. Một con chấp chới rồi chúi xuống. Tôi ngửi thấy mùi thịt nướng, mùi mồ hôi Thản, bỗng dưng buồn nôn đến quặn ruột.

Hai chúng tôi nằm trên đồi lau ăn thịt chim nướng. Thản chờ tôi chùi miệng xong thì bảo:

– Phải em yêu anh Nẫm không?

Tôi bàng hoàng:

– Anh khùng rồi. Đến nắm xương của anh ấy còn chưa tìm được.

Thản dằn tôi xuống cỏ. Tôi cong mình chống trả.

– Tôi căm thù cả nhà anh – Tôi la lớn.

– Vậy nhờ ai mà em thành đàn bà? Nhờ ai mà em có con?

– Chúng tôi sẽ uống nước sông để chửa.

Thản buông tôi, quay mặt đi. Tôi chợt nhận ra nước mắt anh nhỏ giọt xuống đồi lau.

– Anh đâu có ghen với người chết. Em khấn đi, khấn cho anh Nẫm về.

Tôi khóc. Và khấn. Anh Nẫm ơi, anh sống khôn chết thiêng hãy báo mộng cho em. Em là vợ Thản, là người yêu suốt đời của Thản. Hai cõi âm dương cách biệt. Em muốn làm bạn cùng anh. Em sẽ chịu đựng, chăm sóc gia đình anh. Anh hãy cùng chúng em trở về…

Nhưng dòng Thạch Hãn vẫn lầm lụi chảy. Phù sa đỏ bầm. Có phải xương cốt của bao chàng trai ngã xuống trong cuộc chiến đã hóa thành phù sa? Trong bao la đất trời, hạt cát nào chói sáng hài cốt Nẫm?

Ecmơlin của anh! – Thản thầm thì gọi.

Nẫm vẫn bặt vô âm tín, mặc tôi phụ Thản.

*

Ra về tay không được hai năm thì tôi có thai. Lần sinh nở này đối với tôi và Thản trọng đại gấp bội bởi lẽ tôi cũng như Thản, không ai nói ra nhưng thầm hy vọng anh Nẫm sẽ lại về thăm.

Tôi đau quằn quại và lần lượt cho ra đời hai thằng cu kháu khỉnh. Chao ơi, hai đứa con trai, hai cuống rốn lòng thòng. Hai ông bà già phen này tha hồ dọn cứt nhé. Tôi thiếp đi trong ý nghĩ chờ đợi một bóng hình…

Tôi nằm, rã rượi. Thản đứng cạnh, gương mặt phong sương hằn những vệt nhăn.

Có lẽ anh Nẫm linh hơn chúng tôi tưởng. Anh vẫn ngồi trên cao ngó ra vườn cười cười. Gặp lúc Phượng láo tôi trỏ tay lên bàn thờ:

– Liệu hồn, tao mách anh Nẫm.

Nó im re.

Mỗi khi lũ trẻ hỏi về bác Nẫm, Thản trả lời:

– Bác hóa thành sao ở tít trên trời kia kìa.

Lũ trẻ thành kính nhìn lên bầu trời đêm chi chít sao. Tôi nhớ đến những đêm ở thành Cổ Quảng Trị, bầy đom đóm cũng dày chi chít, những vì sao trên bầu trời không xanh mà đỏ bầm.

Thỉnh thoảng, Thản dắt mấy mẹ con lên rừng, đợi đàn sẻ ri đậu xuống cành cây thấp và bắn. Thản không bắn phát một như xưa, anh bóp cò liên tiếp bốn năm phát. Những con sẻ phải đạn rụng xuống. Hai đứa con trai nhảy tưng chạy theo bố nhặt xác sẻ.

Chỉ có bé Mai là đứng lặng lẽ ở một góc. Nó để mặc tôi quơ lá nhóm lửa. Nó che mắt nhìn lên bầu trời xanh ngắm nhìn từng đàn sẻ ri bay ngang rừng, bay lên cao, cao mãi.

 Và nó cười.

                                                                             – Tháng 8/1993 –

(*)Cáo Ecmơlin: trong truyện cổ Pháp “Những cuộc phiêu lưu kỳ thú của Cáo Rơ-na”.

(*)Mụ: Bà – từ dùng thân mật ở miền Trung Việt Nam

Exit mobile version