Người tị nạn Syria vừa thành lập một dàn nhạc giao hưởng, mang tên Syrian Expat Philharmonic Orchestra (SEPO), gồm gần 30 nghệ sĩ tha hương ở châu Âu. Họ đang cố gắng tập luyện chuẩn bị cho chương trình hòa nhạc đầu tiên, sẽ phát sóng trên Đài phát thanh Bremen (Đức).
Nhưng lên sóng phát thanh không phải là mục đích duy nhất của ban nhạc. Họ còn muốn tổ chức một màn diễn vào ngày 3/10 ở Hitzacker, Đức, với hy vọng sẽ dùng âm nhạc để thay đổi hình ảnh của đất nước mình, đang bị chiến tranh tàn phá.
“Chiến tranh, cái chết, người tị nạn, là những hình ảnh người dân thế giới nghĩ tới, khi nói về Syria” – Raed Jazbeh, nghệ sĩ guitar bass, người sáng lập dàn nhạc cách đây vài tháng, cho biết – “Chúng tôi muốn thay đổi hình ảnh này bằng âm nhạc.”
Bắt liên lạc qua Facebook
Hôm 22/9, dàn nhạc đã thực hiện buổi hòa nhạc đầu tiên ở Bremen. Nhạc phẩm mở màn là khúc dạo đầu trong vở opera Return Of The Roamer của Felix Mendelssohn. Với âm hưởng buồn, bản nhạc này cho thấy khát khao được trở về quê hương của người tị nạn Syria.
Tha hương là không khí nổi bật của buổi hòa nhạc này. Nhưng các nghệ sĩ còn chơi cả các nhạc phẩm mang đề tài tình yêu và hy vọng. Những nhạc phẩm này được tuyển chọn từ các bản giao hưởng châu Âu và từ nhiều tác phẩm ít được biết đến của nhạc sĩ đương đại Syria Mayas Al Yamani.
Nghệ sĩ Jazbeh ấp ủ mong muốn sáng lập dàn nhạc này từ cách đây 2 năm, khi anh phải trốn chạy khỏi Syria tới Đức. Nhiều người gọi dàn nhạc của anh là “dàn nhạc người tị nạn”. Nhưng anh thì dùng từ “dàn nhạc của những người tha hương”.
Trước khi thực hiện màn diễn đầu tiên, các nghệ sĩ của dàn nhạc thường luyện tập đến đêm. Có một số nghệ sĩ từng trình diễn cùng nhau ở quê nhà, tại Nhạc viện Damascus. Cách đây 4 năm, cuộc nội chiến ở Syria đã khiến họ phải tìm hướng đi mới, phải tha hương tới châu Âu.
Jazbeh đã tìm và kết nối được với một số đồng nghiệp cũ qua trang mạng xã hội Facebook. Song phải mất một thời gian dài, anh mới tìm lại được nghệ sĩ vĩ cầm Michella Kasas (28 tuổi), hiện sống ở Pháp, và thuyết phục cô gia nhập dàn nhạc giao hưởng.
Ly tán ở Damascus, quy tụ ở Bremen
Được chơi nhạc ở Bremen cùng với những người bạn học cũ của mình giống như một phép màu đối với Kasas. “Tôi không thể tin rằng sau chừng đó năm, chúng tôi lại có thể tụ hội. Tôi có cảm giác như chúng tôi đang trở lại Damascus, nơi chúng tôi từng luyện tập và trình diễn với nhau. Thật xúc động” – Kasas chia sẻ.
Kasas may mắn hơn một số đồng hương của mình là cô mang theo được cây đàn violon tới Pháp. Những người như nghệ sĩ kèm trumpet Dolama Shabah buộc phải để cây kèn yêu quý của mình ở lại quê hương. “Trong chiếc balô nhỏ của tôi không còn chỗ để cất cây kèn” – Shabah giải thích.
Chiếc balô nhỏ đó là món hành lý duy nhất mà Shabah mang theo khi anh phải trốn chạy khỏi Syria, qua Thổ Nhĩ Kỳ, tới Địa Trung Hải, Hungary và cuối cùng là tới Đức. Tới đây, một người Đức đã tặng anh một cây kèn trumpet cũ.
“Cây kèn cũ này đã tạo cho tôi niềm hy vọng mới. Tôi tìm được sức mạnh và hoài bão của mình qua dàn nhạc giao hưởng này” – Shabah chia sẻ.
Khi nghe nói về SEPO cách đây vài tháng, nhạc trưởng Đức Martin Lentz không hề lưỡng lự khi được mời tham gia. Cảm thấy vui thích khi được làm việc với các nhóm nhạc quốc tế, mới đây ông đã giám sát một dự án ở Ramallah cùng nhạc trưởng người Arghentina gốc Israel Daniel Barenboim.
Hiểu rõ các nghệ sĩ trẻ Syria và rất quý mến họ, tuy nhiên Lentz rất nghiêm khắc trong quá trình tập luyện. Ông liên tục dừng và chỉnh sửa cho họ để làm sao tiếng đàn của họ nghe êm hơn, hay hơn. Từ đó, các nghệ sĩ dần dần đã tạo được âm thanh cân bằng và tươi sáng.
Buổi tập cuối cùng của dàn nhạc luôn bị gián đoạn khi âm thanh của họ chưa hòa quyện. Các nghệ sĩ rất lo lắng và thấy bất an. Vị nhạc trưởng lại phải trấn an: “Các bạn không nhất thiết phải chơi hay được như dàn nhạc giao hưởng Berlin, mà hãy chơi bằng cảm xúc của chính mình” – Lentz động viên, và sau đó ông lại giơ đôi tay chỉ huy dàn nhạc.
Theo Việt Lâm – Thể thao & Văn hóa (dịch từ DW)