Gần mười năm nay, kể từ 2006, Hội Nhà văn Đan Mạch được Chính phủ Đan Mạch trao sứ mệnh cùng Hội Nhà văn Hà Nội và Nhà xuất bản Kim Đồng thực hiện một Dự án Hỗ trợ Văn học thiếu nhi dành cho trẻ em Việt Nam. Hoạt động bền bỉ và hiệu quả này được nhà văn – nhà ngoại giao Hồ Anh Thái, Chủ tịch Hội đồng chung khảo các cuộc thi sáng tác thuộc dự án, nhận định là tạo thêm một luồng gió mới trong bầu không khí sáng tác – xuất bản sách cho thiếu nhi của giới nhà văn, họa sĩ nước ta.


Bài viết này cung cấp một số tư liệu mới để người đọc hiểu biết thêm về những người bạn văn chương Đan Mạch chí tình.

Nếu bạn vào một hiệu sách dò hỏi vị khách hàng đang đứng trước kệ văn học dịch biết những ai trong văn học Đan Mạch, hẳn vị ấy sẽ không thiếu tự tin mà xướng tên Hans Christian Andersen, rồi – sau một hồi tần ngần, xướng thêm đôi tên nữa… chẳng hạn – Søren Kierkegaard (1813-1855, triết gia, nhà thần học, nhà thơ, nhà phê bình xã hội)…

Như thế là ta mới biết một phần rất nhỏ của nền văn học Đan Mạch, đất nước năm triệu dân. Có những thông tin để cho ta tìm hiểu hơn nữa văn học ở quê hương hoàng tử Hamlet. Xét riêng trong những thể loại tiêu biểu của văn học Đan Mạch hiện đại, thấy cũng có những tác giả đáng để bạn đọc làm quen.

Steen Steensen Blicher (1782-1848) thuộc cỡ thú vị nhất trong các nhà văn nửa đầu thế kỷ XIX và được coi là cha đẻ của truyện ngắn Đan Mạch. Ông lấy cốt truyện từ những hoàn cảnh khác thường và tháo nút bằng cách hoàn toàn bất ngờ, tạo nên một thế giới nghệ thuật riêng biệt, một thứ văn xuôi độc đáo không chịu nằm trong khuôn sáo của chủ nghĩa lãng mạn những năm 1820. Trong tác phẩm của ông, người kể chuyện thường là nhân chứng tình cờ của sự kiện bi kịch diễn ra trên nền phong cảnh u buồn của vùng Jutland và đầy nỗi đồng cảm với các nạn nhân của những bất công trong xã hội.

Một bậc cổ điển nữa: Karen Blixen (1885-1962), nữ văn sĩ viết bằng Anh ngữ trước, dịch ra Đan Mạch ngữ sau. Những thiên truyện lãng mạn và hoang đường của bà (như Xa mãi Phi châu – Out of Africa) đậm chất ngụ ngôn tôn giáo về thân phận con người dẫu làm bất kể nghề gì để mưu sinh, dẫu gặp bất cứ rủi ro nào trong cuộc sống thường ngày cũng vẫn gắng gỏi sáng tạo. Tác phẩm của bà được những bậc thầy văn chương thế giới như Vargas Llosa, John Updike và Truman Capote cũng phải khâm phục.


Các nhà văn hiện đại Đan Mạch: Benny Andersen, Naja Marie Aidt

Knud Romer sinh năm 1960 là một nghệ sĩ đa năng: diễn viên khá nổi trong phim Thằng ngốc của đạo diễn Lars von Trier, dẫn chương trình trên sóng phát thanh, soạn kịch bản, đến năm 2006 ông cho ra đời cuốn tiểu thuyết đầu tay Den som blinker er bange for døden (Không có gì ngoài nỗi sợ – các nhan đề trong bài đều là tạm dịch) liền danh nổi như cồn, nhận giải “Vòng hoa vàng” về tác phẩm đầu tay hay nhất và giải thưởng của Weekendavisen – tuần báo bình luận văn chương lớn nhất nước. Tiểu thuyết của ông kể về mấy thế hệ của một gia đình trong bối cảnh những sự kiện lịch sử thế kỷ XX, hiện đã được dịch ra 15 ngoại ngữ.

Jørn Riel (sinh năm 1931): nhà nghiên cứu, nhà thám hiểm, đã xuất bản vài chục tiểu thuyết và tập truyện ngắn, giành Vòng nguyệt quế vàng của Hội Xuất bản Đan Mạch (1995), giải Hòa bình của Hội Nhà văn Đan Mạch (1996), Giải thưởng Lớn của Viện Hàn lâm Khoa học Đan Mạch (2010). Văn ông độc đáo về tính hài hước, cuốn hút vì những chuyện lạ đời về những vùng Greenland, Bắc Cực… với những phân tích sâu sắc ngang với nữ văn sĩ Karen Blixen viết về châu Phi.

Klaus Rifbjerg (sinh ngày 15.12.1931) thuộc cỡ đại thụ hiện nay, từng được tặng các giải thưởng của giới phê bình văn học (1965), của Viện Hàn lâm Khoa học Đan Mạch (1966), Viện Hàn lâm Khoa học Thụy Điển (1999) và của Hội đồng Bắc Âu (1970). Ông đã cho ra đời những tập thơ Under vejr med mig selv (Nhận biết chính mình, 1956), Spansk motiv (Motiv Tây Ban Nha, 1981), Leksikon (Từ vựng, 1996), 70 epifanier: prosadigte (70 bài thơ xuất thần, thơ văn xuôi, 2001), những tiểu thuyết Den kroniske uskyld (Cái tật của sự ngây thơ, 1958), Anna (jeg) Anna (Anna, tôi là Anna, 1969), Engel (Thiên thần, 1987), Nansen og Johansen (Nansen và Johansen, 2002), tập truyện ngắn Vi bliver jo oeldre (Bởi chúng ta rồi sẽ già đi, 1993) và còn soạn kịch nữa.

Benny Andersen (sinh năm 1929), tác giả tập thơ Svantes viser (Những bài ca của Svante, 1972, được đưa vào danh mục Chuẩn mực Văn hóa Đan Mạch), Samlede digte. Digte 1960 – 1996 (Tuyển thơ 1960 – 1996, 1998), tập truyện Historier med humor (Những chuyện nực cười, 1994) và còn nổi tiếng với tư cách nghệ sĩ biểu diễn piano, tác giả nhiều ca khúc trữ tình. Trong các sáng tác, ông thường dùng thủ pháp nghệ thuật có vẻ ngoài đơn giản nhưng bao giờ cũng sắc sảo, kiều diễm và đánh trúng tâm lý, nên được tặng giải thưởng của Bộ Văn hóa Đan Mạch về sách cho thiếu nhi (1971), danh hiệu Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Đan Mạch.

Helle Helle (Helle Olsen) tác giả những tập truyện Rester (Tàn dư, 1996),  Biler og dyr (Xe hơi và loài vật, 2000), các tiểu thuyết Eksempel pa liv (Mẫu mực của cuộc sống, 1993), Hus og hjem (Ngôi nhà và bếp lửa, 1999), Ned til hundene (Cuộc đời chó má, 2003)… Đã nhận nhiều giải thưởng văn chương, trong đó có giải Enkvist (2009). Là đại biểu nổi trội của xu hướng cực tiểu – một tìm tòi thẩm mỹ mới, xuất hiện trong văn học Đan Mạch vào những năm 1990 – với những phác họa về cuộc sống đời thường, lối viết giản lược, tính ẩn dụ của văn phong và độ lùi chủ định của tác giả.

Những nét riêng biệt của chủ nghĩa cực tiểu còn xuất hiện trong sáng tạo của nữ văn sĩ nổi tiếng Naja Marie Aidt (sinh năm 1963), tác giả nhiều tập thơ, tập truyện Bavian (Đồ ngợm, 2006), tiểu thuyết Sten saks papir (Hòn đá, chiếc kéo và tờ giấy, 2012) và một số kịch bản, từng được giải thưởng của giới phê bình văn học (2006) và của Hội đồng Bắc Âu (2008). Truyện của cây bút này thường kể bằng thứ ngôn ngữ đơn sơ, về những sự kiện không đáng kể cho lắm nhưng có thể lập tức làm thay đổi cuộc sống vốn chừng mực của nhân vật, một số truyện lại pha trộn thật lẫn ảo, gợi lên trong người đọc âu lo và cả sợ hãi.

Astrid Saalbach (sinh năm 1955) xuất hiện với vở kịch Spor i sandet (Dấu vết trên cát, 1981), rồi cho ra mắt tập truyện đầu tay Manens ansigt (Diện mạo mặt trăng, 1985), khi kịch trở thành thể loại chủ đạo trong văn học Đan Mạch hai thập niên gần đây – thậm chí thành cơn sốt những năm 1990, vận dụng bút pháp hậu hiện đại, làm nên kỷ nguyên vàng son của sân khấu – bà trở thành tác giả ngôi sao, có nhiều kịch bản được dịch ra 20 thứ tiếng và được dàn dựng trên sân khấu Italy, Pháp, Nhật Bản, Canada, Trung Quốc, Mỹ, trong đó có vở Den usynlige by (Thành phố tàng ẩn, 2006). Bà là viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Đan Mạch, nhận nhiều giải thưởng văn chương, trong đó có giải Nhà soạn kịch hay nhất bán đảo Scandinavia 2012.

Về thơ, có thể kể đến Knud Sørensen (sinh năm 1928), tác giả những tập Udvalgte digte 1965-93 (Tuyển thơ 1965-93, 2001), Naturligvis (Thiết nghĩ, 2009), Først nu (Chỉ có bây giờ, 2013) từng nhận giải Otto Gelsted (1988).

Henrik Nordbrandt (sinh năm 1945), mới được vào Viện Hàn lâm Khoa học Đan Mạch, tác giả những tập thơ Omgivelser (Vòng vây, 1972) Egne digte udvalgt af Henrik Norbrandt (Thơ của mình nhờ Henrik Norbrandt chọn, 1999), có tập Violinbyggernes by (Thành phố của những người thợ gạch, 1985 được đưa vào Chuẩn mực văn hóa Đan Mạch, đã nhận Vòng nguyệt quế vàng (1995) và nhiều giải thưởng văn chương của Viện Hàn lâm Khoa học Đan Mạch (1980), của Viện Hàn lâm Khoa học Thụy Điển (1990), của Hội đồng Bắc Âu (2000).

Pia Tafdrup (sinh năm 1952), viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Đan Mạch từ 1989, tác giả những tập thơ Den inderste zone (Vùng thầm kín, 1983), Dronningeporten (Cổng hoàng cung, 1998), Springet over skyggen (Nhảy qua cái bóng, 2007), được tặng giải thưởng của Viện Hàn lâm Khoa học Thụy Điển (2006), của Hội đồng Bắc Âu (1999), được gắn huân chương Ngọn cờ Đan Mạch (2001).

Søren Ulrik Thomsen (sinh năm 1956), viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Đan Mạch, tác giả những tập thơ Ukendt under den samme mane (Trăng vẫn xưa, người đã khác, 1982), Nye digte (Những bài thơ mới, 1987), Det skabtes vaklen (Trăn trở của sự sáng tạo, 1996), Rystet Spejl (Chập chờn mặt gương, 2011), Samlede Thomsen (Trọn vẹn Thomsen, 2014), từng nhận giải Otto Gelsted (1985).

Michael Strunge (1958-1986), đã xuất bản 15 tập thơ, từng nhận giải Otto Gelsted (1983) nhưng đã gieo mình từ lầu cao tự sát.

Katti Frederiksen (sinh năm 1982), làm thơ song ngữ Đan Mạch và Grenland, nổi tiếng về tập 100% Eskimo inuk (100% là dân gốc Bắc Cực, 2012) tô điểm những nét đặc sắc, tươi trẻ cho văn học Đan Mạch.

Theo Đăng Bẩy – Đại biểu Nhân dân ( dịch từ Inostrannaya Literatura)

Exit mobile version