Khi cầm cuốn Dĩ vãng phía trước của Ngô Thảo, tôi đã nghĩ đây chỉ là cuốn sách thú vị, gây tò mò bởi những chuyện râu ria của giới văn nghệ. Đọc đến trang cuối thấy mình sai. Dĩ vãng phía trước là cuốn sách có nhiều vấn đề khiến các nhà văn phải thực sự suy nghĩ.

Cái quan trọng nhất của Dĩ vãng phía trước là “chớp” được phần nào tâm tư của một số nhà văn có tầm cỡ, như Nguyễn Đình Thi, Tố Hữu, Nguyên Ngọc, Vũ Cao, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu… Những tâm tư ấy đôi khi ở dạng thầm kín, không nằm trong bất cứ văn bản chính thống nào, chỉ hé lộ qua vài khoảnh khắc cởi mở với nhau. Từ suy nghĩ của những cá nhân tiêu biểu ấy, có thể phần nào hình dung ra suy nghĩ của cả một thời trong đó. Và không chỉ thấy được cái đồng thuận trên bình diện tổng thể của hệ tư tưởng, mà còn thấy cả một số suy nghĩ khác đi, bứt lên, tách ra. Nhiều ý kiến trong Dĩ vãng phía trước đến nay, theo tôi, vẫn chưa giải quyết xong, dù đã trải qua hàng vài chục năm. Vẫn phải nghĩ sâu thêm về ý kiến của Tố Hữu: “Cái huyền diệu của nghệ thuật là ở chỗ nó long lanh. Nó là cái khác nhau giữa ngọc và đất. Tôi không nghĩ cái long lanh đó sẽ còn mãi. Nhưng nguy hiểm là ta nghĩ cái long lanh đã hết, hoặc nó là cái gì khác” (tr.316). Cũng như nếu muốn tiếp tục một nền thơ cho ra tấm ra món thì không thể không chú trọng tới “Cái hay được cấu trúc, dệt nên bởi một cơ thể ngôn ngữ kì diệu.” (tr.210) mà Hoài Thanh đề cập tới. Còn nguyên vẹn đó điều mà Nguyễn Đình Thi phiền lòng “khi thấy các nhà phê bình lấy tư tưởng nhân vật để đánh giá tư tưởng tác giả, xem tư tưởng nhân vật là tư tưởng tác giả.” Và còn cả câu hỏi day dứt của Nguyên Ngọc: “Một cái gì thật là Việt Nam, thật là của văn học, mà người làm văn nghệ cứ né tránh đi. Tại sao lại né, lại tránh?” (tr.180).

Qua ghi chép từ Dĩ vãng phía trước, thấy một trong những trăn trở của các nhà văn ở thời điểm giáp ranh trước và sau khi đất nước thống nhất, là sẽ viết cái gì, viết như thế nào. Những trăn trở ấy bùng nổ công khai nhất có lẽ ở Đại hội nhà văn năm 1979, cụ thể là hội nghị của 95 nhà văn đảng viên. Trong hội nghị ấy, các ý kiến tranh luận thẳng thắn, nhiệt huyết, đôi khi chạm tới lằn ranh của sự “tóe lửa”. Một bầu không khí cởi mở, không rào chắn, không e dè, xả hết những gì bấy lâu còn cấn cá, ngắc ngứ trong đầu với hy vọng nền văn học có một bước chuyển mới. Kể cả trường hợp khi Vũ Đức Phúc “sát sạt” với Hà Huy Giáp và bị Chế Lan Viên “sát sạt” lại thì đó cũng là do cái nhiệt huyết với văn học mà ra. Câu chuyện mà Bảo Định Giang kể lại trong hội nghị ấy cho thấy ngay cả những nhà lãnh đạo cấp cao cũng nhìn nhận, đánh giá khá thấu đáo về mối quan hệ giữa nhà văn và tác phẩm: “Tôi nhớ, năm 1973, đồng chí Lê Đức Thọ gọi tôi lên. Đồng chí hỏi: nghe nói báo Văn nghệ sắp có bài phê bình Người người lớp lớp của Trần Dần phải không? Về xem lại đi. Chưa viết thì thôi, viết rồi thì không đăng. Con người ta, ai cũng đối diện với ba chiều thời gian: quá khứ, hiện tại và tương lai. Hai chiều sau, Trần Dần không có. Chỉ còn dĩ vãng, mà dĩ vãng chỉ có chút ấy thôi, đừng có đánh nữa. Đương thời, đó là tác phẩm tốt. Tôi phụ trách công tác tổ chức, tôi biết, con người ta luôn luôn phát triển. Lúc này lúc khác có thể có những lệch lạc, vì thế, tính tác phẩm phải tính tới tác giả. Đừng chỉ vì một tác phẩm mà quy chụp người ta…” (tr.333-334). Người lãnh đạo bấy giờ cũng đã có những thấu hiểu như thế.

Dĩ vãng phía trước có nhiều ghi chép về các nhà văn của Văn nghệ Quân đội như Vũ Cao, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Thu Bồn… Đọc những phần này, mới thấy các nhà văn của Nhà số 4 rất nung nấu về văn chương và vai trò của nhà văn với xã hội. Nỗi niềm sau của Nguyễn Minh Châu tôi nghĩ chắc sẽ có nhiều người thấm thía: “Tôi là người viết trong bộ đội, những năm chống Mỹ ác liệt, có lúc ở chiến trường sống bên cạnh cái chết nhưng khi ngồi viết thì thanh thản, còn về sau này, nhất là vào những năm 1983, 1984 có đôi khi mình cầm bút mà cảm giác y như đứng giữa trận tiền…” (tr.164). Về trách nhiệm của nhà văn, Nguyễn Minh Châu cũng quyết liệt: “Tôi nghĩ rằng thời nào và ở đâu cũng vậy, các nhà văn chỉ có một công việc chính và duy nhất là viết cho hay, ngoài ra bằng uy tín của mình anh phải tham gia tiếng nói vào những vấn đề của con người: trước những bất công, trước cái ác, anh không có quyền dửng dưng, thây kệ khi con người bị đày đọa và chà đạp, và công việc đó nó phải là phản ứng tự nhiên của các nhà văn. Nhưng với nhà văn nước ta, có lẽ hình như mang tư tưởng tự ti do tiếng nói bé bỏng, đôi khi chúng ta y như những kẻ bàng quan trước những vấn đề cấp bách của con người…” (tr.165). Trong khi đó Nguyễn Khải lại trăn trở ở khía cạnh khác về tiểu thuyết: “Bây giờ chưa có gì gọi là tiểu thuyết được cả. Chẳng qua là tìm cách chắp nối, dẫn dắt chuyện này với chuyện kia cho mạch lạc một tí, thế thôi. Chẳng làm sao có số phận, tâm trạng được. Nói số phận tâm trạng là số phận, tâm trạng của một tư tưởng, một quan niệm sống, một lối sống nào đó. Nhưng chúng ta làm gì có? Chẳng hạn, tiểu thuyết có bốn nhân vật thì mỗi nhân vật phải có một quan niệm, một phong cách sống nào đó. Chúng nó đấu tranh với nhau và cuối cùng anh phê phán lối sống nào, ủng hộ lối sống nào, lối sống nào thắng?… Lý luận cứ đi xa đời sống, xa thực tiễn, nói những chuyện đâu đâu ấy, thật khó viết quá.” (tr.126-127). Có thể thấy những ưu tư ấy xuất phát từ sự đam mê, ý thức trách nhiệm nghề nghiệp, vượt lên trên những tính toán cá nhân, những an phận thủ thường.

Phần ghi ở Hương Ngải, chủ yếu chỉ là tào lao, tán gẫu mà vẫn đặc quánh không khí học thuật. Lọc trong những câu chuyện trà dư tửu hậu ấy, thấy nhiều nhận xét tinh tế, chính xác về nghề, dù đôi khi cũng có ý kiến khá cực đoan. Vấn đề ở chỗ các nhà văn không ác, không nhằm hạ nhục nhau, mà rất chân thành. Khi Nguyễn Minh Châu nhận xét “Văn của Nguyễn Khải đắt khách ở miền Bắc trong giai đoạn hiện nay. Nhưng rồi vào miền Nam sau này sẽ khó được ưa thích. Bởi đó là thứ thông minh của nông dân, sự ma lanh, lọc lõi của anh cán bộ nông thôn, trí tuệ rất nông dân, của nông nghiệp ba sào, chứ khó xúc động tầng lớp khác.” (tr.63) tuồng như trong đó cũng có phần tự cảnh báo chính mình. Khi Nguyễn Khải nhún nhường: “Tôi cho không thể viết về chiến đấu cái gì mới hơn nữa. Chỉ có thể chuẩn bị, xung phong lên rồi tụt xuống, không thể viết hơn được. Sau khi ông Châu viết Dấu chân người lính mà tôi còn viết Chiến sĩ thì tôi gan thật. Nghĩ lại mà giật cả mình” (tr.61), thì ông cao lên rất nhiều bởi sự kính trọng đồng nghiệp. Đây là một đoạn tán gẫu khác, xem ra như cơn “bốc đồng” giữa hai nhà văn với nhau về chủ đề rất nhỏ là đặt tên tác phẩm:

“NMC: …Dấu chân người lính lúc đầu có tên là Trong khói lửa, nhưng sau tôi thấy khói lửa đã mù mịt cả nên đổi tên. Ngày trước nghĩ được cái tên Mảnh trăng cuối rừng tôi thích lắm, tự cho là hay. Giờ nghĩ lại thấy thối!

N.K: thì dạo đó chúng tôi đã chê là cải lương, ông lại tự ái!

N.M.C: cái ký về Vĩnh Linh vừa rồi – Tiếng gọi hai bờ đất cũng cầu kỳ thế nào! Thằng Chu (Đỗ Chu) có những đầu đề cũng thối! Gió qua thung lũng đã khó chịu lại còn Đám cháy trước mặt!

N.K: Vẫn hơn tôi, Mùa lạc nghe ra như sách nông nghiệp, Xung đột ra sách chính trị. Lại còn Chủ tịch huyện nữa chứ. Tôi đặt tên không hay.

N.M.C: Tôi chỉ muốn truyện hay mà đầu đề dở như của ông!” (tr.73).

Thái độ cởi mở thế này ngày càng hiếm, không phải thiếu thời gian ngồi với nhau mà hình như thiếu một sự tin cậy nhau. Nhà văn thuở ấy xem ra đàng hoàng, ít giữ miếng. Trích lại một đoạn trong cuộc hội ý chi ủy-nghe báo cáo-kiểm điểm đảng viên ở tổ ngày 23-11-1974 để thấy tinh thần thẳng thắn, nghiêm khắc trong cuộc họp giữa các nhà văn mặc áo lính. Đó là sự thẳng thắn, nghiêm khắc nhằm giúp nhau vượt qua “lửa đạn vô hình”, như cách nói của Nguyễn Đình Thi, để trụ lại với tư cách những nhà văn lớn.

“Nhắc nhở:

– Hữu Mai: cần sống có tình cảm, làm việc có tình cảm hơn. Còn sách vở, chủ quan, kiêu ngạo.

– Hồ Phương: cần viết kỹ hơn, không vội vàng.

– Nguyễn Minh Châu: Chỉ ăn ở chi tiết, vặt chi tiết là hết. Cần bớt chủ quan, nâng cao nhận thức. Có biểu hiện kiêu ngạo, coi thường mọi người xung quanh.

– Nguyễn Khải: Coi chừng cơ hội. Động cơ có thể không có gì, nhưng bài viết đã gây dư luận. Chủ quan. Muốn tìm kiếm một vị trí. Trúng thì hách lắm. Nhưng không trúng. Thấy nhiều khó khăn, phức tạp, nên bi quan. Tránh tiêu cực lẫn kiêu ngạo, đánh vào anh em trong nhà.” (tr.222-223).  Nếu không có những tư liệu kiểu thế này, chân dung các nhà văn đó khó mà sinh động, gần gũi, toàn vẹn. Những ghi chép này cũng giúp bạn đọc phần nào thấm thía hơn trước những nỗ lực bứt phá trong sáng tác của các nhà văn thời ấy.

Quân đội Việt Nam có nhiều “đặc sản”, nhưng trong đó có hai “đặc sản” đặc biệt, là đội bóng đá Thể Công và tạp chí Văn nghệ Quân đội. Thể Công thì đã bỏ mất thương hiệu, chỉ còn lại Văn nghệ Quân đội. Tác giả Ngô Thảo từng có hơn chục năm công tác ở Văn nghệ Quân đội cho nên có thể thấy tình cảm mà ông dành cho “đặc sản” này vừa ưu ái, vừa đau đáu. Tôi dẫn lại nhận xét của ông về ngôi nhà số 4 thay cho phần kết, với mong muốn những phẩm chất tốt đẹp của “dĩ vãng” sẽ tiếp tục được duy trì ở “phía trước”: “Lạ thế, vào cái thời buổi chiến tranh ác liệt, nhưng Văn nghệ Quân đội là không gian khá thoải mái, an toàn tạo đà cho những tìm tòi, sáng tạo. Không thể nghĩ trong đường đời sáng tác, trong sức bật về nghệ thuật của Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Thu Bồn mà không có bầu trời riêng của Văn nghệ Quân đội”

NGUYỄN BÌNH PHƯƠNG

Nguồn: Vannghequandoi.
Dẫn lại và nghĩ thêm