Quán cà phê trong hẻm nhỏ, tôi vẫn thường chọn cho mình một góc bình yên, một mình, bên ly nước sóng sánh màu đen đặc quánh, như cái khoảng mênh mông vô tận nơi nào đó giữa bầu trời bao la.

Minh họa: Tuấn Tú.

Minh họa: Tuấn Tú.

Ở xứ này, quán cà phê nhiều vô kể, đủ kiểu. Nhưng vẫn chẳng hiểu sao tôi chỉ chọn nơi này mỗi khi muốn một mình. Quán chẳng mấy lạ, xây một gian nhỏ như cái lò gạch cùng Thị Nở Chí Phèo bằng gốm ngồi nay trước cửa, hai hình gốm với nụ cười nham nhở mà chẳng ai cắt nghĩa được như nụ cười bí ẩn của nàng Monalisa. Quán còn sưu tập vài món đồ cổ lỗ sĩ như cái xe máy đời cũ, một chiếc ti vi trắng đen thời bao cấp và một chiếc máy đánh chữ.

Đã bao lần, tôi chạm khẽ lên những ký tự trên cỗ máy, và tưởng tượng một nhà văn nào đấy đã từng gõ lên chúng, viết nên những câu chuyện kỳ diệu. Nếu đến quán từ sớm, sẽ nghe được tiếng gà gáy dưới gốc cây chuối lửa một góc quán, cạnh đó còn một cỗ xe bò hai bánh. Đôi lần, tôi thử nghĩ nếu trên ấy có một ụ rơm, tôi sẽ nằm lên và đợi, đợi năm tháng trôi qua chầm chậm với tiếng gà gáy sáng. Đời, có khi vậy lại vui.

Quán và tôi có một kỷ niệm nho nhỏ. Có lần nhỏ bạn làm biên tập chương trình giải trí của một trang web nhờ tôi viết về một ca sĩ sắp nổi, đang dự thi một cuộc thi nào đấy của đài truyền hình. Tất nhiên là chẳng thể đến tận nơi nên tôi có thể phỏng vấn qua điện thoại và xin một tấm ảnh, vậy là xong. Nhưng đang định ngồi ở một nơi yên tĩnh thì bụng tôi lại trào lên một cơn đau dữ dội, vậy là tôi quyết định sẽ phỏng vấn chàng ca sĩ sắp nổi ở một nơi vô cùng riêng tư. Thật may là nhà vệ sinh của quán sạch, thoáng, lại có cả tiếng nhạc êm dịu. Vì chàng sắp nổi thôi, nên tiếp chuyện nhiệt tình, dù là qua điện thoại. Giờ thì chàng đã là ca sĩ nổi tiếng, và lâu lâu khi xem những buổi biểu diễn của anh chàng, tôi lại nhớ đến buổi phỏng vấn năm nào, cười thầm.

Nói vậy để biết, tôi và quán có chút duyên, nhưng chưa hẳn vì thế mà tôi là khách quen ở đây, mà bởi một lý do khác. Chủ quán rất yêu chim, và có nuôi một đàn bồ câu rất đáng yêu.

Tôi thường ngồi đợi chúng về đậu trên bãi đất trống phía trước quán, nơi này bình thường là nơi để xe của khách, nhưng vào khoảng 5 giờ chiều, khách vắng, chúng tha hồ tung tẩy, rỉa cánh, đứng ngó nghiêng và đợi bữa ăn chiều. Tôi thích thú ngồi ngắm chúng, lắng nghe tiếng grừ grừ phát ra như một bản du ca thầm lặng, như chúng đang kể cho tôi những câu chuyện trên quãng đường bay của mình. Và tôi vẽ chúng. Mỗi bức tranh ghi lại những khoảnh khắc khác nhau, là những đôi cánh đang dang rộng trên bầu trời, hay một chú bồ câu đứng lơ ngơ như ngóng đợi điều gì đó từ phía xa, có khi bức tranh chỉ vẽ những chiếc lông rơi vãi trên nền đất. Nhưng tôi chưa bao giờ tô màu, vì tôi không biết những chú bồ câu ấy hợp với màu nào, màu trời, màu đất hay màu mây?

Bên cạnh khoảng sân là một dãy hàng rào được xây bằng đá ong với những chùm tigôn hồng đang leo lưng chừng. Đôi lần, tôi thấy bên kia hàng rào có một cái đầu lấp ló nhìn về phía những chú chim bồ câu. Đó là gương mặt một cậu bé khoảng chừng mười tuổi, với nụ cười khó đoán như cặp tình nhân bằng gốm kia. Có lẽ, cậu bé cũng rất thích ngắm những chú bồ câu.

Chúng tôi trở thành bạn, trong những buổi chiều tôi ngồi vẽ và cậu đứng bên giàn tigôn cười ngẩn ngơ với lũ chim. Tôi muốn làm quen với cậu, nên đã mua tặng cậu vài phong kẹo sugus vị dâu. Cậu cho những viên kẹo vào miệng, vừa nhai vừa cười, nước dãi chảy qua kẽ răng, nhưng sao tôi vẫn thấy nụ cười ấy đẹp lạ lùng.

Cậu bé bị câm, nên chỉ có thể trò chuyện với tôi bằng những động tác đơn giản, và cười. Một buổi chiều, cậu muốn rủ đàn chim qua sân nhà mình nên đã rải một sân ngô vàng óng, đẹp lộng lẫy trong ánh tà dương, nhưng chẳng có chú chim nào ghé qua. Cậu bé buồn ngẩn ngơ, bỏ quên cả phong kẹo sugus tôi vừa đưa, lặng lẽ bỏ vào nhà.

Vài ngày sau đó, tôi không biết là bằng cách nào, đã có những chú chim đầu tiên bay về sân nhà cậu, rụt rè, mổ chậm rãi những hạt ngô óng vàng. Cậu cười, một nụ cười tỏa nắng, vui vẻ bóc những thanh kẹo vị dâu của tôi, và chìa ra mời. Tôi cất giữ niềm vui của cậu vào những bức tranh không màu của mình.

Những buổi chiều ấy chậm chạp trôi qua, những bức tranh đã chứa đầy ngăn tủ nhưng chưa bức nào được lên màu. Tôi thử tô một vài màu sắc lên chúng, nhưng khi giọt màu chạm vào đôi cánh khiến tôi có cảm giác những chú chim như những tượng đá được chạm trổ tinh vi trên một bức tượng giữa đài phun nước, chỉ để khách du lịch ngắm nhìn chứ không phải là những chú bồ câu đang bay lượn trước khoảng trời nhỏ của tôi. Khoảng trời yên bình vào tự do của riêng tôi, dù chỉ là một khoảng trời nhỏ trong những buổi chiều tàn. Tôi cũng muốn những chú chim bồ câu của tôi thật tự do tung cánh, nhưng làm sao để vẽ được màu của tự do?

Giờ thì lũ chim đã quen với khoảng sân của cậu bé, với nụ cười mang vị kẹo dâu sugus và những hạt ngô vàng. Khoảng trời của tôi giờ đây tràn ngập màu hồng, màu của những cây kẹo và màu của giàn hoa tigôn đang vươn rộng bên hàng rào đá. Tôi là kẻ ích kỷ, chỉ muốn giữ khoảng trời ấy cho riêng mình, nên chẳng bao giờ tôi mời bạn bè đến quán. Chỉ riêng tôi, với cái khoảng không bé xíu màu hồng phấn, lũ chim, và nụ cười của cậu bé câm, vậy là quá đủ cho những rối ren thường ngày, những bộn bề của một cuộc đời.

Một chiều hè, bầu trời xì xầm với những áng mây nặng màu xám tro, chắc sắp mưa, cơn mưa đầu tiên miền sơn cước này, rồi sẽ kéo cả đất trời sụt sùi trong màn mưa dầm dai dẳng. Tôi sợ trời mưa, lũ chim sẽ không còn bay trên khoảng trời màu hồng phấn của tôi, sẽ không còn nụ cười mang vị kẹo ngọt vì tất cả đều tìm nơi an trú cho riêng mình. Tôi gấp lại giấy vẽ, bước chậm chạp ngắm hàng rào đá giờ đã phủ kín hoa, nếu mưa to thì sẽ tơi tả hết những sắc hồng này, những cánh hoa mỏng manh trong bài thơ tình từng làm xiêu lòng bao nhiêu cặp tình nhân bởi một nhà văn vô danh cùng những ký tự mãi là bí ẩn. Đang lẩm nhẩm lời bài thơ, bất chợt, tôi nghe một tiếng hét kinh hoàng từ khoảng sân nhà cậu bé, cơn mưa ầm ào trút xuống cùng tiếng hét như xé toạc khoảng trời hồng của tôi. Tôi vội vàng chạy ra khoảng sân bên kia hàng rào đá, một khoảng sân nhuộm đỏ, những con bồ câu đang nằm im lìm, trên tay cậu bé là một con dao rọc giấy. Một vài chú bồ câu hoảng hốt bay lên trong cơn mưa rồi vụt mất, hoảng loạn dang cánh bay vào vùng trời xám. Mưa vẫn như trút, tôi đứng chết lặng nhìn khoảng trời hồng của mình được nhuộm đỏ, một màu đỏ tinh khiết, cùng nụ cười mang vị kẹo dâu sugus của cậu bé câm.

Sau cơn mưa đầu mùa tầm tã ấy, tôi không bao giờ đặt chân đến quán, vì tôi biết đàn bồ câu sẽ chẳng bao giờ trở lại, cũng như cậu bé mãi mãi chẳng còn là bạn tôi nữa. Trong mỗi giấc mơ, tôi thường thấy mình là một tờ giấy trắng, với vài bông tigôn hồng được ai đó cẩn thận vẽ lên, rồi cậu bé xuất hiện, cầm con dao rọc giấy từ từ rọc từng đường, từng đường trên thân thể tôi, một tờ giấy trắng cùng màu hồng phấn của giàn hoa bên bờ rào đá. Từng mảng rời ra, trôi vào khoảng sân nhuộm đỏ, trên những xác bồ câu còn ấm. Tôi giật mình trong đêm, nhìn về khoảng trời mờ tối, và thầm hỏi không biết những chú chim bồ câu đang ở đâu, từ khi chúng không trở về?

Những bức tranh vẫn còn trong ngăn tủ, chưa bao giờ được tôi tô màu. Tôi phải làm gì với chúng, với khoảng trời tự do của mình. Tôi nhớ đến khoảng sân màu đỏ, và nụ cười mang vị kẹo dâu sugus. Cái khoảng sân đỏ rực trong cơn mưa đầu mùa ấy đã nhuộm đỏ khoảng trời hồng của tôi, nó thành một nỗi ám ảnh, những sắc đỏ cứ len lỏi vào cơn mơ mỗi đêm, những cơn mơ bị rọc bởi một ngọn dao mỏng tang và mang thanh âm như tiếng  gù của loài bồ câu bé nhỏ. Tôi tìm một viên kẹo, cho vào miệng, vị ngọt. Tôi phải gọi đàn chim trở về, đàn chim đã mang khoảng trời chiều bình yên của tôi đi mất. Trong tôi giờ chỉ còn những màu đen, mờ mịt tối, những rối ren bộn bề giăng mắc, và những cơn ác mộng triền miên. Tôi phải mang đàn chim trở về, đàn chim mang khoảng trời bình yên và tự do của tôi. Tôi nhai kẹo, và lần tìm con dao rọc giấy, một vật tôi chẳng còn đụng đến từ buổi chiều mưa tầm tã. Tôi sẽ tô màu cho những chú chim, những chú bồ câu bé nhỏ, để gọi chúng về, cùng khoảng trời bình yên của tôi.

Tôi nhớ đến cậu bé cùng nụ cười tỏa nắng. Trong tôi giờ chỉ còn hình ảnh một khoảng trời hồng, những nụ hoa hồng, sân vàng óng ngô và nụ cười mang vị kẹo. Tôi cẩn thận lấy con dao rạch từng đường trên năm đầu ngón tay mình, và tô màu cho những bức tranh. Những chú bồ câu dang rộng cánh, đỏ tươi trong ánh chiều, năm đầu ngón tay cứ lần lượt vân vê trên từng trang giấy, những chú bồ câu bé nhỏ giờ đã được sống dậy, được tự do bay lượn dưới năm ngón tay đỏ rực, thoang thoảng vị ngọt của những viên kẹo dâu. Tôi cười, nụ cười ngây ngô như của cậu bé mười tuổi bên hàng rào đá, như của cặp tình nhân bên lò gạch cũ nơi quán quen.

Đàn bồ câu đỏ ấy, chắc chắn sẽ trở về, mang theo khoảng trời hồng bình yên của tôi.

Theo Lâm Hạ – Tiền phong online