Học trò trong nhà trường phổ thông khi học Truyện Kiều của Nguyễn Du đều biết Đạm Tiên là nữ. Thế nhưng mới đây, PGS-TS Đoàn Lê Giang (Trưởng Khoa Văn học và Ngôn ngữ – ĐH.KHXH&NV TP.HCM) phát hiện Đạm Tiên được chú thích là… nam giới.

NXB Trẻ vừa ấn hành Nguyễn Du – Truyện Kiều nhân dịp kỷ niệm 250 năm ngày sinh đại thi hào Nguyễn Du. Cuốn sách này do Ban văn bản Hội Kiều học Việt Nam hiệu khảo, chú giải. Sau khi đọc Nguyễn Du – Truyện Kiều, TS Đoàn Lê Giang phát hiện có một số vấn đề không giống như những gì ông đã biết về Truyện Kiều.

Cụ thể, TS Đoàn Lê Giang phát hiện ở trang 29 phần chú thích cho câu thơ: “Đạm Tiên nàng ấy xưa là ca nhi”. Phần chú thích này ghi: “Ca nhi: Tống thư có câu “ca nhi, vũ nữ” (con trai hát, con gái múa)”. TS Đoàn Lê Giang nói vui rằng: Đọc chú thích này tôi mới hiểu, hóa ra Đạm Tiên nàng ấy xưa là… “con trai”.

Không chỉ phát hiện chú thích Đạm Tiên là “con trai”, TS Đoàn Lê Giang còn thấy nhiều từ (chữ) trong Nguyễn Du – Truyện Kiều do Ban văn bản Hội Kiều học Việt Nam thực hiện khá lạ tai, không phải là những cách phiên âm “thông thường” như những bản Truyện Kiều xưa nay được đông đảo mọi người yêu thích.


Bản “Truyện Kiều” do Ban văn bản Hội Kiều học Việt Nam hiệu khảo, chú giải đã chú thích từ “ca nhi, vũ nữ”  là “con trai hát, con gái múa”

TS Đoàn Lê Giang cho biết: “Xưa nay đọc bản Truyện Kiều chữ Quốc ngữ của Bùi Kỷ – Trần Trọng Kim, hay bản của Đào Duy Anh chú thích từ chữ Nôm cổ, tôi cứ nhớ mãi những câu thơ tuyệt tác: Gió chiều như giục cơn sầu/ Vi lô hiu hắt như màu khơi trêu; hay: Thâm nghiêm kín cổng cao tường/ Cạn dòng lá thắm tuyệt đường chim xanh. Thế nhưng tình cờ giở mấy trang bản Kiều này lại thấy viết “vi lô” thành “vi lau”; “thâm nghiêm” thành “thẳm nghiêm”.

“Chữ “vi lau” được một số nhà nghiên cứu Truyện Kiều phiên âm; chữ “thẳm nghiêm” được dùng trong bản Truyện Kiều của Tản Đà. Văn bản Kiều Nôm hiện còn nhiều bản, trong đó có bản của Tam Nguyên Vị Xuyên Trần Bích San mà Hội Kiều học dùng. Nhưng những bản ấy không phải là bản phổ biến như Truyện Kiều của Bùi Kỷ – Trần Trọng Kim (in lần đầu 1925,  dựa vảo bản Nôm tốt của Kiều Oánh Mậu); hay bản Truyện Kiều của Đào Duy Anh (NXB Văn học in, 1965, dựa chủ yếu vào bản Nôm Quan Văn Đường). Nếu bản in của NXB Trẻ lần này không theo những bản ấy thì cũng nên ghi rõ “nguồn gốc văn bản ở bìa ngoài (ví dụ: dựa vào bản Nôm của Trần Bích San (?) như nhiều người đã làm để bạn đọc biết” – PGS-TS Đoàn Lê Giang nói.

Tuy nhiên, TS Đoàn Lê Giang cũng cho rằng, nhóm biên soạn ở Hội Kiều học Việt Nam phần nhiều là những nhà nghiên cứu có uy tín trong giới học thuật, nên ông mong: những điều ông nói trên chỉ là “tồn nghi”, để các vị thức giả trao đổi thêm. Chữ nghĩa Truyện Kiều là một lĩnh vực rất khó, nhưng cũng rất lý thú.

Ban văn bản Hội Kiều học Việt Nam biên soạn cuốn sách này gồm những vị uy tín, như sau: Nhà giáo, nhà Hán Nôm học Thế Anh; nhà giáo, nhà Hán Nôm học Nguyễn Khắc Bảo; PGS, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Hoàn (Trưởng Ban); nhà giáo Hoàng Xuân Khóa; nhà giáo Vũ Ngọc Khôi (Thư ký); PGS-TS Nguyễn Hữu Sơn; GS Trần Đình Sử và nhà thơ Vương Trọng.

Trao đổi với Thể thao & Văn hóa (TTXVN), ông Nguyễn Xuân Minh (Trưởng Phòng Truyền thông NXB Trẻ), cho biết: “Vì cuốn sách này được những nhà nghiên cứu Truyện Kiều hàng đầu của Hội Kiều học Việt Nam thực hiện, nên những thông tin liên quan đến nội dung học thuật của cuốn sách, NXB Trẻ sẽ xin ý kiến chính thức từ Hội Kiều học Việt Nam mới dám kết luận đúng sai. Nếu sai, NXB Trẻ sẽ nghiêm túc khắc phục hậu quả”.

Theo Hoàng Nhân – Thể thao & Văn hóa