Chủ nghĩa phục quốc Do Thái (Zionists) là phong trào chính trị được thực hiện nhằm giải phóng dân tộc Do Thái. Nó khẳng định rằng, người Do Thái, cũng giống như bất kỳ người nào khác trên thế giới, có quyền tự quyết, có quốc gia, có lịch sử. Tuy nhiên, người ả Rập phản đối chuyện này. Đó là lý do dẫn đến sự mâu thuẫn không ngừng giữa người ả Rập và người Zionists. Đỉnh điểm của những mâu thuẫn này là sự ra đời của Nhà nước Do Thái Israel.
Mặc dù sự thù địch là thứ tồn tại một cách hiển nhiên, không thể chối cãi, các nhà văn ả Rập vẫn cố gắng để khẳng định rằng chủ nghĩa phục quốc Do Thái là một tư tưởng phân biệt chủng tộc. Họ cho rằng, Do Thái là một tôn giáo, là con đường tâm linh.
ả Rập coi “Do Thái” và “Phục quốc Do Thái” là hai thuật ngữ thay thế nhau trong cách gọi. Nhưng, đó không phải là vì họ không thể phân biệt được một cách rạch ròi. Có vẻ như, với cách lập lờ này, nó cho người ta thấy sự xóa bỏ, bất công nhận. Bởi, có rất nhiều người Do Thái quan tâm đến vấn đề phục quốc hay chủ nghĩa phục quốc. Noam Chomsky là một ví dụ, Chomsky đã đưa ra những vấn đề buộc người khác phải bận tâm, như: “Chống người Semite” (Thành viên của nhóm chủng tộc bao gồm người Do Thái và ả Rập trước khi có mặt của người Phenixi và Atxyri), “Căm ghét người Do Thái”,…
Không có gì đáng ngạc nghiên vì sự lờ mờ cố ý này, hầu như tất cả mọi người trên thế giới đều nhầm lẫn giữa hai di sản của cùng một cộng đồng tôn giáo. Tuy nhiên, sự phân biệt không vì thế mà bị khuất lấp. Các nhà văn, nhà thơ ả Rập đã làm sáng tỏ nó thông qua biểu hiện oán trách đối với chủ nghĩa phục quốc. Họ kiên quyết phản đối lại chủ nghĩa phục quốc của người Do Thái.
Chỉ cần đọc lướt qua thơ ca ả Rập hiện đại là đã có thể thấy ngay được điều này. Những trích đoạn từ kinh Cựu Ước, những cuốn sách kinh thánh như Genesis – Chúa Sáng thế, Exodus – Xuất hành, Ecclesiastes – Sách thánh, Lamentations – Lời than vãn, Job, Jonah,… Các nhà thơ tôn giáo nổi tiếng như: Mahmoud Darwish, Samih Al-Qasim, Muhammad Sulaiman,… Đặc biệt là nhà thơ số một của Ai Cập, Amal Dunqul, người xây dựng lên các chủ đề từ kinh Cựu Ước.
Amal Dunqul sinh năm 1940, tại làng Qala, Thượng Ai Cập, và qua đời vào năm 1983. Ông là một trong các nhà thơ đương đại hàng đầu của Ai Cập. Amal Dunqul đã xuất bản sáu tập thơ, và có được danh tiếng không nhỏ trên thi đàn, nhất là vào năm 1975.
Những câu chuyện trong kinh Cựu Ước, tất nhiên, không phải chỉ dành riêng cho người Do Thái. Tất cả các Kito hữu và người Hồi giáo đều được chia sẻ. Hơn nữa, một số truyện trong kinh Sáng Thế còn được tìm thấy trong những tác phẩm đầu tiên của nền văn hóa Lưỡng Hà.
Amal Dunqul, đã tích hợp một số mô tuýp huyền thoại dân gian và đưa nó vào trong thơ ca của mình. Ông coi lịch sử ả Rập như một huyền thoại thiêng liêng và thơ mộng. Các bài thơ của Amal Dunqul đều nổi tiếng với sự tiên tri, dự đoán mọi việc sẽ xảy ra trong tương lai đối với nhà nước Do Thái.
Không đáng ngạc nhiên khi các nhà thơ kêu gọi sự chú tâm với những biến động có thể xảy ra nay mai. Có thể hơi bất thường một chút, vì nó trở thành thứ khá thiêng liêng đối với người khác. Song, đây lại là phong cách cụ thể và là tiêu đề của nhà thơ tôn giáo. Nó thể hiện những căng thẳng, lo lắng, đồng thời cũng bộc lộ suy nghĩ, nguyện vọng của cá nhân và tập thể.
Amal Dunqul đã rất thành công trong việc đồng hóa các văn bản liên kết với người Do Thái trong khi vẫn duy trì một khoảng cách nhất định với chủ nghĩa phục quốc của người Do Thái.
Cũng giống như nhiều nhà văn của những năm sáu mươi thế kỷ XX, Amal Dunqul đã di cư từ nông thôn đến Cairo. Ông còn được biết đến như là một nhà thơ lang thang, liên tục di chuyển giữa những căn hộ đắt tiền và nhà trọ bình dân. Ông chia sẻ với bạn bè nghệ sĩ của mình những bữa ăn đạm bạc, những bộ trang phục duy nhất mà họ có được trong các cuộc họp mặt,…
Không có gì lạ khi nói rằng, cuộc đời Amal Dunqul cũng giống như một huyền thoại. Trong thơ của ông có ngọn lửa đam mê của người con trai bản xứ, có những yêu thương, cũng có những thái độ bất kính. Nhưng, chúng đều rất trung thực, thẳng thắn và nhân đạo.
Với 6 tập thơ, từ bộ sưu tập đầu tiên, “Khóc trước Zarqa’ al-Yamama” (Weeping Before Zarqa’ al-Yamama, 1969), đến tập thơ cuối cùng, được xuất bản sau khi Amal Dunqul qua đời, “Giấy tờ phòng số 8” (Papers of Room 8, 1983), ông đã để lại cho đời một món quà đắt giá. Thơ của Amal Dunqul cũng đã được dịch ra một số thứ tiếng trên thế giới như: Đức, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, và Hy Lạp.
Năm 1983, ở tuổi 43, Dunqul qua đời tại bệnh viện Cairo sau một cơn hấp hối dài vì biến chứng của bệnh ung thư. Các nhà làm phim đã không tiếc công sức dựng lại toàn bộ cuộc đời của nhà thơ tài ba này. Một số bài thơ của Dunqul đã được phổ nhạc. Hàng loạt những luận văn, cuốn sách, bài viết về Amal Dunqul đã xuất hiện, trong đó, còn bao gồm cả nghiên cứu của các nhà phê bình Ai Cập và các giáo sư văn học nổi tiếng khác, đặc biệt là giáo sư Sayyid ai-Bahrawi.
Bài thơ của Dunqul, “Cuốn sách về Chúa Sáng Thế” (The Book of Genesis), sử dụng ngôn ngữ, từ ngữ, thành ngữ của năm cuốn sách đầu tiên trong kinh Cựu Ước, thường được gọi là năm cuốn sách của Moses. Hành động sáng tạo của Thiên Chúa đối với loài người, Cựu ước, Tân ước, quá khứ thiêng liêng và các sự kiện hiện tại là thứ được miêu tả nhiều nhất. Đức Chúa Trời trong thơ Amal Dunqul giống như một tấm gương thần bí. Trong thế giới của Ngài, không có sự phân biệt nam nữ.
“Ban đầu, tôi là người đàn ông, là phụ nữ, là cây cối
Tôi là một linh hồn thánh thiện.
Tôi dạo chơi buổi sáng, buổi chiều
Tôi ngắm nhìn
Ngai vàng của tôi là tảng đá ở bên sông.”
Bên cạnh Đức Chúa trời là bầy ong, đàn cừu, thiên nga,… tất cả đều rất bình dị. Cuộc sống được Thiên Chúa tạo ra là sự liên minh, kết hợp giữa con người, động vật và cây cối. Và, đó là sự thống nhất hoàn hảo.
Cuộc sống nguyên thủy với Chúa được thiết lập trong thơ Amal Dunqul có thoáng một chút buồn, bởi:
“Đáy nước sâu
Tôi chăm chú nhìn
Chỉ thấy khuôn mặt mình và vòng hoa gai”.
Thiên Chúa trong thơ Amal Dunqul cũng tràn ngập tình yêu thương:
“Tôi nói:
Hãy để tình yêu đến Trái đất…
Tôi cũng nói:
Hãy để công lý đến Trái đất.”
Sự vắng mặt của tình yêu và công lý như Dunqul tố cáo là điều dễ thấy. Câu hỏi tu từ về những cảnh ngày tận thế được đặt ra làm ta gợi nhớ đến các văn bản Kinh thánh. Thay vì sự tồn tại của yêu thương và công lý, Trái đất được ngự trị bởi những thứ điên rồ. Đó là ô nhiễm môi trường, là vũ khí nguyên tử, là bất hòa, mâu thuẫn, đối đầu gay gắt. Toàn cảnh Trái đất là sự điên cuồng, và các thảm họa sinh thái khôn lường. Thiên Chúa, vì thế, đã cho phép gió và máu xuống nhân gian. Gió để tẩy uế, và máu để rửa sạch đất.
Nhờ vào các thuật ngữ Kinh thánh, ông đã tạo nên được một thế giới ngôn ngữ thơ đầy chất liên tưởng. Nói một cách khác, Amal Dunqul đã nhập cuộc và trở thành người thích hợp để phát ngôn cho các sự kiện thực tế đang diễn ra trong thời đại mà nhà thơ đang sống.
Thái Lương
(Theo cornell.edu)
Nguồn: Vanvn.net