Phóng viên (PV): Đọc tiểu thuyết “Thượng Đức” (NXB Quân đội nhân dân, 2005), tôi thấy ông viết về cuộc chiến tranh chống Mỹ hoàn toàn bằng ngòi bút hiện thực. Với việc bám sát những sự kiện có thật, những con người có thật, những trận đánh có thật… Còn tiểu thuyết “Đỉnh máu” (NXB Quân đội nhân dân, 2012) được ông khai thác về đề tài này thì sẽ thế nào, thưa nhà văn?

Nhà văn Nguyễn Bảo: Cuốn “Đỉnh máu” nói về cuộc giao tranh quyết liệt giữa hai đơn vị chủ lực là Sư đoàn 304 và Sư dù (Sư trù bị chiến lược của quân lực Việt Nam Cộng hòa) tại cao điểm 1062 trong chiến dịch Thượng Đức. Đây hoàn toàn không phải là vấn đề “thấy bở thì đào mãi” mà chiến dịch Thượng Đức đối với tôi vẫn là một ám ảnh không dễ dứt ra. Mà đâu chỉ mình tôi, Đại tá Trần Thanh Toàn-Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Công ty cổ phần than Sông Hồng đã in lại 1000 cuốn “Thượng Đức” để tặng cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 304 và Quân đoàn 2. Những tướng lĩnh, những người lính từng tham gia chiến dịch Thượng Đức nói: “Đánh Thượng Đức rõ ác liệt, hy sinh xương máu của cả hai phía thật vô cùng nhưng chưa thể so với 1062”. Họ khuyên tôi nên viết về 1062. Họ bảo tôi cần đi vào Thượng Đức hoặc đi bất cứ đâu, họ sẽ có phương tiện đưa đi. Thậm chí, họ còn bàn sẽ có những ngày hội tụ ở nơi nghỉ dưỡng Hồ Núi Cốc để một số cán bộ, chiến sĩ kể chuyện về 1062 cho tôi ghi chép. Tấm lòng của các anh đối với cuộc chiến đã qua là thế, làm sao người viết có thể do dự.

Nhà văn Nguyễn Bảo

“Thượng Đức” là cách viết truyền thống, chương hồi, diễn biến các sự kiện chủ yếu theo thời gian. Các nhân vật xuất hiện cũng chủ yếu theo dòng thời cuộc. Để tránh không lặp lại mình, ở tiểu thuyết “Đỉnh máu”, tôi chọn một cách viết hoàn toàn khác: Đa dạng và phức tạp hơn. Ngoài ra về nội dung, đúng với tinh thần tôi đã lĩnh hội được ở những người tham gia cuộc chiến trên 1062 dai dẳng và máu lửa hơn ở “Thượng Đức”.

– Ông đã tâm sự rằng: “Đỉnh máu” có những nhân vật thật được rất nhiều người biết đến. Giữa nhân vật thật và nhân vật tiểu thuyết có gì khác nhau không? Liệu nhân vật ấy có bằng lòng với những gì ông viết về họ?

– Những nhân vật như Phó tư lệnh Quân đoàn 2 Hoàng Đan; Sư đoàn trưởng Sư đoàn 304 Lê Công Phê, Chính ủy Sư đoàn 304 Trần Bình… vốn không xa lạ với nhiều người, nhất là cán bộ, chiến sĩ trong quân đội. Các nhân vật này đã xuất hiện trong tiểu thuyết “Thượng Đức” và tiếp tục cuộc hành trình lên đỉnh 1062. Trong chiến dịch, tôi biết họ nhưng cũng chỉ “kính nhi viễn chi”. Sau hơn 30 năm, tôi gặp lại họ và gần gũi thân thiết. Họ kể cho tôi nghe nhiều chuyện, qua đó, tôi  biết thêm tính khí của mỗi người. Chiến dịch Thượng Đức có sự trục trặc giữa phái viên của Bộ Tổng tham mưu với quân đoàn và sư đoàn về quan điểm chiến thuật. Đó là điều có thật. Để cụ thể hơn, nhấn thêm tính cách “ngang ngạnh” của Hoàng Đan, tôi đã cho phái viên Bộ Tổng tham mưu gặp Hoàng Đan trước khi ông vào 1062. Tương tự như vậy, tôi đã khám phá tâm tư tình cảm của Lê Công Phê qua chi tiết có thật ông bị bệnh đái ra máu và phải ra Hà Nội điều trị. Từ chi tiết này, tôi tự tin và vững tay hơn khi miêu tả cái khốc liệt, cái gian khổ trong những tháng ngày ở 1062. Các chi tiết cậu công vụ phát hiện bệnh tật của ông cũng như bức thư ông gửi cho Trần Bình là tôi nghĩ ra, không biết sự thực có như vậy không. Nhưng dù nếu không phải như vậy thì những chi tiết này cũng vô hại và tôi tin, họ sẽ không phật lòng gì cả.

Có một nguyên mẫu mà mãi khi cuốn sách ra đời, tôi vẫn còn hồi hộp chờ sự phản ứng, ấy là nhân vật Lê Mã Lương. Thiếu tướng Lê Mã Lương thời chống Mỹ, cứu nước đã là người của công chúng. Cũng rất tình cờ, một lần đến chơi nhà, tôi khoe với anh đang viết về 1062. Ấy thế là đụng đến kỷ niệm một thời sôi động của đời anh. Anh kể say sưa rất nhiều chuyện đã diễn ra trên 1062 và chợt nhớ cuốn nhật ký bìa xanh to bằng bàn tay viết ở 1062. Dĩ nhiên, muốn đưa nhật ký ấy vào tiểu thuyết phải dựng chuyện, dựng một nhân vật bằng xương bằng thịt trước mặt mình, một con người đã thân thuộc với nhân dân. Đưa một nguyên mẫu vào tác phẩm văn học phục vụ cho ý đồ của tác giả, đương nhiên không thể có gì nói vậy. Người đầu tiên tôi mang sách tặng là Thiếu tướng Lê Mã Lương. Cả đến một tháng chờ đợi vẫn không dám hỏi anh một câu thông thường: “Anh thấy cuốn sách thế nào?”. Tình cờ hôm ấy, một anh bạn mời tôi và anh Lê Mã Lương đến nhà nhậu. Tay bắt mặt mừng nhưng vẫn chưa dám hé: “Anh đã đọc “Đỉnh máu” chưa?”. Ấy thế nhưng một anh bạn khác thì không e dè gì cật vấn ngay. Tôi nghe mà tim đập thình thịch. Sao cậu bạn lại hỏi kỹ đến thế. Trường hợp này trường hợp kia là tôi hình dung ra, dựng lên, sao lại hỏi Lê Mã Lương đúng hay sai? Hú hồn, hú vía, Lê Mã Lương quay qua ông bạn nói nghiêm trang. Đúng như thế, lúc đó phải xử trí vậy thôi. Tất nhiên, trong sách tác giả cũng bịa ra nhiều nhiều đấy”. Và anh cười rất tươi. (cười)

Theo quan niệm của tôi, tiểu thuyết là tổng hòa của nhiều thể loại, cho phép được tung hoành thoải mái, miễn sao cầm cuốn sách của anh, người đọc không dửng dưng bỏ dở. Còn nhân vật trong tiểu thuyết, nhân vật nào cũng có hư cấu. Nhân vật  hư cấu hoàn toàn thì tha hồ “bay bổng”, còn nhân vật có thật thì “bay bổng” ít hơn và quan trọng người viết phải thấu hiểu những điều mình “bồi” cho họ. Họ có chấp nhận không? Có gây khó dễ cho mình không?

– Phản ánh hiện thực là thế mạnh của ông. Vậy ông viết về chiến tranh bằng kinh nghiệm cá nhân dựa trên trí tưởng tượng, hay còn bằng một phương diện nào khác?

Tiểu thuyết “Đỉnh máu” của nhà văn Nguyễn Bảo. Ảnh: T.P

– Tôi thấy có người đang phản đối nguyên lý “Văn học phản ánh hiện thực”. Họ cho rằng, nói văn học phản chiếu hiện thực thì còn chấp nhận được. Tôi không quan tâm mấy về cái đúng, cái sai trong chuyện này. Tôi tự nhận thấy, cái tạng mình không dựa vào thực tế cuộc sống thì không thể viết lách gì được. Bởi vậy, từ ngày rời ghế nhà trường đi vào quân ngũ, sống, học tập, làm việc, tích lũy tài liệu là việc tôi rất coi trọng. Tất nhiên, có khi hiện thực mình sống mình nhìn thấy, mình nghe được, sờ được nhưng đưa vào tác phẩm lại gượng gạo khó tin. Ngược lại, có những sự việc, những con người mình tưởng tượng ra, mình sáng tạo ra lại rất thật, rất sinh động nữa. Nhưng đấy lại là câu chuyện khác. Nói cho cùng, thì sự tưởng tượng sáng tạo có được cũng bắt đầu bằng sự sống đẫm đầy của bản thân người viết mà thôi.

Tôi viết “Thượng Đức” rồi “Đỉnh máu” vẫn là cách coi trọng hiện thực phát huy tối đa sự tưởng tượng sáng tạo. Nhà văn Nguyễn Công Hoan đã khuyên, đừng quá câu nệ vào thể loại. Ông nói  đại ý rằng: Nếu ai đó sáng tác được một tác phẩm hay, say mê người đọc mà chưa có thể loại nào giống nó, há chẳng phải là anh vừa tạo ra một thể loại mới đó sao?

– Có ý kiến nói, tiểu thuyết “Đỉnh máu” là phần tiếp theo của “Thượng Đức”. Ông có ý định gì sau tiểu thuyết “Đỉnh máu”?

– Có thể coi “Đỉnh máu” ở phương diện nào đó là phần tiếp theo của “Thượng Đức” thì đúng hơn. Bởi lẽ, chiến sự diễn ra trong cùng một vùng đất. Ta tiêu diệt địch ở Thượng Đức thì sau đó Sư dù đánh chiếm cao điểm 1062 hòng tái chiếm Thượng Đức. Nhưng “Đỉnh máu” lại hoàn toàn độc lập, riêng biệt, về cấu trúc, bố cục và sự xuất hiện các nhân vật. Tôi không dám mơ đến dựng lại cuộc chiến bằng bộ tiểu thuyết tầm cỡ. Tuy nhiên, tôi vẫn còn nhiều ý định viết về chiến tranh cách mạng và tôi cho rằng, không chỉ ở riêng bản thân tôi mà cả với nền văn học Việt Nam hiện đại thì đây sẽ là một đề tài không bao giờ ngưng nghỉ.

– Là nhà văn mặc áo lính, từng làm Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội, ông đã trực tiếp làm chủ khảo rất nhiều cuộc thi sáng tác về đề tài chiến tranh cách mạng và người chiến sĩ rồi tham gia nhiều chương trình đầu tư sáng tác tiểu thuyết sử thi và trường ca về đề tài này. Ông đánh giá thế nào về tính hiệu quả của các cuộc thi cũng như các chương trình đầu tư sáng tác?

– Với các cuộc thi thì hiệu quả của nó không còn gì phải bàn nữa. Nó kêu gọi mọi người tham gia viết, mà viết với cố gắng cao nhất để đoạt giải. Nhiều sáng tác xuất sắc ra đời sau các cuộc thi được tập hợp lại thành những cuốn sách có giá trị bền vững và sống rất lâu trong lòng bạn đọc.

Về việc đầu tư cho sáng tác văn học, trong khi kinh tế nước nhà còn khó khăn, Nhà nước, Bộ Quốc phòng bỏ ra một nguồn kinh phí nhằm giảm bớt phần nào khó khăn cho người viết thật là quý hóa. Đáng tiếc là nguồn kinh phí này chưa đáp ứng kỳ vọng của cấp trên và cấp dưới… Và cũng chỉ nên đầu tư cho người đã hoàn thành tác phẩm. Tránh đầu tư dàn trải, tránh đầu tư cào bằng. Số tiền đầu tư tương ứng với chất lượng tác phẩm và công sức người viết bỏ ra. Đó như một tặng phẩm, một tặng thưởng để khuyến khích người làm việc nghiêm túc, người có tài năng. Nếu làm được như thế, tôi nghĩ cũng là cách làm cho sáng tác về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng nói riêng và văn chương nước nhà nói chung phát triển hơn.

Cảm ơn nhà văn Nguyễn Bảo!

Nguồn: Qđnd

Exit mobile version