ọc tiểu thuyết “Những kẻ giời hành” (NXB Công an nhân dân, 2015) của Đặng Vương Hưng tôi bị ám ảnh bởi câu chuyện về những thân phận người trong một cuộc bể dâu rất nhiều “những điều trông thấy mà đau đớn lòng”. Ngay nhan đề tiểu thuyết đã ám gợi độc giả, khiến họ ngay lập tức phải đặt câu hỏi “vì sao con người lại bị biến thành những kẻ giời hành?”.
Cái nhan đề này là một sự khái quát hóa bằng nghệ thuật ngôn từ về thân phận con người, về những kiếp người ở cõi trần gian mà do vô số những nguyên nhân khác nhau, đã trở thành nạn nhân của những hoàn cảnh đầy rẫy sự trớ trêu, phi lí. Hình như đã sinh ra và sống ở trên cõi đời này, ai trong chúng ta cũng không ít thì nhiều, không sớm thì muộn, đều bị “Giời hành”. Đã bao giờ bạn tự hỏi: “Giời” đã từng “hành” mình như thế nào chưa?
Nói đến tiểu thuyết là nói đến nhân vật, nó là thỏi nam châm thu hút vào mình cả cốt truyện, cả tư tưởng chủ đề, cả phong cách nhà văn. Trong tiểu thuyết “Những kẻ giời hành” Lão Sầm được chọn làm nhân vật chính. Lão là người trông coi nghĩa trang Vạn Điềm. Lão là người đàn ông độc thân. Lão là người kỳ quặc trong con mắt người khác.
Ngay trang đầu tiên của tiểu thuyết, lão Sầm đã ngất ngưởng xuất hiện và lập tức hứa hẹn với độc giả là một nhân vật đặc biệt bí ẩn, đặc biệt hấp dẫn. Lão sẽ đi xuyên suốt tiểu thuyết, lão sẽ là chất keo dính kết nhiều nhân vật khác, lão là nơi nhà văn gửi gắm tâm sự. Có thể là tự phát, tôi nghĩ, Đặng Vương Hưng đã vận dụng phép “nghịch dị” (grotesque) khi viết, nghĩa là chú ý tới sự trình bày một thế giới dị thường. Cái không gian sinh tồn của lão Sầm cũng đã chứa đầy sự dị thường – nghĩa trang. Ở đó chứa chất tử khí, lạnh lẽo và u ám, ở đó ma lẫn với người, ở đó không có sự sống mà chỉ có cái chết,…
Trong con mắt thiên hạ lão Sầm là một kẻ có hành tung bí ẩn, một bề ngoài khó gần vì “mặt đầy sẹo nhăn nhúm, da đen như cột nhà cháy”. Lão làm hùi hụi cả ngày như thể công việc là bất tận. Nhưng nếu có ai để ý sẽ thấy có lúc lão cũng trầm ngâm, tư lự. Đó là khi lão nhớ lại quá khứ “Đời ta sướng ít khổ nhiều. Sướng trong chốc lát, chẳng được bao nhiêu, còn nỗi khổ thì triền miên, lắm lúc nhục hơn con chó”.
Cuộc đời lão Sầm là cả một đoạn trường bi ai từ ngày vào Vệ quốc quân, rồi trở về làm người dân giữa đời thường, rồi lại tái ngũ tham gia đủ cả hai cuộc chiến tranh vệ quốc đánh Pháp và đánh Mỹ. Một người anh hùng trong chiến trận nhưng có thể là một kẻ thất bại, thua thiệt trong đời thường – đấy là số phận của lão Sầm. Lão Sầm từng có một đứa con trai với người phụ nữ cùng làng tên Hĩm Gái. Nhưng rồi thời tao loạn đã chia lìa họ. Vợ con lão Sầm mất tích giữa biển người thời loạn lạc. Lão Sầm là một kiểu người giời hành – sống có nhân tâm mà lúc nào cũng chỉ gặp bất trắc, bất hạnh, mà cô đơn và cô độc.
Một nhân vật chính khác trong tiểu thuyết bị giời hành, đó là Xuyến – người đàn bà có nhan sắc, có chồng hi sinh trong chiến tranh, cắn răng ở vậy nuôi con thờ chồng. Nhưng thật trớ trêu chị phải sống trong nghi án chồng – tức Vũ Thành – phản bội. Đó là một áp lực tinh thần quá nặng nề đối với chị Xuyến. Chị bị cái căn bệnh “giời hành mộng ảo”. Cái bản năng đàn bà trong chị quá mạnh (người ta gọi đó là “con ngựa dâm tình”), gặp người đàn ông nào chị cũng ngỡ là chồng mình và đang được chung chăn chung gối ở buồng riêng.
Ở cái kết thúc có hậu, lão Sầm và chị Xuyến đã “xe tơ kết tóc” lúc họ đều đã ở bên kia dốc cuộc đời. Nhưng đó là một cái kết “đoàn viên” khi chồng chị Xuyến được khôi phục danh dự và lão Sầm tìm lại được đứa con trai của mình sau mấy chục năm bặt tin. Hai kẻ “bị giời hành” đã nương tựa vào nhau sống hết quãng đời tuy ngắn ngủi mà hạnh phúc còn lại.
Một kẻ bị “bệnh háu gái” như Hữu Hoạt cũng là một dạng người bị “giời hành”. Y là kẻ nhiều tiền và sống theo triết lý “Trên đời này, nếu có thứ gì không thể mua được bằng tiền, thì vẫn có thể mua được bằng… nhiều tiền hơn”. Lão Hoạt đã dùng sức mạnh của đồng tiền để chinh phục Thủy, cô gái trẻ đẹp chỉ đáng tuổi con kẻ chiếm đoạt mình. Lão lại còn phải tranh đua với con trai hòng sở hữu Thủy. Cô ta để mất sự trong trắng của mình chỉ vì nhẹ dạ cả tin và cũng vì đồng tiền làm lóa mắt. Đó cũng là một kiểu người bị “giời hành”.
Cái khéo léo của nhà tiểu thuyết chính là ở chỗ miêu tả những trường hợp bị “giời hành” như những “ca tâm lý” phức tạp nhưng không phải là bất khả thi trong điều trị bằng liệu pháp tinh thần. Tiểu thuyết đương đại đã rất chú ý đến những “ca tâm lý” phức tạp như trong “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh, “Bến không chồng” của Dương Hướng, “Ngồi” của Nguyễn Bình Phương, “Gã Tép Riu” của Nguyễn Bắc Sơn,… Và lần này là “Những kẻ giời hành” của Đặng Vương Hưng. Nhà văn như lặn sâu vào kiếp người để kể lại cho bạn đọc nghe những câu chuyện đời chan đầy nước mắt. Đọc “Những kẻ giời hành” riêng tôi thấy Đặng Vương Hưng đã có những bứt phá trong tiểu thuyết bằng sự áp sát đời sống và số phận con người.
Tôi nghĩ, tiểu thuyết “Những kẻ giời hành” của Đặng Vương Hưng được viết dưới ánh sáng của tinh thần khoan hòa, khoan dung của đạo Phật (Chương 16 có tựa đề “Nam Mô A Di Đà Phật”). Cũng trong tiểu thuyết này, độc giả tuy chưa phải là lần đầu tiên, nhưng là một lần đáng nhớ tiếp cận thông qua ngôn ngữ nghệ thuật một thế giới sống có đủ và có hài hòa “âm” – “dương”. Tôi muốn nói đến cách thể hiện bằng ngôn từ những điều chúng ta chưa giải thích được chứ không phải không thể giải thích được về thế giới tâm linh (cái gọi là “linh hồn” của con người). Văn chương đi vào thế giới tâm linh của con người là văn chương có chiều sâu.
Một cuốn tiểu thuyết hay, theo tôi, trước hết vẫn rất cần một cốt truyện hấp dẫn theo cách đọc văn của người Á Đông và Việt Nam từ trước tới nay. Cốt truyện của tiểu thuyết “Những kẻ giời hành” có độ căng của các tình tiết mang tính kịch (những tình tiết đáng chú ý xoay quanh trục chính là nhân vật lão Sầm). Tiếp nhận một tiểu thuyết, độc giả còn có cái thú được “nhấm nháp” từng chi tiết hay.
Một nhà văn tài danh đã viết “Một chi tiết hay ngang hàng một hình tượng thành công”. Tiểu thuyết của Đặng Vương Hưng không hiếm các chi tiết hay ngay từ những trang đầu cho đến tận trang cuối. Tôi nghĩ cái cốt cách của người làm báo đã giúp tác giả biết cách “chộp” được những chi tiết ròng ròng sự sống. Nhiều người sau khi đọc xong tiểu thuyết “Những kẻ giời hành” của Đặng Vương Hưng cho rằng cái kết có hậu đã làm giảm độ hấp dẫn của tác phẩm vì theo lối kết thúc truyền thống của văn học trung đại. Nhưng tôi nghĩ nhà văn viết ra tác phẩm trước hết là viết cho đồng bào mình đọc. Mà đồng bào mình (rất đông đảo) thì thích những gì ân tình, nghĩa tình, có hậu. Nghĩa là “một vạn cái lí không bằng một tí cái tình”. Thế thì không có lí do gì để không viết một kết thúc có hậu.
Các nhà văn tài năng trong những chỉ dẫn nghề nghiệp của mình đều lưu ý đến cách tạo dựng không khí truyện, nhất là đối với tiểu thuyết. Truyện có không khí sẽ giữ chân người đọc. Tiểu thuyết “Những kẻ giời hành” của Đặng Vương Hưng có được cái không khí (cả “dương khí”, cả “âm khí”) đặc trưng của thời đương đại – khẩn trương, chói gắt, ồn ã và đầy rẫy hiện sinh và cũng sâu đậm tâm linh trong sự âm u và âm thầm của nó. Đó cũng là thời của những đảo lộn các giá trị khi kim tiền lên ngôi, khi lòng người phân tâm, khi cái “hiện sinh” được coi là then chốt. Cái không khí ấy ghi dấu ấn vào nhân vật trong suy nghĩ, hành động. Cái không khí ấy tạo nên một “nhịp điệu”(rythme) văn xuôi khẩn trương, gấp gáp.
Nếu có điều gì đáng tiếc khi đọc tiểu thuyết “Những kẻ giời hành” của Đặng Vương Hưng thì chính là cái chỗ “phình ra” không cần thiết của cốt truyện do quan hệ giữa Thủy và Hữu Mạnh, con trai Hữu Hoạt. Nhưng chỉ ra một hao khuyết như thế để càng thấy rõ hơn không có cái gì là tuyệt đối, để thấy cái tương đối mà chúng ta có là hiện hữu, hiện thực. Nếu được chuốt gọn hơn thì tiểu thuyết của Đặng Vương Hưng sẽ sắc nhọn hơn, hiệu quả nghệ thuật sẽ sâu đậm hơn trong lòng độc giả ngày nay vốn rất thông minh, đặc biệt khó tính và đôi khi có vẻ hơi bị… đỏng đảnh.
Tôi nghĩ “Những kẻ giời hành” đã làm phát lộ Đặng Vương Hưng – một cây bút tiểu thuyết có nghề./.
Theo Bùi Việt Thắng (Văn nghệ công an)