1. Cái khó của nghề văn thời nay 

Trong khoảng hơn một thập kỷ đổi mới, xã hội Việt Nam đã tiến những bước nhảy vọt về nhiều mặt, Việt Nam đã hoà nhập được với nhiều nước ở trong khu vực và trên thế giới. Quá trình toàn cầu hoá đang diễn ra trên nhiều lĩnh vực như chính trị, kinh tế và tri thức bất chấp những tư tưởng cục bộ và “sô-vanh” bất hợp tác. Về văn học, những cố gắng trong và ngoài nước đã làm cho nhiều nhà văn “thức thời” ở ta nhận ra được con đường gian khó nhưng cũng nhiều triển vọng ở trong nghề nghiệp của mình. Khi xã hội phát triển, nhu cầu hưởng thụ và làm ra những sản phẩm văn học nghệ thuật có phần nào tưởng như dễ dàng nhưng lại khó vô cùng. Tôi rất ngạc nhiên và không thích thái độ kỳ thị và xem thường việc xây dựng nên những công nghệ ở trong lĩnh vực giải trí, trình diễn như ca nhạc, tạp kỹ v.v.. Việc đào tạo, đánh bóng nhằm tạo ra những ngôi sao ca múa nhạc tạp kỹ hoặc thể dục thể thao lv.v.. là rất cần thiết. Ngay trong lĩnh vực văn học, đáng lẽ cần phải khuyếch trương, xây dựng thành một công nghệ đào tạo nhà văn mới thì vài năm trở lại đây lại có ý kiến bỏ đi trường viết văn Nguyễn Du. Bỏ thì dễ nhưng xây thì khó. Nhìn vào danh sách hơn 1000 hội viên Hội Nhà văn Việt Nam người ta đều thấy đa số đều chỉ là những người già nua không có khả năng, sáng tạo và hầu hết đều… “vô học”, tự phát mà thành danh. Trong số này có tới hơn 80% là nhà thơ tức là những người chỉ dựa vào “cảm hứng” để tuỳ tiện viết ra những lời lẽ du dương phù phiếm vô nghĩa, nhìn chung là lăng nhăng, trừ có dăm ba thi sĩ tài năng thực sự (số này đếm trên đầu ngón tay) là còn ghi được dấu ấn ở trong trí nhớ người đời còn toàn bộ có thể nói là vứt đi cả. Giai thoại có một nhà thơ nói về tình cảnh thơ ở trong bài thơ sau đây (tôi đã đưa chuyện này vào trong tiểu thuyết của tôi vì nó quá hay) khá tiêu biểu cho thực tế đó: “Vợ tôi nửa tỉnh nửa mơ/ Hôm qua nó bảo: Dí thơ vào l…/ Vợ tôi nửa dại nửa khôn/ Hôm nay lại bảo: Dí l… vào thơ!”, tôi cũng không phủ nhận cảm tình của nhân dân đối với thơ nhưng quả thực trên thực tế cái danh nhà thơ là một thứ nhìn chung chỉ là nhăng nhít, hữu danh vô thực, chẳng ai muốn dây vào nó: nhà thơ đồng nghĩa với sự chập cheng, hâm hấp, quá khích, vớ vẩn, thậm chí còn lưu manh nữa.

Tôi biết sẽ có nhiều người phản ứng lại điều tôi nói “trắng phớ” ra như thế nhưng ở đây nó là thực tế. Tôi chỉ nói ra một thực tế “tàn nhẫn” mà mọi người vẫn tránh né hoặc “không nỡ” nói ra mà thôi. Đã đến lúc người ta phải nhìn vào thực tế để thúc đẩy văn học cũng như thúc đẩy xã hội phát triển.

Trên kia tôi đã nói đến việc xây dựng một công nghệ đào tạo nhà văn, tôi ủng hộ ý kiến nên xây dựng một vài khoa viết văn ở các trường đại học ở ta. Viết văn phải trở thành một nghề nghiệp, một nghề nghiệp chuyên nghiệp chứ không thể nghiệp dư, tuỳ hứng được. Những nhà văn được đào tạo trong nền công nghệ đó phải có những tiêu chuẩn và trình độ chuyên môn nhất định. Nó không phải là toàn bộ chân dung văn học trong xã hội đó. Khi hoà nhập với thế giới bên ngoài luôn luôn có những sự trao đổi hợp tác giữa các nhà văn các nước. Lớp nhà văn cũ không còn phù hợp: họ không biết ngoại ngữ, không biết vi tính, họ chỉ có quá khứ, họ không thể trò chuyện và đối thoại “tay đôi” được với bên ngoài về những vấn đề của thời hiện tại. Trong sinh hoạt văn học, ở khía cạnh nào đó, việc viết ra được những “bài văn” cũng chỉ là một việc ngày nay người ta thực hiện một cách dễ dàng: đa số sinh viên đại học đều có thể làm được không khó khăn lắm. Khuôn mẫu ” nhà văn cổ điển” chưa chắc đã là duy nhất đúng, phù hợp và nên noi theo đối với những thành niên tham gia vào công việc văn học trên tinh thần “xã hội hoá”. Tôi đã thấy trong những chương trình ” trò chơi âm nhạc” trên ti-vi, người xem cũng hát, cũng biểu diễn có khi chẳng kém gì những diễn viên chuyên nghiệp. Khi văn học “xã hội hoá” cũng sẽ xảy ra một cái gì tương tự như thế, nhất là khi Internet phát triển. Văn học – cũng như nhà văn sẽ ngày càng dân chủ hơn, thường hơn và vì vậy ngay cả những vấn đề về lý luận văn học cũng không phải cứ mũ cao áo dài và giữ nguyên cung cách chuyên chế, áp chế kiểu “các cụ” mãi được.

Trong xã hội phát triển, văn học rất thường nhưng để vượt lên, trở thành một cái gì đó ngoại hạng là rất khó. Hình mẫu thiên tài văn học ngày nay khác trước rất nhiều. Trong sách giáo khoa văn học người ta thấy rõ văn học đã bị đông cứng lại, cũ kỹ và “phản động”: nó cứ ê a mãi những “song viết” và “song kiết”, học sinh chỉ nghiên cứu và học tập “những thây ma cũ” hoàn toàn không được “tiếp máu” bởi những sinh lực văn học cường tráng và lành mạnh.

Nếu như khoảng 20 năm đến 30 năm nữa danh sách Hội viên Hội Nhà văn ở ta có tới hơn 80% nhà văn (chứ không phải nhà thơ) khoảng ở độ tuổi 25 đến 50 tuổi thì đấy mới là việc hợp quy luật. Ở ta vẫn có câu: “ốm tha, già phải”. Văn học, đối tượng của nó là những người trẻ tuổi. Nó không phải là sân chơi của “đám giặc già lăng nhăng thơ phú”. Trước Tết Nguyên đán tôi có ngồi dự một bữa tiệc tất niên ở nhà kỹ sư Đào Phan Long với nhiều tên tuổi văn nghệ sĩ khá lừng danh trên đất kinh kỳ. Nhà thơ Trần Ninh Hồ đọc một bài thơ phóng dật trong đó có câu: “Ông lão lục tuần đi trong sương gió/ Sương gió không biết ông lão lục tuần”. Hay thì hay thật nhưng tôi cũng hơi sờ sợ những ông lão lục tuần … gân quá!


2. Trên con đường văn học 

Thực ra, trên con đường văn học thì có rất nhiều lối đi khác nhau, “mọi con đường đều dẫn đến thành Roma”, có người đến trước, người đến sau, người đứt gánh giữa đường, người đến đích hăm hở, người đến đích thân tàn ma dại, có người đến đích vinh quang, có người đến đích với cả bầu đoàn thê tử v.v… Tạo hoá tuyệt vời và rộng lượng sẵn lòng mở ra cơ hội cho tất cả mọi người không trừ ai cả. Nhưng cảnh giới văn học ở mỗi hạng cũng khác nhau và sự phong phú có vẻ vừa dân chủ vừa mất dân chủ ấy đã làm nên sự hấp dẫn chết người của văn học. Tôi không hề coi những ý kiến của tôi là chân lý, tôi chỉ nêu ra những suy nghĩ “nhầm lẫn” để mọi người trong giới văn học xem xét mà thôi. Văn học tác động đến xã hội bằng con đường ngầm, “phi chính phủ” và rất trực tiếp. Khi một nhà văn “phát sóng”, những độc giả có cùng tần số “bắt sóng” ấy, tiềm năng trong họ được đánh thức và giời mới biết họ sẽ làm gì. Khi những phương tiện thông tin đại chúng phát triển, các môn nghệ thuật giải trí phong phú, chức năng giáo dục được trải rộng, nó không còn chỉ đặt lên mỗi đôi vai còm cõi của văn học ngày xưa nữa. Nếu chúng ta chú ý nhìn một chút thì sẽ nhận ra con trẻ ta ngốn những truyện tranh manga còn nhiều hơn sách văn học tỉ tỉ lần. Chúng không đọc ” Những cánh buồm đỏ thắm” của Grimm, “Dế mèn phiêu lưu ký” của Tô Hoài nữa mà dành thời gian đó cho “Đôrêmon” hoặc các siêu nhân. Trong Hội nghị Lý luận văn học ở Tam Đảo năm 2003, chẳng thấy có một tham luận nào dành cho văn học thực sự. Không còn ai cứu trẻ con nữa. Tất cả những người “hành nghề văn học” ở ta đều muốn “dĩ hoà vi quý”, đều muốn có nhưng cuộc chơi đèm đẹp, chơi có thưởng, không ai muốn ” hy sinh” nữa. Trong chuyến về nước năm ngoái, nhà văn Phạm Thị Hoài nhận xét : “Ở trong nước, những người viết văn hiện nay sống sướng quá, nhà nước, xã hội yêu chiều, cưng chiều họ quá. Ở nước ngoài khó khăn khổ sở hơn nhiều, rất nhiều”. Tôi nhận ra sự ngậm ngùi trong nhận xét của Phạm Thị Hoài. Nhận xét đó không hẳn đã đúng nhưng cũng là một ý kiến đáng để cho những nhà văn có lương tâm ở ta xét lại. Trên báo chí, thỉnh thoảng vẫn thấy các nhà báo “rồ lên” vì có tin nhà văn này, nhà văn kia “ẵm” các giải thưởng, nhận tiền tài trợ. Chuyện này hay dở thế nào chưa bàn. Nó cũng chỉ là một mặt ” bề nổi” của văn học, theo tôi cũng là tốt. Nhưng – một khi dư luận văn học thực sự chỉ rồ lên vì cái “bề nổi” ấy thì cũng chưa hẳn đã “có lương tâm”. Trong truyền thống, văn học đồng nghĩa với sự thanh đạm. Sinh hoạt văn học (nói rộng ra là cả sinh hoạt tinh thần) ở ta – ít nhất là ở Thủ đô – theo tôi hiện nay là thảm hại, chẳng có gì đáng để người ta quan tâm, say sưa. Tất nhiên trên thực tế, ở đâu có một cuốn sách hay, một bài viết hay những người quan tâm đến văn học đều cố tình đọc qua không bỏ sót. Rõ ràng văn học vẫn có cách tồn tại riêng của nó và vẫn âm thầm “đi những bước sấm đông rền” (Goethe) trên con đường hẹp, con đường định mệnh gian khó dành riêng cho nó. Văn học giá trị bao giờ cũng đề cao nhân tính. Một xã hội không có những tác phẩm văn học hay, không có những tác phẩm văn học giá trị nghĩa là nhân tính mất đi. Trách nhiệm đó không phải chỉ ở một người nào mà nó ở toàn xã hội.

Khi nói về nhân tính xưa nay các nhà lý luận văn học thường cũng chỉ mới đề cập một chiều đến lòng tốt, đến cách cư xử quân tử v.v… Người ta không nhìn thấy “bộ mặt thứ hai” của nhân tính mặc dầu “các cụ” ngày xưa cũng đều đã cảnh tỉnh cả rồi: “Bởi chưng hay ghét cũng là hay thương” (Nguyễn Đình Chiểu), “Nơi thì lừa đảo nơi thì xót thương” (Nguyễn Du) v.v… Cái gì cũng có hai mặt (thậm chí vài ba mặt) kể cả “nhân tính”. Độc giả có kinh nghiệm văn học rất dễ nhận ra những khuôn mặt ngụy quân tử trong các tác phẩm của các nhà văn. Dối trá, đạo đức giả – người ta chỉ đọc có vài ba trang là nhận ra liền. Không phải tự dưng mà các nhà văn cổ điển luôn luôn nói về sự trung thực ở nhà văn và trong lao động văn học. Thế nào là trung thực? Trung thực với mình, với người, với xã hội, với chữ nghĩa. Văn điêu, văn ma, phò nịnh, “nên thơ” v.v… là thứ rất dễ ngộ nhận. Có nhiều tác phẩm, người ta vẫn phải đọc, vẫn phải chấp nhận mặc dầu ai nấy đều cũng có “cảm giác” là nó thối tha, song – như tôi đã nói, thời đương đại bao giờ cũng có “không khí” suy đồi, cần phải có một thời gian rất dài thì những cái xác suy đồi mục nát ấy mới mất hết đi cái mùi ô uế của nó.

Biết làm sao bây giờ?


3. Lời kết thay cho hoa thủy tiên 

Ngày Tết, đi mua giò hoa thủy tiên tôi mới ngã ngửa ra rằng tất cả giống hoa thủy tiên ở ta đều được nhập từ Trung Quốc. Không phải thủy tiên mà rất nhiều loài hoa khác nữa, thậm chí cả đào! Đi vào các hiệu sách, vẫn thấy văn học hiện đại Trung Quốc chiếm thượng phong ở trên giá sách. Về nhà mở ti-vi, phim truyền hình Trung Quốc vẫn thu hút người xem đông nhất. Văn hoá Việt Nam chịu ảnh hưởng của Trung Quốc tất nhiên rồi, xưa nay vẫn thế. Tôi ngắm nhìn giò hoa thủy tiên và nghĩ ngợi nhiều. Để hoa thủy tiên nở đúng vào lúc giao thừa là cả một nghệ thuật vun trồng, gọt tỉa công phu. “Chơi hoa nào đã mấy người biết hoa” vốn là thói đời phàm tục. Một tác phẩm hợp thời, ra đời đúng lúc cũng là một nghệ thuật, có người còn coi nó là số mệnh tác phẩm. Song le, những “tác phẩm đi trước thời đại” bao giờ cũng sẽ chẳng hợp thời. Ngồi buồn giở báo ra xem, thấy có mấy bác Hai Lúa ở Nam Bộ (Trần Quốc Hải, Lê Văn Danh) chế tạo ra máy bay trực thăng để phun thuốc trừ sâu cho mía mà cười ra nước mắt. Tôi thích câu kết của nhà báo Nguyễn Hồng Lam: “Tinh thần sáng tạo rất đáng khâm phục. Đáng tiếc, mơ ước ấy đã vượt quá sự cho phép của giới luật. Đột nhiên giật mình tự hỏi: trăm năm trước, anh em nhà Wiright đã gặp may vì không gặp các thứ luật định văn minh bó buộc. Nếu không, đến bây giờ chắc gì có ngành hàng không với những chiếc máy bay tung cánh bốn phương trời?” (báo An ninh thế giới ra ngày 19/02/2004). Trong văn học, không còn nữa những cuộc thí nghiệm giống như chuyện làm ra máy bay trực thăng. Để biết văn học đổi mới, chỉ cần dịch sách Trung Hoa xem là đủ. Nó cũng giống như giò hoa thủy tiên kia, nhập vào với giá rẻ như bèo chẳng phức tạp gì, thả sức chơi “te tua” trong thời gian Tết.

Này hoa thủy tiên, tôi ước chi đây là giống hoa của người Việt Nam trồng ra trên đất Việt Nam. Vệ Tuệ, Miên Miên, Cửu Đan… ước gì đấy sẽ là những tên tuổi của các nhà văn Việt Nam?

Xã hội Việt Nam đang ngày càng phát triển phong phú và đa dạng. Luôn luôn có những cơ hội dành cho tuổi trẻ. Trong lĩnh vực văn học cũng vậy. Vấn đề là phải có tình yêu với nó. Không có tình yêu thì chẳng làm gì được cả.

– Và với “một mẩu bánh mỳ con con” [1] nữa chứ?
– Tất nhiên rồi!

Tết Giáp Thân 2004


[1]Thơ Phan Thị Vàng Anh thời trẻ:
“Hôm nay trời nắng chang chang
Mèo con đi học chẳng mang được gì
Chỉ mang một cái bút chì
Và mang một mẩu bánh mỳ con con.”

– Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp –