Kinh nghiệm người đi trước
Trong những cuộc trò chuyện về văn học trên “văn đàn” gần đây thì cuộc trò chuyện của phóng viên báo An Ninh Thế Giới với nhà văn Tô Hoài (in trên báo An Ninh Thế Giới Cuối Tháng 12. 2003) theo tôi là một cuộc trò chuyện hay nhất. Cũng phải nói thêm rằng cuộc trò chuyện này có hơi hướng một cuộc hỏi cung oái oăm và không được nhã cho lắm nhưng thực ra điều ấy không can hệ gì. Hai bên vấn đáp, trao đổi giống như kiểu cao nhân ngồi trên núi hoa đào luận bàn về kiếm pháp trong giới giang hồ (“hoa sơn luận kiếm”). Tôi không nhớ tình huống nào đã dẫn đến câu hỏi về sĩ khí của nhà văn (tức là một câu hỏi đốp chát nhất về danh dự): “Anh có hèn không?” “Tại sao như thế này và như thế kia v.v.” Nhà văn Tô Hoài không trả lời đúng vào câu hỏi (hầu hết trong cuộc phỏng vấn này ông đều không trả lời đúng vào câu hỏi). Tô Hoài sinh năm 1920, bắt đầu viết văn từ những năm đầu tiên của nền “văn học chữ quốc ngữ”, lừng danh từ tuổi 20 với tác phẩm bất hủ Dế mèn phiêu lưu ký, có thể nói là một “cây đại thụ trong nền văn học nước nhà”. Ông đã sống, viết lách, trải nghiệm qua vài chế độ, hiểu khá rõ về sự đời, tình đời. Khi Tô Hoài nói về kinh nghiệm viết văn (điều này cũng giống như nhiều người viết văn thuộc thế hệ ông), người ta đều nhận thấy những kinh nghiệm viết văn của họ luôn đan xen với những kinh nghiệm đối nhân xử thế. Văn học (với tính chất xã hội rõ ràng) không còn là một “nghệ thuật chữ nghĩa” mà hiển nhiên là “nghệ thuật sống”, nó có cái cần lâu hơn, là tay thước, là cây gậy, là cái bẫy chim, thậm chí còn là cây súng.
Ở thế hệ “nhà văn hiện đại” bây giờ (tôi có thể kể tên đôi ba người làm ví dụ trong đó có Hồ Anh Thái, Nguyễn Việt Hà, Phan Thị Vàng Anh v.v.) họ có thể trông chờ gì ở kinh nghiệm viết văn ở các bậc tiền bối nếu chỉ cứ loay hoay với các cung cách ứng xử mà thôi? Trong một phát biểu trên báo gần đây Hồ Anh Thái cho rằng: “Nhà văn là người có lẽ không thích hợp với các sinh hoạt đám đông, thậm chí cả với sinh hoạt gia đình” (Báo Thể Thao Văn Hóa số Tết tất niên Giáp Thân 2004). Tôi hơi băn khoăn về quan điểm đó và tôi không mong nó sẽ đại diện cho quan niệm của cả một thế hệ nhà văn trẻ bây giờ. Điều ấy chứng tỏ văn học đang ngày càng trở nên khắc nghiệt hơn so với trước kia. Văn học hiện đại đó là một sân chơi ngày càng chuyên nghiệp và quyết liệt (vì sao tôi sẽ nói sau) không phải là một “nghệ thuật” dễ xơi chút nào. Xem xét quan niệm của các nhà văn danh tiếng đáng mặt hiện nay trên thế giới và khu vực hầu như ai cũng nói đến cuộc sống riêng tư của mình một cách khá dè dặt, mặc dầu dè dặt nhưng chính cái “cuộc sống thổ tả” ấy lại là cốt lõi, là thức ăn cho cuốn sách họ đang viết. Ở Trung Quốc, Cao Hành Kiện là đương nhiên rồi, còn những người “hạng hai” như Mạc Ngôn, Giả Bình Ao, Vệ Tuệ, Miên Ngôn, Cửu Đan… tất cả đều trình bày cuộc sống “tự sự” của mình một cách cay đắng và cũng có thể nói là thành công. Mạc Ngôn nói: “Tiểu thuyết là tự sự (tự thuật)”. Quan niệm này tuy lỗ mãng nhưng phải nói là xác đáng. Ở Miên Miên (một cây bút nữ trẻ) “vô thức” đã giúp cô nhận ra điều ấy khá trực tiếp. Ở bên trời Tây, trước đây Sagan (tác giả Buồn ơi chào mi) cũng đã từng làm như thế nhưng khoảng cách giữa sáng tác và tự sự vẫn là một trời một vực. Lối viết tự sự đòi hỏi sự thành thật và một nghệ thuật che giấu tình cảm rất cao. Nhà văn – nhân vật luôn đối mặt với những sự hiểm nguy ở trong “trái tim”, trong công việc, trong ứng xử, trong mọi sinh hoạt của mình. Nó dứt khoát là một cuộc sống phiêu lưu, thậm chí còn nguy hiểm nữa. Tôi hiểu vì sao có khá nhiều “nhà văn trẻ” hiện nay đang sống độc thân, “vào Nam ra Bắc”, khước từ mọi “hệ lụy”, rắc rối, sống âm thầm, “dằn vặt”, v.v. Văn học đã trở nên quá nặng nề với họ. Thức ăn của văn học là cuộc sống của chính tác giả, văn học xơi những miếng to tướng, vừa ăn vừa nhằn ra nham nhở, chẳng hề “nghệ thuật” chút nào. Bảo trọng mình ra sao để có thể “kể chuyện” được không dễ. Ở thế hệ Tô Hoài, tôi ngờ rằng họ quan sát, chiêm nghiệm nhiều hơn thể nghiệm. Đọc lại bài phỏng vấn về Tô Hoài, ông cho biết, Nam Cao viết do “vợ kể lại”, Nguyễn Đình Thi “sáng tác” mà không biết trong chùa có ai sống (sư cụ, tiểu hay vãi…), Hoàng Cầm làm “thơ tán gái” v.v. Văn học hiện đại rất coi trọng “cảm giác”. Không có cảm giác thật thì chẳng làm được gì cả. Cảm giác là thứ không thể truyền lại được. Kinh nghiệm của cảm giác là thứ rất khó ấn chứng giữa người này với người kia. Kinh nghiệm viết văn thực ra chỉ là kinh nghiệm của cảm giác. Cảm giác – đó là một thứ văn học mà văn học hiện đại đặt thành tiêu chí hàng đầu. Ít nhất, đó cũng là cảm nhận, cảm giác của riêng tôi… khi mà tôi đi sâu vào thế giới sáng tác nội tâm của mình và các nhà văn hiện đại đương thời.
Đương đại – tức là “suy đồi”?
Khi ta đang sống (đương đại) nghĩa là ta đang tiếp cận, đang tiếp cận cái chết (sự suy đồi ghê rợn nhất). Nghệ thuật đương đại, xét cho cùng chính là nghệ thuật suy đồi. Thời gian qua đi, những kinh nghiệm của cảm giác giá trị nhất sẽ còn lại, trở thành cổ điển, kinh điển, thành “văn hóa”, đóng khung lại trong các bảo tàng nghệ thuật và trong trí nhớ người đời. Các nghệ sĩ sống trong thời hiện tại không thể tránh được sự dung tục, nhảm nhí, không thể tránh được bọn tiểu nhân, bọn phàm phu tục tử, lưu manh, philistanh, ngụy quân tử v.v. Kiểu gì thì kiểu, ngay cả những nhà văn danh giá nhất đôi khi vẫn cứ phải chung lưng đấu cật, “ba cùng”, vẫn cứ phải đối thoại, đùa cợt, chơi bời với các đồng nghiệp bất đắc dĩ của họ, cùng lý tưởng nhưng khác hạng” (chữ của Victor Hugo). Không khí dung tục suy đồi “đương thời” cũng chính là không khí sống, không khí sáng tác – mặc nhiên là thế – bởi vậy nếu từ chối đối thoại nghĩa là anh tự làm cho mình khó thở, tự giam cầm mình. Trước mặt tôi đây là một giò hoa thủy tiên thơm ngát. Này hoa thủy tiên lạc loài, ngươi có biết rằng rồi sẽ có ngày chẳng còn ngươi, cũng sẽ chẳng còn ta nữa không?
Trong bài viết Thời của tiểu thuyết tôi đã nói đến văn học tự sự và tôi vẫn còn coi nó như một hình thức nghiêm cẩn nhất, chính trực nhất trong tư chất nghệ sĩ mỗi nhà văn. Gì thì gì, khi đọc một số nhà văn trẻ “tự sự” ở Trung Quốc gần đây như Miên Miên, Vệ Tuệ, Cửu Đan… không phải tôi mà hầu hết bạn đọc đều có sự vì nể với họ bởi cách dấn thân (hoặc là vô tình, hoặc là vô ý của số phận họ) với văn học – và với cuộc đời nói chung. Nhân nói về sự dấn thân, tôi rất lạ khi thấy một số nghệ sĩ trẻ, họa sĩ, nhà văn trẻ coi rằng: bỏ nhà đi bụi, đi lang thang, ngủ với gái điếm, uống rượu say sưa, truy hoan hành xác – đấy mới là sự dấn thân. Thật nực cười, thê thảm và nhầm lẫn. Hoàn toàn không phải thế! Mikenlănggiê mò vào nhà xác, mổ xác tử thi để học giải phẫu, giúp ích cho nghề nghiệp điêu khắc của mình, Victor Huygo chịu đựng lưu đày… đấy mới là những tấm gương dấn thân cổ điển, cần phải học tập. Trò chuyện với Nguyễn Việt Hà, tôi có nói với anh rằng: hãy sống với cuộc đời công chức một cách cẩn thận, quan sát nó, viết về nó cho hay – đấy cũng là một sự dấn thân “hiện đại”. Thực tế đang ngày càng trở nên khắc nghiệt. Đừng tưởng rằng ở đấy không có trả giá, không có đau đớn, không có gì để viết. Nó là cả một bi hài kịch cuộc đời, có khi là cả một bi hài kịch một thời. Tôi rất buồn cười câu chuyện Nguyễn Việt Hà kể cho tôi nghe: ở công sở, có một tay trưởng phòng xây dựng cho xây toilet. Anh ta kích cỡ hơn người (cao tới 1m 78) nên chỗ đi tiểu ở cơ quan anh ta luôn cao hơn những nơi khác tới 15 phân. Vì vậy, gần như mọi người đi tiểu ở đó đều bị nước tiểu bắn vào quần áo! Sự độc tài của một tay công chức cửa quyền thật lợi hại. Đặc quyền “lấy của mình ra đo” mà không quan tâm đến những số đo khác trong thiên hạ là như thế đấy.
Gần đây, đọc bài viết của Bùi Việt Thắng về tôi in trên báo Văn Hóa Xuân 2004 (được đặt dưới tiêu đề Trên đường đổi mới) không hiểu sao tôi cứ hình dung Bùi Việt Thắng giống hệt như tay trưởng phòng công chức xây dựng cửa quyền nọ. Anh lấy số đo của mình mà đặt tiêu chí để đo thiên hạ. Sự độc tài công chức và cách “cả nghĩ” của Bùi Việt Thắng khiến anh bất bình với cuốn tiểu thuyết của tôi. Bi hài kịch là “số đo” của anh có phần ngắn hơn cái bệ thẩm mỹ của bạn đọc đương thời…
Nhân đây, tôi cũng muốn nhắc đến một vài ý kiến về cuốn tiểu thuyết của tôi, khi họ đã có nhã ý đưa bài lên một số báo in và trên internet. Song, đối tượng đối thoại chủ yếu của tôi trong bài viết này gì thì gì (như nhan đề bài viết) vẫn cứ chỉ là giò hoa thủy tiên lạc loài trước mặt tôi đấy thôi!
Khi bị phụ tình người ta làm gì?
Đấy là câu hỏi mà bạn đọc Quốc Việt (talawas, 19.01.2004) và một vài người khác đặt ra. Họ coi việc tôi viết tiểu thuyết là sự “phụ tình” của tôi đối với bạn đọc “chung thủy”. Tôi xuống cấp, trở nên lẩm cẩm, lộn xộn v.v. Những ý kiến không chuyên nghiệp đó khiến tôi không quan tâm nhiều. Năm ngoái, khi vào Sài Gòn, tôi rất kính trọng khi Nguyễn Khải cho ra mắt tiểu thuyết tự sự Thượng đế thì cười. Dù dư luận có “cảm giác” Nguyễn Khải không thành công với cuốn tiểu thuyết này nhưng người ta vẫn có thể học ở đó khá nhiều điều. Khi nói chuyện với Nguyễn Khải, tôi thấy rất rõ ông đã “ngửi” thấy lối đi của tiểu thuyết hiện đại, có điều khi viết, cảm hứng cười cợt về sự nhục nhã của kiếp người đã lấn át mất những ngọn lửa nhiệt thành khác trong lòng ông. Có nhiều bạn đọc đa sự cảm giác bị nhà văn phụ tình. “Ai bị phụ tình?” “Ai bị tình phụ?”. Tôi đã đặt câu hỏi này trong bài viết về hiện tượng Vi Thùy Linh. Ngay cả trong trường hợp của Nguyễn Khải, mở rộng ra là cả Hồ Anh Thái (với tiểu thuyết Tự sự 365 ngày và Cõi người rung chuông tận thế) cũng đôi ba nhà văn khác nữa… Tôi vẫn muốn nhắc lại rằng: “Trước hết đó là sự phụ tình từ phụ tình của dư luận”.
Sự phụ tình của dư luận đối với nhà văn thật ra cũng chẳng có gì đáng buồn đối với nhà văn. Muốn cho xã hội tiến lên, phải trao đổi, phải dân chủ, phải được in ấn, phải “cựa quậy” chứ. Trên đường đổi mới cơ mà! Khi tiến lên, những sự tìm tòi, lệch lạc (chắc gì đã lệch?) cũng giống như ta “giải phóng một mặt bằng để xây nên một đô thị mới” – cũng chẳng nên tiếc việc bỏ đi những “tác phẩm của lịch sử” và việc xây nhầm một vài ngôi nhà.
Tôi không muốn nói nhiều về cuốn tiểu thuyết của tôi (vì trên thực tế nó chưa được xuất bản) nên việc Bùi Việt Thắng và một số nhà bình luận có nói gì thì cũng như nói với đầu gối, không “danh chính ngôn thuận”. Ở đây tôi muốn nói rằng: Viết ra được một tác phẩm không dễ. Viết hay thì lại càng khó. Nghề văn trong thời hiện tại là một nghề khó vào bậc nhất. Khi Internet phát triển, tác giả không thể tưởng tượng, “lừa bịp” hoặc “sáng tác” được. Thông tin để xử lý, cung cấp cho các chi tiết sự kiện văn học có quá nhiều. Nhà văn bắt buộc phải trở thành một nhà văn hóa, một nhà nghiên cứu. Anh buộc phải giỏi máy tính, giỏi ngoại ngữ, anh ta phải “tự tổ chức” viết lách và bán hàng. Anh ta phải trở nên chuyên nghiệp, không mất thì giờ vào những “chuyện tầm phào”. Ngay cả chuyện tình phụ, phụ tình cũng là trò nực cười. Không có gì hết nếu anh không viết được hay, không bán được tác phẩm của anh cho người đọc.
Tôi sẽ bàn thêm về hai loại văn học: loại tự phát, rèn luyện mà thành, lập nghiệp tức không chuyên và một loại văn học “thượng đẳng thừa”, viết để du hí chơi bời cũng như một số vấn đề khác của văn học trong phần hai của bài này.
Chưa bao giờ văn học ở nước ta có những cơ hội lớn như bây giờ nhưng cũng chưa bao giờ khó như bây giờ. Xã hội cũng phải thấy rõ sự đóng góp về mặt tinh thần, vật chất của nhà văn để ghi công cho họ. Trong một phát biểu gần đây, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng: “Văn học tác động vào xã hội để ảnh hưởng đến chính trị. Sử học thì tác động vào chính trị để ảnh hưởng đến xã hội”. Đấy cũng là một ý kiến đáng suy nghĩ. Một đất nước văn minh không thể không có văn học và sử học được. Trong thời hiện đại, công việc đào tạo nhà văn là rất cần thiết, cần phải xây dựng thành công một công nghệ. Nó cũng từa tựa như công việc đào tạo các cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp và các vận động viên thể dục có thành tích cao. Không thể trông chờ vào việc ăn may, trời cho để Việt Nam có một đội ngũ nhà văn đẳng cấp thế giới. Ngay cả việc có một “tốp” nhà văn cô chiêu cậu ấm để đối thoại hoặc làm những việc “hậu trường” cũng là cần thiết. Việc phải nâng cấp cho trường đại học viết văn Nguyễn Du để nó gần với thiên nhiên hơn, gắn bó với xã hội hơn là rất cần thiết (chứ không phải là nhốt nó trong một ngôi nhà chật hẹp giữa Thủ đô). Các giá trị văn học đương thời (thực sự có giá trị) cũng phải được biểu dương đúng mực. Trong bóng đá, người ta cũng đã phong thánh cho Pêle, Marađôna, Beckham… Ở Việt Nam, hình như truyền thống…đánh truyền thống, đố kỵ, dè bỉu, ghen tỵ, chê bai… vẫn thấy nhiều hơn ở trong sinh hoạt văn học so với việc hân hoan khi có một tác phẩm mới ra đời.
Trở lại hình ảnh Tô Hoài ở đầu bài viết này, tôi nghĩ dù ông có tự nhận mình là “cò con” thì hình ảnh của ông trong lòng bạn đọc trước sau vẫn là hình ảnh của một bậc tiểu thánh trong văn học Việt Nam hiện đại.
Khi bị tình phụ người ta làm gì?
Vậy khi nhà văn bị tình phụ thì họ làm gì?
– Họ không viết nữa.
– Có thể!
Tết Giáp Thân 2004
– Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp –