The Great Gatsby – cuốn tiểu thuyết “khác thường, tuyệt đẹp” của nhà văn Fitzgerald nằm trong danh sách 100 tiểu thuyết hay nhất thế kỷ 20 và một trong mười tác phẩm lớn nhất mọi thời đại, do tạp chí Time bình chọn, được dịch giả Trịnh Lữ dịch dưới tiêu đề Đại gia Gatsby.
Ái tình u uẩn và cay đắng
Đại gia Gatsby (Nhã Nam & NXB Hội Nhà văn, 6/2015) được kể qua những câu chuyện hồi ức của Nick Carraway về sự việc xảy ra năm 1922 với người bạn thân Gatsby và mối quan hệ bí mật với người chị họ đã có chồng – Daisy, “vì cả cuộc đời Gatsby đi gầy dựng cơ ngơi, gia sản này cũng vì để có được người đẹp. Đối với Gatsby đó là cả lý tưởng sống”.
Trước đó, Gatsby quen biết với Daisy khi đi lính, nhưng khi đó Gatsby chỉ là anh chàng nhà quê tay trắng, không có tiền bạc để lo lắng, chăm sóc cho Daisy. Và khi gặp lại tình yêu của mình, Gatsby đã quyết tâm bằng mọi cách làm giàu hòng lấy được Daisy.
Sau đó, Gatsby lên một kế hoạch là nhờ Nick mời Daisy đến nhà Nick dự một bữa tiệc trà nhỏ mà không tiết lộ cho ai biết là Gatsby sẽ có mặt, và điều may mắn (hoặc có thể bất hạnh), Gatsby được tái ngộ với người trong giấc mơ, anh cho Daisy nhìn thấy gia sản kếch xù của mình, và sau phút bỡ ngỡ ban đầu hai người đã nhanh chóng ập vào nhau một cánh chóng vánh.
Mối tình lén lút, bí mật và có kết cục bi thảm, có chút gì đó như được lấy ra từ chính cuộc đời của tác giả, nhà văn Fitzgerald và mối tình với Zelda – người thấp thoáng trong hầu hết các tiểu thuyết của ông.
Gần như trong tất cả các tiểu thuyết của nhà văn Fitzgerald, ngay trang đầu tiên đều đề tặng Zelda, mối tình đầu của ông, đầy những u uẩn và cay đắng. Cả hai đã từng đính hôn, rồi hủy bỏ hôn ước vì Zelda phải chờ đợi quá lâu. Và sau cả hai đến được với nhau, khi mà Fitzgerald, lúc đó đã nổi tiếng và trở nên giàu có nhờ việc bán tiểu thuyết của mình.
Điều đáng kỳ lạ, trong tiểu thuyết The Great Gatsby (1925), ông cũng đề “một lần nữa tặng Zelda”, đáng tiếc chỉ 5 năm sau, Zelda đã bắt đầu phát điên và gần như gắn bó với bệnh viện tâm thần.
Ác nghiệt và bi kịch thay, thiên thần Zelda của ông, giấc mơ đã lụi tàn của ông, cuối cùng chết “không còn nhận dạng bằng mắt thường được nữa” trong ngọn lửa hung tàn hỏa hoạn ở chính bệnh viện mà Zelda đã sống.
Trong tiểu thuyết Đại gia Gatsby, nhân vật chính cho đến cận kề cái chết, sự mơ hồ của Gatsby và sự giằng xé nội tâm vẫn đan xen đến vô chừng “cảm thấy mình đã mất một cái thế giới nồng ấm ngày xưa, đã trả giá cao để sống quá lâu với một giấc mơ duy nhất”.
Đại gia Gatsby suýt bị đổi tên “Gatsby mũ vàng”
Đại gia Gatsby mặc dù được dựng thành ca kịch Broadway lẫn phim Hollywood nhưng trước đó tiểu thuyết này không được độc giả đón nhận nhiệt tình mấy. Nó chỉ bán vỏn vẹn 25 nghìn bản trong 15 năm cuối đời Fitzgerald.
Trong suốt thời đại suy thoái và Thế chiến II, cuốn sách hầu như bị lãng quên. Đến khi được in lại vào năm 1945 và 1953 nó nhanh chóng trở nên nổi tiếng, được nhiều người tìm đọc và ngày nay được coi là một kiểu mẫu của cái gọi là “cuốn tiểu thuyết vĩ đại của nước Mỹ” (The Great American Novel).
Nhà văn Fitzgerald viết trong thư với Perkins, giám đốc một nhà xuất bản cho những cuốn sách của mình, khi ông bắt đầu viết Đại gia Gatsby một cách chậm chạp, rằng “hãy kiên nhẫn với cuốn sách này và tin rằng cuối cùng, hay dù sao cũng là lần đầu tiên từ bao nhiêu năm nay, tôi sẽ làm việc hết sức mình”.
Có lẽ khi Perkins, với tư cách cá nhân hay đại diện cho nhà xuất bản viết những dòng thư trao đổi với Fitzgerald về The Great Gatsby, ông không ngờ sau đó cuốn tiểu thuyết nổi tiếng vượt qua tất cả mọi sự tính toán xuất bản như vậy. “The Great Gatsby là một nhan đề khơi gợi và hiệu quả – cố nhiên, xét theo sự hiểu biết rất mơ hồ của tôi về cuốn sách. Chỉ có cuốn sách là quan trọng, ngoài ra, mọi thứ còn lại là vặt vãnh”.
Thậm chí The Great Gatsby suýt phải mang một cái tên mới theo đề xuất nhan đề mới của chính tác giả Gold-Hatted Gatsby (Gatsby mũ vàng), nếu như không có những nhận xét, góp ý quan trọng của Perkins.
Bi kịch “giấc mơ Mỹ”
Đại gia Gatsby nắm bắt vô cùng sâu sắc tinh thần của thế hệ cùng thời Fitzgerald. Đó là những ám ảnh thường trực về tiền bạc, dư dật và hào nhoáng. Bên cạnh đó, là nỗi lo âu trước thói sùng bái vật chất vô độ và sự thiếu vắng đạo đức.
Gatsby – nhân vật chính của câu chuyện, phất lên nhanh chóng, những tưởng sẽ có tất cả: tiền bạc, quyền lực, ái tình. Nhưng rồi ảo tưởng tình yêu đó tan vỡ đau đớn, theo sau là cái chết tức tưởi của Gatsby, để cuối cùng lập tức bị người đời quên lãng.
Lời cảnh báo của nhà văn F.Scott Fitzgerald về cái gọi là “giấc mơ Mỹ” được ví như một tượng đài văn học, một cánh cửa cần mở ra cho những ai quan tâm đến văn học và lịch sử tinh thần nước Mỹ thời hiện đại.
Dịch giả Trịnh Lữ cho rằng “giấc mơ Mỹ” vẫn đang phập phồng, rình rập trong giấc ngủ đêm cũng như ngày của hàng triệu người trên thế giới ngày nay, và ông tin rằng người Việt cũng đang ấp ủ nó, ngày càng nhiều, nhất là trong giới trẻ.
Phải chăng chính vì thế mà, tất cả chúng ta cũng tin rằng The Great Gatsby đang và sẽ còn mang những ý nghĩa nóng hổi đối với người đọc trên khắp thế giới, đặc biệt là độc giả Việt Nam. Và cũng chính vì thế mà Trịnh Lữ đã quyết định dịch The Great Gatsby là Đại gia Gatsby.
Trong suốt hành trình dịch The Great Gatsby, dịch giả Trịnh Lữ vô cùng bực bội, chán ghét và căm tức đến mức đã phải “một mình chạy ra quán bia hơi vừa uống, vừa chửi thật bậy cho bõ ghét cái cõi đời vô minh hỗn loạn đến cùng cực này”.
Nhưng khi dịch đến đoạn Nick bắt tay Tom vì nghĩ rằng anh ta chỉ là một đứa trẻ, ông đã nhớ đến Jesus Christ và Phật Thích ca. Nhà văn Fitzgerald đã làm cuộc sinh tồn hiển lộ, khiến cho cái hạt mầm hy vọng dai dẳng đến lạ thường của hiện hữu phải lộ diện, không phải như một viển vông can đảm, mà là đúng như nó vẫn thế.
Gatsby chỉ là đại gia, người tạo ra Gatsby mới thật sự vĩ đại, dịch giả Trịnh Lữ cho biết.
Và Fitzgerald làm việc ấy với những con chữ sinh động nhiều tầng nghĩa đầy triết luận. “Gatsby đã tin vào đốm xanh ấy, vào cái tương lai mê đắm đến cực điểm đang rời xa trước mắt chúng ta năm này qua năm khác.
Ừ thì nó đã tuột khỏi tay chúng ta, nhưng có làm sao đâu – ngày mai chúng ta sẽ lại chạy nhanh hơn, vươn tay ra xa hơn… Rồi một ngày sáng đẹp trời. Chúng ta cứ thế dấn bước, những con thuyền rẽ sóng ngược dòng, không ngừng trôi về quá khứ”.
F.Scott Fitzgerald nhà văn Mỹ lừng danh, được xem là một trong những tác giả văn học lớn nhất thế kỷ 20, thành viên của “thế hệ lạc loài” (Lost Generation). Tác phẩm của Fitzgerald gợi nhớ về “thời đại Jazz” trong lịch sử Hoa Kỳ. Đại gia Gatsby là kiệt tác kinh điển, được đưa vào giảng dạy ở trường phổ thông và đại học ở nhiều nước trên thế giới.
Theo Khúc Linh Hương – Thể thao & Văn hóa cuối tuần