Ngày 12/12, cuốn sách “Văn khắc Chămpa tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng” Trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp biên soạn đã được trao cho Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng để giới thiệu đến độc giả và nhà nghiên cứu.

Đại diện EFEO trao cuốn sách cho đại diện Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng
Đây là cuốn sách quý do GS.TS. Arlo Griffiths cùng các chuyên gia về chữ Sanskrit (chữ Phạn) và chữ Chăm của Trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp trao tặng.

Năm 2009, Trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp (EFEO) phát động dự án “Nghiên cứu văn khắc Chămpa” nhằm phục hồi truyền thống học thuật về những kỳ bí đã từng phát triển tại EFEO những năm đầu thế kỷ 20. Nhóm nghiên cứu đã đến khảo sát thực tế tại Việt Namvà Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng lần đầu tiên vào tháng 9 – 10/2009.

GS.TS. Arlo Griffiths cho biết, cuốn sách “Văn khắc Chămpa tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng” (song ngữ Anh Việt do NXB Đại học Quốc gia TP HCM xuất bản năm 2012) chính là kết quả của 3 năm cộng tác thành công giữa chúng tôi và bảo tàng này. Việc công bố danh mục các bi ký ở Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng là một phần trong mục tiêu dài hạn của chúng tôi nhằm khảo sát tất cả các bi kí Chămpa, bao gồm những bi kí đã được nghiên cứu và diễn dịch trước đây và những hiện vật đến nay vẫn chưa được để mắt đến, trong đó  có một số bi kí trong bảo tàng thuộc nhóm sau.

“Hy vọng rằng, với sự nỗ lực của chúng tôi những tư liệu lịch sử quan trọng này sẽ được biết đến nhiều hơn ở Việt Nam cũng như nước ngoài. Đây là lý do tại sao chúng tôi đã chọn in song ngữ tiếng Việt và tiếng Anh”, GS.TS Arlo Griffiths nói.
Bìa cuốn sách “Văn khắc Chămpa tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng”
Bìa cuốn sách “Văn khắc Chămpa tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng”

Ông Võ Văn Thắng – Giám đốc Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng nhấn mạnh, bảo tàng này đang bảo quản và trưng bày các bộ sưu tập hiện vật quý hiếm gồm những kiệt tác tiêu biểu cho từng giai đoạn phát triển của nghệ thuật Chămpa từ thế kỷ VII đến XV.

Riêng bộ sưu tập văn bia của bảo tàng này có một giá trị đặc biệt với các loại hình văn bia niên đại sớm, như văn bia Mỹ Sơn thế kỷ VII, cho đến các loại hình niên đại muộn như văn bia Drang Lai thế kỷ XV.

Nội dung văn bia đa dạng, hoặc là những bài ca tụng ca dâng cúng thần lình hoặc chỉ một con chữ để làm ký hiệu cho việc lắp ghép các bộ phận của một đài thờ đồ sộ như đài thờ E1 Mỹ Sơn hay đài thờ Đồng Dương hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng. Tuy nhiên từ trước đến nay chưa có một công trình nghiên cứu nào toàn diện về bộ sưu tập văn bia của Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng để phục vụ đông đảo công chúng, ngoại trừ một vài bản dịch rải rác trong các tài liệu chuyên môn.
Bia chữ cổ tại Bảo tàng được in ở trang bìa cuốn sách
Bia chữ cổ tại Bảo tàng được in ở trang bìa cuốn sách

Ông Thắng nói: “Lần này được sự ủng hộ của các cơ quan thẩm quyền TP Đà Nẵng cùng với nhiệt tâm của các chuyên gia EFEO, bộ sưu tập văn bia của Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng đã được khảo cứu một cách tường tận. Tập sách này là một công trình nghiên cứu đầy đủ nhất cho đến nay về văn bia tại Bảo tàng này, góp phần mở một cánh cửa để hiểu biết sâu sắc hơn về nền văn minh Chămpa vốn còn ẩn chứa nhiều điều kỳ thú.

 

Nguồn: Dantri