Đó là nói về cuốn hồi ký Vàng son huyết lệ của Minh Phụng sau khi tôi đọc bài Người đàn bà Nguyễn Tuân vét cạn túi tặng hoa và cuốn hồi ký truân chuyên của nhà báo Xuân Ba (Tiền Phong, số ra các ngày 5, 6, 7, 8 tháng 4 năm 2006).

Hồi ký Vàng son huyết lệ

Số là, vào một ngày cuối năm 2003 tôi tới thăm Giáo sư Văn Tạo. Nhân câu chuyện vui về xuất bản. Giáo sư có đưa cho tôi tập bản thảo và nói: “Đây là cuốn hồi ký Vàng son huyết lệ của Minh Phụng. Bà là người La Tỉnh quê mình, chú xem Trung tăm Văn hóa Tràng An có in được không? Nếu in được thì tốt. Vì đây chính là cuộc đời bà. Mà bà thì xinh đẹp, giỏi giang, tài hoa, giàu cá tính. Khi ở nước ngoài thì rất tự hào tự tôn dân tộc. Tuy nhiên, với bản tính cực kỳ lãng mạn, lại do ảnh hưởng sâu sắc tiểu thuyết của Tự lực văn đoàn, nên bà đã lao theo một lối sống cốt sao được thỏa mãn đến tột đỉnh khát vọng cá nhân của mình. Đến cuối đời bà đã dũng cảm viết ra tất cả, để nêu một tấm gương. Không cứ tốt cả mới là tấm gương. Cái không tốt dũng có thể là tấm gương cho đời, nhất là với thanh thiếu niên nếu sống theo lối bản năng, thiếu mục đích cao cả…”.

Nghe xong tôi nhận lời với Giáo sư là sẽ cố gắng tổ chức in cuốn hồi ký độc đáo này.

Về đọc tôi mới thấy cuốn sách rất hấp dẫn, nhưng thật khó xem. Vì đây là bản thảo đánh máy, lại qua nhiều lần phô tô nên rất mờ, nhiều chỗ không thể đọc được. Nhưng cái chính là tác giả viết theo lối cũ, tất cả lời thoại đều liên tục, chỉ thể hiện bằng dấu hai chấm mở ngoặc kép. Có nhiều đoạn bỏ cả những dấu ấy, nên rất khó phân biệt đâu là lời của ai. Lại có nhiều đoạn dài dằng dặc không dấu chấm, dấu phẩy, thành ra dây cà dây muống; hoặc chấm, phẩy tùy tiện; hoặc có chỗ viết chữ Pháp nhưng không đúng chính tả, văn phạm, khiến người đọc rất khó hiểu. Nhưng tập hồi ký vẫn có sức cuốn hút kỳ lạ bởi trong sách đầy áp những tình tiết hết sức sinh động, chân thực và độc đáo.

Minh Phụng ngày ấy quan hệ với nhiều tao nhân mặc khách. Nhưng thú vị nhất là trong số đó có thi sĩ Hoàng Cầm – người vẫn còn đây. Và qua mấy lời ngắn ngủi trong sách thì biết bà đã từng ngưỡng mộ và rết quý mến người trai Kinh Bắc tài hoa này. Thế là tôi vác ngay cuốn hồi ký “vàng son” của bà đến gặp Hoàng Cầm để nhờ ông đọc và hiệu đính cho. Sau khi nghe xong mục đích, ông vui vẻ nhận lời và đón nhận tập bản thảo với tình cảm háo hức chân thành.

Rồi Hoàng Cầm bảo tôi khoảng vài tháng sau trở lại. Biết ông tuổi cao lại viết lách nhiều nên mãi tới mùa hè 2004 tôi mới tới ông để xin kết quả. Sau mấy lời thăm hỏi, tôi nhắc đến cuốn hồi ký thì hay biết ông đã để lạc đâu đó mất rồi. Thấy tôi bối rối, ông bảo rồi ông sẽ tìm thấy. Hình như để tôi yên tâm, ông còn nói thêm: cuốn hồi ký của Minh Phụng tôi đã đọc qua rồi. Hay lắm. Nhưng không hiệu đính được gì, vì tôi chỉ quen biết Minh Phụng một thời gian ngắn vào mấy năm 1938-1939. Bà ấy viết thế là hoàn toàn đúng, và có lần tập kịch xong, khuya quá, tôi phải đưa bà ấy về tận nhà cơ mà. Còn về sau thì tôi không biết gì nữa”.

Rồi ông lại hẹn lại tháng sau trở lại lấy bản thảo.

Trong lúc tôi đang nóng lòng chờ đợi thì Giáo sư Văn Tạo gọi điện bảo tôi trả lại tập bản thảo vì chị Hạ Chí Nhân đã đứng ra lo in rồi. Tôi lúng túng quá. Rồi liền gọi điện cho thi sĩ Hoàng Cầm xem ông đã tìm thấy bản thảo chưa? Ông lại hẹn tôi tuần sau đến.

Đúng hẹn tôi tới vừa lúc ông đang vui vẻ tiếp các bạn già cũng đều là văn nghệ sĩ cả. Sau mấy lời chào hỏi giới thiệu qua loa, ông dẫn tôi lên gác và bảo: “Đây là phòng đọc của tôi, nó lẫn đâu đó trong mấy tủ sách này thôi, anh tìm giúp nhé”. Rồi ông thong thả bước xuống tiếp khách.

“Chà chà! Thế này thì gay rồi. Hai tủ sách đầy ắp, chủ yếu là sách cũ, liệu nó có lạc ở trong này không?”. Nghĩ vậy nhưng tôi vẫn hy vọng và kiên trì. Sau hơn một tiếng hối hả, may quá, tôi đã tìm thấy tập bản thảo. Tôi vui mừng chạy xuống thông báo kết quả với thi sĩ Hoàng Cầm. Lúc này khách khứa đã về hết, ông dẫn tôi trở lại phòng đọc và bảo: “Tủ rả lộn xộn quá, tôi thì mệt mỏi, còn anh Hoàng Kỳ con trai tôi lại bận rộn những gì đâu, nên chả ngõ ngàng gì. Nhân tiện anh giúp tôi sắp xếp lại mấy cái tủ sách này. Thư từ để riêng, tiểu thuyết để riêng, thơ để riêng… Cố gắng giúp tôi nhé!”.

Thế là tôi lại tiếp tục kiên trì công việc. Nhưng mất thời gian nhất là sắp xếp lại các thư từ. Phần vì chúng quá nhiều, lại lung tung mỗi nơi một tập: phần vì tôi tò mò, hay dừng lại xem qua những bức thư. Có những bức đã sau nửa thế kỷ của các thi sĩ, văn sĩ, kịch sĩ gửi cho Hoàng Cầm. Lại có những bức viết bằng tiếng Pháp mới từ nước ngoài gửi về… Xong việc, tôi chạy xuống thông báo lại với ông. Ông lên xem, vẻ rất hoan hỷ và cảm ơn tôi. Lúc này nhìn đồng hồ đã hơn một giờ chiều. Ông mời tôi xuống uống nước. Tôi có nhã ý mời ông ra phố ăn trưa. Ông bảo: “Anh thông cảm, vì tôi già rồi, thường không ăn trưa. Ở nhà một mình nên chẳng có điều kiện tiếp anh. Ra phố thì tôi ngại lắm. Còn cuốn hồi ký thì hay lắm đấy. Anh cố gắng in cho bà ấy. Một người đàn bà xinh đẹp, tài hoa mà bạc mệnh!”.

Mấy ngày sau tôi mang trả lại Giáo sư Văn Tạo tập bản thảo Vàng son huyết lệ. Bẵng đi một thời gian khá dài, vào cuối năm 2007, Giáo sư Văn Tạo bỗng nhắc lại với tôi cuốn hồi ký ấy, rồi ông bảo: “Chú xem Trung tâm Văn hóa Tràng An có in được không, chứ chị Hạ Chí Nhân không in được. Mà lần này tôi sẽ viết lời giới thiệu và có thêm bài báo của Xuân Ba. Nhà báo Xuân Ba giỏi quá. Anh ấy sử dụng rất đắt những tình tiết đó đây để viết thành một bài báo dài đăng tải nhiều kỳ, mang phong cách mới mẻ, hàm súc, hấp dẫn và sâu sắc”.

Tôi lại vui vẻ nhận lời. Khi xem bản thảo tôi phát hiện ra đây là một tập khác, đánh máy vi tính, chưa qua phô tô, nhưng cách thể hiện vẫn y nguyên bản trước. Lần này tôi nhờ soạn giả Vũ Bội Tuyền biên tập, mà điều quan trọng nhất là phải kiên trì chuyển lời thoại từ lối viết cũ bằng lối viết mới. Nét bút của người biên tập vì thế mà đỏ rực suốt cả 134 trang A4 của tập bản thảo. Xong công việc, soạn giả Vũ Bội Tuyền không quên ghi vài dòng cho tôi đính lên trang bìa: “Gửi anh Hải. Hết sức nể anh, tôi mới biên tập cuốn hồi ký này…”. Việc chế bản cũng thật khó khăn vì phải chuyển quá nhiều dấu hai chấm mở ngoặc kép thành dấu haii chấm xuống dòng. Việc này, anh Bùi Quang Tuấn nguyên là biên tập viên ở Nhạc viện Hà Nội, hiện là Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa Tràng An đảm nhận. Xong việc anh nói: “Cái cậu vi tính bảo: – Cuốn sách hay quá khiến cháu say sưa, tỷ mỷ, quên cả thời giờ để miệt mài ngồi gõ bàn phím. Nếu sách không hay thì cháu đã bỏ cuộc lâu rồi!”.

Cũng phải nói thêm rằng, trong quá trình biên tập, soạn giả Vũ Bội Tuyền đã bỏ đi hoặc tóm tắt lại một số đoạn mà tột cho là có chỗ không thật hợp lý. Nhân nhà thơ Nguyễn Thị Đạo Tĩnh đến chơi, tôi cho rằng trái tim nữ sĩ của chị chắc có nhiều đồng cảm nên đã nhờ chị xem lại. Cuối cùng, do tính cẩn trọng, tôi đối chiếu lại một lần nữa với bản thảo xem việc biên tập, chế bản có còn sai sót gì không.

Hoàn tất công việc, tôi định mang hai tập bản bông một là Vàng son huyêt lệ – Một thiên tình hận của Minh Phụng, hai là Mình về có kịp mù đào Nhật Tân hay 50 truyện tình Thăng Long – Hà Nội của Lý Khắc Cung) lên Nhà xuất bản Phụ Nữ để xin quyết định xuất bản thì vừa lúc chị Trần Hằng Thanh – Phó Giám đốc Nhà xuất bản Thanh Niên đến thăm Trung tâm Văn hóa Tràng An. Tôi đưa chị xem hai tập bản thảo ấy. Chị đã nhận cả về cho Nhà xuất bản Thanh Niên để cấp quyết định xuất bản. Nhưng cuốn hồi ký lại gặp trắc trở. Khi Mình về có kịp mùa đào Nhận Tân hay 50 truyện tình Thăng Long – Hà Nội đã in xong và phát hành một thời gian rồi mà cuốn hồi ký Vàng son huyêt lệ – Một thiên tình hận vẫn chưa có quyết định xuất bản. Tôi gọi điện thoại cho anh Mai Thời Chính – Giám đốc Nhà xuất bản Thanh Niên để hỏi xem cuốn hồi ký Vàng son huyết lệ – Một thiên tình hận của Minh Phụng sao lâu có quyết định xuất bản thế, thì được anh trả lời: – Đây là vấn đề nhạy cảm, anh để tôi đọc xem sao đã”. Tôi lại chờ… Lại gọi điện thoại… Lại chờ… Lâu quá… Cuối cùng tôi đành cử người đến Nhà xuất bản Thanh Niên để xin lại “Vàng son”.

Thật long đong một cuốn hồi ký. Lần này tôi trực tiếp đến gặp chị Mai Quỳnh Giao – Giám đốc Nhà xuất bản Phụ Nữ xem sao. Sau khi nghe tôi giới thiệu qua nội dung, cầm tập bản thảo, chị vui vẻ trả lời: “Chúng tôi sẽ sớm có quyết định xuất bản cho anh”. Đúng là Phụ Nữ! – Con Tim đồng cảm với Con Tim!

Vậy là cuốn hói ký độc đáo của Minh Phụng bây giờ đã có trên tay bạn đọc. Nhưng với công việc của người làm sách, tôi đã có tới sáu năm chứng kiến mà chỉ là chứng kiến một phần rất nhỏ trong số phận dằng dặc truân chuyên của cuốn hồi ký do một Sương phụ đại bất hạnh viết ra cách đây vừa tròn ba mươi năm (1980 -2010).

Để gói gọn cuộc đời của Minh Phụng và cuốn hồi ký truân chuyên của Bà, tôi xin dẫn lại câu thơ của thi sĩ Hoàng Cầm viết cho Minh Phụng mà nhà báo Xuân Ba đã nhắc tới trong bài báo nêu trên: Lắm loài súng sính có đôi/ Nòi tình thui thủi đi về, một – không! Nhân đây cũng xin mở ngoặc: Năm 2002, khi đứng ra in tập Gọi đôi – Thơ lục bát chọn lọc (NXB Hội Nhà văn, Hà Nội 2002) của Hoàng Cầm, thì tôi chưa biết Thi sĩ làm thơ ấy là để tặng cho Minh Phục (nguyên văn Lắm loài súng sính sinh đôi/ Nòi tình thui thủi một đời Một Không” – là hai câu kết bài thơ Thua một không). Thật thú vị biết bao.

Cuối cùng cũng xin nói thêm rằng, cuốn hồi ký của Minh Phụng nguyên văn mang tên Vàng son huyết lệ hay là Tiếng gọi lòng tôi. Thấy cái tên hơi dài và phảng phất Mô-li-e nên tôi đã đổi thành Vàng son huyết lệ – Một thiên tình hận. “Một thiên tình hận” là chữ của nhà thơ Hồ Dzếnh dành cho bà. Trên thiên đường, nếu bà không hài lòng với cái tên sách ấy thì cúi xin linh hồn bà lượng thứ và chứng giám cho tấm lòng chân thành của một hậu thế!

Hà thành, Xuân Canh Dần – 2010.