Triển lãm – Hội chợ sách quốc tế lần thứ 5 vừa khép lại. Có người lạc quan vì đông người xem sách, mua sách, người khác lại cho rằng văn hóa đọc không chỉ căn cứ vào lượng người đổ đến các ngày hội xuân thu nhị kỳ.
Già đọc nhiều hơn trẻ
Ngày cuối cùng của Triển lãm-Hội chợ sách quốc tế tại công viên Thống nhất, người mua kẻ bán tấp nập, không hề có cảnh chợ chiều. Càng về cuối ngày, người đổ về càng đông. Nhiều nhà sách tung chương trình giờ vàng giảm giá sâu đến 50-70%. Có nhà sách còn dùng loa thông báo, thúc giục mọi người mau chóng mua sách để hưởng ưu đãi lớn.
Năm nay dòng sách tô màu dành cho người lớn – gây sốt thời gian qua, chiếm quan tâm của nhiều người. Ngay cổng vào là gian riêng của Nhã Nam dành cho bạn trẻ thích tô màu. Một số nhà sách như Alphabooks, Thaihabooks cũng tưng bừng quảng bá dòng sách này. Nhiều đơn vị tranh thủ bán các loại bút chì màu, màu vẽ đi kèm.
Hỏi chuyện một độc giả cao niên, ông khoe 85 tuổi vẫn thích đi hội sách để mua. “Hôm Chủ nhật tôi đến đây cả ngày rồi, ngày cuối thì tìm thêm được một tập Đông Chu Liệt quốc. Tôi muốn nghiên cứu lại Trung Quốc”, độc giả Mai Ngọc Bảo nói. Ông kể từng làm nghề phát hành sách những năm 1950, nghỉ hưu với tư cách cán bộ Ủy ban Kiểm tra T.Ư Đảng. “Tuổi cao nhưng mắt còn đọc được, tôi có thể đọc 8 tiếng một ngày”.
Hà Thu Thủy, học sinh lớp 10 trường Thăng Long thú nhận đây là lần đầu đến hội sách, “Em thích đọc mấy kiểu sách cảm động như Em sẽ đến cùng cơn mưa (Ichikawa Takuji).
Một nữ sinh viên năm thứ ba khoa Tiếng Hàn, ĐH Hà Nội tiết lộ, thích đọc truyện lãng mạn, trinh thám. Truyện tình cảm lãng mạn chủ yếu của Nhật Bản, Hàn Quốc vì nhẹ nhàng. Tác giả Việt Nam yêu thích có Nguyễn Nhật Ánh. Cô sinh viên này cũng nói, bạn bè thích xem nhiều hơn, rất ít người thích đọc, các loại sách kỹ năng còn ít hơn nữa.
Méo mó có hơn không
Có người cho rằng không hiếm người đến hội sách để trình diễn. Khuân cả đống về chắc gì đã đọc. Trong nhiều hội thảo về văn hóa đọc, một số nhà văn nói, nhiều người coi tủ sách, giá sách trong nhà như thứ trang trí làm sang. Cho nên người ta mua sách theo quảng bá, truyền thông chứ không chọn lọc. Những người theo quan điểm này cho rằng những ngày hội sách này không giúp cải thiện nhiều lắm văn hóa đọc của người Việt-suốt thời gian qua bị đánh giá là đi xuống.
Hội sách, ngày hội văn hóa đọc có cần thiết không, khi việc đọc là nhu cầu cá nhân chứ không phải theo phong trào? “Tôi nghĩ các hội sách có giúp người ta, nhắc nhở người ta mua sách. Mua rồi thì phải đọc, hoặc biết trên đời còn có đọc sách, có ích lợi nào đó. Mua sách về để trang trí, cũng tùy người thôi. Cứ hai người đi mua có một người đọc, còn hơn không người nào. Chưa có con số thống kê lợi ích của những hội sách thế này, tôi thấy, dù sao nó cũng có tác dụng đánh thức”, nhà thơ Vũ Quần Phương nói.
Đồng quan điểm, Giám đốc NXB Thế giới – Trần Đoàn Lâm nói, nâng cao văn hóa đọc là nỗ lực của toàn thể xã hội, bắt nguồn từ gia đình, môi trường giáo dục.
Trong một hội thảo về nâng cao văn hóa đọc cộng đồng gần đây do Bộ VHTTDL chủ trì, TS Nguyễn Ngọc Phú, Tổng Thư ký Hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục Việt Nam cho rằng, muốn phát triển văn hóa đọc cần khuyến khích mọi người biết cách đọc, chăm lo việc đọc. “Tại sao lâu nay người ta ít đọc, không chăm chú việc đọc bởi chẳng có gì mới, không nhiều thứ hấp dẫn. Vì vậy nhà nước phải chấn chỉnh chất lượng sách. Thứ nữa các phương tiện đang lấn lướt việc đọc, và đọc sách thực sự là việc vất vả”, ông nói.
Nhiều nhà văn, người làm sách hơn một lần đề cập những bộ sách hướng dẫn kỹ năng đọc cho trẻ từ khi ngồi ghế nhà trường, rồi sách hướng dẫn giáo viên, phụ huynh cách đọc. Tiếc rằng hội sách quốc tế này chưa có những hoạt động thiết thực như thế, ngoài hơn trăm gian hàng bày bán sách ở công viên trong 5 ngày hội.
Hội chợ sách này sôi động ở các thành phố lớn, nhưng người dân ở các vùng xa, nông thôn ít cơ hội tiếp cận hơn. Độc giả Mai Ngọc Bảo đề xuất với các nhà sách, ngoài triển lãm, hội chợ, nên vận động doanh nghiệp: “Họ có thể mua để đem tặng địa phương, vùng biên giới hải đảo, hoặc tặng lại cơ sở của họ cũng rất tốt”.
Theo Toan Toan – Tiền phong online