Cuốn tiểu thuyết “The Price Of Salt” của nữ nhà văn Patricia Highsmith trở thành hiện tượng xuất bản ở nước Mỹ mới chính thức đưa văn chương đồng tính ra khỏi bóng tối

Những mối tình đồng tính đã xuất hiện trong tác phẩm của các nhà văn Anh Mỹ từ những năm đầu thế kỷ 20. Nhưng phải đến năm 1952, cuốn tiểu thuyết “The Price Of Salt” của nữ nhà văn Patricia Highsmith trở thành hiện tượng xuất bản ở nước Mỹ mới chính thức đưa văn chương đồng tính ra khỏi bóng tối.

Nhiều nhà văn đã sớm tìm thấy cảm hứng với văn học về đề tài đồng tính. Ở Anh, nhà văn Radclyffe Hall đưa cuốn tiểu thuyết “The Well of Loneliness” (xuất bản năm 1928) xuất hiện trở lại vào năm 1949 sau vụ kiện cáo khá đình đám. “The Charioteer” (1953) của Mary Renault với cốt truyện là tình yêu đồng tính lãng mạn thời Hy Lạp cổ đại đã trở thành cuốn sách bán chạy.

cuon tieu thuyet dua van chuong dong tinh ra anh sang hinh anh 1

“The Charioteer” của Mary Renault

Chưa hết, văn chương đồng tính tiếp tục nở rộ trong nền văn học Anh. Evelyn Waugh không ngần ngại khi đề cập đến vấn đề luôn bị cấm cản trong cả xã hội lẫn văn chương với tác phẩm “Brideshead Revisited” (1945). Sau đó là Angus Wilson với “Hemlock and After” (1952) và Iris Murdoch với “The Bell” (1958).

Ở phía bên này đại dương, các nhà viết tiểu thuyết của Mỹ cũng cho ra đời một loạt các tác phẩm về đề tài đồng tính như “The City and the Pillar” (1948) của Gore Vidal gây vụ bê bối lớn về phê bình đạo đức. Còn James Baldwin gây xôn xao dư luận với câu chuyện về một người da đen đồng tính sống lưu vong ở Paris trong “Giovanni’s Room” (1956). Nhưng phải đến năm 1952 khi cuốn tiểu thuyết “The Price Of Salt” của nữ nhà văn Patricia Highsmith ra đời mới thực sự đưa văn chương đồng tính bước ra ánh sáng.

Tiểu thuyết “The Price Of Salt” của Patricia Highsmith đã đưa văn chương đồng tính ra khỏi bóng tối

Giáng sinh năm 1948, Patricia Highsmith đang làm nhân viên bán hàng tại cửa hàng tổng hợp Bloomingdale ở New York. Ở đây, cô đã xiêu lòng trước một người phụ nữ sang trọng. Về nhà, Patricia đã mường tượng trong đầu về mối tình giữa một cô gái bán hàng và nữ khách hàng đã kết hôn và đây chính là câu chuyện trong tiểu thuyết “The Price Of Salt”. Cuốn truyện kể về mối tình đồng tính giữa Therese Belivet, một cô gái bán hàng trong cửa hàng đồ chơi với Carol Aird, một quý bà xinh đẹp đã có gia đình. Carol say mê cô bán hàng và quyết tâm đi tới cùng mối quan hệ đó bất chấp những rủi ro cá nhân, sự ghét bỏ của xã hội.

Vì lo ngại phản ứng gay gắt của xã hội về đề tài nhạy cảm này mà sau khi viết xong truyện, Patricia phải dùng bút danh khác là Claire Morgan. Trong bối cảnh các mối quan hệ đồng giới là điều cấm kỵ trong xã hội và cả văn chương thời bấy giờ thì “The Price Of Salt” giống như cánh cửa mở toang căn phòng bức bí và đưa văn chương đồng giới ra khỏi bóng tối bấy lâu nay.

Và tác phẩm này đã thu hút sự tò mò của độc giả và giành được nhiều thành công. Năm 1989, ấn bản bìa mềm của cuốn tiểu thuyết bán được gần 1 triệu bản. “The Price Of Salt” cũng được chuyển thể thành bộ phim mang tên “Carol” với hai nhân vật chính do Cate Blanchett và Rooney Mara thủ vai. Bộ phim dự kiến phát hành cuối năm nay, hứa hẹn là bộ phim ăn khách và là ứng viên nặng ký mùa Oscar 2016.

“The Price Of Salt” cũng được chuyển thể thành bộ phim mang tên “Carol” và hứa hẹn là ứng viên nặng ký mùa Oscar 2016

Nhiều năm sau đó, người hâm mộ dồn dập gửi thư tới nhà xuất bản cảm ơn Claire Morgan hay chính là Patricia Highsmith. Patricia đã giúp họ nói lên sự khát khao tình yêu và khát khao được sống đúng con người mình. Và điều quan trọng hơn, tình yêu của Carol và Therese có một kết thúc có hậu và đó cũng là mong muốn của những người đồng tính. Trước đó, những người đồng tính trong các cuốn tiểu thuyết của Mỹ đều phải trả giá đắt vì đã sống thật với con người mình. Họ phải cắt cổ tay để tự vẫn, chết đuối trong bể bơi hay phải chuyển sang tình dục khác giới và chối bỏ con người mình.

Tuy nhiên, đây chỉ là tưởng tượng, ước vọng trong tiểu thuyết ở thời đó. Những người đồng tính ở cả Anh và Mỹ vẫn luôn phải chịu sự kỳ thị của xã hội, bị coi là không bình thường hay vi phạm luật pháp. Như nhân vật Carol trong “The Price Of Salt” phải trải qua một khóa điều trị tâm lý để chữa bệnh tình yêu đồng giới vào vệ quyền được tiếp cận với con gái.

Hay chính nữ nhà văn Patricia Highsmith, người từng say mê các bạn gái từ thời trung học cũng phải trải qua hàng chục đợt trị liệu tâm thần hay định kết hôn với một người đàn ông để chứng tỏ mình là bình thường. Cô còn buộc phải nhận công việc tạm thời tại Bloomingale để chữa bệnh nhưng đây lại chính là nơi cô thấy xao xuyến với Kathleen Senn, người phụ nữ đã truyền cảm  hứng cho Highsmith viết cuốn tiểu thuyết đồng tính nổi tiếng.

Theo Lý Nam – Dân Việt (dịch từ The Independence)

Exit mobile version