Trước khi thành công với loạt truyện trinh thám về Sherlock Holmes, Arthur Conan Doyle từng có khoảng thời gian dài chật vật kiếm sống và xoay xở với văn chương.

Những chuyện này được tiết lộ trong bản thảo cuốn tiểu thuyết đầu tiên của ông bị thất lạc suốt hơn trăm năm.

Cuốn tiểu thuyết đầu tay bị thất lạc của Arthur Conan Doyle – tác giả Sherlock Holmes – được xuất bản lần đầu tiên vào hôm nay (26/9) – 128 năm sau khi nó được viết ra. The Narrative of John Smith mang đến những hiểu biết thú vị về trạng thái tâm lý của nhà văn trẻ. Nó cũng tiết lộ rằng, khi còn là một chàng trai trẻ, Conan Doyle nhận ra rằng, với ông, viết được một cuốn tiểu thuyết hay vào loại bậc nhất dường như là điều không tưởng.

Những trang bản thảo cuốn sách từng được đưa ra đấu giá trong một bộ sưu tập về Conan Doyle vào năm 2004. Lúc đó, Thư viện Anh đã bỏ ra gần 1 triệu bảng (31,7 tỷ đồng) để mua lại. Bản thảo được viết trên 4 cuốn sổ giấy đen, dày 130 trang. Nay nó được đánh máy lại và sắp phát hành rộng rãi trên cả thế giới.


Nhà văn Conan Doyle.

Nhiều năm sau khi viết The Narrative, Conan Doyle từng nói, ông sẽ rất lấy làm kinh ngạc nếu bản thảo này được xuất bản. Tuy nhiên, các học giả cho rằng, cuốn sách cần được ấn hành, bởi nó có ý nghĩa lớn trong việc tìm hiểu những tác phẩm sau này của nhà văn. “The Narrative giúp ta có cái nhìn quan trọng vào sự phát triển nhận thức của nhà văn”, Rachel Foss, một trong các biên tập viên của cuốn sách, cho biết. “Đây là nỗ lực đầu tiên để Conan Doyle từ một tác giả truyện ngắn trở thành tiểu thuyết gia”.

Cuốn sách kể về một người đàn ông 50 tuổi bị bệnh gout phải nằm yên trên giường suốt một tuần liền. Vì vậy, ông ta định viết một cuốn sách và rất lấy làm băn khoăn về các chủ đề của tác phẩm, như: y học, tôn giáo, văn học và nội thất.

Khi mới bắt đầu sự nghiệp viết lách vào năm 1883, Conan Doyle cũng sống và làm việc như một bác sĩ ở Portsmouth, Anh. Bố ông bệnh tật đầy mình do nghiện rượu. Chàng trai trẻ 23 tuổi phải nuôi mẹ và lo việc học hành cho cậu em trai mới 10 tuổi. Doyle buộc phải viết truyện ngắn gửi cho các tạp chí để kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống. Nhà văn cũng từng rất băn khoăn về đề tài như nhân vật 50 tuổi kia.

Tuy nhiên, với truyện ngắn, Conan Doyle thường xuyên phải thất vọng vì thói quen không quan tâm đến tên tác giả của người đọc cũng như các biên tập viên lúc bấy giờ. Đỉnh điểm của sự thất vọng là khi một truyện ngắn của ông đăng trên The Cornhill lại bị ký nhầm là của Robert Louis Stevenson. Vì vậy, Doyle quyết định viết tiểu thuyết, để có thể in tên mình ngay trên trang bìa. Đó cũng là động lực cho sự ra đời sau này của các tập truyện về Sherlock Holmes.

Nhưng nỗ lực đầu tiên đến với tiểu thuyết của ông bị dội một gáo nước lạnh khi bản thảo The Narrative mất trên đường từ bưu điện đến nhà xuất bản. Doyle không tìm lại được nó, vì vậy, ông phải viết lại bằng trí nhớ của mình – công việc chán nhất với một nhà văn. Bản thảo mà Doyle không bao giờ tìm thấy đó nay chính là bản được bán lại cho Thư viện Anh, do một người khác tìm ra.

Dù cuốn tiểu thuyết thiếu đi cốt truyện chặt chẽ, nhưng nó vẽ ra những bối cảnh rất gần gũi với các bối cảnh sau này của Sherlock Holmes.

Trong lời giới thiệu cuốn tiểu thuyết, NXB cho biết: “The Narrative không phải là cuốn tiểu thuyết thành công nhưng nó mang đến cái nhìn quan trọng về cuộc sống và suy nghĩ của một nhà văn lớn – người đã tạo ra hình tượng Sherlock Holmes bất tử cho dòng văn học trinh thám”.

Hà Linh

Nguồn: eVan.


Exit mobile version