Quần đảo Trường Sa – miền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam – là một tập hợp hơn một trăm đảo nhỏ, bãi đá san hô, bãi cạn, bãi ngầm và bao bọc một vùng biển rộng khoảng 200.000 km2. Huyện đảo Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hoà nằm trong biển Đông, ở phía đông và đông nam bờ biển Việt Nam. Huyện Trường Sa (tính từ đảo trung tâm của quần đảo, đảo Trường Sa) cách Cam Ranh chừng 250 hải lý và cách Vũng Tàu 305 hải lý.
Tuyên truyền, giáo dục về biển đảo và chủ quyền biển đảo của Việt Nam nói chung và hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nói riêng không chỉ là vấn đề thời sự trước mắt mà còn là vấn đề lâu dài, không chỉ cho thế hệ hôm nay mà là cho mãi mai sau, đặc biệt là với thế hệ trẻ. Với các em, hình thức quảng bá, giáo dục bằng trực quan, bằng văn học nghệ thuật, theo tôi là dễ vào nhất, hiệu quả nhất.
Nhưng như người xưa gọi Trường Sa là Vạn lý Trường Sa, có nghĩa là rất xa, xa tít mù khơi, xa tận phía chân trời. Lại bảo, đó là quần đảo bão tố, nghĩa là quanh năm sóng gió, bốn mùa bão giông… Đến được xứ sở dường như chỉ có biển trời ấy thật không phải dễ; không phải lúc nào, không phải ai cũng đến được, nhất là các em nhỏ!
Và nhà văn Nguyễn Xuân Thuỷ – nhà văn trẻ của quân đội (hiện công tác tại Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam), người đã có những năm tháng sống, công tác ngoài quần đảo Trường Sa, bằng tài năng và tình yêu biển đảo, yêu các em nhỏ của mình đã “gói” trọn dường như cả Trường Sa vào cuốn sách có tên “Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa” làm quà tặng cho các em.
Bìa cuốn Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa. |
Mở gói quà mang tên Trường Sa ra các em sẽ thấy mình như bắt đầu một cuộc phiêu lưu, đúng hơn là một cuộc hành trình “vạn dặm” ra đảo. Ngay khi con tàu của các chú hải quân nhổ neo rời bến cảng, những chuyện kỳ thú đã bắt đầu. Màn giáo đầu là chuyện nấu nướng ăn uống nhiêu khê, những cơn say sóng “lên bờ xuống ruộng” trên tàu… Rồi tất cả quen đi, trước mắt ta là biển xanh mênh mông với những bầy cá heo như đã thân thuộc dẫn đường cho con tàu bộ đội, những cánh hải âu chao lượn vẫy chào. Và chẳng bao lâu, đảo đã hiện ra.
Thì ra, Trường Sa không chỉ là đảo xa, là đảo giông bão mà dưới ngòi bút của tác giả Nguyễn Xuân Thuỷ đó là một xứ sở diệu kỳ, xứ sở thần tiên như cổ tích với những buổi ban mai và hoàng hôn kỳ ảo; với những bãi cát bên bờ sóng, rặng san hô dưới đáy bể đẹp như những bức tranh. Rồi thì những cây, những hoa, những quả dường như chỉ ở Trường Sa mới có như cây phong ba, như quả bàng vuông…; rồi những vật nuôi được các chú bộ đội đem từ đất liền ra như những con vàng, con vện, những chú ỉn, những đàn bồ câu, những bầy vịt, bầy gà đã được “Trường Sa hoá”, “quân sự hoá” gần gụi gia đình mà giờ giấc “kỷ cương”, và cả những “vị khách không mời mà đến” chít chít ngày đêm… Tiếp đến, tác giả như vô tình để mọi người đi lạc vào chốn thuỷ cung với những sắc màu huyền ảo, những kỳ hoa dị thảo cùng muôn loại cá, tôm, cua, ốc… mà có những loài lần đầu tiên trong đời bạn mới thấy.
Ra đảo, đến với Trường Sa không thể không nhắc tới những người giữ đảo, giữ bình yên cho biển trời của Tổ quốc. Đó là những chiến sĩ Trường Sa. Các chú từ mọi miền quê nơi đất liền ra đảo. Các chú còn rất trẻ, vui vẻ và làm nhiều nhiệm vụ trên cạn, dưới tàu, ngoài bãi san hô, nơi đảo chìm, nhà nổi, nhà giàn… Có chú ra đảo đã dăm bảy năm, vì nhiệm vụ “Tết cũng không về nhà”, nhưng các chú không buồn vì cả nước ngày đêm hướng ra Trường Sa, hướng ra những vùng biển đảo thiêng liêng khác nữa của Tổ quốc. Trường Sa hôm nay đã có trường học với tiếng trẻ thơ, có tiếng chuông chùa; đã sáng, đã xanh nhờ ánh điện và cỏ cây. Và nếu các em muốn viết thư, gọi điện thoại ra Trường Sa cho các chú bộ đội cũng chẳng khó khăn gì, trong trang cuối của cuốn sách, tác giả Nguyễn Xuân Thuỷ đã có hướng dẫn.
Chỉ với một “gói quà nhỏ”, chỉ bằng chưa đầy 100 trang sách, nhà văn trẻ – chú bộ đội Nguyễn Xuân Thuỷ đã dẫn chúng ta đến được Trường Sa – miền biển đảo thân yêu của đất mẹ Việt Nam. Và bạn đọc thấy đấy, vùng đảo đó thật lắm thứ diệu kỳ và vô vàn điều thú vị, Trường Sa không xa, và vạn dặm Trường Sa đã hiện hữu ngay trên giá sách nhà mình.
Tuy nhiên, nếu cuốn sách được tác giả kỳ ảo hoá, thần tiên hoá, lối kể cũng mang chất phiêu lưu thêm bước nữa, gây được sự tò mò, gợi được trí tưởng tượng thì sức hấp dẫn các bạn nhỏ sẽ tăng thêm và giá trị của tác phẩm sẽ còn được nhân thêm.
Nguồn: Vnexpress.net