Hoàng Lê – tên thật là Lê Huy Hoàng, là một cái tên hoàn toàn mới mẻ, lần đầu tiên đến với độc giả trẻ Việt Nam.
Không phải là tác giả chuyên nghiệp hay xây ước mong trở thành người viết nổi danh, Hoàng Lê cầm bút chỉ đơn thuần xuất phát từ mong muốn chia sẻ những trải nghiệm của bản thân với độc giả. Nếu có thể thì truyền đến bạn trẻ một động lực, một chí hướng, và đặc biệt là một niềm tin vào bản thân.
Tuổi trẻ của bạn chính là tương lai của bạn
Tuổi trẻ có chí thì đi không phải là kết quả đến từ bảng thành tích chói ngời của một sinh viên xuất sắc, một tuổi trẻ lẫy lừng, xán lạn nào. Đây có thể là một cuốn sách gây thất vọng cho những ai đang tìm kiếm điều gì đó kiệt xuất vượt lên lẽ thường, hay một điển hình thường bắt gặp trên thông tin đại chúng, một hình mẫu tài hoa, giỏi giang hay giành được những suất học bổng nhiều tỷ đồng.
Song, cuốn sách lại có thể mang đến nguồn hy vọng và truyền động lực cho rất nhiều những người trẻ bình thường khác.
Có thể là những sinh viên vốn đường học hành chỉ “tàm tạm”, không dám một lần mơ ước mơ du học. Có thể là những người trẻ đầy hoài bão nhưng vì hoàn cảnh, vì sự chật hẹp của đời sống, không dám nuôi giấc mộng cao vời.
Hay có thể như chính tác giả – từng là một “cậu ấm” vô ưu vô lo, con đường học hành, công việc đã được sắp đặt, “trải sẵn” từ rất lâu trước đó. Đời sống thuận lợi đến mức gần như sống một tuổi trẻ nhờ nhạt, thậm chí cô độc giữa bạn bè đồng trang lứa và ý chí cùn mòn, ước mơ hoài bão chỉ gói gọn trong một cái ghế văn phòng đã được sắp đặt sẵn.
Bước vào Tuổi trẻ có chí thì đi, sẽ bắt gặp một cậu ấm như thế. Nhưng ở một điểm nào đó trong những năm tháng thanh xuân của mình, cậu ấm ấy đã gặp phải va vấp với những ngóc ngách cuộc đời. Đó là những tổn thương do sự non nớt, ngây ngô và khờ khạo của bản thân, không gia đình hay cha mẹ nào có thể luôn ở bên để bảo vệ được.
Tuổi trẻ có chí thì đi chính là một cuốn nhật ký ghi lại hành trình trưởng thành cả về nhận thức, quan điểm sống và ý chí sống của một tuổi trẻ từng nhạt nhòa.
Từ chỗ yên phận nghe theo sự sắp đặt đến chỗ hoài nghi giá trị của nó và nỗ lực tìm ra một con đường cho riêng mình.
Từ vốn tiếng Anh phổ thông “được chăng hay chớ” giành được mức điểm IETLS đủ để nhận học bổng du học.
Từ chỗ chỉ “thử sức cho vui” đến những nỗ lực thực sự và không ngừng nghỉ trên con đường đến với suất học bổng thạc sĩ ngành kỹ thuật và cơ giới quý giá.
Từ một cậu ấm được bao bọc, che chở từ tấm bé đến những cố gắng tự lập nơi xứ người, không ngại đẩy mình vào những trải nghiệm trong các mối quan hệ xã hội và học tập.
Cứ thế, độc giả có thể nhìn thấy sự lớn lên, chín chắn từng ngày, từng bước của tác giả, như bắt gặp chính quá trình trưởng thành của mình.
Điểm sáng quý giá nhất trong cuốn sách chính là thông điệp: “Tuổi trẻ của bạn chính là tương lai của bạn. Bạn muốn một tươi lai xán lạn thì phải có một tuổi trẻ dám sống, dám làm, dám chịu trách nhiệm cho chính mình.”
Cuốn sách Tuổi trẻ có chí thì đi của tác giả Hoàng Lê.
Thanh xuân là: Đi, trưởng thành là: Trở về
Trên hành trình du học trên đất Úc, không phải lúc nào tương lai và đời sống cũng mang một màu tươi sáng. Hoàng Lê, bằng những trải nghiệm và suy ngẫm của riêng mình, cho độc giả thấy những khía cạnh “ẩn giấu” trong đời sống du học sinh.
Không chỉ là những khát khao đẹp đẽ diệu vợi mà còn có cả những ganh đua, đố kỵ nhỏ nhen.
Không chỉ là lẽ sống phơi phới mà còn có nỗi cô độc trên đất khách quê người, những tình cảm yêu đương không thành trong trái tim tuổi trẻ.
Không chỉ là những học hành, khám phá say mê mà còn là những hành trình đó đây, có khi khiến vui khuây, có khi khiến tuổi trẻ lạc lối quên ngày tháng.
Tác giả khẳng định: Dù ở phương trời nào, những cái bẫy của đời sống thường nhật luôn giăng ra với tất cả chúng ta. Dù cái đích cuối cùng ta đi đến là gì, thì trên con đường ấy cũng luôn phải giữ một sự tỉnh táo, sáng suốt và tất nhiên, một ý chí bền bỉ không ngừng.
Đối với tác giả, sự sáng suốt nằm ở lựa chọn cuối cùng của thanh xuân: Trở về.
Đó là trở về với nguồn cội của mình, trở về với nơi từ đó tuổi trẻ đã từng mang khát khao ra đi. Đối với một người trẻ luôn tâm tâm niệm: Ra đi với một khát vọng lớn nhất là được trưởng thành, và trở về với một mong ước cháy bỏng là được cống hiến, thì đó chính là sự trưởng thành đích thực.
Đó là trở về với nhịp đập sâu thẳm nhất trong trái tim mỗi con người: Tình yêu với những gì gần gũi, thân thiết nhất, và với chính mình. Làm theo mách bảo, lý lẽ của nó – đó là thêm một lần trưởng thành.
Tác giả Tuổi trẻ có chí thì đi hiện nay là kỹ sư cơ giới của Viện Kỹ thuật Cơ giới Quân sự. Ngoài niềm đam mê với nghề nghiệp đang gắn bó, Hoàng Lê còn ấp ủ ước mơ viết những cuốn sách về trải nghiệm tuổi trẻ, những kỹ năng và cảm hứng mà anh mong muốn truyền tải đến nhiều bạn đọc trẻ hơn nữa.
Thông điệp sau rốt anh muốn gửi đến tuổi thanh xuân của anh, và nhiều người khác là: Chúng ta đều là những con người bình thường và sống một đời bình thường. Nhưng trong mỗi sự bình thường đó đều tiềm ẩn một điểm sáng, một điều đáng quý, đáng trân trọng. Chỉ bằng nỗ lực sống, khát khao và ý chí, tự bản thân mỗi người mới có thể khiến cuộc đời mình trở nên đặc biệt, riêng có và duy nhất. Không có phép màu nào ngoài bản thân chúng ta.
Thiên Linh Linh
Nguồn: Zing.vn
Lê Thị Hồng Nhung đăng bài