(Đọc Tác phẩm Ngô Vĩnh Bình, Nxb Hội Nhà văn, 2015)


Tác phẩm Ngô Vĩnh Bình là tập sách mới nhất trong hơn 30 năm bền bỉ lao động văn chương của nhà nghiên cứu, phê bình văn học Ngô Vĩnh Bình. Nghiên cứu – phê bình văn học là lĩnh vực có phạm vi phủ sóng trải dài trên nhiều địa hạt khác nhau như nghiên cứu về một tác giả, nhóm tác giả, một giai đoạn, trào lưu, điểm sách, bàn luận các vấn đề thời sự văn học… Mặc dù “địa bàn” hoạt động rộng nhưng nhà nghiên cứu, phê bình văn học Ngô Vĩnh Bình là một trong số những người có thể “bao sân” nhiều lĩnh vực. Điều này được thể hiện rất rõ trong cuốn sách.

Tác phẩm Ngô Vĩnh Bình có ba phần, tương ứng với ba lĩnh vực văn học tác giả theo đuổi gồm: Hoa đào năm ngoái (tiểu luận – phê bình văn học), Bóng người (chân dung văn học), Nơi con chim bay bạc đầu chưa tới (bút kí văn học). Có thể gọi đây là cuốn sách “ba trong một”. Phần cuối Đối thoại cùng đồng nghiệp tập hợp những bài trả lời phỏng vấn báo chí trong quãng thời gian ông giữ cương vị cao nhất của Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Với ba phần kể trên, dễ thấy mặc dù được gọi là “tác phẩm” nhưng cuốn sách này có dáng dấp của một tuyển tập, mang tính chất đánh dấu một giai đoạn hoạt động văn học của tác giả.


 

hoa12

 



Phần thứ nhất Hoa đào năm ngoái tập hợp một số bài tiểu luận phê bình văn học quan trọng, bàn về những vấn đề lớn, có tính chất quan thiết của văn học nước nhà nói chung và văn học quân đội nói riêng. Nếu như ở tiểu luận Nửa thế kỉ những nhà văn mặc áo lính, nhà nghiên cứu, phê bình văn học Ngô Vĩnh Bình làm một cuộc “điểm danh” lực lượng cẩn thận, kĩ càng các thế hệ nhà văn quân đội làm nên cột trụ của nền văn học cách mạng thì ở tiểu luận Nghĩ về công tác đào tạo, bồi dưỡng những người viết văn trẻ trong quân đội, ông lại đề cập đến câu chuyện chưa bao giờ nguôi tính thời sự trong vòng thập kỉ nay là việc xây dựng, bồi dưỡng và phát triển đội ngũ kế cận cho lớp nhà văn quân đội thời chống Pháp và chống Mĩ đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử giao phó. Trong tiểu luận Văn học về đề tài chiến tranh – thách thức, thành công và bài học, ông đã chỉ ra những điểm cốt lõi làm nên thành tựu của nền văn học cách mạng và bày tỏ sự quan ngại khi nền văn học ấy giờ đây đang phải gồng mình lên để đón nhận những thử thách mới trong thời đại toàn cầu hóa. Mặc dù bàn về những vấn đề khác nhau của đời sống văn học, có vấn đề đã thành lịch sử, có vấn đề đang hiện hữu hàng ngày, có vấn đề đang ở thì tương lai nhưng điểm chung trong những tiểu luận trên là lập luận vừa khái quát vừa chặt chẽ, dẫn chứng phong phú, sinh động, “nói có sách, mách có chứng” nên có tính thuyết phục cao.

Điểm hấp dẫn, thú vị nhất của cuốn sách, theo tôi nằm ở phần hai Bóng người. Đây là phần bộc lộ rõ nét nhất “phong cách” phê bình Ngô Vĩnh Bình. Đầu tiên là chất sử, nằm ở nguồn tư liệu quý giá. Vốn xuất thân từ giới sử học nên ông có nhiều kinh nghiệm, “bí quyết” sưu tầm và nắm trong tay nhiều tư liệu văn học, trong đó có không ít tư liệu “độc” nên mỗi khi “trình làng” là mọi người lại “ồ”, “à”, hóa ra còn có chuyện, việc thế nữa cơ đấy. Ví như trong bài viết Hoàng Lộc, cuộc đời và văn phẩm, ông đã bác bỏ nhận định cho rằng Hoàng Lộc là hiện tượng “nhà thơ một bài” một cách thuyết phục bằng hàng loạt chứng cứ không thể đáng tin cậy hơn. Đó là tờ báo Vệ quốc quân (tiền thân của báo Quân đội nhân dân) số 58, 59 xuất bản tháng 12 năm 1949. Trong mục cáo phó Hoàng Lộc, tờ báo có nhắc đến một tác phẩm khác của ông là tập bút kí Chặt gọng kìm đường số 4. Đó là tập thơ Lời thông điệp do Tin hoa xuất bản, nhạc sĩ Văn Cao vẽ bìa, in tại nhà in Đông Dương năm 1946 của nhà thơ đoản mệnh này. Thứ hai là chất báo chí. Chất báo chí trong chân dung văn học của ông được thể hiện ngay từ tên bài. Ngô Vĩnh Bình có cách đặt nhan đề khơi gợi trí tò mò, háo hức của độc giả, kiểu như Thâm Tâm không chỉ Tống biệt hành, Có nhà văn Hà Nội tên Muỗi Sài Gòn, Thoong B.C ông là ai?…

Chất báo chí thể hiện trong những lần ông lăn lộn, lùng sục khắp hang cùng ngõ hẻm, gặp gỡ các nhân chứng để tìm tư liệu viết bài về các nhân vật như Trần Đăng, Chính Hữu, Nguyễn Tư Giản… cũng như văn phong trong sáng, diễn đạt giản dị, dễ hiểu, không bao giờ “đao to búa lớn” ngay cả những vấn đề quan trọng nhất. Và sau cùng là nét hóm hỉnh trong từng chi tiết. Ông có biệt tài chộp lấy, ghi lại những khoảnh khắc vui nhộn của mỗi nhà văn. Viết về Vũ Cao, Ngô Vĩnh Bình đã dựng lên chân dung tác giả Núi đôi với những chi tiết “đặc tả” như thói quen… rung đùi, đôi giày quá khổ, nụ cười sảng khoái, với những câu chuyện đối đáp giữa ông và người chú cùng nhà thơ nữ nổi tiếng về tài cũng như tính đanh đá là Xuân Quỳnh… Miêu tả Duy Khán, ông chớp lấy những khoảnh khắc rất đáng yêu của nhà thơ khi ôm cây khóc than rằng “Thiên nhiên ơi ta yêu người hơn máy móc”. Bằng những chi tiết như thế, hình ảnh các nhà văn, nhà thơ quân đội vừa thông minh vừa hóm hỉnh, vừa gần gũi, ấm áp vừa xuề xòa, giản dị lần lượt đã hiện lên đầy sinh động dưới ngòi bút của ông.

Phần ba, Nơi con chim bay bạc đầu chưa tới đem lại một sự bất ngờ “không hề nhẹ” với những người quen nếp nghĩ ông chỉ là nhà nghiên cứu, phê bình văn học đơn thuần. Phần này tập hợp những bài bút kí văn học ghi lại cảnh vật, con người và cảm xúc qua những chuyến đi đến với đồng chí, đồng đội của ông. Có chuyến đi từ thời trai trẻ, khi ông mới “chuyển nghề” từ sử sang văn, có chuyến đi khi ông đã có thâm niên đằng đẵng mấy chục năm trời ở “nhà số 4, phố nhà binh”, có chuyến đi đến với biên giới đang ùng oàng tiếng súng, có chuyến lên non ngàn, có chuyến đến với biển đảo xanh thẳm. Ở đâu có sự hiện diện của người lính Cụ Hồ, là ở đó ông tìm đến. Qua các bài bút kí của ông, bạn đọc có sự hình dung cụ thể hơn về  đời sống sinh hoạt, suy nghĩ, tâm tư tình cảm của người lính trên mọi miền Tổ quốc… Những bút kí ấy chứng tỏ ông không chỉ là một người làm nghiên cứu, phê bình văn học “chay” mà khi cần cũng có thể tác chiến như một cây bút văn xuôi thực thụ.

Mặc dầu còn một vài “điểm trừ” chẳng hạn cách đặt tên bài có chỗ trùng lặp (Hoàng Lộc – cuộc đời và văn phẩm, Vũ Cao – văn phẩm và cuộc đời) nhưng Tác phẩm Ngô Vĩnh Bình theo tôi vẫn là một cuốn sách đáng chú ý và tạo được sự hứng thú nhất định với bạn đọc. Và đó là thành công, là niềm hạnh phúc nhất đối với một người làm nghề


Nguồn VNQĐ